Hãy bỏ tay ra khỏi mông tôi!

Kẻ bịt mồm bạn khi bạn bị hiếp dâm có khi lại là cô giáo chủ nhiệm, là mẹ bạn, là những nhà văn hóa, trí giả đầy mình của xã hội luôn đề cao chuẩn mực đạo đức sống, chứ không phải thằng lưu manh trên xe bus! Vì họ chỉ dạy bạn kỹ càng cách sống cùng người tốt, nhưng không dạy bạn mấy về môn chửi tục và đánh lại kẻ xấu!

1. Hai mươi năm trước, hiệu sách ngoại văn ở Bờ Hồ vừa là thiên đường vừa là địa ngục của tôi. Thiên đường là bởi tôi mê sách vô cùng. Giả dụ được lên danh sách quà tặng suốt đời, tôi sẽ liệt kê một ngàn cuốn sách mình muốn có. Nhưng địa ngục là bởi, mỗi lần đi xem sách, lại phấp phỏng lo đối phó với một vài thằng cha kỳ quái đáng tuổi cha chú luôn lượn vè vè quanh các tủ sách, thấy cô bé nào vừa mắt là sán tới…

Không hiểu sao những kẻ bệnh hoạn ấy chỉ chọn những cô bé học sinh tuổi phổ thông. Mỗi khi cảm thấy có kẻ bắt đầu sờ soạng sau lưng, trên mông, hoặc đụng chạm cố ý, tôi thường đỏ dừ mặt vội vã bỏ chạy khỏi nhà sách. Thậm chí không dám nhìn mặt kẻ đồi bại, và rất sợ bị mọi người chung quanh phát hiện là mình vừa bị quấy rối, sờ mó, như thể mình chính là tội phạm. Cảm giác vừa tức giận vừa nhục nhã ấy, tôi vẫn còn nhớ.

Rồi vào đại học, năm thứ ba đại học, tôi đi cùng bé Hằng trong bút nhóm vào hiệu sách cũ để chọn mua sách. Bất ngờ phát hiện một thằng đàn ông kỳ quái mà ngày xưa từng quấy rầy mình, đang áp sát ngay bên cạnh. Và, nó không làm gì tôi, nó nhắm tới bé Hằng. Hằng co rúm lại sợ hãi, đứng như trời trồng, mắt cắm vào cuốn sách trên tay, không dám nhìn sang chỗ khác.

Đó là hình ảnh cuối cùng mà tôi nhìn thấy về một kẻ bệnh hoạn. Bởi ngay sau đó, tôi bất bình và tức giận hét rất lớn:

– Ông kia, làm cái gì đấy? Ông bỏ ngay tay ra! Đồ mất dạy!

Thằng cha biến thái vội vã cắm đầu chạy mất dạng!

2. Tiếng hét ấy làm chính tôi kinh ngạc. Tại sao ngày xưa, mình chỉ ngậm tăm chịu đựng, còn khi bất bình thấy kẻ khác bị sờ mó, mình lại chẳng còn sợ hãi gì kêu lên?

Hóa ra, chỉ đơn giản là, những cô thiếu nữ vị thành niên luôn có xu hướng quy kết mọi sự cố trong cuộc sống vào lỗi của bản thân. Sẽ hổ thẹn khi bị sờ mông, sẽ khủng hoảng và bất lực khi bị quấy rối. Còn cô gái hai mươi tuổi đã nhận ra rằng, kẻ quấy rối tình dục kia mới đáng bị lên án.

Chẳng trách những tay đàn ông biến thái đầy kinh nghiệm đã luôn chọn con mồi là những cô bé mười mấy tuổi. Cái làm chúng hả hê, là thấy được các cô đỏ mặt, cuống quýt sợ hãi bỏ chạy. Hoàn toàn không dám phản kháng. Nói cách khác, những kẻ xấu chẳng cần bịt miệng bạn, bởi bạn tự cắn răng chịu đựng, có miệng cũng đâu dám la lên, khác gì tự bịt miệng mình?

