Đàn ông chung vợ

Tháng ba sưa nở, tháng tư bằng lăng bắt đầu chớm tím, lộc vừng trút lá đỏ rồi soi xuống mỗi bờ nước một vầng lá non hoe hoe thắm. Không hiểu vì sao mỗi tháng tư tôi thường thấy bâng khuâng, những lúc từ đường phố về, mở cánh cửa vào căn nhà vắng người, ngồi ăn trưa một mình trước màn hình máy tính.

Cho nên những ngày cuối tuần, tôi thường nhận lời ăn trưa với một người đàn ông rất đặc biệt. Một ông già bảy mươi trải đời nhưng lại bẽn lẽn với phụ nữ như một cậu trai đôi mươi. Đến nỗi, lịch làm việc của tôi luôn để trống trưa thứ sáu cho bữa ăn đầy những chuyện trò ấy.

Đó là một người đàn ông tới Sài Gòn lần đầu trong vai trò viên chức Bộ Ngoại giao Mỹ những năm trước 1975, nhưng gần bốn mươi năm sau quay trở lại Hà Nội sau khi đã rời Bộ Ngoại giao Mỹ. Hà Nội chứ không phải Sài Gòn. Ông đã nghỉ hưu, vợ ông đã chết.

Người vợ Việt Nam ông cưới năm 1974 ở Sài Gòn đã qua đời sau ba mấy năm chung sống. Hình như cái chết của vợ khiến ông trở thành người khác, ông rất muốn trò chuyện với phụ nữ Việt, viết cho họ một cuốn sách. Không phải là cuốn diễm tình, không phải sách dạy làm giàu, mà là sách dạy phụ nữ biết cách để sống hạnh phúc giữa xã hội Việt.

Ông nói rằng, xã hội Việt Nam càng méo mó, người phụ nữ càng cần phải mài tròn những méo mó ấy, bởi họ có quyền được hạnh phúc, chứ tại sao lại phải chịu dày vò bởi những méo mó của xã hội? Và, việc mài tròn những cái méo mó khác hẳn việc lấy thân mình, lấy đời mình ra lấp cho đầy đặn những méo mó đó!

Đàn bà không tự cứu, ai cứu đàn bà?

Thật kỳ lạ, đó lại là ý nghĩ của một người đàn ông Tây nghĩ về phụ nữ Việt. Nó tiến bộ hơn cả lịch sử mấy chục năm của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cộng lại, luôn mồm kêu gọi phụ nữ hãy chất thêm gánh nặng lên cổ nhau, lôi “xã hội chức” của phụ nữ ra đánh lận thành “thiên chức”!

Tôi hỏi, thế ông nghĩ rằng phụ nữ Việt không chịu gánh nặng của thời thế hay sao? Ví như, những người bỏ chồng, không chồng mà có con, mấy chục năm trước bị phỉ nhổ, giờ được thông cảm hơn, gọi là tự do luyến ái, quyền được hạnh phúc. Đó là thời thế thay đổi, chứ đâu phải bản chất của điều ấy đã thay đổi. Cũng vẫn là đàn bà đành vứt bỏ thứ này để mang vác thứ kia thôi mà!

Ông giáo sư trầm ngâm rồi kể bằng tiếng Mỹ trộn lẫn tiếng Việt: Cô có biết người phụ nữ Việt hạnh phúc nhất mà tôi từng gặp là ai không? Không phải là vợ tôi! Vợ tôi vẫn giữ rất nhiều nếp nghĩ của đàn bà Việt.

Năm 1974 tôi gặp một cô gái ở Sài Gòn.  Cô ấy không đẹp mấy, không đẹp bằng cô bạn gái người Hongkong của tôi lúc đó, càng thua kém cô bạn gái người Mỹ của tôi trước đây. Tôi lúc đó chưa vợ nhưng không tán tỉnh cô ấy, vì cô ấy đã có chồng người Việt Nam, và hai đứa con ở Nha Trang.

