Tổ ấm của đàn ông

Cuối năm, một anh bạn thân mời tôi tới nhà ăn cơm. Anh nói, thường anh không bao giờ mời bạn bè đồng nghiệp là nữ tới nhà chơi, vì vợ anh rất ghen tuông. Nhưng tôi là biệt lệ.

Tôi rất ngạc nhiên khi vừa mở cửa bước vào nhà, tôi đã đi ngay vào gian bếp của nhà anh. Bếp núc ngăn nắp sạch sẽ, bày biện gian bếp có thẩm mỹ. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ gặp một căn hộ nào mà thiết kế bếp ở ngay nơi cửa ra vào. Và khi mở cửa, bạn cởi giày tất ra để trên sàn bếp, rồi đi xuyên qua gian bếp mới vào đến phòng khách.

Anh bạn tôi nói, người thiết kế căn hộ cũng đã bàn bạc với chủ nhà mãi mới cho ra thiết kế nội thất này. Một phần vì diện tích căn hộ vài chục mét vuông nhưng đã ưu tiên phá hai gian để làm thành một phòng khách rất rộng, có quầy bar và khoảng sinh hoạt trẻ em. Một phần nữa là bởi không thể bớt một phòng ngủ để làm bếp, dù chỉ có hai vợ chồng và một đứa con nhỏ, anh vẫn muốn duy trì ba phòng ngủ độc lập. Ít nhất, để hai vợ chồng chỉ ngủ cùng nhau những lúc muốn ngủ bên nhau, chứ không phải chỉ vì… nhà có một giường đôi.

Bạn tôi nói, nếu ở nhà thành phố chật chội, có những nhà chỉ chục mét vuông sàn, thì có khi tầng một là nhà bếp và máy giặt, tầng hai là phòng ngủ và tivi, tiếp khách; tầng ba là chỗ trẻ con. Thế thì dù họ không cố ý, khách bước vào cũng vẫn bước chân vào căn bếp và phần công trình phụ ngay còn gì!

Tôi thắc mắc, bếp núc là của đàn bà con gái, vậy có bao giờ anh thấy bất tiện khi luôn phải đi qua “lãnh địa” của vợ trước khi vào được nhà? Anh bạn tôi nói, bếp là lãnh địa của anh. Anh thích nấu ăn cho cả nhà, anh thích đi chợ, đi siêu thị mua sắm cùng vợ. Và anh nói, chút nữa tôi sẽ nấu ăn cho bạn xem.

Đàn ông thế này, thảo nào bà vợ luôn ghen tuông sợ mất?

Tôi nhớ những lời chỉ dạy từ thời còn thiếu nữ, rằng sau này nếu lấy chồng, đi mua bát phở cho chồng nhớ mang theo vung đậy kín, vừa khỏi bụi vừa nữ tính đảm đang. Rằng nhìn gian bếp thấy người đàn bà, đàn ông chỉ xây nhà còn đàn bà phải xây tổ ấm. Hồi đó, tôi chỉ cắc cớ nghĩ thầm, thế chả hóa ra, ông chồng cứ có tiền mua một căn nhà, xong là có quyền đi đêm về hôm, về nhà nằm khểnh chờ cơm bưng nước rót, cả đời có người hầu hạ và chăm lo cho ông một gia đình đầm ấm, con ngoan, nhà sạch?

Thật thú vị là, những quảng cáo bột nêm ở nước ngoài là hình ảnh người đàn ông nấu cho người mình yêu ăn món ngon, nấu canh cho vợ con hạnh phúc bên món mới. Còn quảng cáo bột nêm ở Việt Nam thì ngược lại, luôn là bà vợ nấu cơm canh thật ngon và ông chồng chỉ phải vác mồm ngồi chờ. Và hạnh phúc của cô nàng quảng cáo là ông chồng ăn xong, gật đầu một cái, là nàng sướng rơn như được trao chứng nhận hạnh phúc của tổ ấm!

Tôi nhận ra tổ ấm nóng lạnh có nhiều khi phải bởi chồng. Nếu đàn ông xây xong nhà, không hề nghĩ tới việc cùng vợ chung tay chia sẻ gánh vác việc xây tổ ấm, tôi sợ, cái tổ ấm ấy có lẽ lệch như thể đũa gắp một chiếc.