Nhưng, điều quan trọng nhất là: Khi kẻ quấy rối tình dục sợ nhất là tiếng hét của nạn nhân, thì bản thân nạn nhân cũng sợ hãi tiếng hét ấy!

Trên báo chí bây giờ thiếu gì những tin, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội sợ hãi kẻ thị dâm. Sinh viên sợ kẻ rình lén trong toa-lét nhà trường, kẻ sờ soạng trên xe bus. Hầu hết những tin bài khiêm tốn ấy đều nói nhiều về việc, nữ sinh sợ hãi bỏ chạy. Chả hề có mấy tin viết rằng, cô sinh viên đứng lại, hét to lên cảnh cáo giữa đám đông, lên án hành vi xấu, dán lên tường thông báo cảnh báo người khác về đoạn đường có yêu râu xanh..

Toàn thấy cảnh báo đoạn đường này đang thi công, chẳng thấy cảnh báo đoạn đường này có kẻ sờ mông.

Thời gian trước, trên báo còn đưa tin, một cô nữ sinh quay lén hành vi “khoecủa” của một kẻ bệnh hoạn. Nhưng đáng kinh ngạc là, cô nàng biết rõ kẻ kia đang làm gì. Biết rõ điều ấy là bẩn thỉu. Nhưng cô không hề dám làm gì để chặn đứng nó lại, im lặng trong suốt quá trình quấy rối tình dục nơi công cộng ấy diễn ra. Việc quay phim còn phải che dấu bằng thái độ cười đùa thản nhiên, và tung lên mạng như một cách “khoe của” gián tiếp. Kẻ kia khoe bộ phận sinh dục nam, cô gái khoe việc mình đã được chứng kiến kẻ kia “khoe của quý”.

Hai việc ấy mang tính trạng bệnh hoạn như nhau. Cô gái hơn gã đàn ông một thứ, là cô có thêm một con mắt ghi hình điện tử, thế thôi.

Không biết tôi có hiểu sai không! Nhưng chắc hai mươi năm trước nếu có điện thoại trang bị camera trong tay, tôi cũng không ghi hình lại việc em Hằng bị sờ mông. Mà tôi vẫn kêu lên! Kêu thật to!

Kẻ quấy rối luôn táo tợn trước nạn nhân nhưng luôn sợ hãi đám đông. Vấn đề là bạn có vạch mặt chỉ tên nó ra không, hay bạn tự bịt miệng mình trước?

3. Mẹ thường dạy tôi phải trở thành gái ngoan, biết nghe lời bố mẹ, phải ý tứ vì mình là con gái. Cô giáo chủ nhiệm từng bắt tôi đứng góc lớp vì mất trật tự trong lớp. Cuốn sách đầu đời tôi đọc khi bảy tuổi là cuốn truyện thiếu nhi, thỏ trắng ham chơi, về mẹ mắng. Ngoan tức là biết nghe lời, biết nhịn, biết chịu đựng.

Biết nghe lời trở thành đạo đức hàng đầu của gái trẻ. Tôi có mấy người đồng nghiệp cũ, thường bảo, chỉ thích lấy gái quê, vì gái quê rất “ngoan”, biết nghe lời chồng. Sau này quả thật có một anh lặn lội đi hơn trăm cây số lấy gái quê. Rất khó tả cảm giác, một bức ảnh lễ ăn hỏi, chú rể comple giầy da rất thời trang, đứng cạnh cô gái vùng trung du môi đỏ choét, quần bò ống loe, mặc áo phao xanh cánh chả, đội mũ có lông.

