Đạo diễn Lý An lần đầu tiên tiết lộ gần mười năm làm “ông nội trợ” cho vợ!

Sau khi ra mắt bộ phim “Cuộc đời của Pi”, đạo diễn Lý An lần đầu tiên đã tiết lộ trên “Độc giả văn trích” về những ngày tháng sung sức nhất của một đạo diễn tài danh hàng đầu châu Á như ông, thực ra chẳng phải trên phim trường, mà lại làm một “ông nội trợ” đúng nghĩa cho vợ con ở nhà.

Nhưng điều quan trọng nhất, là ông cảm ơn người vợ đã ủng hộ để ông làm một “ông chồng chợ búa, cơm nước, nuôi con” đúng nghĩa, vợ Lý An luôn khuyến khích ông làm những việc gì mà ông yêu thích, theo đuổi giấc mơ mà ông mong muốn, càng không đòi hỏi Lý An phải ngay lập tức kiếm tiền, thành đạt. Vợ Lý An càng chưa bao giờ cho rằng, mười năm phải nuôi chồng, hay chồng vào bếp cơm nước, chăm con sơ sinh thì nghĩa là, chồng bà là người đàn ông bất lực và thất bại.

Lý An đặt tiêu đề cho bài viết: “Có khi chỉ là một câu nói”.

“Năm 1978, tôi 24 tuổi, khi tôi chuẩn bị ghi danh dự thi vào khoa Điện ảnh kịch nghệ của Đại học Illinois (Mỹ), bố tôi phản đối cực lực, bố tôi kiếm cho tôi một tài liệu thống kê: Sân khấu Broadway của Mỹ mỗi năm chỉ cần 200 vai diễn mà thôi, thế mà khoảng 50 nghìn người giày xéo lên nhau để tranh những suất diễn viên ấy. Nhưng tôi không nghe lời bố, tôi vẫn lên máy bay từ Đài Loan bay sang Mỹ. Bố gần như từ mặt tôi từ khi đó. Suốt 20 năm tiếp theo, ông chắc có lẽ không nói với tôi quá trăm câu!

Nhưng, phải mấy năm sau khi tôi tốt nghiệp ra, tôi mới hiểu nỗi lo lắng của bố. Trong giới điện ảnh Mỹ, một người Hoa không quen biết, không tiền, không thế lực, muốn chen chân thật khó, chứ đừng nói là để nổi tiếng. Bắt đầu từ năm 1983, tôi đã trải qua suốt sáu năm chờ đợi vô vọng, lúc nào may mắn thì được đi theo tổ đạo cụ để xem xét vật dụng, làm chân sai vặt cho nhóm kỹ thuật hậu kỳ, hay lo những thứ lặt vặt râu ria quanh trường quay. Tôi thấy dằn vặt nhất là có khi, viết ra một kịch bản, suốt hai tuần lễ tôi liên tục chạy đi hơn ba mươi hãng phim của Mỹ, liên tục gặp những cái lắc đầu, từ chối.

Mà lúc ấy tôi đã ba mươi. Cổ nhân có câu “Tam thập nhi lập”. Mà tôi chẳng thể tự kiếm cơm được, biết làm thế nào. Chờ đợi, chờ đợi, hay sẽ vứt bỏ giấc mơ làm phim? Điều may mắn nhất đời tôi là khi ấy, tôi đã lấy vợ.

Vợ tôi Lâm Huệ Gia cũng là du học sinh Đài Loan ở cùng trường, nhưng cô ấy học về sinh vật học, sau khi tốt nghiệp, cô ấy trở thành nhân viên nghiên cứu về dược học cho một phòng nghiên cứu nhỏ, lương thực sự rất eo hẹp. Hồi đó chúng tôi đã có đứa con trai đầu lòng (Lý Hàm – sinh năm 1984), cuộc sống hàng ngày của chúng tôi những năm ấy là, tôi ngày ngày đi chợ, cơm nước giặt giũ và trông con, làm tất thảy mọi việc trong gia đình cho vợ đi làm, ngày nào cũng quét dọn cho nhà cửa sạch bóng tươm tất. Lúc nào rảnh tôi mới ngồi xem phim, viết kịch bản. Tôi rất nhớ hình ảnh, mỗi buổi chiều sau khi nấu cơm xong, tôi bế con ra ngồi ở bậu cửa, vừa kể chuyện cho con trai nghe, vừa chờ đợi “người thợ săn dũng cảm mang chiến lợi phẩm (tiền nuôi gia đình)” về nhà!

Cứ sống như thế năm này sang năm khác, nói thật tôi rất bứt rứt. Có những thời gian, bố mẹ vợ bảo là cho vợ chồng tôi một khoản tiền tiết kiệm, để tôi mở một tiệm cơm người Hoa trên đất Mỹ. Ít nhất cũng phải kiếm được tí cơm tí cháo chứ. Nhưng chính vợ tôi lại là người tự ái, từ chối khoản “trợ cấp” ấy của bố mẹ. Sau khi biết sự việc ấy, tôi trằn trọc mấy đêm rồi cuối cùng quyết định: Có lẽ cả đời này tôi chẳng bao giờ được làm phim! Thế nên phải kiếm cách mà đối diện sự thật ấy!

Tôi đến trường đại học cộng đồng của khu dân cư, xem xét kỹ rồi cuối cùng ghi danh vào lớp máy tính. Những năm khó khăn này, hình như chỉ có vi tính là môn kỹ thuật mà ta chỉ cần một thời gian ngắn đã học được nghề. Vợ tôi độ một hai hôm sau đã phát hiện ra thời khóa biểu và giáo trình trong túi tôi. Đêm ấy, cô ấy chẳng nói với tôi câu nào.

Sáng hôm sau, trước khi bước lên ô tô để đi làm, cô ấy đứng trên bậc tam cấp bảo tôi: “An, anh quên mơ ước anh ấp ủ trong lòng rồi à!”

Chỉ một câu nói ấy thôi. Vợ tôi lái xe đi rồi, tôi cầm cuốn giáo trình xé rồi bỏ sọt rác ngay cửa nhà tôi.

