Dạo qua miền thị phi

Trangha2013
Khăn Sentory, lụa thật, tớ thích!

Tôi nhớ có người phụ nữ đã cho rằng, đàn bà muốn đòi bình đẳng thì hãy sống như cô, như mẹ cô, như chị cô, những người đã giỏi hơn chồng mình và đám đàn ông xung quanh cả một cái đầu.

Cô gái ấy người miền Tây, tôi tự hỏi, nếu phụ nữ miền Tây ai cũng giỏi giang như thế, tại sao có nhiều bi kịch lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc đến thế? Hay thế giới này chia ra hai loại đàn bà? Hay thực ra, lấy chồng nước ngoài hay tự hào mình giỏi hơn đàn ông chung quanh một cái đầu, cũng chỉ là một hành vi và thái độ của phụ nữ, mà ở trong hành vi thái độ đó, ta nhìn thấy hoàn cảnh sống, xuất thân, diện mạo gia đình và cộng đồng.

Họ chẳng phải là chân lý. Nhược điểm hay ưu điểm một người cũng chẳng là phẩm chất bao quát cho mọi phụ nữ miền ấy được, nên chúng ta cũng đừng nhìn họ như toàn bộ phụ nữ trên đời này đều vậy.

Phát ngôn của một người phụ nữ chỉ phản ánh hoàn cảnh cô ấy đang sống, đám người mà cô ấy quen. Sự lựa chọn của một người phụ nữ lấy chồng Việt hay chồng ngoại cũng chỉ là một tấm gương phản chiếu hoàn cảnh sống, mà ở trong đó, tôi tin rằng họ đã chọn cái gì họ thấy tốt hơn những lựa chọn còn lại tại thời điểm ấy.

Dẫu phụ nữ chọn gì, chọn chứng minh ta hơn chồng một cái đầu, hay chứng minh chồng ta hơn bọn đàn ông Việt một cái gì đó nằm ở thấp hơn cái đầu, thì cũng đừng ném đá và công kích các nàng vơ đũa cả nắm.

Những người phụ nữ ấy, chỉ đang nói cái mà trái tim và thân thể họ cảm nhận được. Vậy là có lỗi với đám đông ư?

Tôi nhớ có lần tranh luận rất lâu với một học giả nghiên cứu về Việt Nam học. Ông ta cho rằng, Việt Nam là một xã hội mẫu hệ kiểu mới trong thời hiện đại, mà ở đó, dù đàn bà không được giành quyền cưới đàn ông, không được đặt cho con theo họ mẹ (những đặc điểm dễ nhận biết của xã hội mẫu hệ kiểu truyền thống) nhưng đàn bà lại là trụ cột của gia đình kiểu mới ở Việt Nam, là người lãnh gánh những gánh nặng vật chất và tinh thần nhất gia đình, là người chịu đựng những trách nhiệm xã hội nặng nề nhất. Tiền kiếm được của phụ nữ Việt phải chi cho gia đình với tỉ lệ nhiều hơn đàn ông, thời gian cho việc nhà cũng thế, thời gian để chăm sóc đàn ông cũng nhiều hơn thời gian mà họ được đàn ông chăm sóc. Hơn thế nữa, chính phủ Việt Nam một mặt kêu gọi bảo vệ quyền lợi phụ nữ, một mặt áp đặt “giỏi việc nước, đảm việc nhà” trở thành giá trị quan trọng của phụ nữ trong xã hội, để tạo dựng nên hình tượng người phụ nữ là nô lệ cho những đòi hỏi của xã hội đàn ông.

Nên mỗi khi có cuộc ném đá của đám đông trên mạng vào một phụ nữ nào đó, tôi thường dùng khái niệm “nô lệ cho những đòi hỏi của xã hội đàn ông” để cân đong đo đếm liều lượng công kích của đám đông với người phụ nữ đó, xem nó có là ngoại lệ?

Rất đáng tiếc, thường không có ngoại lệ. Bằng một cách nào đó, dư luận thường bị ngã về phía định kiến nhiều hơn.