Đấy, không chịu nghe lời còn có cả nguy cơ bị ế nữa đấy! Cô ấy ngoan, nên cô ấy còn có chồng trước cả tôi! Tôi hay cãi, mà cãi thì rất to, nên mãi chả ai rước! Cũng may, đó là chuyện quá khứ, hồi yêu râu xanh còn đơn giản là sờ soạng. Giờ yêu râu xanh đã lên mạng. Những kẻ quấy rối nhiều khi có cả webcam và phim sex miễn phí, ảnh nóng mà bạn, một phút bất cẩn, để lộ ra. Có khi kẻ quấy rối bạn lại còn là tình cũ, không cam tâm thấy bạn đang trong vòng tay tình mới!

Bạn có hét to lên không, hay ai đã bịt miệng bạn? Nhưng bạn có quyền phòng vệ cơ mà, pháp luật cũng ủng hộ bạn, cả xã hội cũng cho phép bạn phản kháng cơ mà.

Nếu bạn vẫn còn lưỡng lự, sợ hãi, sợ mất thể diện, thì thử nghĩ xem: Nếu những kẻ biến thái kia thử động vào gái hư xem, việc gì sẽ xảy ra!

Điềm tĩnh thì cô gái có thể lịch thiệp quay lại, nghiêng đầu cười nhã nhặn và duyên dáng, nói dịu dàng và kiên quyết:

– Chào anh, anh có thể vui lòng nhấc bàn tay cao quý của anh ra khỏi cái mông em được không? Em sẽ rất biết ơn và hẹn gặp lại anh lần sau!!!

(Có vẻ hiếm xảy ra sự điềm tĩnh này!)

Còn không bình tĩnh thì hét to:

– Bà táng cho mày một phát vào mồm bây giờ, tổ sư thằng mất dậy!

Làm ơn hãy văng tục vào lúc đó. Với những người trí thức, ta cư xử trí thức. Nhưng với những kẻ lưu manh, ta vẫn cư xử trí thức, thì đó mới đúng là bi kịch đấy bạn ạ!

Trang Hạ
2013

http://vn.nang.yahoo.com/h%C3%A3y-b%E1%BB%8F-tay-ra-kh%E1%BB%8Fi-m%C3%B4ng-t%C3%B4i-031914717.html

Một suy nghĩ 54 thoughts on “Hãy bỏ tay ra khỏi mông tôi!”

  1. Hi, chị Trang Hạ luôn có những bài viết thực tế, có thể gọi là đấm vỡ mặt những lời văn ngôn tình, lãng xẹt như nước ốc lèo.

    Bài viết hay lắm, thực tế, mà cũng rất dữ dội nữa

  2. Cách đây mấy ngày e cũng bị sàm sỡ bởi 1 ng quen, quá shock và sợ hãi e đã bỏ chạy. Giờ e bị ám ảnh mãi. E thật hối hận vì đã k chửi cho hắn ta một trận hay tát vào mặt hắn. Cảm ơn chị, những bài viết của c rất hay và sâu sắc, gần gũi nữa, nó giúp e mạnh mẽ hơn.

  3. Nếu gặp trí thức ta cư xử trí thức, với người lưu manh, ta cư xử theo kiểu chửi tục. Thế thì bản chất con người ta là gì? Một kẻ biết thay đổi theo thời cuộc ak?

  4. Do việc giáo dục có thiếu sót. Thời của các bà các mẹ ít có mấy tên biến thái. Chị ghi như vậy là phiến diện rồi. Sao lại nói gái hư mới dám phản kháng. Kiến thức này có thể bổ sung qua sách báo. Em học cấp 3 năm 2000. Em đã đọc mực tím và HHT. Có rất nhiều bài về “yêu râu xanh”. Em đã nhận thức được mình không có gì phải xấu hổ và im lặng trong những trường hợp như thế công với tính nóng như lửa thì toàn thấy chung nó lượn ko ngấc nổi mặt lên. Đúng ra giờ tự nhiên hiếm thấy những bài viết như thế. Toàn thấy cái gì mà “chay chay mặn mặn”,…Em luôn xốc tinh thần cho các em của em, tất cả những bé gái em có dịp nói chuyện.