Đôi khi tâm lý xã hội đã dồn cho phụ nữ những trách nhiệm đáng lẽ chia đều cho cả hai vợ chồng, nếu họ thực sự muốn chung tay xây dựng một cuộc sống chung đôi hạnh phúc. Ví dụ như, những cửa hiệu dọc phố chỉ bán đồ “mẹ và bé” chứ không ai định kinh doanh theo hướng “bố và bé”, dù con là con chung. Những bài hát thiếu nhi tiếng Anh mới có chuyện khi hỏi về những công việc của đôi tay, thì “My dad’s hands are washing dishes” – tay bố đang rửa bát đĩa. Sách giáo khoa Việt Nam thì minh họa đàn ông đang làm những việc danh giá như cảnh sát, giáo sư, chỉ huy, và phụ nữ làm những nghề như bán hàng vặt, nuôi trồng cấy hái vất vả.

Nên chúng ta luôn thấy, người đàn ông rửa bát thật kỳ. Người đàn ông đi chợ nấu cơm hiếm. Và người đàn ông tự hào về gian bếp càng hiếm hoi hơn, như anh bạn tôi.

Anh nói, nếu bảo chỉ đàn bà mới có quyền và có khả năng xây tổ ấm, thì chính là một cách kỳ thị đàn ông. Chúng tôi có bị thiểu năng đâu, chúng tôi khối tài lẻ và chúng tôi cũng yêu gia đình chẳng kém các bà vợ!

Tôi nghĩ, chắc phải còn rất lâu nữa, khi những cái địu trẻ sơ sinh được quảng cáo bằng hình bố địu con, những chương trình truyền hình “Bà nội trợ thông thái” được đổi tên thành “Người nội trợ thông thái”, hoặc xã hội xuất hiện tầng lớp thanh niên tiến bộ có khái niệm “ông nội trợ” thay bà nội trợ, may ra cái kỳ thị giới tính mà anh bạn tôi đắn đo kia mới dần dần biến mất.

Đàn ông, càng giỏi giang càng hoàn hảo, sẽ càng có khả năng khiến những người phụ nữ ở bên họ hạnh phúc, không phải vậy sao?

Một suy nghĩ 30 thoughts on “Tổ ấm của đàn ông”

  1. Anh nấu ăn hơi bị ngon, giỏi nhiều thứ, anh hoàn hảo, thế mà Trang Hạ cự tuyệt anh là sao? Anh đi chết đây!

  2. em theo dõi blog chị cũng lâu, nhưng đến bài “TỔ ẤM CỦA ĐÀN ÔNG” em rất thích
    cũng là câu chuyện đàn ông xây nhà đàn bà xây tổ ấm thôi, em thấy thế này
    bố em cũng hay nấu ăn, cũng biết đủ các món từ nhỏ tới lớn trong lĩnh vực nội trợ, mẹ em còn khéo hơn, nhưng bố em ít khi vào bếp ngày thường, chỉ “trổ tài” lúc mẹ đi vắng hoặc mẹ có việc bận, đau ốm, đương nhiên mọi việc khá ổn, bố em thường bảo là “không phải vì tao không làm được, mà vì tao không muốn làm thôi”

    em nghĩ: liệu đến 1 lúc, khi mà đàn ông tự nguyện làm nội trợ, tự nguyện đi vào bếp, thì cái công việc đó, có vô hình chung, trở thành công việc thường nhật của họ không? và có thể, nó trở thành “bổn phận” của họ, thay cho đàn bà hay không?
    bởi vì cạnh nhà em, có 1 ông chồng, bị vợ bắt nạt, ngày nào cũng đi làm về sớm, đón con, nấu cơm, chuẩn bị các thứ, trong khi đó bà vợ, làm ở xa hơn 1 tí, thì thong thả, có hôm còn đi về muộn, về tới nhà là cơm nước đầy đủ chỉ việc xơi.

    em nghĩ là đàn ông không thiếu người đủ khả năng làm được mọi thứ, thậm chí yêu thích ẩm thực, yêu nấu nướng – như bố em 😀 nhưng họ không muốn vào bếp, vì họ không muốn cướp đi công việc của các bà nội trợ, hay đơn giản vì họ không muốn đàn bà quên đi công việc nội trợ đấy

    bản thân em thì sẽ học tập bố em, 😀 nhưng quan điểm của em là chia sẻ 1 phần công việc nội trợ (đúng lúc, đúng thời điểm) chứ không đảm đương công việc đó, em nghĩ tỉ lệ 30 – 70 là phù hợp 😀

  3. Ngưỡng mộ ông bạn chị quá! không cần mọi ông chồng đều yêu việc bếp núc, chỉ cần họ có ý thức thì chị em cũng đã mãn nguyện lắm rồi. Đằng này, mọi thứ đều nghĩ là bổn phận của vợ. Thật chán!

    1. Đừng mất cảnh giác, ông này cũng là một ông gia trưởng nặng nề đấy! Có điều nó bộc lộ ra ở mặt khác thôi!

