TRĂNG TRÒN MÁI TÂY
Tiểu thuyết – Quỳnh Dao (Đài Loan)
Trang Hạ dịch (1999)
~~o0o~~
(tiếp theo)
– … Anh liệu mọi bề để giấu Tiểu Lỗi. Tạ ơn trời, nó tin tưởng sâu sắc rằng Tiểu Phàm chỉ có mình nó! Chỉ mong sao điều này mãi mãi là một bí mật!
– Em hiểu rồi – Tim tôi lạnh giá đi – Sau này Tiểu Phàm đã yêu anh.
Anh mở to mắt nhìn tôi, sau rồi anh dướn mày lên cười cười.
– Mỹ Hằng, em cho rằng người khác cũng dại dột như em, đi yêu một con ngựa hoang bị tròng dây thừng như tôi à?
– Thế thì… – Tôi ngờ vực hỏi – chuyện là thế nào cơ?
– Giả dụ không có câu chuyện này, chưa chắc Tiểu Phàm đã điên. – Anh tựa người vào lan can, nửa ngồi lên thành lan can xi-măng, ngửa đầu ngóng một đám mây bay phía trăng sáng. Sắc mặt anh nghiêm trọng mà ảm đạm – Việc này anh cũng phải chịu trách nhiệm. Cho đến tận giờ anh vẫn cảm thấy cắn rứt.
Tôi không nói. Anh châm một điếu thuốc.
– Tiểu Phàm học đến lớp 8 thì anh phát hiện cô bé có bệnh tim bẩm sinh và bệnh thần kinh tiềm tàng. Đồng thời, cô bé cứ èo uột, chẳng ham thích học hành gì nên Tiểu Phàm mười buốn tuổi thì không đến trường nữa, cứ ở nhà. Anh thì lúc nào cũng bận, Tiểu Phàm theo Tiểu Lỗi đọc sách, xem tiểu thuyết để giết thời gian. Vì thế về mặt đời sống của Tiểu Phàm rất hạn hẹp, ngoài anh và Tiểu Lỗi ra cô ấy không có người thân cũng chẳng có bạn bè. Trừ những lúc đi cùng Tiểu Lỗi, còn thì cô bé không bao giờ đi xem phim hoặc ra phố. Cứ thế, mối tình giữa hai đứa coi như sinh ra từ hoàn cảnh. Cuộc sống của cô ấy… Anh xin lỗi, bây giờ mỗi lúc nhớ lại anh vẫn cảm thấy mình có lỗi. Anh bận quá nên sơ suất. Cuộc sống của Tiểu Phàm hoàn toàn không bình thường và khỏe khoắn. Cô ấy thiếu rất nhiều thứ mà những cô gái bình thường có: tình bạn, nụ cười và quan hệ xã hội.
Cô ấy yêu Tiểu Lỗi là sự tất nhiên, em xem, ngoài Tiểu Lỗi ra cô ấy làm gì có cơ hội quen biết người con trai nào, huống hồ Tiểu Lỗi lại thắm thiết với cô ấy thế. Cho đến trước khi cô ấy điên bốn tháng thì có một người con trai khác xuất hiện.
Ngừng lại giây lát hít sâu một hơi thuốc, anh nhìn tôi:
– Em hay lên miếu trên núi? – Anh hỏi.
– Vâng.
– Là ngôi miếu nhỏ đó – Anh tiếp tục kể – Khi đó Tiểu Lỗi vừa tốt nghiệp đại học, đang đi tập quân sự ở miền Nam. Vì nó đi vắng, em cũng tưởng tượng được ra Tiểu Phàm cô đơn thế nào. Cô ấy ngày nào cũng lên miếu chuyện phiếm với các ni cô, chơi với bọn trẻ con nhà quê, hoặc cầm theo một cuốn sách đi dạo ra rừng thông ngồi đọc. Cứ thế, có một lần có mấy cậu sinh viên lên núi dã ngoại, bọn họ phát hiện ra cô ấy, rồi cô ấy gia nhập với nhóm này. Có lẽ từ đấy mà cô ấy bắt đầu quen biết người con trai kia. Về sau này Tiểu Phàm thường xuyên hò hẹn cùng người bạn trai ở chỗ ngôi miếu nhỏ.
Từ thời gian này Tiểu Phàm đã có vẻ hoảng hốt trong tâm. Anh nghĩ, nhất định là Tiểu Lỗi và người con trai kia đang giằng xé trong lòng cô ấy, mà Tiểu Phàm bản chất vốn lương thiện, không cho phép mình phản bội Tiểu Lỗi. Cho đến lúc anh phát hiện ra có cậu trai này thì hai người đã đi lại một cách mật thiết rồi.