Trước thời điểm 1975, cô biết rồi đó, xã hội rất rối loạn. Người chồng Việt đã đồng ý cho cô ấy lấy một người chồng khác, là phi công Mỹ. Với hy vọng có thể đưa gia đình rời khỏi Việt Nam. Tức là cô ấy và hai đứa con làm sao có thể đi theo anh chồng mới sang Mỹ. Còn người chồng Việt, anh ấy sẽ ở lại Việt Nam. Anh ấy chỉ hy vọng cho vợ một tương lai khả dĩ, đơn giản nhất là vợ con được sống trong thời buổi tên bay đạn lạc. Việc đó, một anh đàn ông tay trắng ở một thị xã không làm được.

Rất tiếc là sự thể không như dự tính: Vào ngày cuối cùng rời Sài Gòn, chỉ có mình cô ấy đi theo được anh phi công Mỹ mà không thể ra Nha Trang đón con. Và, cô ấy lại không hề yêu anh chồng Mỹ. Nhưng bi kịch hơn là khi sang Mỹ, cô ấy đã gặp một người Thụy Sĩ, và yêu người đàn ông Thụy Sĩ này.

Người đàn ông Thụy Sĩ lại không thể ở lại Mỹ lâu hơn. Cô ấy không thể quay về Việt Nam với chồng con, cô ấy không thể bỏ anh chồng Mỹ, cô ấy không biết tình yêu đưa mình đến đâu. Nhưng chính người chồng Mỹ đã chấp nhận sự thật, anh ta làm tất cả những thủ tục giấy tờ cần thiết để sau giai đoạn “quá độ” ở đất Mỹ, cô gái Việt Nam có thể sang Thụy Sĩ với người yêu.

Và người phụ nữ Việt Nam đã sống với người chồng thứ ba cho đến ngày hôm nay, với ba đứa con chung. Khi người chồng Mỹ chết, người chồng Thụy Sĩ đã đưa cô sang Mỹ viếng chồng Mỹ. Khi người chồng Việt Nam ốm, người chồng Thụy Sĩ lại đưa vợ về Nha Trang thăm chồng Việt Nam.

Tôi vừa ngậm ngùi vừa buồn cười, bởi: hóa ra định nghĩa hạnh phúc của ông là, phụ nữ nên có ba chồng một lúc?

Ông già Mỹ trầm ngâm nói: Không, số lượng chồng không chứng minh cho cái gì của đàn bà cả! Nhưng một người đàn bà dám yêu và sống vượt qua được thị phi và định kiến, cùng với sự ứng xử có tình người và văn minh của những người đàn ông đã tạo nên hạnh phúc của người đàn bà!

Bây giờ đến lượt tôi im lặng, trầm ngâm.

Thật kỳ lạ tháng tư, thời gian như một thứ hạnh phúc không màu!

Trang Hạ

Tháng 4/2013

http://www.dep.com.vn/Cookies-tra-chieu/Dan-ong-chung-vo/23698.dep

Một suy nghĩ 30 thoughts on “Đàn ông chung vợ”

  1. Tuyệt vời! Mặc dù người của Hội LHPN VN hơi tự ái đôi chút nhưng tiếc rằng đó là sự thật. Phụ nữ VIệt chưa thực sự giúp được nhau hạnh phúc mà vẫn đang chất chồng gánh nặng lên đôi vai phụ nữ với mỹ từ ” Thiên chức”. Cảm ơn Trang Hạ với một câu chuyện hết sức sâu sắc và ý nghĩa.

  2. Chị ơi, chỉ qua một mẩu chuyện nhỏ mà chị làm em tò mò về cuốn sách đó quá! Chị có thể cho em biết cuốn sách ấy là gì được không ạ? Nếu không tiện public em cũng rất mong chị sẽ trả lời em qua mail. Cảm ơn chị nhiều!

  3. “sự ứng xử có tình người và văn minh của những người đàn ông đã tạo nên hạnh phúc của người đàn bà” thích câu này ^^

    1. Theo tôi, bất cứ người phụ nữ nào cũng mong muốn được hạnh phúc. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn có được. Và khi không thể có được, không phải vì họ không biết đấu tranh, cũng không hẳn vì cái mỹ từ “Thiên chức” (đã được đánh lận để biến tấu từ cái gốc của “xã hội chức”). Mà đúng hơn là họ đang vì những đứa con thân yêu của họ.