Mấy năm sau, kịch bản của tôi được nhận tài trợ của quỹ văn hóa, rồi tôi được cầm đến cái máy quay phim, rồi phim của tôi đoạt giải. (Bộ phim đầu tay của Lý An được Cục tin tức Đài Loan tài trợ, năm 1991, khi ông đã 38 tuổi).

Vợ tôi sau bộ phim đầu tay của tôi mới nhắc lại chuyện cũ vào nói: “Em luôn tin rằng, ai cũng chỉ cần một cái tài là sống được. Tài của anh là phim ảnh. Người học IT lắm thế, anh có học cũng chẳng cạnh tranh được với ai. Anh chỉ hơn người khác một cái là anh có mơ ước cầm được tượng Oscar vàng, thì anh phải giữ lại mơ ước ấy!”.

Tôi đã từng đoạt được giải Oscar, tôi nghĩ rằng những sự nhẫn nại năm xưa của tôi, sự hy sinh của vợ tôi, cuối cùng đã có kết quả, là để cho tôi đi tiếp trên con đường điện ảnh mà tôi mơ ước.”

Khi tự sự về chuyện đời của đạo diễn Lý An được đăng trên diễn đàn điện ảnh Đài Loan, rất nhiều người hâm mộ đã vào comment và nói, thực sự, không có nhiều người vợ trong xã hội ngày nay chịu để cho ông chồng dành gần chục năm sung sức nhất của người đàn ông chỉ để quét nhà rửa bát. Có mấy bà vợ tin tưởng và ủng hộ chồng đến mức ấy, mà không nói lời nặng nhẹ vài lần.

Và quan trọng hơn, có mấy ông chồng chịu giúp vợ việc nhà chu đáo đến thế. Nếu các ông thành đạt, các ông chẳng bước chân vào bếp. Nếu các ông thất nghiệp, chắc càng gia trưởng hoạch họe vợ. Thậm chí, chỉ hơi khó chịu là ông chồng sẵn sàng gây sự, có phải cô coi thường tôi không kiếm ra nhiều tiền?

“Ông nội trợ” chẳng làm người đàn ông nào mất đi giá trị. Vấn đề chỉ là bản thân người đàn ông ấy có gì trong tim và có gì trong đầu!

vo chong Ly An

Trước khi kết hôn với Z, hãy yêu thương trân trọng ABC đời bạn!

Năm ấy, mùa Giáng Sinh, gió rét thổi hun hút trên những con phố lớn giữa những tòa cao ốc. Chúng ta thường cô đơn nhất khi một mình quấn khăn chạy xe lang thang trong gió rét, qua những cửa sổ nhà hàng đầy ánh đèn ấm áp và tiếng cười của người khác. Những đêm đông rét 7 độ thế này tôi đặc biệt nhớ Hà Nội. Tôi đã nghiện loại Vodka Thụy Điển vì những đêm mùa đông một mình nơi đất khách như thế.

Đêm Noel, tôi nhét chai Absolut thứ 52 mà tôi mua trong năm ấy vào túi áo khoác, rồi trùm mũ đi vào Viện nghiên cứu. Những người có gia đình thì đã về sum họp với gia đình, những bạn bè đã có người yêu thì đều đang vui vẻ ấm áp ở nơi nào đó với người họ yêu. Còn đúng một mình tôi đi qua ông cảnh vệ ở cổng trường, vào Viện nghiên cứu tìm một ông giáo sư hướng dẫn cũng cô đơn như mình.

Tôi không hiểu vì sao ông giáo sư môn “Chuỗi cung ứng sản xuất” của tôi, vốn là cố vấn cao cấp của hãng máy tính Acer, lại còn ở lại Đài Bắc những năm này. Cả gia đình ông đã ở Mỹ, ngôi nhà của ông, con cái ông, thậm chí cái ô tô của ông cũng đã ở Mỹ. Còn một mình ông cặm cụi ở phòng nghiên cứu dưới chân núi này, suốt mùa đông này sang mùa hè khác. Tôi gõ cửa phòng ông rồi bảo, tôi muốn mời ông uống rượu với tôi tối nay!

Ông chỉ có hai cái ly uống rượu vang, miệng rộng và đế mạ vàng, nhưng cũng chẳng sao.

Ông giáo sư hỏi tôi, luận văn tốt nghiệp đã viết đến chương nào? Tôi hỏi ông giáo sư, bao giờ ông về Mỹ với vợ? Ông giáo sư nói, đối với đàn ông thì đàn bà là người tình đầu tiên và sự nghiệp là người tình cuối cùng. Sự nghiệp của ông là ở đây thì làm sao ông đánh đổi được?

Chúng tôi lan man sang nói chuyện người tình. Cho đến khi chúng ta cưới, chúng ta sẽ thử yêu qua vô số người và vô số lần. Có khi yêu chỉ là một người thoáng qua một lần gặp duy nhất. Chỉ là cái nắm tay đầu tiên của tuổi mười lăm, hay người đàn ông mà bố mẹ ép gả năm mười tám. Có nhiều người ta yêu mà ta chẳng bao giờ nói được ra. Có thứ tình yêu chỉ ở trên mạng, sau khi gặp nhau, là chấm hết.

Tôi nói, đàn bà chúng tôi khác đàn ông ở chỗ, đàn ông luôn là người tình đầu tiên và người tình cuối cùng. Đàn ông dù phải chết một mình giữa chiến trường vẫn rất hào hùng. Đàn bà nếu phải chết cô đơn trên đống tài sản và đồ hiệu, nước hoa mình ưa thích, đó là cái kết cục sợ hãi nhất. Nói gì thì nói, cái người tình cuối cùng (thường là người chồng) đối với đàn bà mới là thứ quan trọng nhất đời. Vì thế, nên chúng ta yêu nhau và cặp đôi để khỏi cô đơn đối diện cuộc đời này.

Ông giáo sư nói, cô chẳng thể trân trọng chồng cô nếu cô coi thường tất cả những người đàn ông đã không đưa cô tới đám cưới. Nói một cách khác, cho tới lúc ta gặp người đàn ông của đời ta, là người đàn ông hoàn hảo xếp cuối cùng hàng dài tìm kiếm của ta, thì ta sẽ phải yêu qua và gặp qua biết bao nhiêu đàn ông!