Hồi ấy anh rất khủng hoảng và lúng túng khó xử. Một là anh sợ làm Tiểu Lỗi bị tổn thương, nó yêu Tiểu Phàm sâu sắc, hai là anh sợ xúc phạm Tiểu Phàm, thẳng thắn mà nói anh không tin tưởng cậu trai kia, một cậu vừa phù phiếm hời hợt vừa ranh mãnh, anh không tin cậu ta có thể làm Tiểu Phàm hạnh phúc. Tiểu Phàm lớn lên trong nhà anh, anh vẫn coi cô ấy như em gái, nữa là cô ấy lại mang bệnh tật, anh không thể để người ta lừa dối Tiểu Phàm. Vì thế anh đi tìm cậu con trai kia.
Anh lại ngừng lời, giữa hai lông mày là nếp nhăn nhỏ suy tư, như khắc vào khuôn mặt cái nhìn thâm trầm và khổ tâm.
– Anh nghĩ anh đã sai lầm. Anh tìm được cậu thanh niên đấy, đem chuyện nhà Tiểu Phàm kể hết và báo cho cậu ta biết, nếu cậu ta yêu Tiểu Phàm thực lòng, cậu ta buộc phải hết sức bảo vệ cô ấy, đó là cưới cô ấy. Nếu không thì đừng tiếp tục quyến luyến Tiểu Phàm nữa. Kết quả cậu ta từ đó không đến nữa. Còn Tiểu Phàm thì mấy ngày đầu chỉ là ngơ ngẩn, anh mời bác sĩ khám thì biết vô phương cứu chữa. Từ đó, cô gái ấy bị điên.
Anh chăm chú nhìn tôi, vẻ âu sầu và nặng nề.
– Đây là câu chuyện anh đã giữ kín, Mỹ Hằng, em thấy anh có làm sai không?
Tôi nhìn anh, hai con mắt anh tràn đầy sự hoài nghi, khuôn mặt dưới ánh trăng cao quý và trang trọng. Tôi nắm lấy tay anh, chuyện này làm tôi bất ổn. Tôi lắc đầu:
– Anh không sai, nhưng em không thích anh kể cho em đoạn cuối câu chuyện. Nó tàn nhẫn quá! Nó làm tan vỡ sự hoàn hảo trong tâm trí em. Em không thích chuyện này, nó làm cho Tiểu Phàm tầm thường, tình yêu ấy không cảm động được ai nữa!
– Cũng vì lý do ấy mà anh đã tìm mọi cách giấu Tiểu Lỗi. Tiểu Phàm đã điên rồi, nếu Tiểu Lỗi lại biết sự thực này thì tàn nhẫn quá. Tiểu Lỗi yêu Tiểu Phàm sâu sắc thế kia mà.
– Em không tin! – Tôi trầm tư lắc đầu, có đám mây bay che lấp vầng trăng, tôi đột ngột có ý nghĩ rất xấu – Cô ấy trước sau vẫn yêu Tiểu Lỗi, em tin chắc thế. Cô ấy đã viết những trang nhật ký ấy, quyết không thể thay lòng đổi dạ.
Thạch Phong buồn rầu lắc đầu.
– Mỹ Hằng, em quá tin vào sự hoàn mỹ!
Vâng, tôi là như thế. Ngả đầu lên vai Thạch Phong tôi không muốn nghĩ tới Tiểu Phàm nữa. Chúng tôi đứng như vậy khá lâu. Mây đã che khuất vầng trăng, lại nhẹ nhàng bay đi, gió đêm thổi qua, rồi lướt lại. Thời gian đi qua bâng quơ. Không hiểu chúng tôi đã đứng bao lâu, mãi sau tôi mới khẽ than lên một tiếng nho nhỏ:
– Thạch Phong.
– Cái gì?
– Cho dù Tiểu Phàm thế nào, anh đã vì Thạch Lỗi và Tiểu Phàm làm bao nhiêu việc rồi! Anh biết không? Những điều ấy anh làm em cảm động.
– Mỹ Hằng! – Anh khẽ gọi – Với anh, chẳng có lời nói nào ngọt ngào hơn thế!
– Còn nữa… Thạch Phong!
– Gì cơ?
– Tin em nhé, em sẽ không thay đổi.
– Ôi Mỹ Hằng!
Anh ôm lấy tôi, nước mắt tôi lăn khắp gò má… vì niềm hạnh phúc của hai chúng tôi, vì nỗi đau khổ của Thạch Lỗi và Tiểu Phàm.
Đêm khuya, quay về phòng, chúng tôi nhặt được ở khe cửa dưới sàn một mẩu giấy nhắn, trên có nét chữ của Thạch Lỗi, viết:
“Có một điểm thần Tình Yêu cũng phải thua sự thu xếp của con người, chính bởi sự ghen tuông là một gã trợ thủ tốt nhất đấy, nên em tranh thủ lợi dụng nó một chút! Em không lầm, đúng không? Chúc hai người hạnh phúc!”
