Đàn ông ví mỏng

Hồi lâu rồi tôi có đọc trên mạng một chia sẻ không còn nhớ của bạn nào, rằng, trong đám bạn trai của bạn ấy, anh nào dùng ví xịn chắc chắn là anh hiếm tiền nhất bọn.

 

Có lẽ bởi cái ví da đắt tiền của anh ấy không nhét nổi nhiều tờ tiền cho lắm. Đi ăn cả đám nếu có chi trả cũng rất rón rén. Còn anh nào không dùng ví da lại là anh chàng hào phóng nhất, luôn móc tiền ra trả cho cả đám một cách rất hồn nhiên. Và tất nhiên, tiền cũng nhiều nhất đám, nhiều tới nỗi chẳng cái ví da nào đựng nổi cả cục.

Không thấy bạn ấy nói đến mệnh giá của những tờ tiền. Tuy nhiên hình dung ra cái cách ứng phó với tiền cũng đã thấy ngộ nghĩnh. Như thể nhìn thấy trong đó cả phong thái của chủ nhân. Dù cố gắng tránh lỗi sơ đẳng là lấy tiền ra để xét đoán người, nhưng rõ ràng, trong câu chuyện ấy hoàn toàn không hề chỉ định nói về tiền, mà còn nói về đàn ông trong mắt đàn bà. Và tiền chỉ là một phản chiếu nào đó của người đàn ông đang đứng sừng sững.

Có lần tôi đi dạo phố với một anh bạn. Chúng tôi tìm được một chiếc áo sơ mi trắng cho anh ấy ở một sạp hàng dọc phố, tôi nghĩ anh ấy mặc áo này sẽ rất vừa và đẹp. Giá rất mềm vì là sạp bán lẻ trên phố du lịch. Rất bất ngờ là anh bạn tôi đã không mặc thử cũng không mua cái áo đó. Anh dắt tôi vào cửa hàng thời trang lớn cách đó năm mươi mét và mua đúng cái áo đó, với giá đắt hơn khoảng ba trăm Đài tệ, tức là đắt hơn khoảng hai trăm nghìn đồng tiền Việt. Tôi rất kinh ngạc.

Tôi hỏi sao anh kỳ quặc thế? Không phải cùng nhãn hiệu, cũng chính là cái áo này sao? Cửa hàng này nó có bảo hành áo sơ mi cho anh à? Hay đàn ông thì cứ phải vào cửa hàng xịn mới thấy tự tin, còn em mua ở hè phố của chợ đêm thì làm anh mất tư cách?

Anh bạn tôi điềm đạm nói:

– Ai cũng như em, thì những cửa hàng lớn họ sập tiệm hết ư? Mình sống thì mình cũng phải cho người khác sống nữa chứ!

Tôi sực nhớ ra anh bạn tôi cũng là một chủ doanh nghiệp, và anh ấy cũng đang phải cạnh tranh rất dữ dội trong kinh doanh. Có thể, tôi là đàn bà nên trong mắt tôi chỉ có mệnh giá của tờ tiền. Còn trong mắt anh bạn đàn ông ấy, tiền chỉ là một thông điệp!

Chả trách, nạn nhân của mua chung, nhóm mua, shopping tập thể toàn là… đàn bà! Bị mắc mồi giá rẻ nên sẵn sàng bỏ tiền ra cho một thứ vốn không nằm trong dự định chi tiêu của bản thân. Và về bản chất quản lý tài chính gia đình, đó chính là những đồng tiền lạm chi, đẩy ngân sách gia đình vào nguy cơ ngay lập tức.

Hóa ra có lúc, cái đồng tiền tưởng “được rẻ” của đàn bà như thế lại chẳng bằng cái đồng tiền tưởng “chi đắt” của đàn ông!

Tôi nghĩ nhìn vào việc đàn ông kiếm tiền và tiêu tiền, ta có thể phán đoán ra năng lực giỏi giang và đẳng cấp văn hóa của người đàn ông đó. Đàn ông kiếm tiền là năng lực, tiêu tiền là văn hóa.Thật bi kịch nếu có tay đàn ông nào vỗ ngực nói: “Tôi kiếm tiền thì rất có văn hóa, và tiêu tiền thì rất… có năng lực!”. Ôi trời!

