Mấy ngày không vào blog, cảm ơn bà con vẫn chờ đọc tiếp truyện dịch! Bản dịch ngày xưa hồi đó chưa có máy tính, toàn viết tay, giờ gõ lại lười quá chừng!
TRĂNG TRÒN MÁI TÂY
Tiểu thuyết – Quỳnh Dao (Đài Loan)
Trang Hạ dịch (1999)
~~o0o~~
Ba
Tôi đến biệt thự Phỉ Thúy lần đầu vào một sáng sớm đầu thu. Đúng như dự đoán, nơi này cách xa nội thành. Một con lộ trải nhựa đường rất đẹp dẫn tôi lên núi, tuy phấp phỏng với cuộc “sát hạch” sắp đối mặt nhưng tôi vẫn bị cảnh trí xung quanh thu hút. Tôi kinh ngạc phát hiện hai bên con đường nhựa lên núi, một phía là rừng trúc xanh thắm duyên dáng, phía bên kia là rừng thông xanh đậm hùng vĩ. Cái đẹp thanh tú của trúc bên sự mạnh mẽ vững chắc của thông đúng là một sự xếp đặt duyên dáng. Trong rừng rụng đầy lá khô nhưng không ẩm ướt, khá sạch sẽ đẹp mắt. Trong rừng thông nhô lên mấy ngọn nham thạch cao lớn càng làm cánh rừng thêm vẻ hùng vĩ. Con đường nhựa rộng rãi có thể đi xe hơi lên tận đỉnh núi. Cái tên Phỉ Thúy cũng đã gợi lên một khung cảnh giữa núi rừng xanh bạt ngàn một dải. Cảnh đẹp bên đường khiến lòng tôi càng lúc càng nhẹ nhõm và bay bổng, trong một buổi sớm trong lành thế này tôi cảm thấy niềm vui đang nhẹ nhàng len đến. Càng bước đi tôi lại càng khao khát được ở lại nơi đây.
Tôi vừa đi chầm chậm vừa nhìn bốn phía. Thú thật lúc này trong đầu tôi toàn những ý nghĩ lộn xộn, nghĩ tới bao nhiêu chuyện, trong tương lai cũng như trong quá khứ, rồi công ăn việc làm. Tôi hoàn toàn không nghe thấy tiếng một chiếc mô-tô phóng với tốc độ cao từ dưới núi xông lên. Đến lúc tôi để ý thì chiếc xe đó đã đâm vào tôi. Do đường núi quanh co nhiều chỗ ngoặt, nên người lái khi đi qua quãng vòng đã không thấy tôi, không kịp hãm phanh, mà tôi thì lại đang bước ngay giữa tim đường.
Sự việc xảy ra rất nhanh, tôi ngã xuống, chiếc xe mô-tô phóng vụt qua. Tôi lăn trên đường nhựa một vòng, không thấy đau, chỉ thấy kinh hoàng và tức giận, lồm cồm bò dậy, tôi nhìn xuống thấy chân phải xây xát qua loa còn váy thì toạc một chỗ, trông thật thảm hại. May không có vết thương nào. Có lẽ cái xe kia chưa đâm hẳn vào tôi, chỉ có tay lái hay cái gì móc toạc váy. Tôi đứng thẳng, cái xe kia vòng lại bên tôi. Người lái vẫn ngồi nguyên trên xe, anh ta có khuôn mặt đàn ông cương nghị, không trẻ lắm cũng chưa già, khoảng 38-39 tuổi, nhìn tôi bực bội:
– Tôi hy vọng cô chưa bị thương! – Anh ta nói to với giọng ra lệnh.
– Tôi hy vọng anh chạy chậm hơn nữa! – Tôi tức tối trả lời, đáng lẽ anh ta phải xuống xe xin lỗi mới phải.
– Không bị thương là may cho cô rồi, tại cô chắn đường tôi đi! – Anh ta nói lạnh lùng.
– Đường này đâu phải anh làm!
Anh ta toét miệng, tôi thấy cái cười mang theo vẻ chế giễu:
– Thật không may, lại chính là đường tôi làm đấy! – Anh ta nói lấp lửng, sau đó lên giọng – Nếu cô không sao thì tôi đi đây! – Khởi động lại chiếc mô-tô, anh ta lập tức phóng lên núi.
Tôi tức nổ mắt, sao mình lại xúi quẩy gặp ngay một thằng cha liều mạng như thế này! Tôi hét lên sau lưng hắn:
– Cầu cho anh đâm ngay vào núi!