  4. Em chờ mãi bài viết của chị và hôm nay đã được thỏa mãn. Cảm ơn chị nhiều lắm 😡

  5. Đọc bài này nhớ cha e, khi ông còn thì bếp lúc nào cũng đỏ lửa, bữa cơm nào cũng được com ngon canh ngọt, ông đi rồi.. để lại một khoảng trống quá lớn, và dù có vẫn cơm nước hàng ngày cũng ko được như khi có ông. Lúc nhỏ ai cũng bảo mẹ con e sướng, đúng, vì bố e đi làm ở cơ quan về thì cơm ngon canh ngọt chờ mấy mẹ con đi làm đồng về…đồ đạc trong bếp thì toàn bố sắm, sắp xếp.

  6. Đã có thời phụ nữ mình được ưu tiên lắm đấy chứ , vậy nên mới có chế độ :” Con ốm mẹ nghỉ” . Cũng chính vì ưu tiên thế nên ông chồng được thể, bỏ bê vợ con ốm đau, nói rằng : ” làm gì có chế độ con ốm bố nghỉ, việc nuôi, chăm sóc con là của đàn bà”. Còn chuyện bếp núc, thú thật, tôi thấy nhiều người đàn bà đoảng vị thì lại có ông chồng tuyệt vời trong nấu nướng, chợ búa…

  7. Gửi Chị Trang Hạ
    Em rất thích đọc văn của chị nhưng dạo này em thấy chị viết hơi nhiều về vấn đề bình đẳng giới bằng những câu chuyện về đàn ông tham gia làm những việc mà xã hội cho là của phụ nữ. Em không thích cách nhìn ấy, không thích cách cứ phải xông vào làm việc của nhau mới là bình đẳng. Hôm nọ nhân ngày 08/03, em có đọc bài viết của NV Nguyễn Ngọc Tư ca ngợi về việc me chị ấy và chị của chị ấy đã biết tự giải thoát họ khỏi cái bóng của đàn ông bằng việc họ có thể làm tất cả mọi việc không cần đàn ông. Hôm nay em lại đọc bài này của chị và em cảm thấy thông điệp là: Người phụ nữ hẳn sẽ rất vui nếu có người bạn đời thay mình biết làm và làm tốt những việc mình hay phải làm, nấu ăn giặt dũ, …. Liệu, những người mẹ người chị của Chị NGuyễn Ngọc Tư có nên cứ đi làm thay những việc của đàn ông và luôn cảm thấy mình được bình quyền không. Liệu, những người đàn ông cứ di làm những việc của người phụ nữ thì người phụ nữ có làm thay được việc của người đàn ông không???. Em thấy vấn đề ở đây không phải là bảo các đạo diễn quảng cáo hãy cho quảng cáo hạt nêm bằng hình ảnh người đàn ông mặc tạp dề nấu bếp và người phụ nữ đi làm về chạy vào nếm xuýt xoa, càng không phải bắt các nhà xuất bản đổi tên cuốn sách Bà nội trợ thành Ông nội trợ.
    Vấn đề ở đây là ông trời đã băn tặng cho 2 giới, mỗi giới một đặc điểm riêng: Đàn ông có sức khỏe, có sự can đảm, có nội tiết tố Testosterone, đàn bà về sức khỏe không bằng đàn ông, nhưng ở đàn bà có sự kiên nhẫn có sự tỉ mỉ và có nội tiết tố Estrogen. Vì thế để họ tận dụng được hết hiệu quả của những đặc điểm này hãy để cho làm đúng những công việc của họ. Vấn đề ở đây nữa là: Người phụ nữ hạnh phúc không phải là người phụ nữ có chồng biết nấu ăn ngon, có chồng biết tham gia vào việc bếp núc, bình đẳng giới không phải là cứ đàn ông làm việc đàn bà, đàn bà làm việc của đàn ông. Em nghĩ bình đẳng giới là làm cho cả hai cùng hạnh phúc bằng cách những ông chồng hãy làm cho mình có một sự nghiệp để phấn đấu hay ít ra là có một công việc để yêu thích khám phá, hãy quan tâm tinh tế đến vật chất và tinh thần của người vợ, hay dạy dỗ những đứa con bằng những kinh nghiệm của người cha, hay nuôi dưỡng những quan hệ quanh mình với tấm lòng chân thành nhất. Còn người phụ nữ hãy cố gắng độc lập tối đa cả tình cảm và vật chất, hãy say mê hết lòng với công việc kể cả những công việc đơn giản, thủ công, hãy chăm sóc những người thân của mình vô điều kiện, hay lo lắng cho mái ấm của mình khỏi mọi biến cố, hãy dạy dỗ con bằng tiếng ầu ơ của người mẹ. Em nghĩ khi người đàn ông và người phụ nữ làm được những điều trên thì cũng có nghĩa là trong gia đình người phụnữ đã bình đẳng với nam giới vì đơn giản người phụ nữ sẽ thấy mình bình đẳng khi suy nghĩ của họ được độc lập và bình đẳng chứ chồng họ nấu ăn cho họ, chăm con cho họ mà họ chả được quyết cái gì thì bình đẳng ở đâu. Còn đối với xã hội muốn bình đẳng giới người phụnữ còn cần phải có khoa học công nghệ đi kèm nữa cơ.