Chuyện tình của bảng chữ cái thật đơn giản:

Mười lăm tuổi, ta yêu A. Vì A học giỏi và điển trai. A cũng yêu ta, vì ta ngây thơ. Nhưng ta sẽ chia tay A vì ta không cần mơ mộng nữa, ta muốn lãng mạn. Ta yêu B vì B lãng mạn. Nhưng khi đôi mươi, ta sẽ chia tay B vì ta muốn trưởng thành. Để trưởng thành, phụ nữ cần phải ra đi khỏi thứ tình yêu mơ mộng lãng mạn.

Nên ta yêu C. Vì anh C rất từng trải, nhưng C lại đang yêu ai đó, C đâu đoái hoài tới ta. Vì thế, ta yêu C nhưng ta lại nhận lời hò hẹn cùng D, vì D đang yêu ta quá, theo đuổi tán tỉnh hoài! Ta nhận lời yêu chỉ để lấp chỗ trống trong tim. Rồi một ngày, ta quen E, nên ta quyết định bắt đầu một mối quan hệ nghiêm túc với E. Ta bỏ D vì D nói cho cùng chỉ là một cậu trai si tình mà thôi, cậu chỉ là một miếng vá trong tim!

Nhưng, E phản bội ta. Rồi F là người tình trên mạng làm ta vỡ mộng khi gặp mặt. Và sau vô vàn những lần tìm kiếm, yêu đương, vỡ tan mộng ước, thử hò hẹn lại, bị yêu đơn phương v.v… ta cuối cùng gặp X. Ta sẽ cưới X nếu như mẹ X không ngăn cản đám cưới đến thế.

Sau khi X cưới vợ, chẳng mấy lâu sau, ta đính hôn với Y, như một cách trả thù đời! Nhưng trong thâm tâm, ta luôn mong chờ một ngày nào đó, ta sẽ gặp Z, người đàn ông cuối cùng của đời ta, người tình tuyệt vời, người chồng đầy bao dung, người cha của những đứa con ta yêu thương trong tương lai.

Nhưng có thể Z sẽ không bao giờ xuất hiện trong đời ta! Hoặc đau đớn hơn, xuất hiện khi ta đã tay bồng tay mang, trong vị trí một người tình đứng bên đường trông theo. Hoặc, đau đớn hơn nữa, là ta gặp Z khi ta đã 70 nhưng chàng mới 17!

Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, cho đến trước khi gặp Z, ta phải yêu thương và trân trọng tất cả những ABC của đời mình. Chỉ bởi đơn giản, ta cũng chính là ABC của những người ấy! Hoặc là XYZ của họ, mà ta chẳng hề biết!

Và chính yêu thương, trân trọng thật lòng mới khiến chúng ta nhanh chóng gặp được Z, mà chẳng cần phải duyệt qua hết cả bảng chữ cái! Nếu may mắn, Z chính là mối tình đầu. Còn không, có thể Z đã đứng sẵn ở ngay đâu đó trong cuộc tìm kiếm tình yêu. Nếu bạn coi anh ấy là Z của bạn, anh ấy sẽ là Z!

Năm nay mùa Giáng Sinh, ông giáo sư của tôi đã nghỉ hưu và “tốt nghiệp Viện nghiên cứu” theo như cách nói của ông, để về Mỹ với gia đình. Mùa Xuân năm ngoái, ông có gửi mail tha thiết muốn sang Việt Nam thăm tôi, nhưng tôi đã từ chối.

Tôi cũng chẳng còn uống rượu với ai mỗi mùa Noel. Dù đôi khi, nỗi cô đơn vẫn đuổi tôi đi khỏi Hà Nội.

Trang Hạ

2013

wallpapers-59http://vn.nang.yahoo.com/trước-khi-kết-hôn-với-z-hãy-yêu-033523793.html

Bản dịch tiếng Anh của bạn Vika Huongnguyen các bạn có thể đọc ở đây nhé, cảm ơn bạn Huongnguyen.

Hãy bỏ tay ra khỏi mông tôi!

Kẻ bịt mồm bạn khi bạn bị hiếp dâm có khi lại là cô giáo chủ nhiệm, là mẹ bạn, là những nhà văn hóa, trí giả đầy mình của xã hội luôn đề cao chuẩn mực đạo đức sống, chứ không phải thằng lưu manh trên xe bus! Vì họ chỉ dạy bạn kỹ càng cách sống cùng người tốt, nhưng không dạy bạn mấy về môn chửi tục và đánh lại kẻ xấu!

1. Hai mươi năm trước, hiệu sách ngoại văn ở Bờ Hồ vừa là thiên đường vừa là địa ngục của tôi. Thiên đường là bởi tôi mê sách vô cùng. Giả dụ được lên danh sách quà tặng suốt đời, tôi sẽ liệt kê một ngàn cuốn sách mình muốn có. Nhưng địa ngục là bởi, mỗi lần đi xem sách, lại phấp phỏng lo đối phó với một vài thằng cha kỳ quái đáng tuổi cha chú luôn lượn vè vè quanh các tủ sách, thấy cô bé nào vừa mắt là sán tới…

Không hiểu sao những kẻ bệnh hoạn ấy chỉ chọn những cô bé học sinh tuổi phổ thông. Mỗi khi cảm thấy có kẻ bắt đầu sờ soạng sau lưng, trên mông, hoặc đụng chạm cố ý, tôi thường đỏ dừ mặt vội vã bỏ chạy khỏi nhà sách. Thậm chí không dám nhìn mặt kẻ đồi bại, và rất sợ bị mọi người chung quanh phát hiện là mình vừa bị quấy rối, sờ mó, như thể mình chính là tội phạm. Cảm giác vừa tức giận vừa nhục nhã ấy, tôi vẫn còn nhớ.

Rồi vào đại học, năm thứ ba đại học, tôi đi cùng bé Hằng trong bút nhóm vào hiệu sách cũ để chọn mua sách. Bất ngờ phát hiện một thằng đàn ông kỳ quái mà ngày xưa từng quấy rầy mình, đang áp sát ngay bên cạnh. Và, nó không làm gì tôi, nó nhắm tới bé Hằng. Hằng co rúm lại sợ hãi, đứng như trời trồng, mắt cắm vào cuốn sách trên tay, không dám nhìn sang chỗ khác.