      Lòng mẹ vốn bao la, mấy ai đành đem hạnh phúc của con mình để đánh đổi lấy hạnh phúc riêng cho mình? Tôi không cổ vũ phụ nữ phải hy sinh trong mọi tình huống. Tất nhiên với những trường hợp đặc biệt, các bạn cần phải mạnh mẻ tìm lối thoát. Đó cũng là cách dạy con biết tự tôn trọng bản thân.

      Tuy nhiên, nếu có thể cho con một người bố, thiết nghĩ chúng ta vẫn có thể vì con. Ý tôi muốn nói đến những người đàn ông không khéo làm chồng nhưng lại giỏi làm cha.

      “Xã hội Việt Nam càng méo mó, người phụ nữ càng cần phải mài tròn những méo mó ấy, bởi họ có quyền được hạnh phúc, chứ tại sao lại phải chịu dày vò bởi những méo mó của xã hội? Và, việc mài tròn những cái méo mó khác hẳn việc lấy thân mình, lấy đời mình ra lấp cho đầy đặn những méo mó đó!”.

      Tôi hoàn toàn đồng ý với điều này. Nhưng mỗi người có một cách thực hiện khác nhau, e rằng đến lúc đó lại xảy ra nhiều vấn đề mới. Sẽ ra sao nếu tất cả mọi người ai cũng sống riêng cho mình?

      “Sự ứng xử có tình người và văn minh của những người đàn ông đã tạo nên hạnh phúc của người đàn bà”. Mình rất thích câu nói này, bởi vì xem ra nó đúng nhất đấy. Người đàn bà sẽ không thể tự cho mình hạnh phúc nếu không có những người đàn ông như thế.

      1. Vậy có ai hỏi ý kiến của những đứa con: nó có chấp nhận đánh đổi cuộc sống “hạnh phúc” với những tháng ngày đầy nước mắt của mẹ không? mình tin rằng một người chồng không tôn trọng và yêu thương vợ thì không thể nào yêu thương con gái mình đúng cách được. Còn cái gọi là “hạnh phúc” cũng có tính tương đối, không phải cứ gia đình nào ly dị là con cái bất hạnh, thậm chí nó còn đỡ kinh khủng hơn việc bắt con cái phải chứng kiến bạo lực gia đình hay bất bình đẳng giới thường xuyên bởi vì chí ít điều đó còn đem lại hy vọng cho con cái (đặc biệt là con gái) rằng dẫu quá khứ đã mắt sai lầm thì hiện tại vẫn còn hy vọng thay đổi cuộc sống, và bởi vì trong cuộc đời có ai không từng nhầm lẫn.
        Mình chưa làm mẹ, chỉ mới làm con thôi, nhưng cái cảm giác ray rứt khi bị bắt phải chấp nhận cuộc sống “hạnh phúc” được đánh đổi bằng nỗi buồn của mẹ là điều khiến mình hối hận nhất trong suốt 22 năm sống trên cuộc đời này! Và cuộc hôn nhân bế tắc nhưng không thể giải thoát được của người lớn đã mài mòn gần như toàn bộ niềm tin vào hạnh phúc gia đình của một đứa con gái mới lớn, bởi mình sợ đến tận xương tủy vũng lầy ngay trước mắt đó !