    Em thích chị viết về sự tinh tế trong quan hệ giữa đàn ông và đàn bà, về sự nổi loạn của đàn bà, về tình yêu về cảm xúc cô đơn hơn chị nhé.

    1. Người phụ nữ giúp chồng hay người phụ nữ chồng giúp thì người nào vui hơn, hạnh phúc hơn, mình nghĩ hẳn đều không ai trả lời thay họ được. Thôi cứ để cuộc sống đi theo cách của nó, chứ đừng phân loại nó theo cách nhà văn này viết hay nhà văn kia viết, bạn nhé!

      1. “Thôi cứ để cuộc sống đi theo cách của nó, chứ đừng phân loại nó theo cách nhà văn này viết hay nhà văn kia viết, bạn nhé!”

        Gin thích câu này ^^… Đời, mỗi người một cách nhìn nhận, một cách suy nghĩ, một cách sắp xếp trật tự trong đầu khác nhau. Nhà văn, cũng là người

        Quay lại vấn đề đàn ông vào bếp hay đàn bà lăn ra ngoài xã hội, Gin nghĩ chuyện đó không quan trọng, Quan trọng là mỗi người đều thỏa mãn với cuộc sống của họ. Gin thích những người phụ nữ giỏi giang ngoài xã hội, lại càng thích những người đàn ông biết xắn tay vào bếp phụ giúp mẹ, vợ, chị, em … của họ ở nhà. Vì sao ư? Vì như bạn Ha ở trên đã nói, phụ nữ không có sức khỏe như đàn ông, vậy thì, khi họ ra ngoài làm việc, họ phải hoàn thành một lượng công việc bằng (và rất nhiều khi hơn) đàn ông, phụ nữ tốn nhiều sức lực và thời gian hơn đàn ông nhiều.Vậy thì, cớ sao sau giờ làm, đàn ông được vi vu cafe nhậu nhẹt rồi về nhà hỏi vợ cơm đâu. Trong khi, vợ họ sau giờ làm việc phải làm cả nghìn việc không tên ở nhà, để phục vụ họ, cha mẹ (của họ), con cái (của họ nốt)?

        Kể chút chuyện cá nhân, mình chọn người yêu hiện tại (ông xã tương lai) của mình, chỉ vì một lần về nhà anh ấy chơi, anh ấy xắn tay áo lên lau bàn và rửa chén cho mẹ. Chỉ thế thôi, mà mình xúc động. Vì một người đàn ông biết chủ động chia sẻ công việc với mẹ thì sẽ biết chia sẻ với vợ. Mà, muốn chia sẻ, họ phải biết yêu thương, thực sự

    2. Em xin lỗi chị Trang Hạ cho em thắc mắc với bạn í một tí thôi ạ. Nói vậy không lẽ phụ nữ không được ‘có một sự nghiệp để phấn đấu’ hay đàn ông không được làm ‘những công việc đơn giản thủ công’? Ý mình không phải đàn bà PHẢI làm việc của đàn ông hay đàn ông PHẢI làm việc của đàn bà. Ý mình là cả hai có thể chia sẻ công việc, cùng làm mọi việc trong khả năng của mình mà không phân biệt việc của ai. Phụ nữ sẽ hạnh phúc hơn nếu có một người chồng có thể giúp đỡ mình việc nội trợ khi cần thiết, cũng như đàn ông sẽ vui vẻ hơn nếu có người vợ chung tay sơn nhà, thay bóng đèn, đóng giường đóng cũi cho con nếu cần. Đó, là việc CHUNG, không phải việc của riêng ai.

