Đàn ông lười, đàn ông chăm

Mình nhớ hồi xưa, đám bạn trai của mình hay đùa rằng: “Bé được nhờ bố mẹ, lớn nhờ vợ, già nhờ con!”. Sau này, mình cay đắng nhớ tới câu đùa ấy khi thấy nó vận vào không ít cuộc hôn nhân mà mình từng chứng kiến trong xã hội. Bởi nếu đúng là người đàn ông có phước, được nhờ nhiều đến thế, thì đó là một người đàn ông có phước nhưng bất hạnh!

 

1. Mình có một người bạn gái, xinh xắn dễ thương, học giỏi, chơi với bạn bè vô cùng tình cảm. Mỗi tội, yêu mấy lần đều đổ vỡ. Chỉ yêu được vài tháng một năm, các chàng đều lảng dần.

Vì nàng vụng về vô cùng, từ nhỏ chưa từng vào bếp, quần áo thì ngày xưa mẹ giặt, lớn lên máy giặt thay mẹ. Cơm nước thì mẹ nấu, mẹ ốm thì bố nấu. Đi chợ nàng ngại mặc cả, về nhà ra vào chỉ có học và ăn. Nàng chỉ học và yêu, học càng tấn tới thì yêu càng khó khăn. Đến khi nàng thi đỗ vào khóa đào tạo sau đại học, cả nhà đều ngăn bạn mình đi học.

Bố mẹ nàng nói: Con đã vụng việc nhà, lại còn học cao, biết bao giờ lấy được chồng?

Những chàng trai cũ “của nàng” đều đã lảng đi với lý do, mới yêu thì thật tuyệt vời, nhưng nghĩ đến lúc phải lấy bà vợ đoảng, họ sợ!

Chưa học hết năm đầu Thạc sĩ, nàng bỗng tuyên bố cưới anh bạn học cùng lớp. Nàng cưới chồng cùng lúc mình đưa thiệp cưới. Rồi mình và bạn cùng lúc sinh con đầu lòng. Mẹ nàng gọi điện khẩn cấp cho mình ngay sau khi mình rời nhà hộ sinh:

– Cháu chạy qua nhà bác mau, cho con nó bú hộ bác vài ngày đầu nhé. Vì ngay cả cho con bú, nó cũng… không biết!


Đa số đàn ông đều công nhận rằng, vì họ vào bếp cùng vợ, nên họ tự tin và hạnh phúc hơn. – Ảnh: Thinkstock

 

Thế mà chồng nàng lại ngăn mình. Chồng nàng gọi điện bảo:

– Bạn mới đẻ, đừng qua, tớ lo cho vợ tớ được hết!

Mình nghĩ đến việc một cặp vợ chồng trẻ mới 25 tuổi, từ lúc cưới xong đã ra ở riêng, vợ thì vụng, con thì vừa sinh, thế mà anh chồng kia xoay sở thế nào? Cũng đã biết chồng bạn tháo vát giỏi giang, nhưng khoản vừa chăm bà đẻ vừa cho con bú kia thì… mình chịu, không hình dung ra nổi!

Thế mà, chỉ dăm năm sau, mình còn một lần kinh ngạc nữa khi qua thăm, nhận ra người bạn gái vụng về năm nào giờ trở thành một người phụ nữ ba mươi vừa khéo léo vừa đảm đang, bên cạnh ông chồng chu đáo. Mình hỏi:

– Phép màu nào vậy?

Ông chồng thanh minh:

– Nào ai dám dạy vợ? Chỉ là vợ yêu mình quá, và mình yêu vợ quá, nên học được nhau thôi!

Cô bạn mình mách tội chồng:

– Đó, đẻ đứa sau, mình được chồng khen là đã khéo chăm con, biết cho con bú! Rồi bảo, nếu đẻ thêm vài lần nữa là em đảm nhất quả đất! Nhưng mà ai mắc lừa ông ấy?!!! Kể mà anh lấy cô khác, có khi cả đời chỉ việc ngồi rung đùi chờ vợ cơm bưng nước rót ấy nhỉ? Có hối hận chưa?

Chồng bạn mỉm cười với vợ:

– Thì lại đưa đây, mình cho con bú có chứng chỉ chuyên nghiệp rồi! Mình có mỗi bí quyết ấy để khiến vợ yêu phát điên, mấy tay đàn ông khác học làm sao được? Mà có muốn cũng chẳng cha nào chịu học, khổ thế! May, có mỗi vợ mình lại thấy chồng đảm là quý giá thế!

2. Mình nghĩ, có khi ngay cả những người vợ đảm đang cơm bưng nước rót cho chồng, cũng biết rằng, người đàn ông sẻ chia việc nhà quý giá biết chừng nào. Có điều họ chẳng dám mở mồm ra yêu cầu từ người chồng của họ thứ chăm sóc đó!

Bởi vì chúng ta đã quá quen với sự hy sinh, đến mức nghĩ rằng hy sinh là một vầng hào quang lấp lánh của đời đàn bà.

Chúng ta cho rằng người đàn ông được trang bị cho đến tận răng bằng sự chăm sóc của mẹ, của vợ, của con cái là sự tự nhiên, còn người đàn bà ăn xong bỏ mâm bát đó, ngồi uống trà với người đàn ông là một sự nhàn nhã khó hiểu.

Mình nhớ hồi xưa, đám bạn trai của mình hay đùa rằng: “Bé được nhờ bố mẹ, lớn nhờ vợ, già nhờ con!”. Sau này, mình cay đắng nhớ tới câu đùa ấy khi thấy nó vận vào không ít cuộc hôn nhân mà mình từng chứng kiến trong xã hội. Bởi nếu đúng là người đàn ông có phước, được nhờ nhiều đến thế, thì đó là một người đàn ông có phước nhưng bất hạnh!

Vì người đàn ông nấu được một bát canh nóng cho vợ con còn quý giá hơn người đàn ông nửa đêm về trong hơi men, quẳng ra giữa nhà một cục tiền, trước khi ngủ gục trên bãi nôn mửa, không biết người đưa mình lên giường là vợ hay ai.

Rằng người vợ được đại gia chồng mua nhà mua xe cho thì thật là sướng, nhưng sáng sáng lúc quỳ xuống cửa buộc dây giày cho chồng, trong cái nhà tiền tỷ ấy, thì có chạnh lòng không? Mình nghĩ là có.

Nếu yêu thương có thể dạy ta nhiều thứ, làm ta trưởng thành hơn, thì sự lạnh lẽo của một cuộc hôn nhân thiếu hơi ấm cũng làm ta hiểu ra được nhiều điều giản dị trong cuộc sống này thật quý giá làm sao.

Giá người đàn ông của hôn nhân cũng như người vợ bạn mình kia, ngày càng trưởng thành và giỏi giang, chỉ bởi muốn tìm cách yêu thương nhiều hơn, thì thật tuyệt vời. Nhưng nếu bạn mình may mắn vì cưới được người đàn ông giỏi giang bao dung, khiến bạn cũng được yêu, được chăm sóc, và từ đó thay đổi, thì ngược lại: những người đàn ông cưới được người phụ nữ giỏi giang bao dung, có khi sẽ không trưởng thành hơn được nhiều.

Bởi người phụ nữ giỏi giang bao dung kia đã làm tất thảy khiến chồng chị luôn thấy rằng, mọi việc đều rất ổn, em có thể một mình cơm nước chợ búa giặt giũ, một mình nuôi con và phấn đấu sự nghiệp, dù vất vả nhưng miễn anh vui là được rồi!

Nói cho cùng, rất nhiều khi, hạnh phúc hay bất an đến từ chỗ, những người vợ nghĩ gì. Không phải chính những người phụ nữ đã tạo ra những anh chồng gia trưởng và những cậu con trai vụng về lười biếng việc nhà hay sao?