Cho nên, tôi chẳng quan tâm việc đàn ông tiêu tiền thế nào, anh mua siêu xe hay anh đòi bạn gái chi trả nửa tiền cho bữa cà phê! Nhưng, đàn ông ví dày hay mỏng có lẽ chẳng quan trọng bằng việc, anh đừng để việc tiêu tiền của mình thành thị phi và đàm tiếu của đám đông!

Kiểu như họ nói, ví anh rất xịn! Nhưng mỏng!

ph-10082

 

http://www.dep.com.vn/Cookies-tra-chieu/Dan-ong-vi-mong/23833.dep

Đàn ông chung vợ

Tháng ba sưa nở, tháng tư bằng lăng bắt đầu chớm tím, lộc vừng trút lá đỏ rồi soi xuống mỗi bờ nước một vầng lá non hoe hoe thắm. Không hiểu vì sao mỗi tháng tư tôi thường thấy bâng khuâng, những lúc từ đường phố về, mở cánh cửa vào căn nhà vắng người, ngồi ăn trưa một mình trước màn hình máy tính.

Cho nên những ngày cuối tuần, tôi thường nhận lời ăn trưa với một người đàn ông rất đặc biệt. Một ông già bảy mươi trải đời nhưng lại bẽn lẽn với phụ nữ như một cậu trai đôi mươi. Đến nỗi, lịch làm việc của tôi luôn để trống trưa thứ sáu cho bữa ăn đầy những chuyện trò ấy.

Đó là một người đàn ông tới Sài Gòn lần đầu trong vai trò viên chức Bộ Ngoại giao Mỹ những năm trước 1975, nhưng gần bốn mươi năm sau quay trở lại Hà Nội sau khi đã rời Bộ Ngoại giao Mỹ. Hà Nội chứ không phải Sài Gòn. Ông đã nghỉ hưu, vợ ông đã chết.

Người vợ Việt Nam ông cưới năm 1974 ở Sài Gòn đã qua đời sau ba mấy năm chung sống. Hình như cái chết của vợ khiến ông trở thành người khác, ông rất muốn trò chuyện với phụ nữ Việt, viết cho họ một cuốn sách. Không phải là cuốn diễm tình, không phải sách dạy làm giàu, mà là sách dạy phụ nữ biết cách để sống hạnh phúc giữa xã hội Việt.

Ông nói rằng, xã hội Việt Nam càng méo mó, người phụ nữ càng cần phải mài tròn những méo mó ấy, bởi họ có quyền được hạnh phúc, chứ tại sao lại phải chịu dày vò bởi những méo mó của xã hội? Và, việc mài tròn những cái méo mó khác hẳn việc lấy thân mình, lấy đời mình ra lấp cho đầy đặn những méo mó đó!

Đàn bà không tự cứu, ai cứu đàn bà?

Thật kỳ lạ, đó lại là ý nghĩ của một người đàn ông Tây nghĩ về phụ nữ Việt. Nó tiến bộ hơn cả lịch sử mấy chục năm của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cộng lại, luôn mồm kêu gọi phụ nữ hãy chất thêm gánh nặng lên cổ nhau, lôi “xã hội chức” của phụ nữ ra đánh lận thành “thiên chức”!

Tôi hỏi, thế ông nghĩ rằng phụ nữ Việt không chịu gánh nặng của thời thế hay sao? Ví như, những người bỏ chồng, không chồng mà có con, mấy chục năm trước bị phỉ nhổ, giờ được thông cảm hơn, gọi là tự do luyến ái, quyền được hạnh phúc. Đó là thời thế thay đổi, chứ đâu phải bản chất của điều ấy đã thay đổi. Cũng vẫn là đàn bà đành vứt bỏ thứ này để mang vác thứ kia thôi mà!

Ông giáo sư trầm ngâm rồi kể bằng tiếng Mỹ trộn lẫn tiếng Việt: Cô có biết người phụ nữ Việt hạnh phúc nhất mà tôi từng gặp là ai không? Không phải là vợ tôi! Vợ tôi vẫn giữ rất nhiều nếp nghĩ của đàn bà Việt.