      Còn thì đồng ý với bạn vụ bình đẳng ngay từ trong cách đưa ra các quyết sách trong gia đình, trong cách sống tự lập về tinh thần và vật chất ^^

    3. theo mình, bạn hãy thử bỏ tính ỳ, đừng cho rằng đó là cách xông vào việc của nhau, mà hãy nghĩ: đó là sự chia sẻ. 2 điều đó khác nhau hòan toàn bạn à.

      không ai bắt người đàn ông phải từ bỏ tất cả để tề gia nội trợ mới được gọi là bình đẳng. điều phụ nữ cần cũng không phải là ai đó làm thay việc của mình mà là được tự do lựa chọn điều họ thích và làm tốt nhất; cũng như, được chia sẻ gánh nặng những khi mệt mỏi.

      hãy nghĩ một cách tích cực bạn nhé.

      có lần, báo TT có bài viết về những phụ nữ Mỹ, một số có khuynh hướng sau khi đã đạt được tự do, giờ đây, họ chủ động và bắt đầu một phong trào quay trở lại và hoàn toàn hài lòng, hạnh phúc với việc bếp núc, chăm sóc gia đình. mà bạn biết đấy, Mỹ là nơi bắt đầu những phong trào đòi quyền bình đẳng giới đúng không?

      vì vậy, hãy hiểu điều chúng tôi – chúng ta cần là sự tự do, khỏi những ràng buộc của định kiến, để được lựa chọn những điều tốt nhất cho mình. khi đó, những cô gái có thiên hướng gia đình, giỏi nữ công gia chánh vẫn sẽ thích ở trong bếp, mà không bị các cô gái năng động khác dè bỉu là lạc hậu; đồng thời, những cô gái thích xông pha xã hội, cũng không bị áp lực bởi công việc gia đình, đúng không?

    4. Mình thấy rõ sự ích kỷ, nông cạn, thiếu trải đời của bạn. Đọc vào những từ ngữ trên là đủ chứng minh thực trạng đàn ông hiện nay rồi. Bạn thử để ý đã có “nhiều” ông chồng ở nhà nấu nướng cho vợ phát triển sự nghiệp chưa? Mấy cái hormone đó để chứng minh sự phát triển ở loài người. Còn nếu so hai giống, chẳng có gì quá khác biệt. Ngày nay kiếm 1 người đàn ông trí thức sửa cây quạt hay đóng 1 sản phẩm nào đó, chắc hơi khó. Đó là việc cần hormone đó bạn. Còn sự kiên nhẫn và tỉ mỉ không phải là rất tốt đối với sự phát triển sự nghiệp sao? Sếp nữ đang ngày càng nhiều trong cái xã hội trọng nam. Trong 1 cuộc đua trí thức (chứ không phải cử tạ hay dùng sức), ai hơn ai nhỉ, có liên quan đến hormone ko, ko hề. Nếu có, bạn nói các bạn nam đi gặt lúa nè, giặt quần áo nè (cổ tay nữ giới ko khỏe bằng đâu), quét nhà nè…. toàn những bộ môn thủ công dùng sức đó bạn. Sao đàn ông sướng thế, vào văn phòng phơi phới phát triển sự nghiệp à, sorry, nếu nói về sự tham vọng, đừng lấy hormone và mấy việc vặt để thể hiện rõ sự cản bước và phân biệt đối xử.

      1. Chị Trang hạ thấy chưa ạ, Với cách hiểu như của các bạn trên đây thì bản thân các bạn này sẽ không thể cảnh giác để biết được nhân vật của chị có thể lại là một người rất gia trưởng.
        Chắc các bạn này đều còn trẻ, và chắc cũng chưa phải chịu nhiều cái nỗi vất vả của phụ nữ như thế hệ em và chị nhưng luôn toát ra ngoài cái quan điểm nhất nhất là cứ phải được chia sẻ, được quan tâm.
        Sao các bạn không nghĩ đến cảnh chồng, bạn trai các bạn phải đi tiếp khách , phải uống đến muốn ói ra chả được, tối muốn về nhà nghỉ ngơi với vợ con nhưng đâu có được yên thân.

        1. P/S: Đành phải tiết lộ thêm 1 tí: Đây là một người đàn ông rất gia trưởng, anh này từng xuất hiện trong 2 entry mình từng viết trước đây. Anh ấy gia trưởng tới mức trong gia đình chưa từng ai ngăn được quyết định của anh ấy, cho dù là mẹ đi chăng nữa. Đi hát karaoke anh này quyết định cưới luôn cô gái điếm đang đi khách trong tiệm ấy về làm vợ vì thấy cô này trông thảm hại quá, hôm đó cô này ngồi với khách mà chẳng được đồng tiền bo nào. Cả gia đình và bạn bè ngăn đều ko được.