Chiếc xe đi xa rồi, tôi không biết anh ta có nghe thấy không. Tôi dừng lại vài phút bên đường, sửa sang lại quần áo và bình tĩnh trở lại.
Đây chỉ là chuyện vặt, tôi không bị sây sứt gì cũng không trẹo chân gẫy tay. Tôi đi tiếp và quên ngay sự cố này. Hơn nữa rừng cây thì xanh thế kia, chim hót vui vẻ biết bao.
Mặt trời lên cao, mặt trời đầu thu ở Đài Loan vẫn còn nguyên cái nóng bức bối, tôi dần dần cảm thấy nóng nực và khát nước, trước mặt có một con đường cắt ngang, bên đường mọc một cây đại thụ xòe như cái ô, tôi đi tới, gốc cây đặt một tấm ghế đá khắc hàng chữ:
“Biệt thự Phỉ Thúy kính tặng”
Kính tặng ai? Phải rồi, tặng cho bất cứ khách qua đường nào, cho họ có phút giây nghỉ ngơi dưới bóng cây. Bây giờ là “kính tặng” cho tôi đây, tôi cười sung sướng ngồi xuống ghế, sửa sang lại quần áo một lần nữa, phủi đất cát bám trên chân tay. Ngồi đây tôi hơi có ý mãn nguyện. Mãn nguyện cái gì thì bản thân tôi còn chưa biết, chỉ có cảm giác lờ mờ, như với tôi, biệt thự Phỉ Thúy không phải là cái tên xa lạ, nó đã có một mối liên hệ gần gũi với tôi.
Bốn bề vắng lặng, rừng thông nằm yên lặng, rừng trúc cũng yên lặng, con đường nhựa bò lên núi, con đường nhánh trải đá thì xuyên vào sâu trong rừng, một tấm biển nhỏ bằng gỗ cắm cạnh con đường đá vẽ một mũi tên, viết chữ “Đến biệt thự Phỉ Thúy”, con đường đá răm cũng rất rộng, ngồi đây có thể thấy thấp thoáng một dãy tường đỏ và mái nhà. Tôi nhìn ngó chung quanh, thời gian của tôi rất rộng rãi, không phải vội đi ngay, còn có thể chuẩn bị trước cho bài “vấn đáp” sắp tới nữa kia! Tôi đã ngồi khoảng mười lăm phút nhưng chưa gặp ai đi ngang qua. Nắng đẹp, trời trong xanh, tiếng chim trong rừng cất lên lanh lảnh… Cái gì cũng thật tuyệt vời, thật đẹp, thật yên bình. Có điều ngay trong khoảnh khắc ấy tôi bỗng nhiên có một cảm giác kỳ lạ, không biết đó là giác quan thứ sáu hay là cái gì, làm tôi đột ngột lạnh run lên, rõ ràng tôi cảm thấy có người nào quanh đây. Sau một gốc cây nào hay sau một tảng đá nào có một người đang nhìn trộm tôi.
Ánh mặt trời dường như bị lạnh đi, tóc gáy tôi dựng lên, một điều gì đó làm tôi rợn gáy. Tôi vùng đứng lên, theo bản năng quay phắt lại đằng sau. Sau lưng tôi là một dải rừng thông, có ba hòn nham thạch đứng kề nhau như bức bình phong chắn trước mắt. Ánh nắng sáng lấp lóa, trong rừng thông hoàn toàn không có gì.
Tôi không nén được tự cười thầm mình là thần kinh yếu, tôi đi tới biệt thự Phỉ Thúy theo con đường đá, rất nhanh đã tới nơi. Vượt ra ngoài dự đoán của tôi, đây là một khoảng đất bằng phẳng rất rộng được ủi trên sườn núi, nhô lên mười mấy nóc nhà, xem ra biệt thự Phỉ Thúy không cô lập như tôi nghĩ. Nơi đây hiển nhiên là khu nhà cao cấp, biệt thự của những người lắm tiền nhiều của. Tôi đi vào, dễ dàng tìm ra được biệt thự Phỉ Thúy. Nó nằm ngay cuối đường trên một khu đất rộng, có tường trắng bao quanh. Một cây phượng to cao vươn cành qua tường, mấy cây đa cao vượt tường được xén lá theo hình vòng cung, hình tròn hoặc uốn thành hình chim thú. Đây là đâu? Hoa viên của người khổng lồ? Tôi giơ tay nhấn chuông, tấm biển kim loại “Biệt thự Phỉ Thúy” trên cổng hắt sáng vào tôi.