Năm 1974 tôi gặp một cô gái ở Sài Gòn.  Cô ấy không đẹp mấy, không đẹp bằng cô bạn gái người Hongkong của tôi lúc đó, càng thua kém cô bạn gái người Mỹ của tôi trước đây. Tôi lúc đó chưa vợ nhưng không tán tỉnh cô ấy, vì cô ấy đã có chồng người Việt Nam, và hai đứa con ở Nha Trang.

Trước thời điểm 1975, cô biết rồi đó, xã hội rất rối loạn. Người chồng Việt đã đồng ý cho cô ấy lấy một người chồng khác, là phi công Mỹ. Với hy vọng có thể đưa gia đình rời khỏi Việt Nam. Tức là cô ấy và hai đứa con làm sao có thể đi theo anh chồng mới sang Mỹ. Còn người chồng Việt, anh ấy sẽ ở lại Việt Nam. Anh ấy chỉ hy vọng cho vợ một tương lai khả dĩ, đơn giản nhất là vợ con được sống trong thời buổi tên bay đạn lạc. Việc đó, một anh đàn ông tay trắng ở một thị xã không làm được.

Rất tiếc là sự thể không như dự tính: Vào ngày cuối cùng rời Sài Gòn, chỉ có mình cô ấy đi theo được anh phi công Mỹ mà không thể ra Nha Trang đón con. Và, cô ấy lại không hề yêu anh chồng Mỹ. Nhưng bi kịch hơn là khi sang Mỹ, cô ấy đã gặp một người Thụy Sĩ, và yêu người đàn ông Thụy Sĩ này.

Người đàn ông Thụy Sĩ lại không thể ở lại Mỹ lâu hơn. Cô ấy không thể quay về Việt Nam với chồng con, cô ấy không thể bỏ anh chồng Mỹ, cô ấy không biết tình yêu đưa mình đến đâu. Nhưng chính người chồng Mỹ đã chấp nhận sự thật, anh ta làm tất cả những thủ tục giấy tờ cần thiết để sau giai đoạn “quá độ” ở đất Mỹ, cô gái Việt Nam có thể sang Thụy Sĩ với người yêu.

Và người phụ nữ Việt Nam đã sống với người chồng thứ ba cho đến ngày hôm nay, với ba đứa con chung. Khi người chồng Mỹ chết, người chồng Thụy Sĩ đã đưa cô sang Mỹ viếng chồng Mỹ. Khi người chồng Việt Nam ốm, người chồng Thụy Sĩ lại đưa vợ về Nha Trang thăm chồng Việt Nam.

Tôi vừa ngậm ngùi vừa buồn cười, bởi: hóa ra định nghĩa hạnh phúc của ông là, phụ nữ nên có ba chồng một lúc?

Ông già Mỹ trầm ngâm nói: Không, số lượng chồng không chứng minh cho cái gì của đàn bà cả! Nhưng một người đàn bà dám yêu và sống vượt qua được thị phi và định kiến, cùng với sự ứng xử có tình người và văn minh của những người đàn ông đã tạo nên hạnh phúc của người đàn bà!

Bây giờ đến lượt tôi im lặng, trầm ngâm.

Thật kỳ lạ tháng tư, thời gian như một thứ hạnh phúc không màu!

Trang Hạ

Tháng 4/2013

http://www.dep.com.vn/Cookies-tra-chieu/Dan-ong-chung-vo/23698.dep

Thêm bố cho con

(tranh của Pascal Campion)
(tranh của Pascal Campion)

Người đàn ông là bạn của gia đình chúng tôi suốt hai chục năm, là bạn thân nhưng ngày ông cưới vợ, chúng tôi không hề mừng cưới ông bất cứ thứ gì được. Vì ông không cưới, vợ chồng lặng lẽ mua nhà riêng rồi dọn về ở chung để tránh búa rìu dư luận.

Vợ ông có bốn con riêng. Còn ông là trai tân, lại đường đường là một chính khách. Nếu chỉ mời cưới “điểm danh” đủ bộ ngành trong cái thành phố Hà Nội nhỏ bé và trịnh thượng này, chắc độ ba trăm mâm còn thiếu. Ai cũng ngấm ngầm thắc mắc, vì sao một người đàn ông cao lớn đẹp trai, thu nhập tốt, sự nghiệp rộng mở, tuổi chưa bốn mươi, mà lại bập vào một người đàn bà nhiều gánh nặng sau lưng đến thế? Dân gian chả dè bỉu mãi cái câu, “trai tân lấy gái nạ dòng…” là gì?