3. Tháng 6 vừa rồi, mình đọc được một báo cáo khoa học của Đại học Cambridge (Anh) có tiêu đề là: “Đàn ông làm việc nhà sẽ hạnh phúc hơn!” Họ nghiên cứu trên kết quả khảo sát 30 nghìn người đàn ông của bảy quốc gia, thấy được đàn ông nói thật về chuyện… vào bếp với vợ: Đa số đàn ông đều công nhận rằng, vì họ vào bếp cùng vợ, nên họ tự tin và hạnh phúc hơn. Bởi đơn giản, nếu không cùng vợ gánh vác việc vặt trong nhà, những thứ việc không tên và không được trả lương, hàng ngày trong căn nhà của họ, họ cảm thấy bất an với cuộc hôn nhân, lén lút cảm thấy có lỗi với vợ, dù ngoài miệng – tất nhiên – họ bảo, việc nội trợ đâu phải của đàn ông đàn ang chúng tôi!

Hóa ra, chỉ số hạnh phúc của đàn ông có khi còn được tầm soát bởi cảm giác bất an trong tận sâu tâm thức của mỗi người chồng: Mình có nhìn thấy vợ mình vất vả việc nhà, nhưng mình vì sao lại phải rời cái điều khiển tivi ra khỏi tay mình, để cầm lấy cái giẻ rửa bát?

Hồi xưa, mình từng làm luận văn về cái điều khiển tivi nằm trong tay ai thì người đó là kẻ quyền lực nhất trong gia đình. Và thường cái điều khiển tivi trong nhà chúng ta sẽ nằm trong tay bố, tay chồng, không mấy khi nằm trong tay vợ, tay con dâu.

Nhưng đàn ông có nghĩ rằng, mình cầm điều khiển tivi càng nhiều thì vợ mình đang cắm mặt vào đống bát đũa và quần áo bẩn sẽ càng yêu mình hơn không?

Có lẽ là không. Nhưng nếu người chồng cầm lên chiếc giẻ rửa bát, hai vợ chồng làm thì cùng làm, nghỉ thì cùng nghỉ, hẳn câu chuyện hạnh phúc gia đình sẽ viết tiếp theo cách đích thực ngọt ngào nhất.

Trang Hạ

2012

U40 kén vợ

U40 kén vợ

Có người bạn cũ chưa vợ đánh tiếng nhờ mình giới thiệu mối nào xinh tươi hiền thục. Mình hỏi: Thế sao đến giờ cậu còn chưa vợ? Định chẵn bốn mươi cưới một thể cho nó tròn năm hay sao?

Cậu bạn ngồi trong quán cà phê vẫn chụp cái mũ bóng chày NY lưỡi dài che nửa mặt lên sùm sụp. Chẳng phải thích vay tí teen cho nó trẻ ra vài tuổi, mà là muốn che lũ tóc mai bạc sớm. Đàn ông tóc đã bắt đầu bạc mà vẫn còn lo đi kiếm em nào ra dáng để còn tán, thật tình, chẳng mấy khi gặp.

Bạn bảo: Thì cô đầu tiên chỉ vì sinh nhật nàng tặng mỗi hoa, không có quà nên nàng bỏ mình ngay. Khổ nỗi thời sinh viên nghèo quá, hoa còn phải đạp xe tận vườn mua sớm cho nó rẻ, nữa là…

Cô thứ hai cùng quê, tốt nghiệp xong đi làm vài tháng, lúc đó mới nhận ra, nàng quê quá là quê. Lại lúc nào cũng giục cưới. Thế là mình lảng dần.

Cô thứ ba cùng công ty điện, người vạm vỡ như vận động viên, bóng chuyền đánh hùng hục, kìm búa thì cầm nhoay nhoáy mà tính dát như thỏ đế, có con gián chết dưới sàn nhà mà nàng cũng nhảy tót lên người mình bắt bế. Thật nỡm chả bằng ai! Nhân tiện công ty nhận nhà máy điện trong Nam, tớ xung phong đi, thực ra là đánh bài chuồn. Thế mà cô ấy còn thư từ mãi, lá thư nào cũng rắc nước hoa, hồi ấy chỉ có nước hoa Tàu, mùi như dầu gió, vừa đọc vừa phải hắt hơi vài lượt.

Cô thứ tư sinh ngoài Bắc mà sống trong Sài Gòn, giọng pha nửa Nam nửa Bắc, đã thế lại sính thói chèn vô số tiếng Anh vào mỗi câu nói. Lại còn hay khoe vốn tiếng lóng, thích chơi chữ. Mới mua xe máy chở nàng đi chơi, nàng bảo: Honey, đi với anh, em thật là ông hai mê! Hóa ra ý nàng là bảo: “Đi với anh, ê hai mông!”. Xong đòi vào tiệm chụp hình chung, nàng bị nghiện ảnh viện kiểu da mặt trơn láng, mắt tài tử, môi mịn, khung cảnh bàng bạc, xa xa là tháp Ép-phen hoặc biệt thự. Thôi thì dẹp sớm cho nó đỡ rách việc.

Cô thứ năm đến nhà lần đầu đã đòi vào buồng tắm. Chả ngại ngần bảo: “Anh sướng, trẻ thế này đã nhà riêng! Em chỉ thích tắm thật lâu, ngâm mình trong một bồn đầy bọt xà phòng, đọc tiểu thuyết Sydney Shendon, cho đến lúc ngủ thiếp đi thư giãn!”. Rồi nàng bảo, em thấy thích anh rồi đấy, anh khỏi cua em làm gì cho mất thời gian! Hình như nàng này mê cái buồng tắm trong nhà tớ thôi, chứ đâu phải tớ. Con gái thời nay thật là…

Cô thứ sáu là người quen ở quê mai mối cho, mới vào thành phố học đại học, ở quê bố mẹ tớ ưng lắm rồi, cứ giục là đồng ý đi. Nhưng có khổ không, tớ ngần này tuổi đầu rồi, bụng đã bắt đầu phệ, ngoài bia rượu ra thì cái gì cũng thấy nhạt miệng. Thế mà cô nàng mời tớ lên ký túc xá dự sinh nhật, ngồi giữa đám bạn sinh viên của nàng, trao cho tớ đĩa hạt dưa ngồi cắn. Tớ cắn hết nửa đĩa, nhìn quanh mỉm cười ngu ngốc độ năm chục lần, xong thấy mình đúng là chả có cái dại nào bằng cái dại nào.

Cô thứ bảy du học về, sành điệu thì thôi rồi. Tay lăm lăm smartphone, nách luôn kẹp laptop, giầy phải ăn rơ với màu quần và kiểu áo, đi đổ rác đầu cũng phải thắt nơ kiểu bà nội trợ đi đổ rác, xong về thay váy hoa kiểu cô nàng Hàn quốc váy hoa liti đạp xe đi mua đồ ăn, thêm vài bông cẩm chướng cắm giỏ xe cho nó lãng mạn. Đi chợ về thì thay kiểu váy trắng thắt bím tóc hai bên buộc nơ trắng cho ra vẻ thiếu nữ nhà lành ngồi chát webcam mắt mở to môi chúm chím. Hỏi ra thì biết nàng mới du học ở thủ đô nước Lào về, đang muốn mở shop online để mua bán bỉm sữa tã ăn dỗ những bà mẹ trẻ tham rẻ trên mạng. Nàng bảo, nếu cưới mình, nàng sẽ dành tầng một của nhà mình làm vườn trẻ cao cấp, tầng 2 cho Tây thuê, vợ chồng ở tầng 3 là đủ. Thiệt tình…

Cô thứ tám làm thư ký của mình nửa năm trước khi thành bồ. Trẻ, khôn, dễ coi, nhanh nhẹn, nấu ăn cực ngon. Mỗi tội, ghen đến phát rồ!

Cô thứ chín, hiền, ngoan, gia đình cơ bản, tán độ vài buổi thì bố mẹ nàng thấy tớ có điều kiện kinh tế quá ổn, nhà riêng, xe riêng, công ty riêng, nên đã xông vào… tán giúp. Mỗi tội, khi phát hiện ra cô ấy không còn trinh, tớ giải tán luôn! Nàng cũng khóc lóc dọa tự tử, thề thốt đủ điều. Mà bỏ mấy năm rồi có thấy tự tử gì đâu!