Một anh người làm gầy đét, khoảng trên dưới ba mươi ra mở cửa cho tôi (sau này tôi mới biết anh là lái xe của biệt thự Phỉ Thúy, mọi người đều gọi anh là anh Lưu). Sau cánh cổng lớn quả nhiên là một vườn hoa rộng rực rỡ sắc màu, trồng đầy hoa hồng, thạch trúc, hoa cúc và vạn niên thanh. Vườn hoa được thiết kế đẹp mắt với đài phun nước và ngọn giả sơn đắp bằng đá tảng, những kẽ đá trồng đầy hoa cỏ, một cây xương rồng bà nở hoa đỏ chói. Khkoangr hai ba chục cây hồng đủ loại đỏ, vàng, trắng… đón ánh nắng khoe những nhan sắc diễm lệ. Ở đây không nhiều bóng râm, ngoài mấy cây đa và phượng bên tường rào đã được xén tỉa gọn ghẽ, những cây gỗ to nhất trong vườn hoa chỉ là mấy cây trà cùng dâm bụt cỡ lớn. Vì thế cả khu vuonwf thoáng đãng sạch sẽ và tràn trề sức sống. Căn nhà hai tầng kiểu châu Ấu nằm giữa vườn hoa cũng đem lại cho người ta cảm giác tương tự, mặt ngoài nhà ốp gạch mỏng màu đỏ thẫm, những cây cột xi măng có hoa văn đơn giản đứng dọc dãy hành lang rộng. Từ cổng đi vào, một con đường lát đá mài dẫn thẳng tới tòa nhà chính và nhà xe kế bên, cửa ga-ra mở rộng, bên trong có một chiếc ô tô cỡ nhỏ màu đỏ thẫm.
Tôi được dẫn vào phòng khách – một gian phòng lớn sáng sủa, ba mặt là cửa sổ cao kéo xuống tận sát đất đón ánh nắng vào tràn ngập căn phòng. Ghế mây tròn, bàn bằng gỗ bưởi bầu dục, sa-lông dài màu xanh lục, những đồ đạc đơn giản lại lộ một vẻ gì không hề giản đơn: xinh xắn, hào hoa phú quý, gọn ghẽ, đem lại một ấn tượng đẹp không thể nói rõ. Trên tường không có các bức thư pháp như hầu hết các phòng khách ở Đài Loan, chỉ treo một đóa hướng dương lớn bện bằng mây.
Một cô hầu gái mười tám, mười chín tuổi đón tôi, khoe cho tôi thấy hàm răng ngà tuyệt đẹp, giống như căn phòng và vườn hoa kia, cô cực kỳ thanh tú và thanh khiết.
– Cô là Dư tiểu thư? Ông chủ đang chờ cô!
– Vâng! – Tôi đáp, bắt đầu thấy hồi hộp – Ông Thạch có nhà không? – Tôi hỏi một câu thừa.
– Ở trên lầu, ông chủ muốn gặp cô trong thư phòng, mời lên ạ!
Tôi lên gác, chẳng còn bụng dạ nào đánh giá phòng khách, tôi đi vào một căn phòng lớn, rất rộng, có sa-lông, có giá sách, có vô số sách khiến người ta hoa mắt, có một cái bàn viết lớn… Có một người con trai quay lưng lại phía tôi, đang tìm sách trên cái giá sách đồ sộ chiếm trọn một mặt tường. Cô hầu gái đứng cạnh tôi nói:
– Ông Thạch, Dư tiểu thư tới rồi ạ!
– Biết rồi! – Người con trai nói, không hề ngoái lại.
Tôi nghe tiếng cánh cửa khép lại sau lưng, cô hầu kia đã đi ra, chỉ mình tôi ở lại đây, lòng thấp thỏm nhìn lưng ông chủ, tim tôi không rõ vì cớ gì bắt đầu đập gấp lo âu, mồ hôi từ từ rịn ra trong lòng tay.
Người con trai từ từ quay lại, nhìn thẳng vào tôi. Tim tôi nhảy thót lên một cái, người cứng lại, hy vọng đất có kẽ nứt cho tôi chui vào, hy vọng tôi chưa đến đây, hy vọng trốn được căn phòng… Nhưng không kịp nữa, người con trai kia nhìn từ đầu đến chân quan sát tôi, không ngạc nhiên, không lạ lẫm, ánh nhìn có cái cười giễu cợt hệt như sau lúc đâm vào tôi trên dốc núi. Anh ta từ tốn:
– Rất thất vọng hả, Dư tiểu thư? Vì cuối cùng tôi không đâm vào núi!
– Tôi… ơ… – Tôi luống cuống chống chế – Giá như… giá như hồi nãy tôi biết là ông…
– Thì đã không chửi rủa tôi? – Anh ta hỏi, mắt vẫn nhìn tôi chăm chú.