  4. Thật sự em rất rất …. rất sợ mấy ” chữ vàng” dành cho phụ nữ Việt Nam (anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang). Để được “khen tặng” mấy chữ đó, có người phụ nữ đã ở góa từ tuổi 18 và cô độc cho đến chết khi người chồng (cô “được gả” thông qua mai mối) chết trận, dù cho 10 năm sau đó có người đàn ông cô thực lòng yêu thương ngỏ lời muốn nắm tay cô đi đến cuối đời; hay có nhiều rất nhiều người phụ nữ dù bị người chồng ngoại tình, cờ bạc, thất nghiệp đánh đập rất dã man nhưng vẫn cắn răng hầu hạ, phục vụ chồng, chăm lo cho cả gia đình bên phía chồng bởi cái “thiên chức” làm vợ, làm con dâu phải thế!….Những lời khen tặng bị chụp mũ đôi khi trở thành gông xiềng hay những “hình phạt” man rợ không kém những trò tra tấn thời trung cổ và kéo dài cả cuộc đời (nói là “hình phạt” bởi đôi khi chính những người phụ nữ tự mang vào mình dưới sự nhồi sọ và đầu độc từ bé của xã hội, dưới áp lực của những người xung quanh mà đặt biệt là của những người phụ nữ khác như mẹ chồng, chị em chồng, hay thậm chí là bạn bè). Phụ nữ đã bị động hoặc chủ động chấp nhận cuộc sống buồn, tủi, cô độc hay cay đắng đầy nước mắt để đổi lại mấy lời “khen tặng” trong khi đàn ông chẳng cần quan tâm người khác suy nghĩ gì về mình họ hưởng thụ cuộc sống một cách vui vẻ, phóng khoáng nhất có thể. Âu cũng là sụ lựa chọn của bản thân cho kiếp người.
    p/s: hôm trước đọc mấy bài báo về người phụ nữ cưới vợ hai cho chồng vì không sinh được con trên báo bảo vệ pháp luật http://baobaovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/goc-van-hoa/201306/nguoi-phu-nu-cuoi-vo-cho-chong-2245563/. Đoc xong khong biết nói gì luôn !!! (đưa tin đẻ khuyến khích sao?). Tư hỏi phụ nữ Việt nam bao giờ mới hết khổ? phụ nữ cứ không sinh được là trở thành phế vật sao? còn đàn ông không những không bảo vệ được vợ con mà còn đánh đạp hành hạ họ thì gọi là gì?!

  5. Hạnh phúc của cô gái đó…ở VN có làm được như vậy không? Chỉ ở Mỹ, hay Thụy Sĩ thui, hay túm lại là ở các nước phát triển! Còn ở VN nếu có làm như vậy cũng chưa chắc được HP vì XHVN vẫn còn tư tưởng phong kiến lắm lắm…((:

  6. Thực tế, và qua bài viết này, cho thấy, người phụ nữ nào dũng cảm, người đó tìm được hạnh phúc. Người đàn bà trên rất dũng cảm, sống cho mình, cho tình yêu và cuộc sống của mình, vậy nên bà ta hạnh phúc. Nhưng, hạnh phúc của bà ta được trả bằng sự bất hạnh của những người chồng và các con bà. Thế đấy, chẳng thể nào hoàn hảo.

    1. Ai bảo là những người chồng và các con của bà bất hạnh?? Con người biết sống bao dung, nhân ái và giàu tình thương…sẽ là những người hạnh phúc!
      Có lẽ ông nên viết một cuốn sách khai sáng cho những người đàn ông Việt trước! 

    2. Suy nghĩ của Ngo Thuc rất giống với một vài người bạn của t, cho rằng hạnh phúc của mình đổi lại bằng bất hạnh của ng khác. T thì nghĩ không phải như vậy. Bạn t có chồng rất khó tính, không cho vợ sơn móng tay và nhuộm tóc, cho rằng đó là lăng loàn, đua đòi, hư hỏng, mất dạy. Tôi chỉ nghĩ, móng tay và đạo đức chả liên quan gì đến nhau, người phụ nữ làm đẹp một chút, yêu đời một chút, cũng sẽ hạnh phúc lên một chút. Nếu ng chồng hiểu được cốt lõi vấn đề là móng tay, mái tóc của vợ mình, muốn làm gì nó là quyền của vợ mình, chứ không phải là quyền của mình, và nếu làm như vậy mà cô ấy vui, thì mình cũng nên vui mới phải. Anh ta chỉ bất hạnh vì anh ta cứ đòi toàn quyền quyết định chuyện vợ mình mặc quần lót màu gì, sơn móng tay màu gì, cắt tóc kiểu gì, chứ chẳng ai làm anh ta bất hạnh cả. Hiểu được rồi, vợ vui, anh ta cũng vui. Không hiểu được, vợ không sơn móng thì ko vui vì ko được sống theo ý mình, mà sơn móng cũng không vui vì chồng không vừa ý.