Cô sau đó, cũng lại bạn bè giới thiệu, hơi thấp, hơi xấu, đang làm giảng viên sau đại học của lớp bạn tớ. Tính rất là dễ thương và cởi mở. Mỗi tội, lúc nào mở mồm ra cũng chực tuyên ngôn nam nữ bình đẳng. Mới yêu đã đòi chia việc nhà sau này. Cho đi tàu suốt luôn. Chẳng lẽ mình ngần này tuổi, đi làm mười mấy năm, gây dựng cơ nghiệp triệu đô, rồi rước một bà về nhà hầu bà ấy sao? Để bà ấy chỉ huy sao? Đời thiếu gì gái tơ, ngoan ngoãn biết điều đúng không?

Cô thứ mười một, thực ra cũng chẳng phải yêu đương gì. Chẳng qua là hay đi mát-xa quán cô này, sau rồi thành khách quen, vì mình cũng thích cô này! Cô nàng cũng có vẻ thích mình, vì tính mình vốn chiều phụ nữ, ưa trò chuyện, nàng hay nhận lời ra ngoài với mình. Đi khách sạn, xong việc mình buồn ngủ chết đi được thì cô này cứ rủ rỉ rủ rỉ tâm sự. Rồi một ngày tớ giật mình kinh hãi nhận ra, tại sao mình trả tiền cho cô này, để được phục vụ, mà mình lại đang phải hùng hục mang cả tiền lẫn thân thể ra để làm cho nàng vui, nàng sướng? Tại sao mình đường đường một đấng đàn ông thế này mà phải cố làm cho một con cave vui lòng? Thế là… một đi không trở lại, nghĩ lại thấy, rồi cũng phải vậy thôi!

Mình sốt ruột ngắt lời: Thế tóm lại là bây giờ đang cô thứ mười mấy rồi?

Bạn mình cười khà khà, bảo cứ từ từ, đây nói cho mà biết!

Tớ muốn kiếm một cô tuổi dưới 25, đã yêu  một hai lần rồi cũng được nhưng phải còn trinh, ngoan, có học thức, tốt nghiệp đại học chính quy, khoa gì cũng được, chẳng quan trọng. Cao độ 1m60-1m62 để đẹp đôi với tớ. Chân thon, thẳng, da trắng, mấy đứa da đen mặc gì cũng không thể đẹp được. Mà chân vòng kiềng cứ bon chen mặc váy nhìn mới kinh chứ! Ngực nhỏ chán lắm, chưa kể sau này sinh con đẻ cái, ngực nhỏ không có lợi!

Nàng phải khéo léo, nhà tớ còn ba thằng em trai chưa vợ, nên nàng làm chị dâu, làm dâu cả, nàng phải chững chạc mới giữ được oai. Nhưng nàng cũng phải yêu văn hóa văn nghệ, tính lãng mạn tí thì sống với tớ mới thấy thú vị. Nhà cửa của tớ giờ sẵn đó rồi, nàng phải chăm quét dọn lau chùi chứ phụ nữ ở dơ thì hãi lắm. Có phải dễ mà có cả cái cơ ngơi thế này đâu!

Nấu ăn cũng phải biết làm cho nó ngon một tí. Tình yêu của đàn ông đi qua cái dạ dày mà! Cho dù mình sau này thuê người giúp việc, thì bà chủ cũng phải biết việc, tháo vát đảm đang thì mới sai bảo Ô-sin được chứ. Chưa kể thu vén việc nội ngoại, trang trí nhà cửa cũng phải có thẩm mỹ, ăn mặc đừng đua đòi hàng hiệu tốn tiền, nhưng cũng phải vừa đẹp vừa sang, xứng với vị trí của tớ…

Mình sốt ruột rồi, mình bảo: Tiêu chuẩn cụ thể như thế rồi, cậu cứ đăng báo, làm cái tin “triệu phú trẻ kén vợ” là khối cô lao vào. Cần gì phải giới thiệu! Ngày xưa cũng may, cậu chẳng yêu tớ. Chứ nhìn lại tớ chẳng đạt được một phần trăm nào tiêu chuẩn kén vợ của cậu cả.

Bạn mình lột mũ ra gãi đầu, cười cười: Duyên số, đâu có dễ dàng. Mỗi lần công ty tớ có event gì, ối cô hotgirl cứ đon đả ấy chứ. Mỗi tội, chọn vợ đẹp nó cưỡi lên cổ mình, vợ xấu thì mình cũng không lấy được. Bạn bè lâu năm từ thưở hàn vi như cậu mới hiểu nỗi khổ của tớ. Chứ nhiều cô, gặp vài lần, mình nói ra mong ước của mình, các cô ấy chạy mất dép. Khổ thế đấy!

Mình bảo, lỗi tại cậu.

Cậu đi tìm vợ là sai rồi, bảo sao chẳng khó khăn. Cậu phải đi tìm một Ô-sin chuyên nghiệp, một đầu bếp thạo nghề, một người tình trẻ, một quản gia già, rồi lúc nào cần xài người nào, cậu kêu người đó tới trước mặt cậu!

Trang Hạ

2012

Người tình già ở phố hoa sữa

Người tình già ở phố hoa sữa

Đăng ngày Thứ bảy 17/11/2012 12:00

Khi mới bước vào tôi đã ưng ngay căn hộ. Các phòng gần như mới tinh và trống rỗng. Đồ đạc lặt vặt của chủ nhân rất ít, chỉ có một cái võng xếp đặt giữa phòng khách, trước tivi và bàn nước. Có một chiếc chõng tre trong phòng ngủ nhỏ hơn. Vài bộ quần áo gấp trên chiếc tủ nhựa ở góc phòng. Phòng ngủ nào cũng có cửa sổ nhìn xuống con phố đầy cây xanh, sau rặng cây là mặt hồ đầy gió mùa thu, có thể nhìn thấy con đường tan học của ngôi trường phổ thông gần đó.

Ở đây, tôi có thể nhìn thấy con gái tôi tan học đạp xe ngang dưới đường, những buổi trưa đầy gió.

Chủ nhà là một ông già hom hem độ hơn bảy chục tuổi. Ông pha trà và nói, chú ở đây có một mình.

Tôi hỏi vì sao nhà đẹp thế lại cho thuê giá rẻ thế, với điều kiện, người thuê nhà cho phép chủ nhà ở lại, chủ nhà chỉ cần một phòng ngủ nhỏ. Tại sao chú lại muốn ở trong nhà chú, với tư cách của một kẻ đi thuê nhà?

Người đàn ông rót trà, nói, vì chú cần tiền chi tiêu, chú lại không có chỗ nào khác để ở. Sau khi li hôn, vợ chồng bán nhà chia đôi, bà ấy cầm tiền đi vào Hà Đông ở với con cháu. Chú một mình mua căn hộ này, ở cho đến bây giờ, cháu xem, nào chú có đồ đạc gì đâu!

Người già li hôn, thật hiếm gặp. Tôi không dám hỏi lý do. Tôi chỉ nói, đọc quảng cáo trên báo là cháu tới đây ngay. Dù cháu biết, điều kiện “ở cùng chủ nhà” của chú chắc ít người dám tới thuê ở.

Cháu là một nhà văn quèn, viết văn cũng vạ vật y như ăn ở, mỗi tội, là chẳng làm sao viết được ở trong nhà mình, đành cứ nay đây mai đó, sống càng trái ngang viết càng được chuộng. Thành ra có nhà có cửa mà cứ phải kiếm chỗ làm khổ mình.