Đó là hình ảnh cuối cùng mà tôi nhìn thấy về một kẻ bệnh hoạn. Bởi ngay sau đó, tôi bất bình và tức giận hét rất lớn:

– Ông kia, làm cái gì đấy? Ông bỏ ngay tay ra! Đồ mất dạy!

Thằng cha biến thái vội vã cắm đầu chạy mất dạng!

2. Tiếng hét ấy làm chính tôi kinh ngạc. Tại sao ngày xưa, mình chỉ ngậm tăm chịu đựng, còn khi bất bình thấy kẻ khác bị sờ mó, mình lại chẳng còn sợ hãi gì kêu lên?

Hóa ra, chỉ đơn giản là, những cô thiếu nữ vị thành niên luôn có xu hướng quy kết mọi sự cố trong cuộc sống vào lỗi của bản thân. Sẽ hổ thẹn khi bị sờ mông, sẽ khủng hoảng và bất lực khi bị quấy rối. Còn cô gái hai mươi tuổi đã nhận ra rằng, kẻ quấy rối tình dục kia mới đáng bị lên án.

Chẳng trách những tay đàn ông biến thái đầy kinh nghiệm đã luôn chọn con mồi là những cô bé mười mấy tuổi. Cái làm chúng hả hê, là thấy được các cô đỏ mặt, cuống quýt sợ hãi bỏ chạy. Hoàn toàn không dám phản kháng. Nói cách khác, những kẻ xấu chẳng cần bịt miệng bạn, bởi bạn tự cắn răng chịu đựng, có miệng cũng đâu dám la lên, khác gì tự bịt miệng mình?

Nhưng, điều quan trọng nhất là: Khi kẻ quấy rối tình dục sợ nhất là tiếng hét của nạn nhân, thì bản thân nạn nhân cũng sợ hãi tiếng hét ấy!

Trên báo chí bây giờ thiếu gì những tin, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội sợ hãi kẻ thị dâm. Sinh viên sợ kẻ rình lén trong toa-lét nhà trường, kẻ sờ soạng trên xe bus. Hầu hết những tin bài khiêm tốn ấy đều nói nhiều về việc, nữ sinh sợ hãi bỏ chạy. Chả hề có mấy tin viết rằng, cô sinh viên đứng lại, hét to lên cảnh cáo giữa đám đông, lên án hành vi xấu, dán lên tường thông báo cảnh báo người khác về đoạn đường có yêu râu xanh..

Toàn thấy cảnh báo đoạn đường này đang thi công, chẳng thấy cảnh báo đoạn đường này có kẻ sờ mông.

Thời gian trước, trên báo còn đưa tin, một cô nữ sinh quay lén hành vi “khoecủa” của một kẻ bệnh hoạn. Nhưng đáng kinh ngạc là, cô nàng biết rõ kẻ kia đang làm gì. Biết rõ điều ấy là bẩn thỉu. Nhưng cô không hề dám làm gì để chặn đứng nó lại, im lặng trong suốt quá trình quấy rối tình dục nơi công cộng ấy diễn ra. Việc quay phim còn phải che dấu bằng thái độ cười đùa thản nhiên, và tung lên mạng như một cách “khoe của” gián tiếp. Kẻ kia khoe bộ phận sinh dục nam, cô gái khoe việc mình đã được chứng kiến kẻ kia “khoe của quý”.

Hai việc ấy mang tính trạng bệnh hoạn như nhau. Cô gái hơn gã đàn ông một thứ, là cô có thêm một con mắt ghi hình điện tử, thế thôi.

Không biết tôi có hiểu sai không! Nhưng chắc hai mươi năm trước nếu có điện thoại trang bị camera trong tay, tôi cũng không ghi hình lại việc em Hằng bị sờ mông. Mà tôi vẫn kêu lên! Kêu thật to!

Kẻ quấy rối luôn táo tợn trước nạn nhân nhưng luôn sợ hãi đám đông. Vấn đề là bạn có vạch mặt chỉ tên nó ra không, hay bạn tự bịt miệng mình trước?

3. Mẹ thường dạy tôi phải trở thành gái ngoan, biết nghe lời bố mẹ, phải ý tứ vì mình là con gái. Cô giáo chủ nhiệm từng bắt tôi đứng góc lớp vì mất trật tự trong lớp. Cuốn sách đầu đời tôi đọc khi bảy tuổi là cuốn truyện thiếu nhi, thỏ trắng ham chơi, về mẹ mắng. Ngoan tức là biết nghe lời, biết nhịn, biết chịu đựng.

Biết nghe lời trở thành đạo đức hàng đầu của gái trẻ. Tôi có mấy người đồng nghiệp cũ, thường bảo, chỉ thích lấy gái quê, vì gái quê rất “ngoan”, biết nghe lời chồng. Sau này quả thật có một anh lặn lội đi hơn trăm cây số lấy gái quê. Rất khó tả cảm giác, một bức ảnh lễ ăn hỏi, chú rể comple giầy da rất thời trang, đứng cạnh cô gái vùng trung du môi đỏ choét, quần bò ống loe, mặc áo phao xanh cánh chả, đội mũ có lông.

Đấy, không chịu nghe lời còn có cả nguy cơ bị ế nữa đấy! Cô ấy ngoan, nên cô ấy còn có chồng trước cả tôi! Tôi hay cãi, mà cãi thì rất to, nên mãi chả ai rước! Cũng may, đó là chuyện quá khứ, hồi yêu râu xanh còn đơn giản là sờ soạng. Giờ yêu râu xanh đã lên mạng. Những kẻ quấy rối nhiều khi có cả webcam và phim sex miễn phí, ảnh nóng mà bạn, một phút bất cẩn, để lộ ra. Có khi kẻ quấy rối bạn lại còn là tình cũ, không cam tâm thấy bạn đang trong vòng tay tình mới!

Bạn có hét to lên không, hay ai đã bịt miệng bạn? Nhưng bạn có quyền phòng vệ cơ mà, pháp luật cũng ủng hộ bạn, cả xã hội cũng cho phép bạn phản kháng cơ mà.