          1. Như thế gọi là quyết đoán chứ đâu phải gia trưởng? Quyết định lấy vợ là quyết định cá nhân của anh ấy, đương nhiên không nên bị ảnh hưởng bởi những người khác. Nếu thực sự gia trưởng, anh ấy sẽ chọn một cô con dâu ngoan biết vâng lời bố mẹ chồng, thích đẻ con cho nhà chồng và hầu hạ dạ vâng… với mục đích phục vụ cho gia đình, dòng họ (đúng vai trò của “người chủ gia đình, dòng học). Em nghĩ cần phải xem lại khái niệm “gia trưởng”

  8. Gửi bạn Lãnh Vân
    Bạn nói rất đúng, cái việc chia sẻ cho nhau đấy chính là việc người chồng quan tâm một cách tinh tế đến người vợ đấy. ” sự nghiệp phấn đấu” hay ” công việc đơn giản thủ công” thì cũng đều là những công việc chúng ta kiếm cơm hàng ngày, miễn là mình yêu thích, có thể sự nghiệp của ông chồng là đạp xich lô còn công việc giản đơn của người vợ là làm khoa học chẳng qua mình sử dụng ngôn từ để thấy rõ được đặc điểm riêng biệt mạnh mẽ và yếu mềm mà ông trời ban tặng cho 2 giới và cần phải sử dụng những đặc điểm ấy cho đúng chỗ đúng người thôi.
    Ý mình muốn gửi chị Trang Hạ là không nên nhìn về hình thức để đấu tranh bình đẳng giới. Bản thân chị Trang Hạ cũng nói mọi người coi chừng, người đàn ông trong bài viết này có khi lại là người rất gia trưởng đấy thôi.
    @ Chị Trang Hạ: Em vừa đọc bài Người đàn ông đi đổ rác của chị. Em rất thích chị viết như thế,

  9. Coi chừng, nếu các bà cứ đòi hỏi các ông chồng đều phải làm những việc tỉ mỉ,khéo tay trong bếp núc mà tưởng như trời phú riêng cho phụ nữ (giống như việc mang thai cho con bú…),
    thì các bà rơi vào lối”bình quân thô thiển ” chứ không phải là bình đẳng. Theo tôi hiểu: bình đẳng nghĩa là biết tôn trọng nhau,không coi thường nhau,không nghĩ người này là phụ thuộc người kia.Trong cuộc sống,người nào cũng có mặt mạnh mặt yếu,sở trường sở đoản,không ai toàn xấu hoặc toàn tốt vợ chồng sống cùng nhau đều phải có trách nhiệm chung ,cùng bàn bạc chia sẻ trong mọi công việc thì “tổ mới ấm ” được!Người xưa đã dạy:”thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn” kia mà .Tôi đã chứng kiến nhiều cặp vợ chồng sa vào lối nghĩ bình quân thô thiển phân công đều công việc …rồi đến khi lúc đầu còn bàn bạc ,rồi đến cãi vã
    rồi kể công với nhau rồi quá lời xúc phạm nhau ,thế rồi hậu quả ra sao ,chắc các bạn đều đoán ra .Cái lối hiểu theo lối hình thức kiểu “bình quân thô thiển” này tôi thấy còn tồn tại trong không phải it người đâu các bạn ạ. Ấy p.n nước mình nhiều người nghĩ vậy nên mới xung phong đi làm những việc nặng nhọc mà trời vốn dành cho giới đàn ông như:chiến trận,
    đánh đá làm đường,kéo xe…để tỏ ra phận gái đây cũng chẳng kém gì nam giới đâu nhé!Đừng
    có mà coi thường nhau(!)Thế rồi hậu quả cánh đàn ông trông thấy cũng”phục” thật đấy(!)
    và họ “phục quá”nên “hổng giám đâu “,chỉ xin “kính nhi viễn chi”.Kết quả là ngay đến cái THIÊN TÍNH của phụ nữ cũng lìa bỏ các chị mà đi! Thật là đau đớn phải không thưa các bạn?
    Vậy thì phụ nữ giỏi việc bếp núc không những không xấu mà là tuyệ vời là “thiên tính”của phái đẹp!Tất nhiên nếu có những ông chồng đi làm về mà cứ nằm khểnh chờ ăn, nếu vì công việc
    mệt mỏi quá không giúp được vợ một tay thì cũng nên ngó vào bếp hỏi han,cổ vũ vợ một câu
    thì mới đúng là “ông chồng” chứ không phải là”thằng chồng”. Tôi chỉ thấy buồn là nước mình
    kinh tế chưa được như Nhật Bản để chỉ cần một mình người chồng làm việc đủ tiền nuôi cả vợ con,để người vợ chỉ lo phần gia đình thì tuyệt biết bao nhiêu! Tôi quan niệm con có tài ,có đức,có cuộc sống về tâm hồn phong phú hay không phần lớn là công của người mẹ.Tôi mong
    bộ giáo dục nên nghiên cứu và biên soạn một bộ sách về “làm mẹ “dành riêng cho giới nữ nếu chưa có một môn học riêng.(Cảm ơn bạn nào đã dành thời gian đọc hết “còm” này của tôi.Cảm ơn cả T.H nếu không xóa những chia sẻ của tôi)