Cháu chỉ cần chỗ đặt được cái bàn viết, trong vài tháng tới, để viết cuốn tiểu thuyết đã ấp ủ mấy năm ròng. Khi viết có thể thâu đêm suốt sáng, ăn ngủ thất thường, thật không muốn làm ảnh hưởng tới ai, càng không muốn thành gương xấu cho lũ trẻ con trong nhà. Nên cháu nghĩ, chỗ này tuyệt vời quá!

Trà rất ngon. Người đàn ông có giọng nói của người Hà Nội gốc, hay người Hà Nội đi khỏi Hà Nội năm 54, hoặc giọng người Hà Nội ở hải ngoại. Không khí này thật lạ lùng.

Ông nói, chú mua căn hộ này vì người tình đầu của chú thích căn phòng này quá. Cách đây năm mươi năm, hồi chú và cô ấy mới mười bảy tuổi, cô ấy chia tay theo gia đình vào Nam năm 54, mãi chục năm trước, dò hỏi mãi, cô ấy mới từ Pháp về tìm được chú. Nên chú bỏ vợ, về đây, mỗi năm cô ấy về với chú vài tuần, ăn Tết, đi chơi hội xuân với nhau như ngày xưa. Chú đưa người yêu đi chùa lễ đầu Xuân. Rồi chia tay nhau, chờ đợi năm sau gặp. Ở bên đó, bà ấy cũng còn con, cháu nội cháu ngoại nữa, không làm sao có thể bỏ tất cả được ngay lập tức.

Phố hoa sữa dưới kia dâng lên từng làn hương trong gió chiều muộn, thổi tới tận không gian này. Hàng sữa non mới ra hoa một hai mùa, hẳn vài năm nữa, khi sữa cao lớn và rộ chín, trai gái yêu nhau chiều nào cũng sẽ tìm về bên bờ hồ này, dưới hàng sữa non để nói lời tình tự. Giống như tôi hai mươi năm trước, lúc nào đi qua mùa hoa sữa cũng nghĩ, mình sẽ phải yêu tha thiết cuộc đời ngọt ngào này.

Giờ tôi ngồi đây nâng chén trà, nhìn người đàn ông độc thân hom hem ngồi trước mặt mình, nghĩ rằng mình đã yêu tha thiết cuộc đời cay đắng này.

Tôi nói, cháu cũng chỉ thuê vài tháng thôi. Rồi giáp Tết cháu viết xong sẽ trả phòng, chú đón cô ấy về là vừa.

Người đàn ông nhấp trà, điềm đạm nói, không, từ bây giờ, cô ấy vĩnh viễn không bao giờ về đây nữa đâu!

Vĩnh viễn? Tôi nghĩ ngay đến hình ảnh một bà già hơn bảy mươi tuổi, giọng nói vẫn Hà Nội xưa cũ, có thể cũng hom hem gầy gò như người tình của bà, giữa trời tuyết rơi Paris, tuyết trắng trời. Thời gian thật nghiệp ngã, cuộc đời này dài bao nhiêu cũng vẫn ngắn.

Và ngắn ngủi cay đắng bao nhiêu, cũng vẫn đáng để sống.

Người đàn ông nói tiếp, tiền bà ấy góp một phần vào cho chú mua ngôi nhà này, mỗi lần về bà ấy cũng cho chú rất nhiều tiền để sinh sống. Hạnh phúc được vài năm, vừa rồi chú ở một mình cũng buồn, chú cho cậu xe ôm ở cổng chung cư lên ở nhờ, chẳng lấy tiền. Thế rồi năm nay bà ấy vừa về Việt Nam, nhân lúc chú đi vắng, cậu xe ôm ở cùng “xì” cho bà ấy biết là hai chú cháu vẫn thường chung tiền gọi gái về đây vui vẻ. Thế là nó xin được bà ấy cho ít tiền thưởng, còn chú, chú đuổi luôn thằng ấy đi. Đúng là chú nuôi ong tay áo, cùng là đàn ông đàn ang sao nó lại chỉ vì mấy trăm đô mà xì ra chuyện ấy.

Cũng may, bà ấy đi, bà ấy chẳng đòi lại phần tiền đã góp mua căn hộ chung với chú. Giờ chú tính cho thuê  nhà lấy tiền sống tiếp.

Tôi đứng lại rất lâu dưới tán những cây sữa non dọc đường về, gió mùa thu dào dạt quanh đây, tin rằng hôm một người tình già chia tay vĩnh viễn mối tình đầu, một lần nữa đi khỏi Hà Nội sau năm mươi năm, có lẽ cũng gió nhiều dọc đường, gió bất tận thế này.

Cái cuộc đời ngắn ngủi và cay đắng này, sao ta yêu tha thiết đến thế?

Trang Hạ

Chỉ số văn hóa của một thương hiệu

Câu chuyện xây dựng thương hiệu là công việc của những nhà quản lý thương hiệu trong một doanh nghiệp, hoặc có thể, thuê dịch vụ của một công ty quảng cáo, phụ trách riêng từng nhãn hàng từ lúc chưa đưa sản phẩm hay dịch vụ đó ra thị trường. Thậm chí rất hài hước là, với những nhãn hàng lớn, một dòng sản phẩm chủ chốt, họ sẽ “sẻ việc” ra cho vài công ty quảng cáo chuyên trách, cùng chia nhau phụ trách từng gói quảng bá trong cùng một chiến dịch quảng cáo cho sản phẩm, xong rồi cả mấy công ty đó lại không hẹn mà cùng gọi Trang Hạ để ký hợp đồng. Hồi xưa trước những hợp đồng ấy, mình thường buồn cười và thấy hài hước kinh khủng, sao cùng sản phẩm này, chương trình (campaign) này, lại năm bảy đầu mối thế?

Thậm chí trên cùng một tờ tạp chí, cùng một campaign của 1 sản phẩm, số tuần này là công ty quảng cáo này trả tiền cho bài Trang Hạ, tuần sau là công ty khác trả tiền, cũng làm bài y chang, chỉ khác là ở số trang Promotion trên tờ đó thôi! Rồi mình làm một việc gì đó, tại một thời điểm nào đó, mà có tới 2 công ty quảng cáo (cùng làm cho nhãn hàng này) ký hợp đồng riêng lẻ!

Nhưng mình không nói về kinh nghiệm đó, mà viết về cảm nhận của một người thường xuyên tham gia các chương trình quảng bá sản phẩm cho các nhãn hàng trong và ngoài nước. Đó là yếu tố văn hóa trong một chương trình quảng bá (PR) của một nhãn hàng nào đó. Hình như những chuyên viên quảng cáo đều là những người sáng tạo vô biên nhưng theo lối tư duy của nhà kinh doanh, nên nhiều người không để trọng tâm vào các giá trị văn hóa, trong nhiều chiến dịch truyền thông và quảng cáo của họ.

Dù mình đánh giá rằng, điều đấy mới thực sự là vũ khí mạnh mẽ nhất tấn công vào đám đông khách hàng, là thứ nền tảng nhất và bền vững nhất để hình thành địa vị của một thương hiệu trong công chúng.

Có một lần rất lâu rồi, một khách hàng mời mình tư vấn chiếc lược cho một sản phẩm. Họ nói bản thân họ là một chuyên gia tư vấn đầu tư và quảng bá cho vô số đại tập đoàn, cả trong và ngoài nước bao nhiêu năm rồi, nhưng đây lại là công ty đầu tiên mà tự họ đầu tư sản xuất và kinh doanh. Vì thế họ cần mình tư vấn và cùng tham gia xây dựng chất nhân văn trong thương hiệu mới này. Họ đã chọn sẵn yếu tố trẻ, năng động, thời thượng, giá trị bản địa sánh tầm cơ hội quốc tế… cho thương hiệu, giờ họ cần mình tư vấn “đánh bóng” cho thương hiệu thêm chất sâu sắc, nhân văn, thị dân, đánh vào tình cảm người tiêu dùng.

