Người tình già ở phố hoa sữa

Người tình già ở phố hoa sữa

Đăng ngày Thứ bảy 17/11/2012 12:00

Khi mới bước vào tôi đã ưng ngay căn hộ. Các phòng gần như mới tinh và trống rỗng. Đồ đạc lặt vặt của chủ nhân rất ít, chỉ có một cái võng xếp đặt giữa phòng khách, trước tivi và bàn nước. Có một chiếc chõng tre trong phòng ngủ nhỏ hơn. Vài bộ quần áo gấp trên chiếc tủ nhựa ở góc phòng. Phòng ngủ nào cũng có cửa sổ nhìn xuống con phố đầy cây xanh, sau rặng cây là mặt hồ đầy gió mùa thu, có thể nhìn thấy con đường tan học của ngôi trường phổ thông gần đó.

Ở đây, tôi có thể nhìn thấy con gái tôi tan học đạp xe ngang dưới đường, những buổi trưa đầy gió.

Chủ nhà là một ông già hom hem độ hơn bảy chục tuổi. Ông pha trà và nói, chú ở đây có một mình.

Tôi hỏi vì sao nhà đẹp thế lại cho thuê giá rẻ thế, với điều kiện, người thuê nhà cho phép chủ nhà ở lại, chủ nhà chỉ cần một phòng ngủ nhỏ. Tại sao chú lại muốn ở trong nhà chú, với tư cách của một kẻ đi thuê nhà?

Người đàn ông rót trà, nói, vì chú cần tiền chi tiêu, chú lại không có chỗ nào khác để ở. Sau khi li hôn, vợ chồng bán nhà chia đôi, bà ấy cầm tiền đi vào Hà Đông ở với con cháu. Chú một mình mua căn hộ này, ở cho đến bây giờ, cháu xem, nào chú có đồ đạc gì đâu!

Người già li hôn, thật hiếm gặp. Tôi không dám hỏi lý do. Tôi chỉ nói, đọc quảng cáo trên báo là cháu tới đây ngay. Dù cháu biết, điều kiện “ở cùng chủ nhà” của chú chắc ít người dám tới thuê ở.

Cháu là một nhà văn quèn, viết văn cũng vạ vật y như ăn ở, mỗi tội, là chẳng làm sao viết được ở trong nhà mình, đành cứ nay đây mai đó, sống càng trái ngang viết càng được chuộng. Thành ra có nhà có cửa mà cứ phải kiếm chỗ làm khổ mình.

Cháu chỉ cần chỗ đặt được cái bàn viết, trong vài tháng tới, để viết cuốn tiểu thuyết đã ấp ủ mấy năm ròng. Khi viết có thể thâu đêm suốt sáng, ăn ngủ thất thường, thật không muốn làm ảnh hưởng tới ai, càng không muốn thành gương xấu cho lũ trẻ con trong nhà. Nên cháu nghĩ, chỗ này tuyệt vời quá!

Trà rất ngon. Người đàn ông có giọng nói của người Hà Nội gốc, hay người Hà Nội đi khỏi Hà Nội năm 54, hoặc giọng người Hà Nội ở hải ngoại. Không khí này thật lạ lùng.

Ông nói, chú mua căn hộ này vì người tình đầu của chú thích căn phòng này quá. Cách đây năm mươi năm, hồi chú và cô ấy mới mười bảy tuổi, cô ấy chia tay theo gia đình vào Nam năm 54, mãi chục năm trước, dò hỏi mãi, cô ấy mới từ Pháp về tìm được chú. Nên chú bỏ vợ, về đây, mỗi năm cô ấy về với chú vài tuần, ăn Tết, đi chơi hội xuân với nhau như ngày xưa. Chú đưa người yêu đi chùa lễ đầu Xuân. Rồi chia tay nhau, chờ đợi năm sau gặp. Ở bên đó, bà ấy cũng còn con, cháu nội cháu ngoại nữa, không làm sao có thể bỏ tất cả được ngay lập tức.