    1. “Ấy p.n nước mình nhiều người nghĩ vậy nên mới xung phong đi làm những việc nặng nhọc mà trời vốn dành cho giới đàn ông như:chiến trận,
      đánh đá làm đường,kéo xe…để tỏ ra phận gái đây cũng chẳng kém gì nam giới đâu nhé!Đừng
      có mà coi thường nhau(!)Thế rồi hậu quả cánh đàn ông trông thấy cũng”phục” thật đấy(!)
      và họ “phục quá”nên “hổng giám đâu “,chỉ xin “kính nhi viễn chi”.Kết quả là ngay đến cái THIÊN TÍNH của phụ nữ cũng lìa bỏ các chị mà đi! Thật là đau đớn phải không thưa các bạn?”

      Mình xin lỗi nhưng mình cảm thấy bạn đang xổ toẹt vào những vị nữ tướng tài ba, những người phụ nữ vì tình thế không thể không đi làm những công việc nặng nhọc như đánh đá làm đường kéo xe rồi đấy… Vì mình tin rằng nếu có thể, hầu như không người phụ nữ nào lại thật lòng muốn đi làm những việc ấy cả. Hai Bà Trưng phải đánh trận vì đâu, vì chồng bị giặc giết. Mười cô gái hi sinh ở Ngã ba Đồng Lộc vì đâu, vì ngăn bước quân thù. Những người mẹ người chị nai lưng vất vả làm các công việc nặng nhọc để lo cho con cho chồng cho em cho cha mẹ vì đâu, vì cuộc sống bắt họ phải làm như thế. Vậy mà bạn lại có thể nói như thể họ chắc chắn sẽ bị cánh đàn ông né xa hay sao? THật đau đớn, đúng vậy.

      Những ông chồng đi làm về mệt mỏi quá không giúp được vợ một tay, vậy những bà vợ đi làm không mệt mỏi hay sao? Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn, câu đó có hai vế liên quan đến cả chồng và vợ đấy bạn ạ!

      Phải, tôi không cần một người chồng kiếm nhiều tiền tới mức nuôi đủ vợ con sung túc không cần tôi đi làm, bởi vì tôi muốn có thể làm việc kiếm tiền góp phần chăm lo về mặt kinh tế cho gia đình và cũng để tự lập về mặt tài chính. Một người vợ chỉ ở nhà chăm chồng dạy con quanh năm suốt tháng dính lấy cái bếp, đó không phải điều tôi muốn, bởi như thế tôi cảm thấy mình là một người giúp việc, bảo mẫu, đầu bếp, hơn là một người vợ, một người BẠN ĐỜI chia sẻ vui buồn với chồng con mình.

      Em xin lỗi chị Trang Hạ nhưng thấy những lời nói thế này em hơi khó chịu nên có thể làm rác nhà chị. Nếu cần chị có thể xóa com của em cũng được ạ.

      1. Bạn nóng quá đấy!Bạn tưởng Rác không quý sao?Vâng lời nói của tôi có thể rac tai bạn ,
        nhưng chủ nhà chắc không đưa vào thùng rac nên nó chót “làm bẩn ” tai của bả”Mây Lạnh”.
        (đẫu có hâm nóng tai bà ta một tí chút,xin lỗi!) Cảm phiền chủ nhà cho bà khách mượn xà
        phòng camay để rửa tai T.H nhé! Xin cảm ơn T.H!

        1. À ừ định thôi không com bài này của chị Trang Hạ nữa nhưng thấy bạn nói thế phải vào đính chính vội kẻo bị hiểu nhầm 😀

          Mình nói là mình khó chịu với lời nói của bạn (ừ nó khiến mình nóng cả đầu chứ chả riêng gì tai), và mình sợ com của mình làm rác nhà chị Trang Hạ nên nếu cần chị ấy có thể xóa com của mình, chứ chưa hề nói com của bạn là rác bao giờ bạn ạ *cười* Và mình trẻ lắm, chưa đến mức được gọi là bà đâu (với ngôn ngữ Việt Nam, chứ ngôn ngữ nước ngoài thì đúng là Madam với Ms rồi chứ không còn là cô nữa :D)