– Tôi nghĩ…
Trong lòng tôi dâng lên một nỗi ác cảm. Tôi có cảm giác bị đùa cợt và xúc phạm, cho dù tôi cấp bách phải có việc làm, cũng không thể vì thế mà phải khúm núm trước kẻ khác!
– Tôi nghĩ, là chắc hẳn, tôi sẽ chửi rủa thầm trong bụng chứ không nói ra đằng mồm!
Tôi thẳng toẹt, có lẽ lúc đó sắc mặt tôi thật khó coi, công việc này coi như đã hỏng đến tám mươi phần trăm rồi còn gì.
Anh ta nhìn tôi một cái, ánh mắt giễu cợt tắt ngấm, ngồi xuống chiếc ghế bành sau bàn viết, anh ta chỉ cho tôi cái ghế bên kia bàn:
– Ngồi xuống rồi nói, được không, Dư tiểu thư?
Anh ta vẫn có cái giọng ra lệnh, tôi buộc phải nhớ rằng đây là ông chủ và ngoan ngoãn ngồi xuống. Anh ta lại nhìn tôi, ánh mắt nghiêm nghị, quá mức nghiêm nghị nữa là khác, không giống của một người vừa có cái nhìn giễu cợt. Tôi biết anh ta đang quan sát tôi.
– Tôi làm cô bị tổn thương à? – Đột nhiên anh ta hỏi một câu.
Tôi sững lại một chút, vội vã tiếp lời:
– Ông nói lúc ở trên đường hay là nói bây giờ?
Anh ta lại muốn cười, lần này không phải là cái cười chế giễu mà là cái cười ấm áp có phần thích thú. Anh ta gật đầu:
– Xem ra cả hai lần đều làm cô bị thương, hả? Nhưng tôi mong không nghiêm trọng lắm.
– Vâng, đều không nặng lắm. – Tôi cũng mỉm cười.
– Được rồi, chúng ta có thể bàn việc chính. – Anh ta mở ngăn kéo bàn viết lấy ra một tập giấy, đấy là hồ sơ của tôi. Anh ta rút bức ảnh ra nhìn chăm chú, rồi lại ngắm tôi, dường như kiểm tra xem tôi có đúng là người ở trong ảnh. Anh ta hài lòng buông bức ảnh, nhìn tôi nói:
– Lần này tôi tuyển thư ký, có hơn một nghìn sáu trăm người gửi đơn, tôi chọn năm người, cô là người thứ năm tôi gặp.
Tôi im lặng, một phần năm của hy vọng! Tôi những mong đã không chửi rủa anh ta trên đường!
– Công việc rất đơn giản, cũng rất không đơn giản, chủ yếu là giúp tôi sắp xếp một số tư liệu, những giấy tờ đấy là lịch sử của nhà họ Thạch, trong đó bao gồm bản thảo, nhật ký, thơ ca của ông nội tôi. Phải sao chép, phân loại, sau đó dựa vào nhật ký của ông nội tôi viết một truyện ký có hành văn nhất quán.
– Tôi – Tôi nói xen vào – Tôi nghĩ sao ngài không mời một nhà văn tới làm việc này?
– Cô nói là – Anh ta có vẻ nổi nóng – Cô không muốn làm công việc này?
– Ơ, không! – Tôi hoảng hốt – Tôi muốn được tuyển dụng chứ!
– Không phải là trong tự truyện cô đã nói cô rất có năng lực ư? – Anh ta hơi sừng sộ.
– Ơ, à, vâng, đương nhiên! – Tôi nói liên thanh. Người con trai này mạnh hơn tôi, anh ta đã đánh bại được tôi. Tôi bất lực và bị động nhìn anh ta.
– Sau khi làm xong phần tài liệu của ông nội tôi, còn của bố tôi và… của một người khác nữa, tôi sẽ cho cô xem rất nhiều thứ… Tiếp theo, cô phải giúp tôi đọc thư, trả lời thư, cô thấy cô làm được không?
– Vâng, tôi nghĩ tôi làm được. – Tôi nói, trong lòng không khỏi nghi hoặc, những việc anh ta vừa nói đâu phải là những việc cần kíp! Hay là ở đây còn có mục đích khác?
– Cô phải ở lại đây vì thời gian có nhà của tôi không cố định, thời gian làm việc cũng không cố định. Mỗi tuần cô có một ngày nghỉ, ngày nghỉ này cũng do cô quyết định, được không?