Nếu một cô gái chê giai Việt kém sex, mặc nhiên cô sẽ bị đám giai Việt và cả đám đông đàn bà Việt cho rằng, cô đang xúc phạm giá trị những người đàn ông Việt. Trong khi đáng lẽ chỉ nên hiểu rằng, đây là trải nghiệm cá nhân và chia sẻ cảm nhận rất trực diện trong quãng thời gian mới vỏn vẹn vài năm hẹn hò của một cô gái bé nhỏ, chả ảnh hưởng tới ai. Thế nếu đàn ông được khen, cả đời đàn ông Việt chỉ biết có mỗi “việc ấy” là giỏi, hẳn đàn ông Việt sẽ vinh quang vô kể?

Và, quan trọng nhất, là hễ đụng đến danh giá của đàn ông, là đàn bà sẽ phải trả giá?

Nếu một người phụ nữ chia sẻ khao khát được yêu một chàng trai chăm chỉ và tôn trọng phụ nữ, được lấy làm chồng một người đàn ông văn minh, và cô thất vọng vì cô chưa tìm thấy người đàn ông như thế trong đám giai Việt đang mài đũng quần trên giảng đường đại học quanh cô, thì cô đắc tội gì với xã hội Việt Nam? Thế nhưng đã có liền mấy tờ báo điện tử và báo giấy hàng đầu Việt Nam sử dụng truyền thông đại chúng để đập bẹp dí khao khát của cô gái bé mọn tới mức nặc danh kia. Hiệu ứng của đám đông thật đáng sợ, khi mang những tiêu chuẩn “làm người” đập cho bầm dập cái khao khát “làm phụ nữ” được yêu thương và chăm sóc kia.

Tôi thấy sợ hãi những người đọc luôn tìm cách chụp mũ “vơ đũa cả nắm” lên những người phụ nữ dám nói lên cái tôi của mình.

Nhưng, tôi cũng thấy sợ, khi đã có nhiều người phụ nữ, vì sợ hãi đám đông, đã đứng lên và nói một cái tôi không phải của mình.

Trang Hạ

2012

(Thế giới Gia đình số Xuân 2013)

Một suy nghĩ 20 thoughts on “Dạo qua miền thị phi”

  1. Mình ghét nhất cái danh hiệu “Hai tốt” của PNVN (Giỏi việc nước, đảm việc nhà). Mình thấy chỉ được “một tốt” đã giỏi lắm rồi. ờ, thế đàn ông không cần phải có cái tốt nào à! Nản!

  2. bai viet qua hay , toi chi muon viet lai nua cau cho khoi bi dan ong bat be thoi :… duoc lay lam chong 1 nguoi dan ong van minh thanh duoc lay mot nguoi dan ong van minh lam chong

  3. “- Thật ra đây là một loại hiểu sai. Bởi vì em chọn con đường không giống mọi người nên bọn họ mới cho rằng em không thể làm được. Bởi vì hầu hết mọi người đều làm như vậy nên bản thân mới làm như vậy, bởi vì hầu hết mọi người nghĩ như vậy nên bản thân mới nghĩ như vậy, những người như vậy là những người không có chủ kiến. Em không nhất định phải là một người trong số hầu hết mọi người, em chỉ cần làm chuyện mà em muốn làm. Nếu trùng hợp chuyện em muốn làm không phải là việc mà hầu hết mọi người muốn làm, em cũng có thể làm vì bản thân mình, đừng vì những người khác mà thay đổi bản thân mình.” ( Yêu trong yên lặng- Hậu Dã)
    Sống trên đời phải biết mình là ai và mình muốn cái gì, đừng vì thị phi mà quên đi một điều cơ bản nhất : Mình phải sống. Sống không chỉ là về thể xác, sống còn cần ở mặt tinh thần nữa
    Bạn có chắc lệ thuộc vào định kiến và phân biệt xã hội là cách “sống” tốt nhất mà bạn có thể lựa chọn?