Ngay bản thân tôi cũng băn khoăn và hơi kinh ngạc. Tôi vẫn nghĩ rằng, một trong những thứ hấp dẫn ở người phụ nữ là nhan sắc và những hứa hẹn ngọt ngào nàng có thể mang lại cho người đàn ông. Đàn bà với con riêng, mang theo gánh nặng đời sống đã đành, gánh nặng quá khứ và tinh thần cũng không hề nhỏ. Những gì nàng kỳ vọng và thất vọng ở người đàn ông trước, hẳn nàng sẽ đặt hết lên vai người đàn ông sau. Một mảnh vỡ thì gọi tên kiểu gì cũng vẫn là một mảnh vỡ.

Còn những người thực dụng thì chỉ quan tâm tới những đứa con riêng, đàn ông bỗng dưng ẵm vào chừng ấy gánh nặng, nuôi con hộ thằng khác thì vẻ vang gì? Đằng này, sau cưới, lại còn đứa con chung chào đời!

Thế rồi, họ sống hạnh phúc bất chấp có hay không có đám cưới. Thiếu những lời chúc tụng của đám đông nhưng lại vừa đủ những sự tin tưởng và yêu thương để cuộc hôn nhân “thêm con cho chồng” ấy trở thành một đại gia đình “thêm bố cho con” đầy hạnh phúc. Cho đến tận ngày hôm nay!

Trong đời sống, có một thứ gọi là mặc cảm con riêng: Cưới một người đàn bà đã một lần đò. Yêu một người đàn ông đã từng li dị. Trước ngày cưới phát hiện chồng có con riêng. Người phụ nữ trẻ gửi con cho mẹ để lên xe hoa. Mấy đời bánh đúc có xương. Bố dượng và con riêng của vợ. Nuôi con tu hú. Ở vậy nuôi con. Gà trống nuôi con. Gặp một chàng Sở Khanh đã cao chạy xa bay v.v… Muôn hình vạn trạng những số phận đang một lần nữa tìm kiếm hạnh phúc. Mà ở trong đó, sự có mặt của một hoặc một vài đứa trẻ con dường như là trở ngại của hạnh phúc lứa đôi?

Chúng ta có thể quên đi tình yêu cũ. Chúng ta có thể yêu đời trở lại, vượt qua bi kịch của số phận. Chúng ta có thể hết hận đàn ông, cái kẻ đã quất ngựa truy phong, để yêu người mới. Chúng ta có thể ngậm ngùi khi vợ bỏ, đứa con bé bỏng tập nói luôn miệng gọi bố là “Mẹ!”. Những vết thương chua chát trong tim có thể lành, giọt nước mắt quá khứ có thể sẽ nở thành bông hoa của ngày hôm nay, nếu như chúng ta không quá hoảng sợ khi nhận ra mình sẽ phải trở thành dì ghẻ, thành cha dượng!

Bao nhiêu người bị bố mẹ can ngăn khi yêu một người đàn ông đã bỏ vợ và đang nuôi con riêng. Không phải mọi câu chuyện phương Đông phương Tây đều kể rằng, dì ghẻ là một người đàn bà độc ác đó sao? Vì độc ác nên phải làm mẹ ghẻ, hay vì ở địa vị mẹ ghẻ thì đều độc ác (với mỗi con chồng thôi!)?

Và bao nhiêu người con trai bị bố mẹ hết lòng khuyên giải khi yêu một cô gái đã có con riêng? Bao nhiêu cô gái đã phải giấu giếm quá khứ vì sợ không gặp được người con trai nào chấp nhận vợ dắt con riêng đến đám cưới? Bao nhiêu người đàn ông sỉ nhục vợ chỉ vì cho rằng vợ không có màng trinh, chứ đừng nói họ mở rộng cơ hội sống cho cả đứa con riêng của vợ?