Nếu bạn vẫn còn lưỡng lự, sợ hãi, sợ mất thể diện, thì thử nghĩ xem: Nếu những kẻ biến thái kia thử động vào gái hư xem, việc gì sẽ xảy ra!

Điềm tĩnh thì cô gái có thể lịch thiệp quay lại, nghiêng đầu cười nhã nhặn và duyên dáng, nói dịu dàng và kiên quyết:

– Chào anh, anh có thể vui lòng nhấc bàn tay cao quý của anh ra khỏi cái mông em được không? Em sẽ rất biết ơn và hẹn gặp lại anh lần sau!!!

(Có vẻ hiếm xảy ra sự điềm tĩnh này!)

Còn không bình tĩnh thì hét to:

– Bà táng cho mày một phát vào mồm bây giờ, tổ sư thằng mất dậy!

Làm ơn hãy văng tục vào lúc đó. Với những người trí thức, ta cư xử trí thức. Nhưng với những kẻ lưu manh, ta vẫn cư xử trí thức, thì đó mới đúng là bi kịch đấy bạn ạ!

Trang Hạ
2013

http://vn.nang.yahoo.com/h%C3%A3y-b%E1%BB%8F-tay-ra-kh%E1%BB%8Fi-m%C3%B4ng-t%C3%B4i-031914717.html

Bạn là nạn nhân của những ai?

PV_301212_TrangHa_006_DHMỗi chiều thứ Bảy, mời mọi người đón đọc một bài mới nóng hôi hổi vừa ra lò của Trang Hạ nhé, trong chuyên mục “Cookies trà chiều” trên Đẹp Online. Cuộc trò chuyện này sẽ thú vị hơn khi bên tách trà chiều có một người tỉ tê nói về cuộc sống muôn màu.

http://www.dep.com.vn/Cookies-tra-chieu/Ban-la-nan-nhan-cua-nhung-ai/20427.dep

Bạn là nạn nhân của những ai?

Mỗi lần đọc một bài báo viết về một nhân vật nào đó, dù là kẻ vinh hiển hay người tù tội, tôi cũng thường rất khó chịu với những phóng viên viết bài. Cảm giác chính họ làm cuộc sống này vẩn đục và bất bình sâu sắc.

Vì thường chúng ta sẽ đọc được những dòng sau:

Nếu nhân vật là kẻ xuất sắc, tiểu sử sẽ được tả “sinh ra trong một gia đình có truyền thống…” hoặc “dù gia đình không có ai theo nghề này, mọi người đều không làm nghệ thuật, không kinh doanh, hoặc chỉ là viên chức, thế nhưng anh vẫn v.v…”. Thế rõ ràng hai thái cực này quá khác xa nhau, nhưng nhân vật lớn lên vẫn rất kiệt xuất đó thôi. Vậy truyền thống gia đình có thực sự là một lực đẩy lớn đến thế không? Nếu đủ lớn, rõ ràng nó triệt tiêu luôn cố gắng và thành tựu của anh, khi anh theo nghề cha truyền con nối. Viết thế chẳng hóa ra là, anh giỏi gì đâu, anh chỉ ngồi lên đầu lên cổ bố mẹ anh, để cao hơn thiên hạ mà thôi!

Nếu truyền thống gia đình chẳng đủ lớn, anh đã thành đạt ở lĩnh vực khác, thì rõ ràng càng chẳng nên lôi tổ tông ra để làm bi kịch thêm hoàn cảnh xuất thân tréo ngoe của anh, đúng không? Bởi hiếm hoi lắm mới có thế lực gia đình đủ mạnh khiến một kẻ đần thành một thiên tài, vì xã hội có mù hết đâu mà không thấy!

Nếu viết về tội phạm, sẽ có đoạn “lớn lên thiếu sự giáo dục của bố mẹ…” hoặc “dù được bố mẹ nghiêm khắc quan tâm, hắn vẫn…”. Vấn đề ở đây là, vô số người mồ côi, thiếu cha hay thiếu mẹ vẫn lớn lên thành người tử tế thành đạt trong đời. Và vô số gia đình hạnh phúc lại nuôi lớn đứa con tù tội. Thiếu gì bố mẹ bác sĩ chữa bệnh khắp thiên hạ mà chẳng chữa nổi bệnh cho con. Vấn đề rõ ràng nằm ở chính tâm thế của một con người đó thôi.

Nhưng chúng ta vẫn luôn nhìn một con người theo cách nhìn họ là sản phẩm của… người khác, của bố mẹ họ, thầy cô họ, của ngôi trường danh giá ấy, của vùng miền ấy. Họ thành công là nhờ quá khứ và xuất thân của họ, chứ không phải nhờ giá trị họ tích lũy cho chính bản thân mình trong quá trình trưởng thành. Thậm chí rộng hơn thì chụp cho họ cái mũ tính cách của người Bắc, thói quen của người Nam, giới trẻ 8X thích hưởng thụ, lứa già cổ hủ v.v… Ít ai nhìn nhận rằng một con người là sản phẩm của chính con người ấy, bằng những lựa chọn của chính họ vào thời điểm quyết định.

Điều ấy dẫn tới một thói quen tồi tệ là, một mặt ta cho thành công của ta đến từ… đám đông và thời thế, một mặt chúng ta luôn thấy chúng ta là nạn nhân của xã hội này! Những lựa chọn sai lầm của ta là do xã hội đun đẩy tới. Mà có vẻ, người tự nhận mình là nạn nhân của xã hội có vẻ nhiều hơn người thành đạt nhờ xã hội.

Có lần một phụ nữ tâm sự với tôi về việc chồng ngoại tình, chị ấy lên án ông chồng rất ghê gớm, chửi bới “con bồ” kia rất ghê. Thế nhưng khi tôi bảo, cuộc sống tù ngục đau khổ thế này thì chị bỏ chồng đi! Người phụ nữ trợn mắt lên bảo, tại sao lại phải bỏ chồng, tôi là vợ có hôn thú cơ mà, bỏ là tôi thua con đĩ kia à? Tại sao lại phải bỏ? Bỏ thì ông ấy sướng quá, còn tôi thì ai lấy? Không giữ được chồng thì “con kia” nó chửi cho!