    1. Em sai roi. Chi nam nay da ho 40 tuoi. Co nghia la chi thuoc the he cai ba cai gi. Va hoi xua chi cung hay gap nhung ten bien thai. Noi nguoi deu i lang mac co nhung deu so va kg dam len tieng.

  5. Để bảo vệ mình trước tiên là không ở chỗ vắng, vì có kêu cũng không ai nghe. Có lần mình gặp bọn lưu manh, mới chỉ trêu thôi mình chửi luôn, ko tục nhưng cũng thằng này thằng kia, xong thấy nó cứ nhơn nhơn, nên mình chạy ngay lại chỗ người lớn kể lể, chỉ trỏ thế là bọn nó sợ và ngượng rồi chạy ra chỗ khác, cái bọn có hành động hèn hạ thì sẽ sợ đám đông!

  6. Bài viết rất có ích, lời lẽ mạnh mẽ dứt khoát. Mình sẽ phải nói chuyện với con gái về chuyện nhạy cảm này

  7. Tôi cảm thấy rất vui vì có người đồng cảm với mình, tôi thích suy nghĩ của chị và tôi rất ghét suy nghĩ ” hãy nhịn cho êm chuyện “. Vì họ biết tâm lí của những cô gái trẻ như vậy nên xã hội cứ đầy những tình trạng đó. Ngày xưa tôi bị đồng nghiệp quấy rối mà còn thách thức khi tôi bảo với hắn là tôi ko muốn tình trạng này xảy ra nữa, hắn và vợ hắn chửi mình, tôi cũng “không hiền” và tên đó bị đuổi việc, sau đó về nhà nói dối vợ là tôi “chọt” hắn vì tiền. Nhưng mọi việc cũng được phơi bày, chị gái hắn xin lỗi tôi và nói là đây là quả báo mà hắn phải nhận lấy. Tôi không tin là lúc nào nhịn cũng là đúng.

    1. Buồn quá, mình mang trái tim yêu tặng anh Đặng Thiều Quang. Anh ấy lại lộn ngược trái tim lên để nhìn thấy là hình… trái mông!

      Thôi thế thì em thu hồi lại trái tim của em về vậy!

      tim mông

  8. Chết vì cười comment. Còn bài nỲ cực kỳ hữu ích không chỉ cho các bạn gái trẻ và khong chỉ về chuyện quấy rối. Thanks em nhiều

  9. Nếu sinh con gái thì nên khuyến khích con đi học võ, vừa tự vệ tốt, vừa giữ gìn sức khỏe lại còn giúp dáng đẹp ( chưa kể còn khiến con người nhanh nhẹn hoạt bát)
    Im lặng là vàng nhưng là vàng chìm hay nổi thì còn phải xem xét
    Quấy rối tình dục là một tội đáng bị bỏ tù, trước khi chờ được sự bảo vệ từ pháp luật, chị em hãy tự bảo vệ mình nhé

    1. Chẳng cần bắt con gái học võ,đa phần con gái không thích võ thì học cũng không giỏi được. Theo tôi chỉ nên rèn cho con sự bình tĩnh và can đảm là có thể lừa ”yêu dâu xanh” mắc bẫy , chủ quan coi thường phái yếu ,không cảnh giác,
      nhắm một đòn đúng ”huyệt ” hiểm nhất của” giống” đực là đo ván ngay…Cần gì phải có võ ?

  10. Không biết có trường Đại học nào dạy môn Văn hóa ứng xử không? Chứ nếu có mà họ chưa đánh tiếng mời Trang Hạ về dạy thì hơi uổng…
    Nhưng mình thấy Trang Hạ đang làm nhầm công việc. Là một nhà tư tưởng, giáo dục,… chi chi đó, chứ không giống một nhà văn cho lắm.
    Dù sao cũng nghiêng mình trước những đóng góp của Trang Hạ cho xã hội cũng như cho phái nữ vốn thiệt thòi của ta.