Mình rất kinh ngạc khi thông điệp truyền thông họ đưa ra là tự hào về nền nông nghiệp lúa nước với lịch sử bốn nghìn năm, dành cái tâm cho nông dân và bữa ăn lúa gạo, tự hào về gốc rễ từ một quốc gia 75% nông dân để cạnh tranh với thương phẩm “gốc quốc tế” khác. Thế nhưng trên thực tế, họ lại chẳng dùng một hạt gạo nào của người nông dân Việt Nam sản xuất ra cả. Đơn giản là vì chất lượng gạo Nhật, Thái thì ổn định hơn gạo Việt. Gạo người Việt trồng rất thế này thế khác.

Mình nói rằng, nếu anh muốn khoác cái áo văn hóa lên một sản phẩm kinh doanh, cái đầu tiên là anh không được phép phản bội lại thông điệp của anh, không được phản bội lại giá trị văn hóa mà anh “mượn tạm” ấy. Dù chỉ là mượn tạm trong giai đoạn đầu tung ra thị trường. Bản thân anh đã cho rằng những sản phẩm của bốn nghìn năm lúa gạo ấy là chả ra gì, thì anh có thể lựa chọn những thông điệp khác để ra mắt sản phẩm mà vẫn chiếm được lòng tin và sự yêu chuộng của người dùng.

Còn nếu thực sự muốn tự hào về gạo Việt, thì khó gì việc, phát động xây dựng thương hiệu gạo Việt sạch, gạo Việt chất lượng trên truyền thông (dù chỉ trên truyền thông thôi!) rồi ký với nông dân các cam kết sản xuất gạo sạch để thầu mua sản phẩm của một trăm hec-ta gạo tám ở vùng An-Ninh (các xã ở huyện Hải Hậu, Nam Định) chẳng hạn, gạo không sạn không thuốc sâu, giống thuần, bảo quản tốt, xát cám vừa đủ mỏng v.v… Bản chất việc ấy mang hiệu quả truyền thông nhiều hơn là thực chất, nhưng ít nhất, tạo hiệu ứng xã hội rất tốt, xây dựng thương hiệu từ gốc, vừa thân thiện vừa kiêu hãnh, thực chất, trung thành và nhất quán với quan điểm quảng bá của nhãn hàng. Hơn là chỉ kiêu hãnh phần ngọn với đám thị dân bỏ được tiền ra mua sản phẩm của anh.

Nếu không thì đánh vào những yếu tố rất “con người thị dân” khác của khách hàng, ví dụ như niềm vui bố mẹ con cái là khách hàng, câu chuyện của từng nguyên liệu, hay đẩy mạnh sản phẩm salad chẳng hạn, một khi người thành phố đọc quá thừa sách báo giáo huấn về trách nhiệm làm đẹp và giảm béo, họ thèm vitamin nhưng họ thiếu thời gian để chăm sóc bản thân, thì tạo ra thói quen 5 phút buổi trưa chăm sóc bạn, rời cao ốc tới góc phố để lấy salad của anh, giá rẻ cực tươi mới và tự chọn, cũng là một cách khác để tạo ra một giá trị rất nhân văn cho khách hàng của anh. Chứ việc khoác lấy một cái áo “giá trị văn hóa” quá lớn so với giá trị thực của sản phẩm, sẽ chính là tự chuốc lấy nguy cơ cho chính thương hiệu ấy.

Có một khách hàng nữa, mời mình quảng bá trong một event cho một sản phẩm dành cho bà bầu. Mọi việc diễn ra thật suôn sẻ. Nhưng mình rất khó mà nói ra được nỗi băn khoăn của bản thân với sản phẩm. Một ngày, lấy hết can đảm, mình hỏi công ty quảng cáo:

– Này, em làm cái sản phẩm hồi đó cho bà bầu, em có nghĩ khách hàng của em là những bà bầu, là những người… đang có bầu không?

– Ơ, tất nhiên chứ chị???

– Thế… em có nghĩ là họ đi lại khó khăn hơn người thường không?

– Ơ hơ, thì vì thế bọn em đưa ra thông điệp là họ phải năng động, và sản phẩm cũng như các event (trong campaign) bọn em hỗ trợ họ hoàn hảo để họ tự tin và năng động mà!

– Thế… năng động là vừa đi đâu vừa khệ nệ vác theo một cái hộp to hơn cả túi xách làm việc của họ ư?

– Hả???

– Chị cứ băn khoăn từ lúc ký hợp đồng, là sao mà nhãn hàng khai thác cái concept quảng cáo này mà không ới với nhà sản xuất một tiếng, bảo họ đóng gói sản phẩm này dưới dạng gói rời dùng một lần, y như cà phê hòa tan hay là bột dinh dưỡng ngũ cốc đó, bà bầu hàng ngày dễ dàng mang theo trong túi xách, đến đâu dùng ở đó. Ta khuyên bà bầu trung thành với sản phẩm này, nhưng bản thân sản phẩm rất bất tiện cho việc bà bầu sử dụng thường xuyên.  Ta xui bà bầu phải năng động, nhưng bản thân sản phẩm chả năng động chút nào. Lúc đó bao gói không phải chỉ là bao gói, mà còn là cách thể hiện giá trị thực tiễn và rất nhân văn của thông điệp quảng cáo nữa. Hay đầu tư cái máy đóng gói túi rời nó quá đắt đối với nhãn hàng?

– Trời ơi, thế sao ngay từ đầu chị không bảo em?

Hơ? trời ơi, bạn thuê tui làm cái gì thì tui làm cái đó chứ, ý kiến ý cò gì?

Xong gần đây có một nhãn hàng nước ngoài ký một hợp đồng PR cho sản phẩm của họ. Họ cần mình khen họ.

Mình bảo, xin lỗi, mới mươi tháng trước, nhãn hàng mỹ phẩm S… của các bạn có một cái phốt cực lớn tại Việt Nam, rất gây phản cảm, rất phi nhân tính, đại lý của các bạn giăng biển chửi các bạn khắp nơi. Bây giờ ngay cả mình và bạn bè mình đều đang mua sản phẩm của các bạn từ nước ngoài, chứ kiên quyết tẩy chay không mua của S… Việt Nam. Tiền thì mình cũng thích, nhưng bạn cho mình biết là S… sẽ xử lý thế nào trước cảm quan của xã hội? Chứ mình làm sao viết bài quảng cáo cho nhãn hàng của bạn, trong khi bản thân mình thấy các bạn hoàn toàn rất phản cảm, đi ngược lại các giá trị nhân văn trong xã hội?

Thế là nhãn hàng đi thuê người khác viết PR cho nước hoa của họ, chẳng thèm reply cho mình một câu. Nói thật, nhiều người khác đâu có cắc cớ quan tâm đến những chỉ số văn hóa và cảm quan xã hội của thương hiệu như mình?

Hồi xưa mình đứng tim và xót xa vì đọc bản tin một cái hãng dầu ăn N… mời nghệ sĩ Xuân Hương (vợ cũ MC Thanh Bạch) tham gia thi nấu ăn “Gia đình điểm 10” gì đó trong Sài Gòn, nhưng lại không trao giải với lý do chị Xuân Hương bỏ chồng nên đã… vi phạm quy định cuộc thi, họ chỉ trao giải cho ai có vợ có chồng đầy đủ! Thật tình bao nhiêu tiền bỏ ra để PR cho nhãn dầu ăn này cũng đổ xuống sông xuống biển chỉ vì một hành vi tàn nhẫn và thiếu nhân văn đến mức đó, khoét sâu vào “gia đình khuyết người” của người phụ nữ nổi tiếng này. Mà lại còn coi đó là nhược điểm, hay như lỗi của chị nữa chứ! Sao không ngược lại, hãy trao giải và nói, dù chị phạm quy nhưng chị vẫn đang duy trì những giá trị nhân văn của xã hội này, là sự tự tin của người phụ nữ bước ra từ sau những buồn bã?

À há, vì nhãn hàng chẳng trả tiền cho công ty quảng cáo vì mấy cái đó.

Trang Hạ – vì sao “hot”?