Phố hoa sữa dưới kia dâng lên từng làn hương trong gió chiều muộn, thổi tới tận không gian này. Hàng sữa non mới ra hoa một hai mùa, hẳn vài năm nữa, khi sữa cao lớn và rộ chín, trai gái yêu nhau chiều nào cũng sẽ tìm về bên bờ hồ này, dưới hàng sữa non để nói lời tình tự. Giống như tôi hai mươi năm trước, lúc nào đi qua mùa hoa sữa cũng nghĩ, mình sẽ phải yêu tha thiết cuộc đời ngọt ngào này.

Giờ tôi ngồi đây nâng chén trà, nhìn người đàn ông độc thân hom hem ngồi trước mặt mình, nghĩ rằng mình đã yêu tha thiết cuộc đời cay đắng này.

Tôi nói, cháu cũng chỉ thuê vài tháng thôi. Rồi giáp Tết cháu viết xong sẽ trả phòng, chú đón cô ấy về là vừa.

Người đàn ông nhấp trà, điềm đạm nói, không, từ bây giờ, cô ấy vĩnh viễn không bao giờ về đây nữa đâu!

Vĩnh viễn? Tôi nghĩ ngay đến hình ảnh một bà già hơn bảy mươi tuổi, giọng nói vẫn Hà Nội xưa cũ, có thể cũng hom hem gầy gò như người tình của bà, giữa trời tuyết rơi Paris, tuyết trắng trời. Thời gian thật nghiệp ngã, cuộc đời này dài bao nhiêu cũng vẫn ngắn.

Và ngắn ngủi cay đắng bao nhiêu, cũng vẫn đáng để sống.

Người đàn ông nói tiếp, tiền bà ấy góp một phần vào cho chú mua ngôi nhà này, mỗi lần về bà ấy cũng cho chú rất nhiều tiền để sinh sống. Hạnh phúc được vài năm, vừa rồi chú ở một mình cũng buồn, chú cho cậu xe ôm ở cổng chung cư lên ở nhờ, chẳng lấy tiền. Thế rồi năm nay bà ấy vừa về Việt Nam, nhân lúc chú đi vắng, cậu xe ôm ở cùng “xì” cho bà ấy biết là hai chú cháu vẫn thường chung tiền gọi gái về đây vui vẻ. Thế là nó xin được bà ấy cho ít tiền thưởng, còn chú, chú đuổi luôn thằng ấy đi. Đúng là chú nuôi ong tay áo, cùng là đàn ông đàn ang sao nó lại chỉ vì mấy trăm đô mà xì ra chuyện ấy.

Cũng may, bà ấy đi, bà ấy chẳng đòi lại phần tiền đã góp mua căn hộ chung với chú. Giờ chú tính cho thuê  nhà lấy tiền sống tiếp.

Tôi đứng lại rất lâu dưới tán những cây sữa non dọc đường về, gió mùa thu dào dạt quanh đây, tin rằng hôm một người tình già chia tay vĩnh viễn mối tình đầu, một lần nữa đi khỏi Hà Nội sau năm mươi năm, có lẽ cũng gió nhiều dọc đường, gió bất tận thế này.

Cái cuộc đời ngắn ngủi và cay đắng này, sao ta yêu tha thiết đến thế?

Trang Hạ

Một suy nghĩ 18 thoughts on “Người tình già ở phố hoa sữa”

  1. đọc đoạn đầu, em đã nghĩ “cuối cùng thì họ cũng đến đc với nhau, dù phải đợi đến 50 năm” và còn cảm thấy hạnh phúc thay cho họ, but đến đoạn sau thì em ko biết phải diễn tả ntn nữa, chỉ cảm thấy trống rỗng thôi. thật buồn 😦

    PS: cái ảnh của chị đẹp lắm ^^ but trông tâm trạng quá ạ. nhìn như chị vừa mới khóc xong ý :-p