– Vâng! – Tôi đáp, bớt được gánh nặng cho chú thím tôi là tốt lắm rồi.
– Tiền lương của cô – Anh ta ngừng một chút – tạm thời là hai nghìn đồng một thangs, cô thấy sao?
– Ơ! – Tôi hơi kinh ngạc, thế là cao hơn hẳn dự liệu của tôi, tôi vẫn chưa tin hẳn vào tai mình – Ông… ý ông là… nhận tôi rồi? – Tôi ngập ngừng hỏi.
– Đương nhiên, hoặc là cô không muốn làm?
– Không phải! – Tôi kêu lên, hồi hộp và vui mừng – Bao giờ tôi bắt đầu đi làm?
– Ngày mai! – Anh ta đơn giản nói, đẩy ghế ra đứng lên – Mang đồ của cô đến đây, tốt nhất là cô dọn đến trước buổi trưa mai, chiều tôi phải đi. Bây giờ, cô có thể về thu xếp đồ đạc đi!
Tôi cũng đứng lên, nghi ngờ nhìn anh ta. Tất cả với tôi như một giấc mơ, rất không thật, tôi lắp bắp:
– Nhưng, thế này… thế này… là chắc chắn rồi ư?
– Sao? – Lông mày anh ta lại nhô lên khó chịu – Cô còn vấn đề gì?
Đương nhiên còn thắc mắc, người này là ai? Thạch Phong, một cái tên? Một biệt hiệu? Anh ta làm nghề gì? Tất cả không phải là rất kỳ quái và đặc biệt? Trong căn nhà này còn có ai nữa? Tôi sẽ sống cùng với những người như thế nào? Còn rất nhiều câu hỏi nữa nhưng tôi không thể hỏi, mà người chủ của tôi đã mang khuôn mặt đầy vẻ khó chịu, tôi thấy cần phải biết điều một chút, trừ phi tôi không muốn làm ở đây! Cho nên tôi nuốt vào bụng tất cả các dấu hỏi, nói khẽ:
– Không, tôi không thắc mắc gì cả.
– Thế thì mai gặp!
Anh ta nói, quay người đi, lại tìm kiếm gì trên giá sách. Tôi im lặng đi ra, tôi không phải là khách, không thể yêu cầu chủ nhân tiễn, tôi đi một mình xuống cầu thang gác rộng thênh thang.
~~o0o~~
Bốn
Tôi đã tới biệt thự Phỉ Thúy như thế.
Sáng sớm đầu tiên dọn tới đây, người chủ của tôi dẫn tôi vào một gian phòng bầy biện rất tiện nghi, căn phòng này là một trong sáu phòng của tầng hai. Vừa mở cửa, tôi đã bị mê hoặc, những vật dụng trong phòng có đầy đủ, từ tủ phấn trang điểm, tủ quần áo, bàn viết, tủ sách, giường cho đến kệ đầu giường, đèn bàn, rèm cửa… Tất cả được chuẩn bị thật tuyệt vời, mà là một căn phòng hoàn toàn dành riêng cho phụ nữ, đồ đạc không mới nhưng rất tinh xảo cầu kỳ. Rèm cửa sổ bằng vải tơ nhân tạo đỏ thẫm, tường vôi cùng màu, trên bàn trang điểm có tấm gương hình bầu dục, có viền bằng khảm gỗ, sau tấm cửa kính của tủ sách, sách xếp ngập mắt. Tôi ngỡ ngàng nhìn chủ nhân của tôi, hẳn căn phòng này không phải là chuẩn bị riêng cho tôi, phải không?
– Cô sẽ ở phòng này nhé! – Chủ tôi, Thạch Phong, nói, nét mặt điềm nhiên – Đây vốn là phòng của một cô gái khác, giờ cô ấy đi rồi, trước mắt nó thuộc về cô. Chỗ sách kia, cả tiểu thuyết nữa, nếu cô thích có thể lấy đọc cho đỡ buồn. Mọi đồ đạc ở đây cô đều có thể sử dụng. Hôm nay chúng ta chưa làm việc, cô cứ nghỉ ngơi đi, tôi đi bây giờ đây, có gì mai chúng ta nói tiếp.
Anh ta không cho tôi cơ hội mở miệng cũng không giải thích gì thêm, lập tức gọi cô hầu trẻ tuổi hôm trước đến, nói với tôi:
– Đây là Thu Cúc, cần gì cô cứ kêu Thu Cúc.
Quay sang Thu Cúc, anh ta dặn:
– Chăm sóc Dư tiểu thư thật chu đáo, không được để cô ấy cảm thấy khó chịu!