(Lao Động) – Số 227 – Thứ sáu 28/09/2012 06:38

Không thể đi lấy một cuốn sách được cho (cuốn tiểu thuyết mới ra của Nguyễn Ngọc Tư), do vướng… một cuốn sách dở cần phải trả bài; cũng chưa từng đọc cuốn nào của Haruki Murakami – tiểu thuyết gia đương đại được dịch nhiều nhất ở VN và đang là ứng cử viên sáng giá nhất tại vòng đua nước rút của giải Nobel năm nay, Trang Hạ (ảnh) vì thế vừa có với PV Lao Động cuộc trò chuyện thú vị về “24 giờ (không chỉ) trong đời một người đàn bà”.

Như một… “gái hư”, người mẹ ba con này cứ tầm mười giờ đêm là lại “sẩy nhà ra đường”, để chồng cho con ngủ (thì may ra mới êm chuyện). Đoán chừng “ba tên giặc cạn” ngủ say, chị mới lò dò từ quán net về. Cuộc trò chuyện giữa tôi với chị diễn ra trong khoảng ấy, thậm chí kéo dài tới tận hai giờ sáng. Cũng trong khoảng ấy, mỗi ngày, cái tên Trang Hạ được đắp dày lên, để chị được biết không chỉ là một nhà văn, mà còn là một blogger đình đám và quan trọng hơn, là một dịch giả tiếng Trung có tiếng mát tay với những đầu sách bán chạy như: “Mẹ điên”, “Xin lỗi em chỉ là con đĩ”… – đều đã được chuyển thể sang kịch bản sân khấu và gần đây nhất, đã mang lại cho chị “giải thưởng Fahasa – sách được bạn đọc bình chọn” vì những đầu sách bán chạy.

´ Trước, thì thấy bảo có hai chuyện người ta hay nói nhất ở quán café là… sex và nhà đất, giờ nhà đất ế ẩm thế, không khéo phải thay bằng… gameshow đấy chị!

– Gameshow hút ai, chứ còn lâu mới hút được tôi! Vì so với thú đọc sách, nó là một trời một vực! Một đằng, xem xong hễ sướng là hét lên, một đằng xem xong hễ ghét là hét lên, mà còn hét rất to!

´ Vì sao chị lại không xem tivi?

– Giết thời gian trước màn hình TV, theo tôi như giết thời gian trên mạng Internet, khác chăng là khi lên mạng, ta đang sử dụng máy tính và mạng; còn khi xem tivi, chính là cái tivi đang sử dụng chúng ta! Bây giờ, tôi thấy có quá nhiều người mắc chứng nghiện TV. Mà không ý thức được rằng vào lúc bạn dành khoảng thời gian 8-10 giờ tối cho những thú vui nửa vời, cuộc đời bạn sẽ là tập hợp một chuỗi những thứ vụn vặt ấy.

´ Ôi, đã làm việc hùng hục ngày tám tiếng thì chớ, về nhà lại còn không dám xem TV nữa, có nhất thiết phải gồng lên như thế không?

– Vậy bạn có biết, cuộc đời bạn thành đạt hay thất bại lại được quyết định bởi chính khoảng thời gian nghỉ ngơi, từ 8-10 giờ tối mỗi ngày không? Hiển nhiên, làm việc và học tập vào sáng và chiều đã mang lại cho bạn bằng cấp, công việc, thu nhập, thậm chí có thể còn là một chức danh rất kêu trên danh thiếp. Còn sau giờ làm, chúng ta thường dành thời gian để… ăn! Và mất thời gian nhất là đi ăn với… sếp.  Tôi hãi mỗi khi thấy ai đó nói rằng, họ dành 24 giờ để chuyên tâm vào điều gì đó. Cho dù đó là 24 giờ để yêu, để sống, để hùng hục làm việc. Bởi nếu không dừng lại để suy nghĩ, dành thời gian để đào sâu vào sở thích cá nhân, tôi e bạn chỉ có một danh thiếp đẹp mà thôi, bạn không là ai có bản sắc và có tư chất riêng trong đám đông nhạt nhòa. Vì rõ ràng trên đời này có hai loại người quá khác xa nhau: Những người vì tiền mà làm việc, có tiền rồi mới đi làm thứ họ thích! Và những người vì làm những việc họ say mê mà ra tiền và sự nghiệp! Và bận rộn không phải lý do cho mọi vấn đề. Bạn có biết, Newton, Anhxtanh, hay thậm chí những họa sĩ vừa mở triển lãm, những bà mẹ hạnh phúc bên con, những người thành công hay thất bại trên đường đời, họ cũng chỉ có 24 giờ trong một ngày để sống?

´ Vậy “24 giờ trong đời một người đàn bà” như Trang Hạ, thì sao?

– Chính xác là tôi đang nghỉ hưu ở tuổi 37. Sáng dậy sớm chạy bộ, về tự pha ấm trà nóng hoặc tách càphê, có gì ăn nấy, sau đó đi chợ. Trưa loanh quanh trong nhà và vì không gian sống chính là không gian viết, nên tôi thường ra quán càphê để thay đổi, không phải không gian mà là đồ uống.

´ Và điều đáng “xấu hổ” nhất là tới giờ này mà còn chưa đọc cuốn nào của Murakami và “Sông” của Nguyễn Ngọc Tư? Trang Hạ mà “lạc hậu” thế sao?

– “Sông” thì kiểu gì tôi cũng sẽ đi vác về, vì chưa bao giờ chịu để sót Nguyễn Ngọc Tư kể từ sau “Ngọn đèn không tắt”. Còn Murakami, bạn nghĩ, đó là toàn bộ nền văn học Nhật sao?

´ Vì sao gần đây chị lại chăm viết báo hơn viết văn? Trong khi nhà báo thì khủng hoảng thừa, nhà văn thì khủng hoảng thiếu…

– Là vì thông tin thì ta có đầy rẫy, nhưng quan điểm thì ta không tìm đâu ra (thế nên bài của Trang Hạ mới hot!). Những người rao giảng lý thuyết thì nhiều, nhưng người chia sẻ, trải nghiệm bản thân thì hiếm (thế nên Trang Hạ lại hot!). Những điều muốn nói thì nhiều, nhưng những điều khiến ta ngại miệng càng nhiều hơn (thế nên Trang Hạ lại càng hot!)… Dù một mặt, cũng như nhiều người, tôi hoang mang.  Hoang mang vì chúng ta bị đảo lộn các giá trị. Trước, ta cứ đùa với nhau rằng, bồ là phở, vợ là cơm, giờ ta hoang mang vì nhận ra đàn ông – những người đưa phở và cơm lên đầu môi ấy – đều chỉ là hạng cơm nguội ngày nào cũng nguội như ngày nào. Trước, ta tưởng “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, giờ ta nhổ nước bọt vào thằng đàn ông nào nhốt vợ vào nhà, rồi hằng tháng chỉ cần ném bọc tiền lương là được nhận về cả một gia đình hạnh phúc. Trước, ta ung dung ta có khả năng lên mạng chăn “rau sạch”, giờ giật mình vì hóa ra mình là “rau sạch” của đám cave. Trước đây, tôi được mời viết bài, bài nào hay sẽ được thưởng. Giờ, tôi thường nhận được các hợp đồng mời viết thuê, viết càng khiến dân chúng chửi, càng có tiền. Vậy, chính tôi cũng hoang mang chứ, đâu phải mỗi đám đông ngoài kia đâu!

Trang Hạ - vì sao “hot”?

Mình ơi

Ngày xưa tôi có quen một anh bạn rất thông minh, khéo léo, lãng mạn, có tài văn chương và khá… cực đoan. Một lần, anh ấy viết một truyện ngắn lấy tên là “Mình ơi!”.

