(Phần 3)
Đập nát xe rồi? Sao lại đập? Tôi đùng đùng nổi giận hỏi. Cô buồn bã lắc đầu, nói: Họ bảo ảnh hưởng mỹ quan đô thị, còn ảnh hưởng cả vệ sinh môi trường nữa! Họ có việc gì mà làm nữa đâu, suốt ngày chỉ đi đập các xe hàng rong mà thôi!
Tôi ngạc nhiên đứng ngớ ra, đi bắt hàng rong? Bỗng dưng tôi thấy cồn lên một nỗi chua xót, cho dù có một trăm lý do để bắt họ, thì cũng có thể đập phá cướp bóc họ như vậy sao? Không thể giải thích cho họ sao? Dùng cái cách của thổ phỉ lâm tặc để hành xử sao?
Cô vợ nghe tôi nói, cười bò ra, bảo: Em chỉ xót mấy chỗ dưa hấu với dứa thôi, ngon lành thế, gọt sẵn rồi mà còn bị vứt, chỗ chưa gọt thì bị đập nát vứt đầy đường, làm cho em cũng lẫn lộn cả, không biết là bảo bọn em bán hàng rong vứt rác bừa bãi, thì tại sao chính mấy ông này lại đập phá bừa bãi, tung toé khắp nơi?
Nghe cô vợ nhận xét, tôi chẳng biết trả lời sao!
Đúng, rốt cuộc ai là kẻ bẩn thỉu vứt rác tung toé? Là người bán dưa ư? Hay là người đập nát cả xe dưa?
Ai mới là kẻ làm bẩn thỉu tung toé, là ai làm bẩn cả thế giới ta đang sống?
Chương Mười Tám
Một chiếc xe ba bánh bằng gỗ cũ kỹ đáng giá bằng cả tháng sinh hoạt phí, một đống dứa và dưa hấu trị giá bằng nửa tháng tiền ăn, bỗng chốc giữa ban ngày ban mặt bị một đám cũng được gọi là người, như bạn, đập nát bét, mặc cho bạn kêu gào khẩn cầu, mặc bạn nói hết nước hết cái, mặc bạn nước mắt ròng ròng!
Những đòn vọt vô tình đập nát tia hy vọng kiếm sống, những lời nói lạnh lùng chà đạp lên lòng tự tôn của bạn, những lời gào thét ra lệnh doạ nạt đáp lại sự khẩn cầu và ánh mắt nhìn đờ đẫn của bạn, như thế, trong một xã hội người với người được bình đẳng, bạn bị người khác xéo lên!
Tôi có thể hình dung sự tan nát cõi lòng của cô vợ khi ấy, cách tuyệt vọng, lòng tự trọng đáng thương. Nhưng cho dù tôi đi tìm cách hiểu, tôi cũng không thể hiểu được cảm giác đau muốn chết ấy. Có thể, đó là bi kịch của đời sống, một thứ ranh giới bạn cho dù bất chấp cũng không được quyền vượt qua, chỉ có quyền đi tìm hiểu, nhưng không được quyền cảm nhận.
Tôi nghĩ đến những gì đã xảy ra, nhưng chỉ còn biết cười buồn. Ngay cả việc nói một câu an ủi cô vợ tôi cũng không làm được, tôi thấy sức mình có hạn, thấy như thể sau khi được người khác trao ân huệ mà tôi không thể đền đáp nổi, một nỗi khổ sở đầy mâu thuẫn.
Tôi rất muốn lại bỏ tiền ra mua cho họ một cỗ xe, nhưng cô vợ bảo cô chẳng dám đi buôn bán trái cây nữa, không phải sợ quản lý đô thị, mà là không chịu được cảnh những trái quả ngon tươi bị dẫm nát đập tung toé.
Tôi nghĩ ra mấy cách có thể kiếm tiền, cô vợ thì bảo đồng hương đã giúp em một việc phát tờ rơi miễn phí, em thử làm xem sao đã. Tôi nhìn gò má gầy guộc của cô mà thấy đau lòng.
Tôi bỗng dưng phát cơn đau răng, nửa mặt sưng vù lên, đau tới mức không nuốt nổi gì, mũi cũng bị chảy máu cam. Tôi đành xin nghỉ việc, đi khám răng ở bệnh viện.
Mấy ngày uống thuốc, tiêm thuốc không khỏi, bác sĩ bảo răng sưng dẫn tới mấy bệnh vặt, lại tiêm, lại uống thuốc, vẫn vô hiệu, răng vẫn sưng đau, tôi vẫn bực bội khó chịu.