Hóa ra, người phụ nữ có chồng ngoại tình đang cố gắng tìm kiếm đồng minh, muốn người khác hiểu chị là nạn nhân của ông chồng trăng hoa, chị bị chồng đối xử tồi tệ. Chị muốn người ta hiểu chồng chị đang làm điều không tốt với chị. Chị cần sự đồng cảm và ủng hộ của đám đông, trong đó có tôi.

Chứ chị hoàn toàn không có ý định thay đổi hiện tại, tháo gỡ mâu thuẫn vợ chồng, kết nối lại yêu thương với ông xã!

Chị sợ li hôn chỉ vì sợ chị bị thua thiệt, chứ không sợ phải sống với một người đàn ông chẳng còn yêu mình! Vậy, sống thế có hạnh phúc không? Sống thế khác gì sống với một ông hàng xóm, ngủ chung giường mà không có ràng buộc tình cảm. Mà nói thật, có khi ngủ với ông hàng xóm còn thú vị hơn ngủ với một ông chồng đã cạn tình hết nghĩa!

Vậy thì đâu phải là chồng đối xử tồi tệ với chị. Chỉ là chị đã tình nguyện sống tồi tệ đấy thôi. Ai cấm chị sống có tự trọng, yêu thương bản thân, giải phóng cả đầu óc lẫn thân thể ra khỏi một mối quan hệ tồi tệ? Ai buộc chị vào cạnh một người đàn ông mà chị luôn mồm cho rằng “không xứng đáng”?

Vậy, cho tôi hỏi, với từng ấy dữ liệu: Tại sao chị sẽ cho rằng, cả thế giới này lẫn ông chồng buộc phải có nghĩa vụ đối xử thật tốt với chị?

Sao tâm lý của chị giống y hệt tâm lý những người phụ nữ bị chứng bệnh ám ảnh mình bị hại. Họ cứ nghĩ họ rất tốt, rất đẹp, họ luôn đúng, chẳng qua là những người khác luôn hại họ. Họ là nạn nhân của người khác.

Nếu nàng không tìm cách nào thu xếp ổn thỏa với đồng nghiệp, nàng sẽ nghĩ, mình là nạn nhân của tệ đố kị nơi công sở.

Nếu cô bạn thất nghiệp mãi không tìm được việc làm, cô ấy sẽ cho rằng, những kẻ xin việc bằng phong bì và quan hệ quen biết đã chiếm hết cơ hội của cô!

Nếu chồng bạn có bồ, vấn đề nằm ở ông ấy, ở tiền, ở gái chân dài tham tiền đào mỏ v.v… Nếu con bạn đánh nhau và điểm kém, bạn thấy rõ ràng bạn đâu có dạy nó đánh nhau, và bạn vẫn luôn mồm nhắc nó phải học hành cho tử tế vào cơ mà!

Nếu mẹ chồng ghét bạn, vấn đề luôn nằm ở mẹ chồng, đâu phải là từ phía bạn?

Nếu chó nhà hàng xóm chạy sang ị bậy trước cửa nhà bạn, cả văn phòng bạn đều biết rõ, nhưng văn phòng không bao giờ biết, chó mèo nhà bạn ị bậy trước cửa nhà ai!

Có lần tôi rất bực tức giận dữ hỏi một cô gái trẻ, vì sao cô ấy xin tôi cho học bổng, sau khi tôi xin cho cô ấy một học bổng danh giá ở nước ngoài, cô ấy lại bỏ không đi du học? Cô ấy bảo, vì người yêu em không cho đi du học. Vì bố mẹ em bảo ở nhà kiếm việc rồi cưới chồng!

Lúc nào phụ nữ chúng ta cũng là nạn nhân của hoàn cảnh. Thế nhưng, vấn đề là, thế tất cả những người Việt Nam đi du học, hàng vạn người mỗi năm, đều là trẻ mồ côi bố mẹ từ nhỏ, và đều là gái ế giai hâm, không ai ngó tới, nên mới xách va-li lên đường du học? Còn bạn, bạn có gia đình và người yêu, nên bạn phải bỏ học bổng?

Tất cả những người khác đều có tiền, có quan hệ để xin việc, còn mỗi bạn là thân cô thế cô? Thế nếu đã nghĩ được như thế, sao bạn không đi mở quán rửa xe hay bán trà đá bên đường cho nó có thu nhập ổn định đi, những nghề ấy đâu cần tiền nhiều và thân thế hoành tráng?

Nếu bạn tốt nghiệp đại học với tấm bằng trung bình, tôi cam đoan có nhiều người sẽ bào chữa rằng, phần lớn thời gian phải dùng để đi làm thêm kiếm tiền trang trải đời sống, giáo trình và giáo viên cổ lỗ sĩ làm giảm hứng thú học tập của bạn v.v… Chứ chẳng mấy người tự nhận rằng, trí óc và trình độ của tôi chỉ ở mức trung bình! Và tôi đang nỗ lực tìm cách phấn đấu để bù đắp nhược điểm đó!

Mỗi khi phụ nữ sụt sùi, em bị thế này, em bị thế kia… tôi nghĩ cũng là cơ hội tốt cho các anh giai tới an ủi! Nhưng, có hai điều cực kỳ quan trọng này mà phụ nữ cần biết:

Một, đàn ông thích phụ nữ tươi cười và sexy. Không đàn ông nào thích ngồi tỉ tê an ủi một cô mặt nhàu vì nước mắt nước mũi, than thở xui xẻo. Tôi không phải đàn ông, nhưng tôi cũng thế!

Hai, đàn bà sinh ra không ai yếu đuối nhược thiểu cả. Chỉ trong quá trình sống, chúng ta trở nên hèn kém thua thiệt mà thôi! Luôn nghĩ mình là kẻ bị hại, bạn sẽ chẳng bao giờ tìm ra bài học nào cho cuộc sống!

Chẳng ai hại bạn cả, bạn chỉ là nạn nhân của chính bạn mà thôi.

Trang Hạ

2013

Dạo qua miền thị phi

Trangha2013
Khăn Sentory, lụa thật, tớ thích!

Tôi nhớ có người phụ nữ đã cho rằng, đàn bà muốn đòi bình đẳng thì hãy sống như cô, như mẹ cô, như chị cô, những người đã giỏi hơn chồng mình và đám đàn ông xung quanh cả một cái đầu.