– Dạ vâng, thưa ông! – Thu Cúc kính cẩn đáp lời.
– Tạm biệt Dư tiểu thư! – Anh ta quay người bước thẳng ra.
– Hơ, chờ chút đã, ông Thạch! – Tôi vội vã.
Anh ta dừng chân, quay đầu lại nhìn tôi nghi hoặc:
– Tôi muốn… muốn cảm ơn ông! – Tôi nói – Cảm ơn ông về tất cả.
Anh ta nhướn đôi lông mày, lộ một nét cảm xúc rất đặc thù, rồi bước đi chẳng nói câu nào. Tôi đứng ngẩn ra vài giây rồi mới đi vào trong phòng “của mình”, hiếu kỳ nhìn quanh khắp lượt. Thu Cúc bước vào theo tôi đem va-li quần áo đặt lên giường.
– Cô cần em giúp sắp xếp đồ đạc không?
– À, không cần đâu, tôi tự làm lấy, em cứ đi đi!
– Vâng, thưa tiểu thư! – Cô gái đi ra cửa.
– À này, chờ chút đã! – Tôi gọi cô gái lại.
– Tiểu thư? – Cô hầu gái nhìn tôi chờ đợi.
– Tôi muốn hỏi, trong nhà này còn có ai nữa?
– Hiện nay chỉ có ông Thạch, em và anh Lưu lái xe.
– Hiện nay?
– Có lúc còn có cậu Thạch về đây.
– Cậu Thạch? – Tôi hỏi lại – Có phải là con trai của ông Thạch?
– Không, là em trai ông Thạch, nhưng mọi người quen gọi vậy rồi!
– Thế còn… bà Thạch? – Tôi hỏi, dù chưa chắc chắn ông chủ đã có vợ hay chưa.
– Bà chủ năm ngoái có về đây một lần, năm nay thì chưa.
– Bà chủ ở đâu?
– Có lẽ là ở Mỹ! Em cũng không rõ lắm!
– À, thôi được, em đi đi! – Tôi ngừng một chút rồi lại nhớ ra – Còn một điều này nữa, căn buồng này trước đây là của ai?
– Đây là… – Cô gái chần chừ giây lát, lắc đầu – Em không biết, khi em đến, phòng đã để không, em chỉ đến quét dọn hàng ngày thôi.
Hoặc có thể, cô gái biết mà không nói. Tôi nghĩ tôi đã hỏi han hơi nhiều, nhưng quả thật tôi không ngăn nổi tính hiếu kỳ của mình! Tôi cười với cô gái, nói:
– Được rồi, cảm ơn em, Thu Cúc.
Cô hầu gái cười rất tươi, đỏ hồng đôi má đi ra ngoài. Cô gái dễ thương này có lẽ cũng rất dễ gần. Tôi đóng cửa, đến bên cửa sổ kéo tấm rèm che, vừa kịp nhìn thấy chiếc xe mui trần màu đỏ chạy qua con đường đá của vườn hoa, ông chủ của tôi đi ra ngoài!
Tôi sắp xếp đồ đạc, mang quần áo treo vào tủ, bày lên bàn viết mấy thứ lặt vặt, tất cả những việc ấy chỉ hết nửa tiếng, đồ đạc của tôi thật ra rất sơ sài. Thu xếp xong, tôi đi quanh phòng mình, cầm lên xem xét mọi thứ, trên bàn trang điểm không có mỹ phẩm, chỉ có một cái lược cán gỗ Đào Hoa Tâm được chạm khắc tinh tế. Trong tủ sách phần lớn là tiểu thuyết, đại đa số là tiểu thuyết nước ngoài. Còn một bộ “Hồng Lâu Mộng” và “Tây Sương Ký”, “Đào Hoa Phiến”, “Mẫu Đơn Đình” v.v… Ngoài sách văn học ra còn có một ít sách y học, như bệnh tim, di truyền học, bệnh thái tâm lý học và các nguyên nhân gây dị dạng. Xem ra người chủ trước của căn phòng này học y hoặc học văn học. Tôi rút cuốn “Jenny Ghechac” của Theodore Dreise từ giá sách, tôi chưa đọc cuốn này. Lật trang bìa, trên trang sau có mấy chữ nét mềm mại:
“Cuốn 124, sách của Tiểu Phàm”
Tiểu Phàm? Tên chủ nhân căn phòng này ngày xưa? Lật bừa một trang, tôi phát hiện cô Tiểu Phàm này có tật viết vẽ linh tinh lên sách, hình một con thỏ tai dài che cả lên chữ, bên lề trang bị viết tùy tiện:
“Jenny… nàng không kiêu hãnh à? Dreise thật tốt! Chuyện viết về Jenny Ghechac! Liệu có một ngày, có một người vì mình mà viết một cuốn sách dầy cộp? “Chuyện Tiểu Phàm”! Há không tuyệt sao? Ai sẽ viết? Đông Đông ư? Đông Đông, Đông Đông, anh có yêu em không?… Mày không xấu hổ ư Tiểu Phàm!”