Sau cùng, bác sĩ cho tôi nhổ răng trồng răng mới, lại đau đớn vài ngày, cuối cùng cũng khỏi, tính ra một chiếc răng đau tốn của tôi hơn sáu nghìn tệ. Giờ tôi mới biết, hoá ra hai mươi tám cái răng trong miệng mình có khi là hai mươi tám cục vàng đấy, phải giữ gìn.
Thế nhưng xem tin buổi tối, về mảng tin y học trị liệu, có người đau ốm tốn tới cả triệu đồng tiền thuốc thang, tôi chỉ đau răng và mất có sáu nghìn tệ, còn rẻ chán.
Tôi liên tưởng, có thể những khoản chi phí y tế khổng lồ kia của người ta, tôi không trả nổi! Có thể khoản sáu nghìn tệ của cái răng đau tôi trả được nhưng người khác lại không trả nổi! Và còn bao người bần cùng hơn tôi, là có bấy nhiêu người xem thường bệnh tật!
Giá như có một ngày nào đó y tế miễn phí, tôi nghĩ, trên báo sẽ không có bài nói cô bé này mắc bệnh máu trắng cần cứu giúp, cũng không có người kia vì không tiền chữa bệnh nên tự sát, càng không có việc chữa bệnh cho một người xong mà cả gia đình tập trung nhau lại lên đường đi ăn mày.
Sinh bệnh đâu phải tội? Là tội của thân thể ư? Không tiền cũng là tội? Tội của người nhà ư? Tiền chữa bệnh ngày càng đắt là lỗi của ai, lỗi của bác sĩ ư?
Có thể ai cũng có lỗi, có thể ai cũng không có lỗi!
Chương Mười Chín
Hôm đó, tôi ôm má nhịn cơn đau răng, nghĩ thầm chắc sáu nghìn tệ của mình mất không mà vô ích rồi.
Cô vợ từ sau khi bị đập xe hàng, chuyển sang làm nghề phát tờ rơi quảng cáo, thế nhưng nguồn sống ấy đâu phải ngày nào cũng có, cho nên bữa đực bữa cái đi làm hoặc ngồi nhà chơi. Hôm đó cô thấy tôi đang quỳ gối xuống ôm lấy cánh cổng bưng má đau, cô sợ hãi.
Cô đập đập lên vai tôi, tôi ngẩng lên, cô mới thấy mặt tôi sưng vù. Cô xót xa hỏi: Sao vậy chị? Tôi lúng búng than: Xui quá, răng đau muốn chết.
Cô vợ vội vã hỏi: Thế chị đi khám chưa? Tôi thốt lên qua kẽ răng đau: Khám rồi, mất sáu nghìn tệ rồi, răng vẫn đau, ruột lại xót nữa!
Cô vợ bắt tôi há to ra cho cô xem, miệng lẩm bẩm: Sưng ghê thật, phải trị từ gốc. Chị cứ chờ em một tí. Nói đoạn cô chạy tuột vào phòng cô.
Một lúc lâu sau, tôi thấy cô bưng một bát nước đen xịt sang bắt tôi uống, thấy thứ nước bẩn đó tôi nhíu mày. Cô cứ bắt tôi phải uống. Cứ thế, suốt mấy ngày, cô vợ đều bắt tôi uống thứ thuốc ấy. Kết quả là hết sưng, răng cũng không đau nữa. Tôi nghĩ chắc chắn là nhờ thứ thuốc này.
Thì ra cô vợ sợ nơi đất khách ăn uống không quen thuỷ thổ lại bị nóng sốt, đã mang sẵn thuốc đông y từ quê lên, anh chồng thỉnh thoảng cũng hay bị đau răng nên mang kèm theo thuốc đặc trị. Thấy tôi đau quá, cô đã mang thuốc đó sắc cho tôi uống, không ngờ uống xong bệnh chuyển biến hẳn.
Tôi nghĩ, thuốc cô đã cho tôi uống rồi, lỡ một mai chồng cô đau răng thì sao đây? Cô vợ cười: Không sao đâu ạ, anh ấy cứ cắn cắn vài cái là lại khỏi. Tôi đã biết thế nào là đau răng, cho nên tôi hối hận lắm vì đã uống mất thuốc của người khác.
Tôi hỏi thuốc đắt không? Cô vợ cười: Không đáng gì đâu ạ, chỉ là cỏ cây thôi mà, quê em ở trên núi mọc đầy, cũng chẳng cần chế biến gì, mỗi thang thuốc chỉ vài đồng!
Tôi đùa: Mấy đồng thôi ư? Thế thì sáu nghìn tệ của tôi chắc nuôi đủ? Cô vợ cười: Chúng em nhà nghèo, bệnh cũng không đi khám nổi, chỉ biết tìm những thầy lang, thuốc đông y sắc uống thôi! Sáu nghìn đồng để khám một cái răng sâu, ngay cả trưởng thôn em có cả đời cũng không được cái phúc ấy! Là thu nhập cả năm của bao nhiêu người đấy.