Anh giải thích, đó là mong ước hạnh phúc của một người đàn ông sinh ra trong thế kỷ hai mươi, sống với những giá trị văn hóa của thế kỷ này, nhưng… sẽ lấy vợ là một người phụ nữ thế kỷ hai mốt! Và, cho dù cả xã hội sẽ gọi vợ là em, là nàng, là bà xã xệ nhà tôi, thì anh ấy chỉ muốn gọi vợ (trong tương lai) bằng cái cách quê mùa gần gũi nhưng ấm áp nhất, là “mình ơi!”.

Chúng tôi đã tranh luận rất lâu về cách người chồng gọi người vợ, nói lên rất nhiều về yêu thương và về chính người đàn ông – đàn bà đó trong mối quan hệ hôn nhân ấy. Tôi cho rằng, cách người chồng gọi vợ chỉ là một thứ quy ước, thuận miệng và theo thói quen gia đình. Ví dụ như, nếu bố mẹ chồng gọi nhau là anh – em, rất có khả năng đôi vợ chồng trẻ cũng xưng hô với nhau như thế. Hoặc cả một vùng miền Tây gọi vợ là “bà xã” thì mọi đàn ông đều gọi vợ như thế, không mang hàm ý gì.

Anh bạn tôi thì lại cho rằng, không như chúng ta tưởng, “vợ tôi” là cách gọi vợ lạnh lùng xã giao nhất khi đàn ông trò chuyện với người ngoài. “Cô ấy” là cách gọi mà người đàn ông đang nói chuyện với… cô bồ trẻ trung xinh đẹp. Còn “mình ơi, nhà tôi, bà xã nhà mình” là cách gọi chứa nhiều yêu thương nhất mà người đàn ông gọi vợ. Trong tên gọi ấy, luôn có một nửa “mình, tôi” của người đàn ông ở trong ấy, có gắn kết bản thân mình với người phụ nữ mình yêu.

Gọi vợ như thế, người đàn ông sẽ không bao giờ phản bội vợ!

Có điều, nếu người phụ nữ không  biết cách giữ lửa yêu thương, có thể một ngày nào đó, “mình ơi” sẽ trở thành “cô ấy”, đầy lạnh lùng trong câu chuyện của người đàn ông. Tất cả phụ thuộc ở những gì mà người đàn ông cảm nhận về vợ mình.

Có thể cô vợ mới đầy nũng nịu âu yếm, một cuộc sống mới bỡ ngỡ đầy mật ngọt khiến người chồng cảm thấy, có thể dùng những tên gọi tha thiết nhất cho vợ. “Em yêu ơi!” hoặc “vợ yêu ơi!”.

Và một ngày, một người đàn bà bụng xồ ra, tóc buộc quấy quá sau gáy, đi lại trong nhà trong bộ đồ cộc quăn tít, nhăn nhó khiến những vết nhăn trên gương mặt càng sâu thêm và già đi, sẽ khiến người chồng cảm thấy hình như có một người phụ nữ già nua xa lạ đã đến thế chỗ của người thiếu nữ thảnh thơi được yêu được cưới ngày xưa. Hình như, lúc ấy cảm nhận của người đàn ông về vợ mình đã thay đổi, chứ không phải chồng đã thay đổi, giờ chỉ gọi vợ là “bà”, một “bà vợ” đúng nghĩa thực dụng, đầu bù tóc rối, cũ kỹ.

Nếu người đàn ông sâu sắc, họ sẽ hiểu lý do, thứ mà thời gian lấy đi của người phụ nữ, chính là cái cách mà người phụ nữ làm cho gia đình hạnh phúc: Lo việc nhà, chăm con, phấn đấu sự nghiệp, quên thời gian dành cho chăm sóc vóc dáng, làn da. Có thể, họ sẽ thương vợ, thương xen chút ái ngại.

Nếu người chồng chỉ là một người đàn ông như vạn đàn ông khác trên đời, họ sẽ chỉ đơn giản nhận ra rằng:  Vợ đã già đi! Nhìn thấy điều ấy từ vóc dáng và làn da thiếu chăm sóc của vợ.

Chúng ta ít may mắn gặp được những người đàn ông sâu sắc, hiểu mỗi mất mát là một thứ quà tặng của đời sống. Chúng ta lại rất hay gặp đàn ông đòi hỏi vợ đã đảm đang lại còn phải gọn gàng duyên dáng. Bởi thế, nếu không biết tự làm mình vui, mình đẹp, có rất nhiều khả năng là người phụ nữ sẽ nhận lấy cảm giác trống trải trong cõi đàn bà của mình. Khi cái cách đàn bà chăm sóc tình yêu thương, hóa ra, đã không mang lại thứ yêu thương như của ngày đầu mà người vợ mong muốn.

Không biết yêu thương đã bay đi đâu mất, theo suốt những năm dài, khi phụ nữ chúng ta cắm mặt vào bếp núc gia đình con cái và quên không đôi lần mở lại album ảnh cũ, ngắm những bức ảnh thời mới cưới. Hay những bức ảnh thời mới yêu nhau. Từ khi nào, chúng ta đã tự cho phép chúng ta xuề xòa, luộm thuộm trước mặt nhau? Mà quên đi mất rằng, ngày xưa, khi mua một chiếc áo mới, khi thử một màu son mới, ta đã hạnh phúc thế nào khi áo vừa dáng, son hợp da và ta thấy bản thân mình đẹp lên?

Nên ta đã quên mất cảm giác được một lời khen “dáng chuẩn da xinh, cười làm bao anh rung rinh” của chồng từ rất lâu rồi. Và tự an ủi rằng, những lời khen xinh đẹp xã giao từ người ngoài đã là đủ cho sự tự tin của một người đàn bà, mà cứ về nhà là tất bật với việc nhà cho đến lúc tắt đèn đi ngủ.

Anh bạn ngày xưa đỗ thủ khoa vào Đại học Văn hóa, rồi lại tốt nghiệp thủ khoa. Nhưng dòng đời đã đẩy anh ấy tới một vùng nào đó xa lắc, biệt tăm, bạn bè cũ không ai gặp lại lần nào.

Tôi hy vọng, ở một phương trời nào đó, dù đang hạnh phúc hay đang vất vả, anh cũng không đổi thay, anh sẽ gọi người phụ nữ bên cạnh là “Mình ơi!”

Trang Hạ

2012

Bởi vì bạn đã mất trinh

Bởi vì bạn đã mất trinh!

Bởi vì bạn đã mất trinh, nên bạn xứng đáng với người đàn ông tốt đẹp hơn!

Tôi thích đọc những mục tâm sự trên các báo điện tử, bởi ở đó, bày ra chân dung một cuộc sống thật, những tâm sự thật, những số phận được phơi bày bi kịch tới tận cùng. Vì người viết thường giấu thân phận thật, nên chuyện họ kể càng trần trụi hơn. Trong các tâm sự ấy, thường những cô gái trẻ sẽ kể về trục trặc trước hôn nhân, các bà vợ chê chồng và sợ hãi người thứ ba, những người đàn ông thú nhận sai lầm. Một trong những sai lầm xuyên suốt số phận thường là: Cô dâu mất trinh!

Người con gái đau khổ vì chia tay người yêu, người mà đã lấy đi trinh tiết của mình, cô lo sợ tương lai liệu sẽ ra sao khi cô không còn giấy chứng nhận trong trắng ấy. Người phụ nữ trẻ bị từ hôn vì lý do, chàng phát hiện ra nàng không còn trinh tiết, chàng ra đi và không quên quẳng lại cho cô người yêu cũ vài lời nhục mạ mà cô có thể đau suốt cả đời này không hết. Người vợ trẻ cam chịu vì chồng không tìm ra dấu hiệu nào trinh tiết của vợ, thế là cả đời, người chồng có thể chửi vợ vì điều ấy, thậm chí đánh vợ, khinh vợ.

Bi kịch là một hành trình kéo dài từ người con gái mất trinh, trở thành người vợ yếm thế bị đòi hỏi, người mẹ trẻ bị khinh, người phụ nữ hèn kém trong gia đình. Có vụ án vợ giúp chồng hiếp dâm giết người chỉ vì vợ không còn trinh, phải kiếm gái trinh để… “đền” cho chồng!