Một trang khác, ở lề trên cũng đầy chữ:
“Đông Đông chỉ mãi là Đông Đông, của mình, không phải là Đông Đông của ai khác, chờ nhé, hoặc mình sẽ viết một cuốn truyện về Đông Đông!”
Lại một trang:
“– Ha, mình không bao giờ tin điều đó, hạnh phúc này không thể chứa bóng đen âm u, Đông Đông cũng không bao giờ tin đâu, ôi, Đông Đông ơi!”
Lại một trang:
“Jenny, ta không ghen tị với nàng! Ta không ghen với bất kỳ ai! Không một ai sung sướng bằng ta! Ta có Đông Đông đấy!”
Lại một trang:
“Mình mong mình có thể đẹp hơn một chút, từ khi mình biết nhớ, mình chỉ vì Đông Đông nên mới hy vọng được xinh đẹp hơn, nhưng Đông Đông nói, Tiểu Phàm, em đẹp lắm đấy chứ! Thật không hả Đông Đông, có thật không?”
Cứ như thế trong sách viết đầy những chữ. Ôi Đông Đông, ôi Tiểu Phàm, tôi buông cuốn sách, lấy cuốn khác ra xem. “Tổ quý tộc”, trên bìa trong cũng có mấy chữ “Cuốn xx, sách của Tiểu Phàm”, trong sách cũng đầy những hình vẽ lăng nhăng và chữ viết. Cái cô Tiểu Phàm này hiển nhiên quen tán gẫu với những nhân vật trong sách:
“Liza ơi, đấy là tàn nhẫn, mình không thích những câu chuyện tàn nhẫn thế này. A a, mình đã chảy bao nhiêu là nước mắt. Liza, Liza, không được chia cắt hai người như thế! Còn mình với Đông Đông thì sẽ ra sao? Đông Đông, đừng cười em, em yêu anh đến nỗi ngốc nghếch như thế, anh mãi không chia lìa em chứ? Cho dù em… Ôi, làm sao mình dám viết tiếp?”
Tôi bỏ sách. Ánh nắng buổi sáng từ cửa sổ chiếu vào, căn phòng rất sáng sủa. Tôi không muốn lật xem tiếp những cuốn sách kia, mỗi cuốn đều có chữ viết làm đầu óc tôi nặng nề mờ mịt. Tiểu Phàm, Đông Đông, họ là những người thế nào? Họ đâu có liên quan gì đến tôi, nhưng họ khuấy đảo trong tôi! Tôi đi đến trước bàn viết, lơ đãng mở một ngăn kéo ra, có vài thứ lặt vặt ở trong đó, vài cuốn nhật ký dày và cũ kỹ nhưng được bọc giấy bao ngoài rất đẹp, mặt ngoài đề lần lượt:
Nhật ký của Tiểu Phàm
Năm Dân Quốc thứ 48 (1960)
Nhật ký của Tiểu Phàm
Năm Dân Quốc thứ 49-50 (1961-1962)
Sau đó là năm 1963, 1964, gần hơn không có. Mỗi năm một cuốn, tôi muốn lật ra xem thử nhưng lại lưỡng lự một lúc, rồi đóng sập ngăn kéo lại. Đây là bí mật của người khác, tốt nhất tôi đừng can dự vào. Sao tôi cảm thấy bóng dáng cô Tiểu Phàm tràn ngập căn phòng, làm tôi thấp thỏm và có phần nặng nề. Tôi mở ngăn kéo khác, có một sợi dây chuyền vàng 18K đính mặt hình trái tim, trên mặt khắc chữ:
Tặng Tiểu Phàm
– Đông Đông của em, năm Dân Quốc 51 (1963)
Đóng nhanh ngăn kéo, trong lòng tôi nổi lên một linh cảm lạnh lẽo, cô Tiểu Phàm này đã chết rồi. Nếu không cô ấy không bao giờ bỏ lại vật “Đông Đông” tặng mà không đeo bên mình. Tôi bước đến mép giường ngồi xuống, ý nghĩ lạnh lẽo trong đầu càng rõ ràng. Cái giường này Tiểu Phàm đã ngủ, cái ghế kia Tiểu Phàm đã từng ngồi, gian phòng này cũng là của cô ấy đã ở… Mà Tiểu Phàm, cô ấy có thể đã chết rồi… Tôi bải hoải gục đầu xuống, không muốn nghĩ tới Tiểu Phàm nữa. Đến bên cửa sổ, tôi ngắm những bông hồng nở rực rỡ khu vườn.