  7. Cảm ơn Trang Hạ nhiều vì bài viết này. Đọc Trang Hạ đã làm cho tôi mạnh mẽ hơn rất nhiều. Có thể đây là điều giúp tôi đưa ra một quyết định quan trọng cho đời mình.

  8. Trong ba nguoi chong thi co le nguoi chong Viet la quen minh nhat. Dung la co ay dung cam, khi ra san bay voi nguoi ma co ay khong yeu, de hai dua con o lai.

  9. dũng cảm là 1 phần nhưng còn do cách xử xử thông minh của những người đàn ô nữa. Người phụ nữ trong bài viết này của Trang hạ là ng may mắn vì toàn gặp được những người đàn ô tốt, thử nếu những người đàn ô này ko tốt xem, cd cô ta thành địa ngục ngay lập tức. HIC

  10. “sự ứng xử có tình người và văn minh của những người đàn ông đã tạo nên hạnh phúc của người đàn bà”. đọc đi đọc lại mãi câu này.

  11. Tôi chợt nhận ra một điều mà các Cụ nhà ta đã tổng kết : ” Những người xấu ( KHÔNG ĐẸP ) duyên lặn vào trong còn những người đẹp ( KHÔNG XẤU ) thì duyên bong ra ngoài .

  12. Không phải ai cũng có thể dám vượt qua mọi rào cản để sống với tình yêu của mình, dù rất muốn, nhưng đành phải vì con, vì chuẩn mực chung của xã hội, không thể vượt qua thị phi

  13. Cô gái ấy nếu có thể sống hạnh phúc khi để lại hai đứa con nơi đang chịu mưa bom lửa đạn, thì kiểu hạnh phúc đấy mình thực sự không thích. Xã hội, có những cái chuẩn mực cũng là rào cản, n thực sự thì, khi đã được cả xã hội coi là chuẩn mực, nó cũng phải có giá trị riêng của nó chứ 😦

  14. TH viết truyện hay,sâu sắc.Nhưng tôi chẳng hiểu trong chuyện này TH định khen cô gái trong câu truyện kia cái gì?Và định dùng câu truyện này để cổ súy cho phụ nữ về điều gì?Tây cũng như ta,người phụ nữ có quyền bình đẳng tuyệt đối với đàn ông,song đã là người Mẹ thìTa cũng như Tây chẳng ai lại nỡ bỏ lại 2 đứa con để lo cho hạnh phúc của riêng mình thì chẳng có gì để tung hô lên như thế.Bên Tây có rất,rất nhiều người Mẹ hy sinh cuộc sông của mình để bảo vệ,bao bọc những đứa con,Và đó mới là hạnh phúc!!!!

  15. Câu chuyện bạn Trang Hạ ghi lại — mà tôi tin là chuyện thật, không phải hư cấu — khiến tôi chợt nhớ tới 2 nhận xét sẽ nêu lại sau:

    1/ Một nhà giáo, cũng là nhà nghiên cứu văn học, lại cũng từng là quan chức cấp cao, một lần gặp lại, trong câu chuyện có nói một nhận xét mà tôi khó quên, theo ông, xã hội hiện tại và tương lai sẽ chuyển từ gia đình phụ hệ (coi đàn ông là yếu tố chính của gia đình) thành gia đình mẫu hệ (coi đàn bà là yếu tố chính của gia đình), là vì vai trò người mẹ là rất lớn và điều đó ngày càng được tỏ rõ trong cuộc sống hiện tại và tương lai. Có thể trong tương lai, giới lập pháp các quốc gia sẽ phải tính tới việc đưa điều này vào hệ thống các quy phạm pháp luật, bắt đầu bằng việc đặt ngang nhau quyền đặt tên con theo họ mẹ hay theo họ cha, quyền thừa kế, v.v…