          Chào thân ái và quyết thắng ^^

          1. Bạn cũng hiểu lầm ý tôi, chỉ vì tôi dẫn mấy việc nặng ở trên .Tôi có phản đối phụ nữ làm những việc lớn lao đâu .Mỗi người đều có ươc mơ riêng của mình ,có ai ngăn cấm đâu!
            Tôi chỉ muốn nhấn manh về thiên chức của hai giới .Nếu vợ chồng hiểu nghĩa bình đẳng
            là tôn trong nhau,chia sẻ với nhau trong công việc,thì chẳng có việc gì là xáu là tốt,là quan trọng và không quan trọng.Tôi là một người đã có gia đình như Trang Hạ,cho nên cũng muốn mang những truyện đời mình từng gặp trao đổi mong có ai đó đọc đươc,ngõ hầu rút ra được
            điều gì bổ ích cho mình chăng .vậy thôi mà!Nói như người xưa từng nói::”Nhận racais hay của
            người để học,cái dở của người để tránh”,thì dẫu những điều tôi nói mà dở ẹc thì bạn vẫn rút ra được điều có ich kia mà.Sao bạn lại nổi nóng?Đấy cũng là điều trái với nữ tính đó,thưa bạn.

  10. Nhiều chị em phụ nữ bây giờ bị ăn sâu tư tưởng “feminism” quá trở nên đố kỵ, ganh ghét và nhìn vào chuyện gì giữa hai giới cũng như có chiến tranh. Dùng từ chiến tranh ở đây là vì hầu hết họ chỉ quan tâm về quyền lợi cho phía họ và cụm từ “bình đẳng giới” chỉ là khẩu hiệu cửa miệng để giành lấy sự ủng hộ của xã hội. Giống như chủ blog này nhìn chỉ thấy quảng cáo bột nêm chứ ko hề thấy rất nhiều quảng cáo khác trong đó người chồng ôm con còn người vợ đứng không.

    Tôi cho rằng một xã hội mà nam và nữ hành động, ứng xử, và làm mọi công việc như nhau thật là tẻ nhạt. Quan niệm bình đẳng giới của tôi dựa trên hai chữ “bình đẳng,” tức là ai cũng có cơ hội như nhau và được xem trọng như nhau, chứ không dựa trên hai chữ “đồng hóa” mà nhiều người đang muốn thực hiện. Tôi cho rằng ai cũng phải đóng góp công sức của mình cho gia đình, nhưng không phải bằng cách cưa đôi mọi công việc. Nếu người vợ lo chuyện bếp núc thì người chồng cần lo những chuyện khác trong nhà như đưa đón con đi học hoặc làm thêm để cải thiện kinh tế. Có nhiều cách để nam giới phụ giúp gia đình mà ko cần phải nhảy vào bếp.

    Lời khuyên cho chủ blog: hãy cố gắng thả lỏng đầu óc, lùi lại để có một cái nhìn tổng quan và khách quan hơn. Cuộc sống chẳng vui gì nếu mình cứ chăm chăm để ý tới những gì mình ko vừa ý, nên nhớ rằng cả hai giới đều có những quyền lợi riêng của mình.

  11. Mình đọc cả câu chuyện lẫn những nhận xét của các bạn và thấy vui vui. Mình vừa gửi đường link cho ông xã cùng đọc. Thực sự mình cũng có một người chồng như vậy, anh ấy rất giỏi việc xã hội, sự nghiệp…nhưng về nhà anh ấy vẫn hay nấu những món sở trường để đãi vợ con và tự sướng “Nếu có ai hỏi thì ba mẹ con đừng nói là ba nấu nhé”. Những lúc đó nhà mình vui lắm. Hầu như tuần nào ông xã cũng thực hiện vài lần, mình thấy như thế cũng chẳng đảo lôn vị trí gì mà cả nhà cùng vui và hạnh phúc.

  12. Còn ở gia đình mình thì chưa bao giờ mình thất ba mình nấu cái gì đó đãi vợ con, hoặc trong những dịp đặc biệt. Nhưng thử tưởng tượng mà xem! Nếu những hum mệt mỏi, ko mún nhảy vào bếp mà có chồng cơm nước ngon lành như mình (đôi khi còn hơn nữa) thì thấy thật sự rất hạnh phúc! Haiz. Lúc nớ thiệt là bao nhiêu tiền cũng có cảm giác ko cần nữa! Mình thấy ai nói cũng đều có ý đáng để nghe cả! Những cái mình cho là ko cần thiết, ko thich nghe mình bỏ ngoài tai cả!!!! Hihihi. Mình thấy thích câu ni ghê ” Thôi cứ để cuộc sống đi theo cách của nó…”. 😀

Gửi phản hồi cho Huong Hủy trả lời