Buổi sáng ấy đã trôi qua như thế, buổi trưa Thu Cúc mời tôi xuống nhà ăn trưa, phòng ăn chỉ có một mình tôi, ông chủ vẫn còn chưa về.
Suốt cả chiều tôi ngồi không vô vị. Chẳng có việc gì làm, Thạch Phong không hề quay về. Tôi loanh quanh trong vườn hoa, xem mấy con cá vàng trong đài phun nước lượn lờ. Vườn hoa rất rộng nhưng không có chỗ nào để nán lại lâu. Tôi lại không dám ra ngoài, sợ nhỡ Thạch Phong về tìm tôi không thấy. Rốt cuộc ngày đầu tiên tôi đi làm là thế đấy!
Quay về phòng, tôi bắt đầu thấy thời gian thật vô vị, kiểu “đi làm” thế này thật khó chịu. Xa xa ngoài khung cửa sổ có thể thấy cánh đồng dưới chân núi, nhà cửa, đường tàu và những dải xanh lục của ruộng vườn. Tôi ngán ngẩm đi ra đi vào, cho tới tận lúc chiều buông. Hoàng hôn tràn vào căn phòng, tôi dựa bên cửa sổ nghĩ ngợi về công việc. Bỗng nhiên một hồi chuông từ xa xăm vọng lại, vời vợi, lắng đọng, từng tiếng nối nhau. Ở trên núi có đền chùa nào? Tiếng chuông mang một âm vọng đặc biệt, tôi lắng tai nghe, thần trí bay về một cõi bao la nào đó. Có tiếng còi xe, cuối cùng ông chủ của tôi đã về.
Anh ta không cho người gọi tôi. Chúng tôi gặp lại nhau bên bàn ăn tối. Anh ta nhìn tôi với ánh mắt sắc sảo, hỏi:
– Thế nào, đã quen nơi đây chưa?
Tôi nhìn anh ta chăm chăm, nói thật:
– Tôi cảm thấy anh không hề cần tới một người thư ký!
– Cần hay không là do tôi quyết định, hử? – Anh ta tiếp tục nhìn tôi – Có thể là tôi lãng phí tiền của mình, nhưng tôi cũng không muốn ngay ngày đầu tiên đi làm của cô thư ký đã dọa cô ta sợ bằng cách chồng chất vô số việc!
– Công việc quá ít cũng có thể làm cô ấy sợ! – Tôi nói.
– Rồi cô sẽ rất bận. Có điều tôi hy vọng cô quen với hoàn cảnh trước đã. Cô… có thích căn phòng của cô không?
– Tôi… rất thích! – Tôi nói – Nhưng hình như… có một số đồ của người khác anh quên mang ra ngoài.
– Cô định nói là đồ của Tiểu Phàm? – Anh ta điềm nhiên hỏi – Cứ để nó ở đấy, cô thích thì cứ xem, không sao đâu.
– Tôi không muốn đào xới bí mật của người tôi không quen.
– Thật không? – Anh ta nhìn tôi dò xét – Cô hơi hồ đồ và mù quáng đấy! Những đồ vật đó cản trở gì cô nào? Thích hay không thích xem thì đã sao?
– Trước mắt thì nó chưa cản trở gì tôi! – Tôi do dự một chút – Nhưng… Tiểu Phàm là ai?
Đáy mắt Thạch Phong lóe lên một nét cười, lại là nét cười có phần giễu cợt kia! Nhưng chỉ lóe lên rồi tắt ngay, anh ta trầm ngâm giây lát:
– Sao không hỏi tôi xem tôi là ai?
– Vâng, thế còn anh, anh là ai?
– Một công trình sư, trước mắt đảm nhiệm chức vụ Tổng công trình sư tại công ty X.
– Anh cần tôi làm công việc gì cho anh?
– Hình như tôi nói rồi.
– Hình như… Nhưng tôi còn chưa rõ.
– Từ từ đã, qua vài ngày hãy bàn, rồi cô sẽ rõ mà!
Anh ta kết luận, bắt đầu vùi đầu vào… ăn, dường như coi đó là chuyện không đáng để nhắc tới!
(còn nữa)
Chia sẻ bài này cho bạn bè:
Thích bài này:
Thích Đang tải...