    2/ Một nhà thơ đồng thời là triết gia Nga, từ cuối thế kỷ XIX đã kinh ngạc và lo sợ khi nhận ra xu thế tuyệt đối hóa xã hội nam quyền, phụ quyền của người Tàu. Bởi theo ông, cấu trúc “nhà – họ – nước” ở xã hội người Tàu là xuất xứ từ người đàn ông; mỗi người đàn ông sẽ là vua, là chúa, là hoàng đế trong cái gia đình, đại gia đình mà họ là chủ; và mỗi người đàn ông sẽ có tiềm năng là hoàng đế của cả thế giới, vì con trai, cháu trai, chắt trai của họ cũng sẽ là vị chúa tể như cha mình, ông mình, cụ nội mình. Người đàn ông nào cũng lập nên một thế giới dưới gầm trời (thiên hạ) này; vậy thì phải làm chiến tranh, lúc nào cũng phải làm chiến tranh. Logic của xã hội nam quyền từ trong quan niệm truyền thống của người Tàu — mà nhà thơ kiêm triết gia Nga nọ phát giác ra và kinh sợ — là như thế.

    Vậy, xã hội người trong tương lai nên chọn hệ nào?

    1. Việt Nam là một XÃ HỘI MẪU HỆ thời hiện đại!

      Vì có comment của 1 bạn ở status trước nên mình chú thích riêng vào đây cho rõ ràng, vì quá dài:

      Giáo sư Y. là giáo sư về dân tộc học và Việt Nam học nổi tiếng của Đài Loan, là một trong bảy giáo sư đầu ngành về nghiên cứu Việt Nam của Viện nghiên cứu Trung Ương Đài Loan. Ông từng được Viện Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn của Việt Nam mời sang Hà Nội tham gia các hội thảo, nghiên cứu, tọa đàm, giảng dạy nhiều lần từ năm 2007 đến nay, ông cũng tổ chức liên kết đào tạo và trao đổi học thuật giữa các trường Đài Loan và các trường Đại học tại Việt Nam.

      Nghiên cứu của giáo sư Y. (nghiên cứu được làm khi ông còn làm giáo sư ở Đại học quốc lập Trung Ương Đài Loan, hiện nay ông đã chuyển sang Đại học Sư Phạm Đài Loan) cho rằng Việt Nam là một xã hội mẫu hệ thời hiện đại nếu nhìn nhận dưới góc độ này:

      1. Về nguyên tắc: Đặc điểm của xã hội mẫu hệ là người phụ nữ giữ vai trò quan trọng trong sản xuất, trong đời sống gia đình và ngoài xã hội. Ở Việt Nam đang có hiện tượng xã hội mẫu hệ thời hiện đại:

      – Người phụ nữ đảm nhận khối lượng công việc xã hội tương đương đàn ông (gia đình 2 lương, vợ chồng phải cùng có sự nghiệp, giỏi việc nước…) phụ nữ cũng làm 8 tiếng / ngày. Nhưng những nghề phụ nữ làm có rất nhiều nghề dịch vụ vất vả, bẩn thỉu, nguy hiểm, thu nhập kém, mà đàn ông rất ít làm.

      – Phụ nữ đảm nhận khối lượng công việc nhà gấp nhiều lần đàn ông. Phụ nữ dành nhiều thời gian trong ngày để chăm sóc gia đình hơn, thiếu thời gian nghỉ ngơi.

      – Về tài chính, có thể người vợ thu nhập kém chồng, nhưng tỉ lệ phần trăm thu nhập của vợ dành để chi tiêu cho gia đình luôn lớn hơn tỉ lệ phần trăm thu nhập của chồng chi cho gia đình. Nên thực ra phụ nữ mới là người duy trì cuộc sống gia đình. Cả về sức khỏe, thời gian, tiền bạc, tâm trí.

      – Về quyền quyết định trong gia đình: Người vợ tham gia hoặc quyết định phần lớn các chi tiêu trong gia đình hoặc hướng phát triển của gia đình, giáo dục của con cái, y tế chăm sóc của gia đình, vui chơi giải trí v.v…Và người vợ phải chịu trách nhiệm chủ yếu về những quyết định đó.