    1. Bạn nhầm mới đúng, tôi chẳng thích cái mũ nào bạn chụp cho tôi cả. Tôi giả bạn tất, bạn thích thì đem đi mà tự đội.

      1. Tôi cảm nhận sao thì nói vậy thôi, nhận hay không là quyền của chị Hạ. Thật ra chị dùng từ “cái mũ” không đúng. Vì bản chất cái mũ là để chụp lên đầu ai đó. Tôi không có ý định áp đặt ý nghĩ của tôi cho chị, tôi chỉ chia sẻ với tư cách một bạn đọc.

  11. Rất hay, bài này rất có ích. Giá như cách đây 10 năm tôi được đọc những bài như thế này thì có phải hay không?!!

  12. Hồi học cấp 3 em cũng từng bị một kẻ biến thái “khoe của quý”, cũng chỉ biết tức tối bỏ đi. lúc đó kể với mấy đứa bạn cùng lớp thì mới té ngửa khi biết một cô bạn cũng bị kẻ đó quấy rối. Sôi máu định viết lên diễn đàn trường một bài để cảnh báo mấy bạn khác về tên đó. Nhưng rồi lý do nọ lý do kia, thể law2 chẳng viết nữa. Buồn mình quá….
    Anyway, rất thích câu chửi tục của chị ^^

    1. hồi sinh viên lúc đó vào tầm 8 giờ tối mùa hè, tôi từ 1 lớp học tiếng Anh trở về. hành lang giảng đường vắng vẻ có mỗi một mình, lại tối tăm. đang đi bất ngờ giật mình vì thấy 1 kẻ (nam) đi về phía mình trong tình trạng không mặc quần. cảm giác của mình lúc bấy giờ là rất sợ hãi (mình lúc đó là sinh viên nữ), xấu hổ, sợ bị tấn công. xung quanh nếu có kêu la cũng chẳng có bóng người cứu vì đó là kỳ nghỉ hè, nhà trường triệt để tiết kiệm điện. còn lớp học tiếng Anh là do 1 thầy giáo tự thuê lại phòbg học của trường để tổ chức lớp học. các bạn cùng lớp mỗi người một hướng. lối về của mình chẳng có ai đi cùng. thế là cắm đầu cắm cổ chạy 1 mạch đến cổng trường nơi có chút ánh sáng. nghĩ lại đến giờ là U40 rồi mà vẫn còn thấy ghê! ( chuyện xảy ra ở lối nối C3-C1 ĐHBK Hà Nội)

  13. Hoan hô.
    Rất đúng, rất hay. Lũ đàn ông mất dạy sẽ được thể hoành hành nếu chị em phụ nữ nhẫn nhục không đúng lúc đúng chỗ. Hãy chửi tục ngay trước đám đông.

  14. Hồi trước em cũng từng bị “quấy rối” một lần, ngay giữa ban ngày và trước cổng trường đại học, dù lúc đó khá vắng người. Em không hiểu sao các bạn nữ khác lại có thể đứng yên, hoặc im lặng khi bị sàm sỡ kiểu đó được. Vì phản ứng đầu tiên của em lúc ấy là nhảy dựng lên đá vào ống đồng thằng đó và rủa xả nó khá là văn hóa. Giờ đọc bài này của chị em lại thấy hồi đó mình ngu quá vì đã để nó đi dễ dàng thế trong khi phòng bảo vệ cách đó không xa. Nhưng mà thực sự là sau khi nó đi rồi thì em mới run, giờ thấy người lạ đến gần bắt chuyện là em rất cảnh giác.

  15. Nếu chỉ la to lên thôi thì vẫn không công bằng chút nào bởi vì hắn cũng đã sờ soạng ta rồi mà. Do đó để công bằng thì ta cũng phải sờ lại hắn chứ. Nếu hắn sờ ta đằng sau thì ta phải sờ lại hắn ở đằng trước chứ. Nhưng do bị bất ngờ nên khi sờ lại, ta phải nắm bàn tay lại hình nắm đấm và đấm một cú thật mạnh.