Cô gái ấy người miền Tây, tôi tự hỏi, nếu phụ nữ miền Tây ai cũng giỏi giang như thế, tại sao có nhiều bi kịch lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc đến thế? Hay thế giới này chia ra hai loại đàn bà? Hay thực ra, lấy chồng nước ngoài hay tự hào mình giỏi hơn đàn ông chung quanh một cái đầu, cũng chỉ là một hành vi và thái độ của phụ nữ, mà ở trong hành vi thái độ đó, ta nhìn thấy hoàn cảnh sống, xuất thân, diện mạo gia đình và cộng đồng.

Họ chẳng phải là chân lý. Nhược điểm hay ưu điểm một người cũng chẳng là phẩm chất bao quát cho mọi phụ nữ miền ấy được, nên chúng ta cũng đừng nhìn họ như toàn bộ phụ nữ trên đời này đều vậy.

Phát ngôn của một người phụ nữ chỉ phản ánh hoàn cảnh cô ấy đang sống, đám người mà cô ấy quen. Sự lựa chọn của một người phụ nữ lấy chồng Việt hay chồng ngoại cũng chỉ là một tấm gương phản chiếu hoàn cảnh sống, mà ở trong đó, tôi tin rằng họ đã chọn cái gì họ thấy tốt hơn những lựa chọn còn lại tại thời điểm ấy.

Dẫu phụ nữ chọn gì, chọn chứng minh ta hơn chồng một cái đầu, hay chứng minh chồng ta hơn bọn đàn ông Việt một cái gì đó nằm ở thấp hơn cái đầu, thì cũng đừng ném đá và công kích các nàng vơ đũa cả nắm.

Những người phụ nữ ấy, chỉ đang nói cái mà trái tim và thân thể họ cảm nhận được. Vậy là có lỗi với đám đông ư?

Tôi nhớ có lần tranh luận rất lâu với một học giả nghiên cứu về Việt Nam học. Ông ta cho rằng, Việt Nam là một xã hội mẫu hệ kiểu mới trong thời hiện đại, mà ở đó, dù đàn bà không được giành quyền cưới đàn ông, không được đặt cho con theo họ mẹ (những đặc điểm dễ nhận biết của xã hội mẫu hệ kiểu truyền thống) nhưng đàn bà lại là trụ cột của gia đình kiểu mới ở Việt Nam, là người lãnh gánh những gánh nặng vật chất và tinh thần nhất gia đình, là người chịu đựng những trách nhiệm xã hội nặng nề nhất. Tiền kiếm được của phụ nữ Việt phải chi cho gia đình với tỉ lệ nhiều hơn đàn ông, thời gian cho việc nhà cũng thế, thời gian để chăm sóc đàn ông cũng nhiều hơn thời gian mà họ được đàn ông chăm sóc. Hơn thế nữa, chính phủ Việt Nam một mặt kêu gọi bảo vệ quyền lợi phụ nữ, một mặt áp đặt “giỏi việc nước, đảm việc nhà” trở thành giá trị quan trọng của phụ nữ trong xã hội, để tạo dựng nên hình tượng người phụ nữ là nô lệ cho những đòi hỏi của xã hội đàn ông.

Nên mỗi khi có cuộc ném đá của đám đông trên mạng vào một phụ nữ nào đó, tôi thường dùng khái niệm “nô lệ cho những đòi hỏi của xã hội đàn ông” để cân đong đo đếm liều lượng công kích của đám đông với người phụ nữ đó, xem nó có là ngoại lệ?

Rất đáng tiếc, thường không có ngoại lệ. Bằng một cách nào đó, dư luận thường bị ngã về phía định kiến nhiều hơn.

Nếu một cô gái chê giai Việt kém sex, mặc nhiên cô sẽ bị đám giai Việt và cả đám đông đàn bà Việt cho rằng, cô đang xúc phạm giá trị những người đàn ông Việt. Trong khi đáng lẽ chỉ nên hiểu rằng, đây là trải nghiệm cá nhân và chia sẻ cảm nhận rất trực diện trong quãng thời gian mới vỏn vẹn vài năm hẹn hò của một cô gái bé nhỏ, chả ảnh hưởng tới ai. Thế nếu đàn ông được khen, cả đời đàn ông Việt chỉ biết có mỗi “việc ấy” là giỏi, hẳn đàn ông Việt sẽ vinh quang vô kể?

Và, quan trọng nhất, là hễ đụng đến danh giá của đàn ông, là đàn bà sẽ phải trả giá?

Nếu một người phụ nữ chia sẻ khao khát được yêu một chàng trai chăm chỉ và tôn trọng phụ nữ, được lấy làm chồng một người đàn ông văn minh, và cô thất vọng vì cô chưa tìm thấy người đàn ông như thế trong đám giai Việt đang mài đũng quần trên giảng đường đại học quanh cô, thì cô đắc tội gì với xã hội Việt Nam? Thế nhưng đã có liền mấy tờ báo điện tử và báo giấy hàng đầu Việt Nam sử dụng truyền thông đại chúng để đập bẹp dí khao khát của cô gái bé mọn tới mức nặc danh kia. Hiệu ứng của đám đông thật đáng sợ, khi mang những tiêu chuẩn “làm người” đập cho bầm dập cái khao khát “làm phụ nữ” được yêu thương và chăm sóc kia.

Tôi thấy sợ hãi những người đọc luôn tìm cách chụp mũ “vơ đũa cả nắm” lên những người phụ nữ dám nói lên cái tôi của mình.

Nhưng, tôi cũng thấy sợ, khi đã có nhiều người phụ nữ, vì sợ hãi đám đông, đã đứng lên và nói một cái tôi không phải của mình.

Trang Hạ

2012

(Thế giới Gia đình số Xuân 2013)

Bố ơi, đừng ép con cưới chồng!

Anh bạn tôi có hai đứa con gái nhỏ, một đứa mười hai tuổi, một đứa năm tuổi. Anh thường tự hào, anh hạnh phúc hơn vô số người đàn ông khác vì anh vĩnh viễn là người đẹp trai nhất nhà, không bị ai cạnh tranh. Bao nhiêu ông chỉ vì đòi đẻ con trai mà bỏ vợ, kiếm bồ, thậm chí bỏ vợ tới ba lần, cưới vợ tới bốn lần mà vẫn không có con trai!