  2. minh rat thik hinh anh can gac nho canh cua la xach son xanh, canh hoa sua ru ben lan can… tat ca deu goi nho mot HN xua… rat HN, the thoi……Toi tuoi that thap co lai hi…co le nguoi ta hay song voi qua khu, mong mo ve nhung ky niem em dem thoi thanh xuan, nhung khao khat ma suot cuoc doi ho mai kiem tim …, co mot dieu minh kham phuc o chu nay la o cai tuoi hom hem the, ma o tu bo “tat ca” de song voi tinh dau, it ra o cung dam lam n dieu theo con tim o mach bao, chu thong thuong hau het tat ca dan ong, nen bat dau voi ho “Tham” boi ho muon tat ca, muon 1 to am hoan chinh, muon tien bac danh vong, su nghiep, va van co the sung suong voi vai moi tinh 1, 2, 3, 4 …hehe

  3. Người tình Paris ấy chắc không về nữa chị nhỉ, cả đời mơ về tình đầu, rồi cuối đời nhận ra…đắng quá

  4. Thật không nhỉ, cái đoạn cuối (thằng bảo vệ) ấy? (nếu phịa thì hơi thô, dù cũng hơi lâm li biđát, 🙂

  5. Bài viết đẹp, và buồn! Chị rất thích, và thích khoảng khắc nhạy cảm, mỏng manh dễ vỡ này của Trang Hạ (kô phải là kô thích hình ảnh Trang Hạ tóc bay ngược, mặt không son phấn, cúi rạp người ngược gió đâu nhé )!
    Có lẽ chúng ta cũng phải học cách chấp nhận cuộc sống không như những gì chúng ta muốn đóng khung, bôi hai màu đen trắng rõ ràng…Cụ ông đã từ bỏ khá nhiều để được sống những phút giây thật đẹp với mối tình của mình, thì phải chăng cụ bà cũng nên rộng lượng hơn, bình thản hơn, để hiểu rằng con người là bất toàn. Vì có mất, đã là mất cho cả hai bên…

  6. Tấm hình đầu là hoa Sưa phải ko chị? Là ngẫu nhiên hay có chủ ý gì chăng? Tháng ba – hoa Sữa không nở nên về với hoa Sưa, vẫn rất thật Hà Nội.

  7. Cặp đôi già gần 70 đến được với nhau, sao còn chấp nhặt mấy chuyện gái gú vớ vẩn thế nhỉ? Chỉ ở tuổi teen, người ta mới dễ dàng quay bước ra đi như thế, càng lớn hơn, họ càng bình tính hơn để nhìn và chấp nhận nó, còn khi đã về già, chỉ là đôi bạn tâm giao, hãy đúng là tâm giao, còn sex để dành cho người khác. Cái gì mình không ăn được mà bắt người khác cũng phải nhịn thì thật là ích kỷ :D.

    1. Bảy mấy rồi chứ bạn. Vấn đề là dùng tiền của bà này để chi cho… việc đó thì phụ nữ ít người chấp nhận được. Hoặc có thể là thất vọng chăng?

      Mình nghĩ ông này chắc chỉ từ khi cho tay xe ôm kia ở chung, mới tiện thể “chấm mút” cùng mỗi khi tay xe ôm sợ cô đơn. Chứ tự dưng gọi gái về nhà thì mình nghĩ người bảy mấy tuổi rồi chắc hiếm có ai lại chủ động như thế.

  8. Cái khái niệm ” giọng người Hà Nội gốc, hay người Hà Nội đi khỏi Hà Nội năm 54, hoặc giọng người Hà Nội ở hải ngoại” rất hay. Người Hà nội bây giờ như thế nào?!!!

    1. Giọng bình thường nhưng các dấu câu, nhất là dấu huyền, dấu hỏi, dấu ngã đều được phát âm cho đến hết dấu. Chữ tr và ch đều có khác biệt. Hiện tại theo tai mình nghe thì giọng Hà Nội 2012 đã đánh mất chuẩn mực tiếng Việt rồi. Người HN nói không phân biệt được tr và ch, phát âm các dấu đều nửa vời.

  9. Chị Hạ viết bài này hay. Người đàn ông đó rất tình và rất đời. Người đàn bà đó cũng rất đời và rất tình. Cuộc đời là như vậy, đúng và sai, thật và giả, tình và đời còn lâu mới tách bạch được. Cám ơn chị!

Gửi phản hồi cho anh quyết Hủy trả lời