      Guồng máy xã hội và gia đình đang vận hành dựa phần lớn trên sự đóng góp của những người phụ nữ trong xã hội Việt Nam.

      2. Về những đặc điểm khác biệt so với xã hội mẫu hệ truyền thống:

      – Về hình thức: Xã hội mẫu hệ truyền thống có thể là vợ hỏi cưới chồng, con mang họ mẹ. Còn ở VN thì không.

      – Về nội hàm tinh thần: Xã hội mẫu hệ tôn thờ và tôn trọng người phụ nữ. Xã hội VN thì ngược lại, coi thường người phụ nữ, trọng nam khinh nữ, gia trưởng.

      => Rút ra nhận xét là, xã hội VN về đạo đức và tinh thần thì đang như một xã hội không tôn trọng phụ nữ, nhưng về vật chất thì là một xã hội đang vận hành nhờ phụ nữ, có các đặc điểm của một hình thức mẫu hệ thời hiện đại.

      https://www.facebook.com/blogTrangHa/posts/10151716957190684

    2. Có một cái nữa là, những gì đàn ông VN coi là việc lớn và việc nặng (xây nhà, điện nước, khuân vác, đóng đinh) thì học giả coi đó là chuyện nhỏ, (tiền làm được, nhà ko có đàn ông vẫn đầy đủ chả kém ai). Còn những gì đàn ông VN coi là việc nhỏ (cơm nước, con cái, dạy con học, chăm con ốm, nuôi con sơ sinh, quà cáp đối nội ngoại, chi tiêu gia đình, mua sắm cho tương lai) thì người ta lại coi đó mới là việc lớn của một gia đình! Thậm chí giáo dục + y tế và quán xuyến cho gia đình là những việc cực kỳ quan trọng và lớn lao nhưng hầu hết đàn ông VN tự cho phép mình đứng ngoài. Có ông ko bao giờ đi họp phụ huynh cho con, ko biết con đang học gì, cho con lớp 1 / lớp 6 cũng toàn các mẹ chạy vạy, hỏi han xem cô nào tốt, trường nào hay, bác sĩ nào giỏi v.v…
      4 Tháng 11 lúc 17:40 · Thích · 18

      Trang Hạ Trangha Nhưng bây giờ mà nói là có học giả nước ngoài nghiên cứu và chỉ ra rằng đàn ông Việt Nam không phải là trụ cột của gia đình, là thể nào cũng vô số đàn ông và rất nhiều phụ nữ xông vào ném đá, mà là ném đá tớ, chứ còn gì nữa.

  16. Trang Ha noi chinh xac, dung la xa hoi Viet nam dang o giai doan ”nua chung xuan” nhu vay. Nhung khong phai ai cung hieu duoc sau sac nhu the va mong muon thay doi xa hoi de phu nu duoc ton trong dung nhu ban chat va dong gop cua ho cho gia dinh va xa hoi. Neu khong giai phong phu nu khoi nhung hu tuc, cach nghi phong kien, trong nam khinh nu nhu hien nay thi xa hoi mai mai se khong the tien bo duoc. Va neu xa hoi khong tien bo thi chang phu nu nao duoc hanh phuc ca. Va dan ong se muon doi bi len an cung chang sung suong, ve vang gi.

  17. Hi sinh để con có Dc người cha chưa hẳn con sẽ có Dc hạnh phúc. Thậm Chí trong nhiều trường hợp nó chỉ nhân lên nỗi bất hạnh cho con cái ma thôi.

  18. Du bat cu mau da hay quoc tich nao. Nguoi dan ba cung xung dang duoc huong hanh phuc. Mot chong, ba chong hay nhieu hon, quan trong nhat la nguoi phu ay tim duoc hanh phuc.

  19. Vì đi tìm hạnh phúc mà người vợ bỏ chồng con ở VN( mối tình đầu) để ra nước ngoài tìm hạnh phúc với 2 người chồng nữa! Thật không thể hiểu nổi?

Gửi phản hồi cho chiec la Hủy trả lời