Tôi nghe cô vợ nói, thấy lòng man mác. Sáu nghìn tệ, con số đó bắt đầu nặng nề trong tâm trí tôi.
Cô vợ đột ngột hỏi một câu: Sinh con ở bệnh viện ở đây cần bao nhiêu tiền? Tôi trầm ngâm một lúc: Có lẽ phải vài vạn tệ! Cô vợ nhảy nhỏm lên: Vài vạn? Thế nếu chỉ đẻ thôi rồi đi ngay, không nằm viện thì sao? Tôi ngẫm nghĩ: Cũng phải hơn vạn tệ! Cô vợ ngồi thừ ra: Lúc sắp sinh đến nơi mới vào viện, cho bác sĩ đỡ đẻ hộ, đẻ xong em sẽ đi ngay, thế mà vẫn phải hơn vạn cơ ư? Em không dùng bất cứ thứ gì của họ, em chỉ mượn họ một lúc thôi, chỉ đỡ tay cho em là xong thôi mà.
Tôi chưa hiểu ý cô nói, cũng không nghĩ lâu la, chỉ lo âu những bà vợ người làm thuê thu nhập cả tháng không đủ nghìn tệ kia mà vào thành phố, nếu lỡ có bầu, không kịp về quê sinh nở, thì họ lấy gì để bước qua cánh cổng của bệnh viện, sinh ra một đứa con khoẻ khoắn?
Sinh tồn là quyền lợi của con người, nếu ngay cả quyền sinh tồn cũng bị tước bỏ, hoặc vì được sinh tồn phải bỏ ra một cái gì đắt như cắt da cắt thịt, cái sinh tồn đó còn xứng đáng với ý nghĩa ban đầu khi con người được trao tặng sự sinh tồn chăng?
Một sinh linh, một cái răng, một câu nói, cho tôi biết: sống = gian khó!
Chương Hai Mươi
Đùi tôi ngày càng tròn, eo ngày càng phì ra, rồi mặt cũng tròn trịa, tôi thấy ngày càng béo ra, nên quyết định phải giảm béo!
Giảm béo, đối với một người lười biếng vận động như tôi, là một việc khó khăn. Khắc phục được nó phải cần tới một điểm tựa, tôi định kiếm một người đốc thúc tôi, hoặc tìm một người cùng tôi tích cực giảm béo.
Người đầu tiên tôi nghĩ tới là đôi vợ chồng cạnh nhà, cô ấy dù sao bây giờ cũng không bận bịu đi làm nữa. Tôi không trù trừ gì nói cho cô biết, cô không băn khoăn gì cả, đồng ý ngay.
Từ đó, mỗi sáng mỗi tối cô đều chạy bộ cùng tôi, đi tập luyện cùng. Lần nào tôi cũng hài hước bảo cô: Tôi tàn nhẫn quá, đi tìm một người gầy da bọc xương như cô để cùng nhau giảm béo! Cô thường động viên tôi: Rèn luyện thân thể có ích cho sức khoẻ, gầy hay béo thì tập luyện cũng đều tốt.
Tôi thường hơi áy náy mỗi khi thấy cô vợ đi tập luyện với tôi mà ngày càng gầy đi, nhưng mỗi khi thấy nụ cười sáng rạng rỡ của cô tôi lại thấy yên tâm. Tôi chỉ biết lấy cớ là đang giảm béo, mang tất cả đồ ăn ngon sang cho cô, bắt cô phải nhận lấy, mắt cô thường chan chứa sự cảm kích. Và cô lại dốc sức ra kèm tôi tập luyện như để trả ơn.
Nhưng tôi nằm mơ cũng không ngờ rằng, hôm sau ngày Cá nói dối 1/4, cô đến chào tôi đi: Cô phải về quê! Tôi cứ tưởng cô đùa vì hôm qua ngày Cá nói dối cô chưa kịp đùa tôi, nào ngờ tôi đã nhầm, cô thực sự về quê! Vì cô đã có thai năm sáu tháng rồi!
Vốn cô vợ định ở lại đây sinh con, nhưng sau đó nghe tôi nói sinh ở thành phố phải trên một vạn tệ, cô quyết định về quê sớm, ở quê chờ sinh. Cô sợ nếu chậm trễ, chờ đến lúc gần lâm bồn thì đi tàu xe về lỡ mất, nên cô phải đi ngay từ bây giờ.