  4. Chị Trang Hạ ơi! Em không biết đàn ông Tây thua gì đàn ông Việt nhưng đọc qua một số trang mạng thấy anh đàn ông Việt nào cũng mạnh mồm khẳng định : “ Đàn ông Việt thà bỏ vợ chứ không giúp vợ làm việc nhà” “ Đàn ông Việt khi có tiền ( thành đạt) sẽ ngoại tình” “ Đàn ông Việt phải bạo lực phải chuyên quyền thì mới làm bố bao dung” etc… thì thực lòng em sợ lấy đàn ông Việt lắm rồi.
    Thà mất thời gian mấy năm học cho giỏi ngoại ngữ rồi đi nhòm xem có ai ở bên ngoài cái lãnh thổ đất nuớc Việt Nam biết cách sống cho tử tế một chút không, còn hơn mất cả đời sống như osin( cho nguời ta tùy ý sai sử), như cái bao cát ( cho nguời ta đấm), như cái máy đẻ, như con búp bê ( để cho nguời ta trang trí, cho nguời ta thích vặn kiểu gì thì vặn)… nhục lắm chị ạ

    1. dan ong V cung co khong it nguoi “van minh” ma. chi dung nan chi the hihi nhu duong cua em co nhung 5 nguoi con, nhung nha co dam gio la duong sang som cung vo di cho va ve lam 1 so viec nhu lam ga, vit, xep mam qua…. den khi con chau (da thu xep nha cua con cai on thoa) den roi take over cong viec. va duong em la nguoi kiem ra rat nhieu tien cho gia dinh trong khi di e chi o nha thoi i, va duong e thi cha bao gio co bo nhi ca. thay suot ngay o nha voi vo con. roi cuoi tuan thi cho vo di xem cai luong hihi hoac la bac trai e du da U60 nhung van manh khoe va suot ngay di lau nha, chi co viec nau nuong la ong ko dong den vi bac gai nau ngon hon

    2. Trống rỗng thì kêu to, các “cụ” đã đúc kết rồi, càng những tên chẳng ra gì càng thích huyênh hoang, đàn ông “chất” thì luôn dung hành động để chứng minh mình “chất”

  5. Tôi luông ngưỡng mộ những bài viết và giọng văn của chị. Một trong số rất ít những người phụ nữ đứng lên để tỏ rõ thái độ của mình với dư luận xã hội. Nơi luôn áp đặt những quy định bất công cho thân phận người phụ nữ VN.

  6. Chị Trang Hạ nói lúc nào cũng hay, bởi chị nói bằng trải nghiệm cá nhân có ánh sáng của tri thức và học vấn chứ ko phải hô khẩu hiệu, có vấn đề chính xác, có vấn đề còn mang màu sắc phiến diện cá nhân nhưng đều rất trang Hạ, rất Đời, bởi vậy mà rất thuyết phục.Cảm ơn chị!

  7. Chào chị Trang Hạ. Mạn phép chị vì em đã trích một đoạn trong truyện của chị vào FB. có trích dẫn tên và câu chuyện của chị. thực sự những ngày tháng này với em là những ngày tháng thật tồi tệ. Em đã cố gắng sống bằng 2 sức lực và suy nghĩ chỉ bằng 1/2 thôi nhưng cũng quá khó. Em vẫn muốn giữ chồng cho gia đình đầy đủ, giữ cha cho con dẫu chỉ là danh nghĩa thôi cũng được. Nhưng người chồng ấy của em đâu cần như thế. Anh ta cờ bạc nợ nần và trai gái cũng đâu cần em bỏ qua. Thế thì đúng rồi. Đúng như những gì chị nói. Ai chà đạp mình? Mình tự chà đạp mình thôi. Đọc những gì chị viết em ngưỡng mộ tính cách và con người chị. Em thích cách chị nói lên suy nghĩ của 1 người phụ nữ. Vì là 1 phụ nữ nên mình cần phải biết yêu phụ nữ mà trước hết là yêu lấy mình. Em như tìm được con đường cần đi cho cuộc đời em. Cảm ơn nhà văn, nhà phụ nữ học Trang Hạ.

  8. Chị làm em nhớ lại một lần bức xúc khi đọc báo Yahoo VN, tác giả bài báo là nữ. phàn nàn về việc một bộ phận nam giới có thói quen tán thưởng vẻ đẹp của một cô gái gặp trên đường bằng việc.. huýt sáo, và so sánh với lối cư xử mà cô cho là văn minh hơn của các chàng trai phương Tây. Và thế là ôi thôi, mấy AHBP cứ gọi là ném đá cô này, rằng thì là mà thế thì đi mà lấy giai Tây, hay cho rằng hành động đó cũng chẳng có gì là mất lịch sự cả. Không biết chị Trang Hạ nghĩ thế nào chứ em đồng cảm với cô gái đó ghê gớm, và chán nản khi thấy phản hồi mà hầu hết của cánh mày râu.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s