Bạn có nhớ câu chuyện của gia đình người bạn tôi không? Họ không phải chỉ một con riêng, họ có tới bốn người con riêng. Họ cũng có danh dự, có gia đình truyền thống, có xã hội nhiều xét nét, có công sở đầy các mối quan hệ đan xen. Họ cũng đối diện khó khăn “con anh con tôi con chúng ta”. Thế họ đã sống như thế nào để được hạnh phúc?

Trên thực tế, bạn có hạnh phúc hay không, nó nằm ở việc bạn là người đàn ông ra sao, bạn là người phụ nữ thế nào. Chứ tại sao lại đổ hết lý do lên đầu đứa con riêng, bắt nó phải chịu trách nhiệm về hạnh phúc đời bạn và chịu trách nhiệm về sự thất bại trên đường tình duyên của bạn? Nếu bạn bất hạnh trong hôn nhân, vấn đề hãy tìm ở gốc gác cá tính và quan điểm sống, hãy tìm những cách để bản thân mình tốt đẹp hơn, đáng giá hơn trước hôn nhân, và giá trị hơn trong mắt người khác. Chứ tại sao lại nghĩ, đứa con riêng sẽ hủy hoại hết những cơ hội hạnh phúc trong tương lai của mình?

Nếu bạn không hề có lỗi với quá khứ của người kia, thì tại sao không chấp nhận được quá khứ ấy?

Chắc mọi người sẽ bĩu môi và hỏi Trang Hạ: Tôi tử tế với con cô ấy (con anh ấy), nhưng đứa con ấy luôn căm ghét tôi, thì sao? Tôi chăm sóc nó, nhưng nó quay lưng với tôi thì sao? Tôi đã cố gắng hết sức để yêu thương, nhưng nó càng lớn càng thù địch tôi thì sao?

Thật là khó trả lời. Khi hạnh phúc của người này không làm người khác tin tưởng nổi. Khi sự tử tế của người này khó làm người khác bị thuyết phục. Khi người tôi quen: yêu vợ và yêu cả con riêng của vợ, còn người bạn quen: chỉ yêu chồng nhưng lại căm ghét con chồng!

Nhưng bạn biết không, tôi cũng là một đứa con sinh ra trong một cuộc hôn nhân khập khiễng. Từ nhỏ tôi đã nghe chán tai những bình phẩm và thị phi cha già con cọc, vợ lẽ con thêm, dì ghẻ con chồng. Nhưng nếu ngày đó, mẹ tôi sợ đứa con riêng của chồng sẽ hủy hoại hạnh phúc riêng, chắc tôi chẳng có cơ hội được sống trên cuộc đời này.

Nên đó là lý do vì sao, tôi tin vào sức mạnh của tình yêu thương và tin vào cơ hội bấp bênh của hạnh phúc. Vì tôi chứng nhận nó bằng chính cuộc đời mình.

Trang Hạ

2013

http://vn.nang.yahoo.com/thêm-bố-cho-con-032946841.html

Cuối đường lẻ bóng

Không rõ lý do gì, dân gian vẫn khen những anh chàng đắt gái là “có số đào hoa” mà không hề biết, sao Đào Hoa là một sao cực kỳ xấu trong Tử vi. Nó mang tới điều tiếng thị phi, rắc rối trong làm ăn và tiền bạc thiếu phân minh, quan hệ đổ vỡ. Những phiền toái ấy lớn hơn nhiều so với những lợi lộc (nếu có) mà vận đào hoa có thể mang lại cho một người đàn ông. Bởi cái được thì mơ hồ, còn cái mất thì hiển nhiên thấy được.

Người Hoa còn kiêng trồng hoa đào trong vườn nhà. Họ chỉ trồng hoa đào trên núi, ở đất trống ven đường, hoặc chỉ trồng ở trại lính và cổng viện dưỡng lão, bởi theo quan niệm của họ, chỉ trại lính toàn đàn ông thèm tình, và viện dưỡng lão toàn người già ít bạn, mới có thể trồng hoa đào cho “cái vận hoa đào” nó mon men tới bên người. Còn người bình thường, bị gái (hay giai) tới tán tỉnh theo đuổi là bị phiền toái, bị quấy rối, bị mất thời gian, bị phân tán sự tập trung, hay ho gì đâu!