    À mà bà con cô bác này, tôi nghĩ ra một cách kinh doanh rồi đấy nhé!!!!!!!!!! Bà con đầu tư kinh doanh cái gì vừa rẻ, vừa nhẹ nhưng công lực thật mạnh cho các cô gái cầm theo để “sờ” mấy thằng như thế này nhé!!!!!!!!!!! Khi bị sờ mông thì ta rút phắt cái dụng cụ ấy ra và quật lại một cú ngay cùng vị trí mông nhưng lại nằm ở phía trước của hắn.

  16. Em rất thích câu này của chị: “Kẻ bịt mồm bạn khi bạn bị hiếp dâm có khi lại là cô giáo chủ nhiệm, là mẹ bạn, là những nhà văn hóa, trí giả đầy mình của xã hội luôn đề cao chuẩn mực đạo đức sống, chứ không phải thằng lưu manh trên xe bus! Vì họ chỉ dạy bạn kỹ càng cách sống cùng người tốt, nhưng không dạy bạn mấy về môn chửi tục và đánh lại kẻ xấu!”

    Chị Trang Hạ, bài viết này rất thiết thực. Sau này em sẽ dạy học trò em phản kháng với những trường hợp như thế. Cảm ơn chị vì đã thức tỉnh em. Em yêu chị!!!!

  17. Rat tran trong nhung trang viet cua Em. Chac chan rang E rat ca tinh, va co duoc 1 ong chong luon chia se nhung vui buon hon gian tren doi cung Em.

  18. Chuyện sàm sợ, la ó hay đại loại như thế vẫn thường xuyên xẩy ra và nó luôn tồn tại trên thế gian này, (chị_tạm thời gọi vậy) đã hiểu và nói lên được bản chất sự việc, có thể sẽ có ích cho một ai đó khi xem được bài viết này,,,
    Lời lẽ xen lẫn sự “dung tục” đúng bản chất gái hà nội !? không phải không hay nhưng cái hay còn phụ thuộc vào nhận thức của từng người.
    Dù sao cũng trân trọng và cảm ơn tác giả, chúc vui…

  19. Chuyện sàm sợ, la ó hay đại loại như thế vẫn thường xuyên xẩy ra và nó luôn tồn tại trên thế gian này, (chị_tạm thời gọi vậy) đã hiểu và nói lên được bản chất sự việc, có thể sẽ có ích cho một ai đó khi xem được bài viết này,,,
    Lời lẽ xen lẫn sự “dung tục” đúng bản chất gái hà nội !? không phải không hay nhưng cái hay còn phụ thuộc vào nhận thức của từng người.
    Dù sao cũng trân trọng và cảm ơn tác giả, chúc vui…

  20. Tôi đang đi bộ trên đường thì bị quấy rối, tôi nhanh tay kéo nó lại và xé rách chiếc áo nó mà nó không kịp trở tay. Bây giờ cái cảm giác “đã” vì trị được nó vẫn còn

  21. thật tiếc vì hôm nay e mới biết đến một nhà văn tuyệt vời như chị Trang Hạ. Cảm ơn chương trinh văn hóa sự kiện của VTV3

  22. Toi la mot nguoi dan ong khi doc bai viet cua chi toi rat dong tinh.neu tat ca cac em gai moi lon deu biet cach tu ve minh thi lam gi bon yeu quai dam quay roi tinh duc.mong rang cac ban gai hay tim hieu nhung dieu bo ich thay vi tim toi nhung cai vo bo tren cac kenh truyen thong