Tôi phát hiện ra rằng, chỉ những người phụ nữ sau khi li hôn thì mới không còn nỗi ám ảnh lo sợ về trinh tiết của bản thân. (Mà tất nhiên là thế rồi!).

Hồi xưa tôi có một cô bạn gái, cô ấy là người rất giỏi giang trong công việc, cô ấy cưới mối tình đầu, không hề quan hệ bừa bãi với ai. Thế nhưng khổ nỗi, trong lần đầu tiên quan hệ, cô ấy chẳng có cái “dấu hiệu” nào chứng tỏ là còn trinh, kiểu như có giọt máu để lại trên giường, hay cảm nhận gì đó mà chỉ đàn ông biết (!). Cô bạn tôi đã phải khóc lóc và bịa ra một câu chuyện là hồi 4 tuổi, cô ấy ngủ quên trong kho hàng của gia đình, bị một ai đó dùng tay xâm hại mà cô ấy chỉ còn nhớ lờ mờ không thể biết là ai! Kỳ quặc là câu chuyện đó lại làm anh chồng chưa cưới yên tâm về trinh tiết của vợ, thỏa mãn câu hỏi của anh ta. Trong khi bạn bè và bản thân anh ta cũng biết, từ năm 15 tuổi đến khi lấy chồng, cô bạn tôi chỉ  biết có mỗi anh này mà thôi! Nhưng nếu cô ấy nói thật, là em… có thế nào thì anh đã biết thế ấy, vì sao không có “dấu vết trinh tiết” thì em cũng chịu!… Hẳn anh kia sẽ nổi giận và khăng khăng là cô này dối trá, che giấu sự thật nào đó!

Tôi thường cảm thấy nỗi đau khổ trinh tiết ấy, thực sự là do chính những cô gái tự rước vào bản thân mình! Vì đơn giản là, mọi bác sĩ đều biết, nếu muốn giữ màng trinh, thì chúng ta phải giữ gìn từ khi chúng ta lọt lòng! Chứ đâu phải đến tuổi cập kê mới giữ, lúc đó thì còn giữ được gì? Nhưng, bắt một đứa ấu nhi gái đã phải giữ trinh tiết cho một thằng đàn ông sau này, điều đó chứng tỏ xã hội này dã man làm sao!

Nên, nếu một người phụ nữ trân trọng bản thân, hiểu điều đó, cô ấy sẽ giữ gìn bản thân cho người cô ấy thực yêu thương, với người xứng đáng. Và cô ấy dù là làm tình lần đầu tiên hay lần thứ mấy, cũng chắc chắn là làm tình vì tình yêu chứ không phải là vì sẽ cưới anh này làm chồng, trước sau gì cũng thế!!! Nghĩa là, sau khi làm tình lần đầu tiên, bạn vẫn là bạn, bạn vẫn trân trọng bản thân mình, tin rằng mình là một người con gái xứng đáng được yêu thương và tôn trọng.

Còn nếu bạn giữ trinh tiết chỉ để lấy chồng, thì hệ quả là, nếu đã mất trinh tiết, lập tức buông tuồng quan hệ bừa bãi vì thực sự, còn gì đâu mà giữ?  Hoặc sau khi lấy chồng, mới có điều kiện buông thả lăng loàn, thì chẳng ai sưu tầm đàn ông tài bằng bạn. Một khi chiếc vòng kim cô “trinh tiết” đã được dỡ ra khỏi đầu bạn.

Với những người ấy, thì tất yếu một khi chiếc vương miện “trinh tiết” được cất đi khỏi đời bạn, bạn sẽ thấy bản thân mình chẳng còn giá trị gì, là kẻ xứng đáng bị vùi dập. Và những người vợ nhịn nhục ra đời từ ấy. Vì chính bạn đã tự cho rằng, mình mất trinh tức là mình xứng đáng bị chồng khinh bỉ!

Thỉnh thoảng lại có một độc giả gửi thư cho tôi trong nước mắt: Anh ấy bảo vì em không còn trinh, nên anh ấy dằn vặt em, rồi bỏ em! Chị khuyên em nên thế nào?

Tôi đã trải qua những cảm xúc như bạn, bởi ngày xưa, tôi cũng ở tuổi yêu như bạn, lựa chọn người yêu trong một đám đông có cùng suy nghĩ như bạn đang gặp. Nên tôi trả lời rằng:

Bởi vì bạn đã mất trinh, nên bạn xứng đáng với người đàn ông tốt đẹp hơn!

Là một người đàn ông trưởng thành, hiểu rằng anh ta yêu người phụ nữ chứ không phải yêu cái màng thịt dùng một lần, chắn giữa âm đạo của bạn!

Bạn hãy chọn người đàn ông khác! Đàn ông có liêm sỉ thì không có quyền đòi hỏi trinh tiết của bạn gái. Bởi, họ thừa biết, trinh tiết chỉ có mỗi giá trị duy nhất là chứng minh cô gái có kinh nghiệm tình dục bằng 0, thế thôi! Thậm chí cưới một cô gái trinh làm vợ là một lựa chọn thiếu lý trí của đàn ông, khi nghiên cứu tâm lý đã cho kết quả rằng, không ai cắm sừng chồng nhiều hơn người vợ còn trinh!

Vì sau khi lấy chồng, cô ấy mới khám phá ra một cuộc sống khác. Mà ở đó, hình như người chồng đã mất đi ưu thế (hứa hẹn sẽ cưới) giữa những đàn ông khác. Vì cưới thì đã cưới rồi! Và khi tình dục lên ngôi, tình yêu ở lại.

Độc giả thường không bao giờ tin lời tôi nói rằng, rồi họ sẽ gặp người đàn ông tốt đẹp hơn! Họ nói, vì em đã mất trinh với anh này, liệu anh sau sẽ còn trân trọng em không?

Tôi lại thấy trinh tiết thực ra là cơn ấu trĩ của đàn ông.

Khi bạn 20, bạn sống giữa một bầy con gái, ai cũng còn trinh cả, nên chàng trai cứ mở mồm ra là nói, tao sẽ cưới gái trinh làm vợ!

Khi anh này 25-27, gái trinh đã có nơi có chốn rồi, nếu anh ấy chọn gái trinh, hiếm làm sao! Hoặc anh ấy sẽ phải quay đi tìm gái ở độ tuổi 18-20. Nhưng nói xin lỗi các anh đàn ông, ở tuổi đó, gái chỉ thích hot-boy Hàn Quốc, yêu diễn viên, yêu anh bạn học giỏi cùng lớp, làm gì có mấy cô yêu các anh hơn mình tới chục tuổi?

Nếu các cô yêu anh hơn chục tuổi, đảm bảo đó là những cô đã… hơi có khái niệm về đời sống vật chất, đã từng hưởng thụ, hiểu đời hơn bạn cùng tuổi, các anh liệu có chắc họ còn trinh?

Rồi, khi đàn ông đã ngoài 30, họ kiếm gái 30 còn trinh, có lẽ là khó hơn bắc thang lên hỏi ông giời. Hay là lại quay lại yêu những em 18, đôi mươi? Thời gian đã dạy cho đàn ông một bài học rất vật chất, rằng, phải khi trưởng thành, ta mới qua được cơn ấu trĩ thèm trinh tiết. Và hiểu ra, một người phụ nữ năng động, tích cực, yêu chân thành, tự trọng, mới là người đảm bảo hạnh phúc lâu dài.

Bạn tin tôi không, rằng hãy can đảm bỏ những người đàn ông thèm trinh tiết ở phía sau lưng, quên họ đi, và trân trọng lấy bản thân mình một chút, đừng để cho ai chà đạp lên bạn?

Ít nhất, bạn cũng phải nhìn ra một người đàn ông trưởng thành chứ, dù xã hội bạn sống đầy rẫy đàn ông ấu trĩ mãi mãi ở lại tuổi thèm trinh tiết?

Trang Hạ

2012