Bạn tôi cho rằng, những người đàn ông như thế, trên hành trình đi tìm kiếm con trai, đã để lại sau lưng bao nhiêu ai oán của những người phụ nữ. Người là vợ, người là con gái, người là vợ cũ của họ! Mà trong tương lai, chắc gì đã mang lại hạnh phúc cho những người phụ nữ khác, nếu người phụ nữ ở thì tương lai ấy vẫn… không đẻ được con trai cho họ?

Cưới một người đàn ông trọng nam khinh nữ như thế, có hạnh phúc gì đâu! Thậm chí nói rộng hơn, cưới một người đàn ông không hề trân trọng phụ nữ, ngay cả con gái ruột của mình cũng coi là con… thứ cấp(!), thì có hạnh phúc được đâu! Thà các nàng ở vậy còn hơn. Anh bạn tôi nói, sau này, anh thà cho hai con gái của anh vĩnh viễn ở nhà với bố, chứ không muốn con gái mình đi lấy chồng, lấy một người chồng coi thường phụ nữ.

Tôi nhớ năm rồi đọc được một cuốn sách rất cảm động, cuốn sách ấy của một ông bố viết cho các con nhỏ của mình, trong đó có một lá thư viết cho con rể tương lai. Ông bố ấy xin con rể tương lai rằng, tôi xin anh đừng bao giờ đánh con gái tôi! Mà năm nay, con gái của tác giả mới bốn tuổi, còn đang chơi búp bê.

Những tình yêu đi kèm theo lo âu sợ hãi như thế của những người cha (những người bố vợ trong tương lai), có lẽ phải những người đã làm cha mẹ mới thấu hiểu được.

Nhưng thói đời, biết bao cô gái vì sợ mang tiếng gái già, gái ế mà đã cuống lên nghĩ đến các cách để kiếm được chồng từ khi họ còn ngồi trên ghế trường đại học? Và biết bao bậc phụ huynh thấy con quá tuổi 25 là nhấp nhổm lo con ế, ngày nào cũng giục con kiếm lấy tấm chồng?

Tôi có vài người bạn, chục năm nay lang bạt khắp trong Nam ngoài Bắc, đi khắp châu Âu châu Mỹ rồi về châu Phi chỉ bởi họ không dám về nhà. Vì về nhà thì bố mẹ sẽ ép hỏi vụ chồng con. Tôi còn bị một số bạn bè cũ cấm cửa không cho tôi đến nhà họ chơi. Chỉ bởi mỗi khi tôi lôi lũ con lếch thếch tới chúc Tết hay thăm hỏi, là họ sẽ bị bố mẹ họ mắng mỏ vì sao bạn tôi cho đến giờ vẫn còn chưa được… lôi thôi lếch thếch như tôi!

Trong các nhãn hàng tôi làm quảng cáo, có công ty kinh doanh bất động sản cho biết, mấy năm nay họ bán được khá nhiều căn hộ giá vừa phải cho phụ nữ lứa tuổi 30. Những cô nàng thành thị có thu nhập, có điều kiện khá, nhưng chưa kết hôn, cần một căn hộ chỉ bởi gia đình đã không muốn chứa chấp các nàng nữa. Mỗi khi về nhà ăn cơm tối, mẹ đều thở dài, bố đều cau có. Lễ tết chẳng dám đi thăm ai vì sợ hỏi chuyện chồng con.

Có lần tôi ngồi nói chuyện với người hàng xóm cũ, có hai cô con gái ngoài 30 mà chưa chồng. Ông hàng xóm vừa nói chuyện vừa khóc.

Thật khó xử khi nhìn thấy nước mắt những ông bố có con muộn chồng.

Nhưng tôi luôn thầm nghĩ, giá thử như những cô gái ấy cưới một ông chồng bạo hành, vũ phu, một người chồng ăn bám, sĩ diện, một người chồng khinh thường nữ giới, trọng nam khinh nữ, thì nước mắt các bậc phụ huynh chắc còn chảy nhiều hơn! Lấy chồng mà không hạnh phúc thì thà ở với bố mà hạnh phúc, có phải là hơn không? Tôi đã gặp vài gia đình yêu cầu chàng rể cưới xong cũng về nhà bố mẹ vợ ở. Họ đều rất hạnh phúc đó thôi.

Vấn đề là ông bố có mở rộng cánh cửa gia đình để đứa con gái có một cuộc sống hạnh phúc suốt đời hay không? Chúng ta chăm con từ ngày ấu thơ, buộc tóc xỏ giày cho con khi con đi nhà trẻ, cho con học đàn, học vẽ từ nhỏ. Chúng ta khen con, yêu con, tự hào về con, tất cả chỉ với mục đích là muốn con cái ta hạnh phúc bên bố mẹ.

Vậy tại sao khi con cái trưởng thành, bố mẹ không sẵn lòng cho con một cuộc sống mà con có thể hạnh phúc? Sao cứ phải lấy chồng, dù đó là một người đàn ông như thế nào, thì bố mẹ mới yên lòng? Vì sao một người chồng gia trưởng và bạo lực thì vẫn luôn luôn tuyệt vời hơn một ông bố yêu thương?

Nếu yêu thương là một hành trình trưởng thành và tìm kiếm, mà cô gái bé bỏng sẽ đi từ ga lòng mẹ tới ga bàn tay bố, rồi tới ga nắm tay người yêu, thì thật tuyệt vời. Nhưng nếu cô ấy đi mãi chưa muốn dừng lại ở bến đỗ của người đàn ông nào, thì, có được người bố bao dung yêu thương vẫn cứ hạnh phúc hơn là cưới người đàn ông tệ bạc qua quýt.

Vì nói cho cùng, ai muốn con gái mình sinh ra là để cho kẻ khác chà đạp?

Trang Hạ

2013

* Ảnh: Internet (chỉ mang tính minh họa)

http://www.dep.com.vn/Cookies-tra-chieu/Bo-oi-dung-ep-con-cuoi-chong/20217.dep