  23. Kho ngôn từ của chị thật đáng nể. Chị điều khiển chung rất hài hước và tài tình!

    1. Chào chị Trang Hạ, tôi ủng hộ quan điểm của chị. Con trai tôi, từ lúc nó biết nói tôi đã dạy cháu tuyệt đối ko cho ai sờ, chọc chim, dặn cháu fải la to và méc mẹ. Và tôi đã nhìn thấy những gì mình dạy cháu thật không thừa. Dù điều xấu ko xảy ra với cháu, nhưng phản ứng của cháu làm tôi hài lòng. Lúc cháu 4t, một lần cậu em con chú thấy cháu dễ thương bèn đùa, cho cậu xem chim nào và kéo quần cháu xuống, lúc đó có tôi ở đó, cháu đã la toáng lên và khóc thật to, giữ quần thật chặt, lúc chào ra về cháu chỉ vào mặt cậu em, con không chào cậu này vì cậu đòi xem chim của con. Bài viết của chị không chỉ dành cho những cô bé dậy thì nhút nhát. Nếu con chúng ta là thiên thần tuổi nhi đồng bị lạm dụng chỉ vì bạn không dạy con những điều đơn gỉan như thế thì thật đau xót. Tôi đã từng hét vào mặt một kẻ khoe hàng và ăn nói tục tĩu khi còn là Sv năm nhất đạp xe về nhà, đồ mất dạy, câm ngay, tao gọi công an. Hắn đã tiu nghỉu lủi mất. Các bà mẹ hãy cảnh giác vì ngay cả bé trai cũng không thể thoát thân khỏi những kẻ bệnh hoạn. Hãy dạy trẻ phản ứng trước những điều bất thường. Chúc chị TH luôn vui, khoẻ, như ý.

  24. Em cám ơn chị đã viết một bài hay như vậy. Hồi cấp 2 em cũng từng bị quấy rối và xấu hổ trong một thời gian dài, em cứ bị ám ảnh đấy là lỗi của mình mãi cho đến năm em 18 tuổi, từ năm 18 tuổi đến giờ em ko xấu hổ nữa mà bực vì không đạp ngã xe của nó cho chết cha đi!

  25. Hồi cấp 2, trong lúc đi học, em cũng bị như vậy, và đã hét lên và chửi bọn mất dạy đó, kết quả chúng nó quay lại giựt túi xách có máy tính và kim từ điển… Từ đó em rút ra, có chửi lũ khốn đó, cũng nên chửi ở chỗ đông người, chỗ vắng sợ chúng nó còn làm càn hơn…

  26. Hồi học đại học, đi xe khách mình ngồi ghế trước bị tên tài xế sàm sỡ, mình la lên hắn rụt tay lại và chối, vậy mà mấy phụ nữ ngồi phía sau còn bênh hắn, thiệt hết biết thiên hạ thế nào.

  27. Truoc kia minh cung bi 1 thang ‘tieu yeu’ rau xanh so vao nguc trong khi minh dang di len cau thang o 1 khu chung cu vang ve, 2 tay xach 2 tui nang. Minh moi bo tui xuong dat, vua dam vua da tui bui vua het len keu goi moi nguoi ho tro. Thang ranh con bi minh dda’nh vang ca kinh ca^.n, ngoi thu lu vao 1 goc. Minh that la tu hao!

  28. Cảm ơn Trang Hạ nhiều lắm. Đọc của Trang Hạ nhiều năm rồi mà toàn đọc chùa. Rút kinh nghiệm được một số thói hư. Cảm giác biết ơn bạn nhiều.

  29. Em rất ủng hộ quan điểm của chị,chính vì sự giáo dục của người lớn ,hay nền giáo dục nói chung khiến cho những nạn nhân này nói riêng hay cả những người từng bị quấy rối ( dù trưởng thành hay chưa trưởng thành ) không dám đối mặt và tố cáo kẻ bệnh hoạn.

  30. Bài viết này chính là suy nghĩ và tiếng nói của rất nhiều người ,nhưng cũng chính bởi sự giáo dục và sự dạy bảo mà chúng ta ( trong đó có em ) không dám nói lên và hành động.Cảm ơn chị ,hy vọng nhiều người có thể đọc được bài viết này.

    1. em rất ủng hộ quan điểm của chị. cảm ơn chị vì bài viết đã giúp e nhận ra rất nhiều điều

Gửi phản hồi cho trangha Hủy trả lời