Tôi nắm mẩu giấy trong tay, ôi Tiểu Lỗi tốt bụng!
~~o0o~~
Mười bốn
Biết được đầu đuôi câu chuyện của Tiểu Phàm rồi, tới mấy ngày liền tôi thấy khó chịu, lật cuốn nhật ký sau cùng của Tiểu Phàm, tôi đọc đi đọc lại, không tìm ra bóng dáng người con trai nào. Hiển nhiên cô ấy đã phản ứng với anh ta, thậm chí không muốn viết vào nhật ký. Tiểu Phàm, cô ấy hẳn cũng tôn sùng hai chữ “hoàn hảo” chăng? Nhưng tôi tìm ra không ít những dấu tích của sự dằn vặt, ví dụ có một trang cô ấy viết bừa bộn:
“Đông Đông! Về đi anh! Em xin anh về đi! Sao anh xa cách em đến thế? Không có anh, mỗi ngày tối đen không thấy gì cả… Đông Đông, Đông Đông, về đi! Nhanh lên anh! Cứu em!
Đông Đông, em sống là của anh, chết đi cũng thuộc về anh, cho dù anh tới nơi nào em cũng ở bên anh! Đông Đông, trong tim em chỉ có anh, chỉ có anh, chỉ có anh! Thượng Đế biết trong tim em chỉ có anh thôi! Ma quỷ hãy cút xa đi! Đông Đông, về đi! Ôm em, cho dù có một ngày em sẽ chết, em cũng nguyện chết trong tay anh, thật đấy, Đông Đông ơi!”
Lại có một trang, mới đầu tôi cũng chẳng hiểu nói cái gì, giờ mới hiểu manh mối:
“Mùa hè năm ấy, khắp nơi nóng nực, chỉ có nước hồ lạnh như băng, đấy là cái hồ chết chóc! Một cô công chúa đến bên mép nước, cô đã phản bội hoàng tử, chỉ còn biết để nước hồ dâng quá đỉnh đầu, cô nói: “Hỡi thần linh! Hãy cho tôi chết! Đấy là sự phán xử cho tôi!”. Nước lạnh lẽo tràn qua cổ họng cổ, kết thành tảng băng trong lòng cô.
Ôi, Đông Đông ơi! Em nóng bức quá, em lại lạnh lẽo quá!”
Lật xem lại cuốn nhật ký, tôi càng hiểu Tiểu Phàm. Nguyên nhân cô bị điên hoàn toàn không đơn thuần là do di truyền, cô ấy đã đấu tranh quyết liệt thế nào! Đã đau đớn! Mà lại tự trách móc mình! Cầm cuốn nhật ký tôi đi tìm Thạch Phong, nói:
– Thạch Phong, anh nhầm rồi. Tiểu Phàm trước sau chỉ yêu Thạch Lỗi, cậu bạn trai kia chưa hề chiếm được trái tim cô ấy. Cô ấy chơi với cậu ta chỉ vì cô ấy cô quạnh.
Thạch Phong cười hiền hòa, ôm lấy khuôn mặt tôi, anh bảo:
– Mỹ Hằng, em tốt quá! Em đúng là cô bé thích mơ mộng! Nhưng anh nghĩ em đúng!
Vâng, tôi đúng, tôi tin chắc chắn thế.
Cái ngày cuối cùng kia rồi cũng đến.
Hôm đó, nắng vẫn đẹp nhưng khí trời đã lạnh, mùa thu thản nhiên trôi qua, bây giờ là đầu đông.
Tôi vừa sáng sớm đã xuống núi, về nhà chú thím. Từ sau khi tới biệt thự Phỉ Thúy, tôi rất ít khi về nhà. Lần này tôi về có một nhiệm vụ rất quan trọng, tôi nói với mọi người về chuyện của tôi và Thạch Phong. Thím nhiệt liệt chúc mừng tôi, chú lại hỏi tôi rất nhiều về tình hình của Thạch Phong. Sau đó chú sai con gái đi mua thật nhiều đồ ăn, làm cơm mừng tôi. Các em họ cứ quấn lấy tôi suốt, hỏi nọ hỏi kia, rằng lúc nào có thể uống rượu mừng đám cưới chị. Tôi bị tình cảm ấm áp bao vây, thân thiết ấm áp thế khiến tôi chẳng muốn về biệt thự Phỉ Thúy ngay.
Tôi ở nhà chú thím cho tới lúc ăn tối xong mới đi. Lúc đến Bắc Đầu đã chín giờ tối.
Tôi đi một mình lên núi trên con đường nhựa, một bên là rừng thông, một bên là rừng trúc, gió đêm thổi xào xạc. Trời rất lạnh, tôi quàng chặt khăn choàng đi từ từ lên sườn núi. Bên đường không dựng đèn đường, may mà ánh trăng soi con đường thật rõ ràng.