Tôi kinh hãi, không biết nên nói gì. Trong đầu tôi chỉ có hình ảnh, cô đang mang thai, tôi còn bắt cô phải chạy theo tôi để tập luyện giảm béo! Tôi căm ghét chính tôi, để một người phụ nữ bụng bầu năm sáu tháng chạy theo đằng sau, nhìn mà không phát hiện ra, là do tôi ích kỷ hay tôi chỉ nghĩ đến bản thân tôi? Hay là tôi đã vô tình quên cả người khác?
Nghĩ tới việc hàng ngày cô vẫn tươi cười, chưa hề có nửa lời trách móc hay oán than tôi, lần đầu tiên tôi thấy mình độc ác quá. Tôi khinh rẻ chính tôi, tôi căm thù thói quen điềm nhiên đón nhận sự nhường nhịn của người khác.
Nhìn kỹ, thấy cô gầy rõ ràng đi, nên tôi càng ăn năn. Có lẽ mỗi ngày cô đều đùa với tính mệnh khi chạy bên tôi, về nhà lại ăn không đủ no, ngày hôm sau mới sáng sớm vác bụng đói chạy tiếp, đứa bé trong bụng cũng bị đói, sao mà đành lòng nổi?
Vào lúc tôi ăn to nuốt lớn, dồi dào mỹ vị để mình béo lăn quay, lại bắt một người mẹ mang bầu không đủ cơm ăn cũng phải đi tập cùng mình? Sự tàn nhẫn ích kỷ ấy thuộc về bản chất?
Tôi thấy từ đầu tới giờ tôi nào có cao thượng gì, tôi vẫn nguyên vẹn là người thô lỗ khinh khi như lúc lần đầu nhìn thấy họ, tôi chỉ dùng họ để lấp vào che đậy tính ích kỷ của tôi, nhưng rồi cũng thất bại, bản chất của tôi đã in dấu rõ ràng, đã in vào sâu trong tâm hồn tôi!
Tôi bắt đầu hối hận, không tha thứ cho mình, thấy mình thật không xứng làm bạn của họ, dù tôi từng là bạn, nhưng tôi không đủ tư cách là bạn, tôi chỉ là một đứa ích kỷ, không có tư cách đi xin họ tha thứ!
Cảm giác ấy thật đau, thật tê dại.
Chương Hai Mươi Mốt
Họ dường như không phát hiện ra những gì tôi đang nghĩ, họ chỉ dùng một giọng buồn bã để tạm biệt tôi.
Cô vợ một mình về quê, để đỡ tốn tiền, cô không để cho anh chồng đưa đi.
Tôi không biết một cô gái bụng bầu, xách túi lớn túi nhỏ thế kia, chen chúc trong đám đông nhếch nhác lên được cửa toa tầu, rồi một mình đơn độc về nhà thế nào. Nhưng tôi biết, nếu là tôi, tôi không làm được, tôi không đủ dũng cảm, tôi không đủ sức!
Mấy hôm sau, anh chồng dọn đi, vì anh thấy một mình ở trong một gian phòng thuê mấy trăm đồng một tháng là quá hoang phí, tiền kiếm được toàn tiêu vào đó hết, để tiết kiệm, anh chọn cách ở miễn phí, tức cùng một đám cửu vạn sống trong túp lều mái phủ bạt dưới gầm cầu. Vào lúc anh chồng sắp đi, tôi đưa cho anh một phong bì, trong phong bì có bức thư tôi viết cho cô vợ và một tấm thẻ rút tiền ngân hàng. Tôi dặn dò anh, bất kể thế nào, lúc về quê cũng phải đưa thư cho vợ. Anh gật đầu nhận lời, nói chắc chắn: Em đảm bảo sẽ hoàn thành nhiệm vụ.
Từ đó căn phòng trữ đồ cạnh phòng tôi để trống, bà chủ nhà nói có thể vứt cái ghế sô-pha cũ của tôi vào đó, nhưng tôi không cất, mỗi lần đi qua đấy, tôi đều dừng lại, ghé mắt vào trong hoặc nhìn nó rất lâu, rất lâu.
Từ đó về sau, tôi không còn gặp lại đôi vợ chồng ấy nữa. Tôi không biết anh chồng có còn ở trong túp lều chăng bạt dưới gầm cầu mà anh nói đó không, cũng không biết anh liệu có thời gian về quê để đưa cho vợ bức thư mà tôi dặn không, càng không biết ở nơi quê xa, nơi mà tên là gì tôi cũng không biết ấy, cô vợ liệu có bình an không.
Chỉ có điều, từ sau ngày họ ra đi, tôi bắt đầu thích đi giày đế bệt, bởi cảm giác rất thật, rất thật, tới mức độ, tôi nghĩ có thể sáng mai ra tôi sẽ học cách dọn nhà cho chính tâm hồn mình.
(Nhật Biên Thủy – mạng Văn học mạng TQ)