Gió mùa đông lạnh giá thổi vào người rét mướt. Những hòn nham thạch sừng sững trong rừng thông dưới ánh trăng trông thật hung ác. Trên núi không yên ắng, tiếng thông tiếng trúc thay nhau vi vút. Trong lòng tôi vẫn còn sự ấm áp tình nghĩa của chú thím, đi trên đường này tôi tự dưng nhớ lại lần đầu tiên, Thạch Phong và chiếc mô-tô của anh! Lúc ấy có nằm mơ tôi cũng không ngờ người con trai đâm vào tôi ấy lại sẽ có mối quan hệ thân thiết với tôi. Tôi vừa đi vừa nghĩ, trong lòng mơ hồ dâng lên một niềm vui. Ánh trăng soi bóng tôi đổ dài gầy gò trên mặt đường, đôi giầy cao gót của tôi gõ xuống nền đường những âm vang rõ ràng và đơn điệu.
Bỗng nhiên tôi nghe thấy những tiếng sột soạt từ trong rừng thông cạnh đấy. Một cơn gió lạnh lướt qua, tôi rùng mình liền hai cái. Quay đầu lại tôi nhìn rừng cây bên cạnh, nham thạch, cây cối, ánh trăng… Tôi chẳng nhìn thấy cái gì cả. Nhưng tôi bắt đầu cảm thấy lo sợ, một mối lo mãnh liệt, tim tôi đập nhanh lên. Không biết vì sao cảm giác sợ hãi và cuống quýt chiếm lấy tôi.
Tôi bước nhanh hơn, đi thêm vài bước tôi đã đến gốc cổ thụ có cái ghế đá. Tôi dừng lại, định lấy lại hơi thở bình thường sau khi đi quá vội vã. Chính vào lúc đó, cái cảm giác của ngày đầu tiên đến đây lại tới, chỗ này không chỉ có mình tôi, có người đang nhìn trộm tôi từ chỗ nào đó. Tôi quay phắt lại, chỗ ba tảng nham thạch như bức bình phong kia, hơi thở của tôi ngừng lại. Dưới ánh trăng rõ ràng tôi nhìn thấy một bóng người vừa loáng qua một cái rồi biến mất ngay sau lưng tảng đá. Nỗi lo sợ làm tôi cuống cuồng sợ hãi. Ánh trăng, rừng tùng, sóng trúc, nham thạch, bóng người… hợp thành một cái gì dọa dẫm khủng khiếp, tôi thấy máu đông lại mà từng sợi lông tơ dựng đứng lên.
Không biết chuyện gì nữa, tôi bắt đầu chạy trốn. Theo con đường lát đá dăm tôi chạy về biệt thự Phỉ Thúy. Trong tiềm thức tôi cảm thấy bóng đen kia đang bén gót tôi, điều ấy làm sống lưng tôi nổi gai, tôi không dám ngoái đầu lại sợ phát hiện ra sau lưng mình là con ma không đầu thiếu mặt nào đó. Tôi chạy, cho đến lúc nhìn thấy dãy nhà của biệt thự Phỉ Thúy, và ánh đèn sáng ấm cúng từ các ô cửa sổ, tôi mới trút được một hơi thở dài.
Bước chân chậm lại, tôi tiếp tục đi, vừa dỏng tai lên nghe ngóng, chờ đến lúc xác định được phía sau lưng không có kẻ nào đuổi theo, tôi mới khiếp hãi ngoái lại nhớn nhác một lúc. Dưới ánh trăng con đường vẫn trải ra bình thản, bóng người nào đâu, tiếng động nào đâu, hiển nhiên chúng đều xuất hiện từ ảo giác của tôi. Tôi bình tâm, không nén được bật cười. Dư Mỹ Hằng, Dư Mỹ Hằng, sao mày khiếp nhược thế, rõ thần kinh!
Tôi đi đến cổng biệt thự Phỉ Thúy, ngay tức thì cảm thấy có gì bất thường đã xảy ra. Cổng lớn của biệt thự Phỉ Thúy mở toang, bên trong cửa ga-ra cũng mở toang. Xe ô tô của Thạch Phong và hai chiếc mô tô đều không thấy, trong biệt thự Phỉ Thúy yên ắng quá chẳng hề có tiếng động. Cái gì vậy? Tôi chạy vào phòng khách, hai ngọn đèn trần lớn đều sáng nhưng không có ai cả. Tôi gọi thật to:
– Thạch Phong!
Chẳng ai thưa. Tôi lại gọi:
– Thạch Lỗi!
Vẫn không có ai trả lời, tôi ngạc nhiên đi lên cầu thang.
(còn nữa)