Thực sự, chỉ yêu một người, và được người ấy đáp lại, còn hạnh phúc gấp trăm lần được bao kẻ yêu mến hâm mộ nhưng không tìm ra một người thực sự làm mình hạnh phúc trong đám đông ấy. Bởi, mọi sự hời hợt chỉ có thời điểm. Khi ta trẻ, ta dứt khoát phải lấy gái trinh làm vợ, cô ấy phải xinh đẹp khéo léo, cô ấy không có quá khứ, cô ấy phải rất yêu ta. Khi ta trải đời hơn, có khi lại chết chìm trong tình yêu với một người đàn bà đã có con riêng, hoặc mọi tiêu chuẩn khác xa cái mẫu hình lý tưởng khi xưa, nhưng cô ấy lại biết cách làm cho ta hạnh phúc và yên tâm về bản thân.

 

Chân dung của đàn ông có thể vẽ bằng những cái nắm tay. Ở tuổi mười lăm, nắm tay bạn gái đầu đời chỉ có cảm xúc rung động nhưng không hề biết đường đời sau này dài lâu ra sao. Nên mọi lời hứa hẹn hoặc hy vọng chỉ là lời nói mà thôi. Ở tuổi hai lăm có mấy ai nắm tay được bạn gái đủ lâu. Khi chỉ buông bàn tay này ra, ta đã có bao nhiêu bàn tay xinh đẹp khác có thể nắm. Ta nghĩ ra quá nhiều lý do để buông tay nhau.

Bi kịch của đàn ông là ba mươi hay ba lăm tuổi mà vẫn chỉ nắm trong tay con chuột máy tính hay sợi dây buộc chó. Dắt chó đi dạo, chỉ chó là bạn trung thành, yêu chó tới mức cân nhắc xem nên cưới bạn gái hay nên chờ yêu được một cô khác cũng thích chó. Chó không có lỗi nếu đàn ông ế vợ. Bởi nếu không mê chó, đàn ông có thể ham chơi đủ thú vui nào khác, GYM phim phượt phở, những thú vui khiến đàn ông yêu thích và tự tin hơn hẳn là cô bạn gái đang giục cưới, giục sinh con, giục đi mua nồi cơm điện hộ cô ấy.

Bốn mươi tuổi, ta vẫn đầy gái tơ theo đuổi. Khốn nỗi, ta sẽ yêu một đứa đáng tuổi con gái mình? Ta sẽ vào ký túc xá chở nàng đi chơi, có mỗi mình ta vào được phòng nàng vì ký túc nữ quy định không cho con trai trường bên lọt vào, chỉ cho phụ huynh vào! Sau bốn mươi tuổi, khi thằng khác sang Mỹ thăm con du học thì mình bận bịu ngày ngày thay bỉm cho con, hay chở vợ con sữa tã bỉm vào viện khám vì con đi tướt.

 

Năm mươi hay sáu mươi, đàn ông nắm cổ chai bia hay nắm tay chai rượu? Nhưng tôi nghĩ, người đàn ông về cuối đời, trong tay chỉ nắm cây gậy chống để đi qua tuổi già mới thực sự cô đơn. Bạn đã làm gì quá khứ của mình? Có phải lúc đó ta mới nhận ra, cái nắm tay cảm động nhất, là khi hớn hở được bố nắm tay dắt đi lúc tuổi mới lên ba, và cái nắm tay nhăn nheo của một bà già đi bên cạnh mình cuối đường đời, giá mà được giữ lại mãi mãi những khoảnh khắc đó?

Nhưng nếu không trân trọng tất cả những gì được nắm lấy trong tay, cứ nghĩ rằng buông bàn tay này ra là sẽ có bàn tay khác nắm, có khả năng, những gì chung thủy với bạn, ở lại trong tay bạn, như chai bia, như sợi dây dắt chó, như cây gậy chống lúc tuổi già, chỉ là những thứ vô tri.

Còn đàn bà, họ sẽ ra đi vì họ nhận ra họ đã nắm nhầm tay.

Trang Hạ

2013

http://www.dep.com.vn/Cookies-tra-chieu/Cuoi-duong-le-bong/23533.dep

Ngược chiều gió thổi

Angelica_Generosa41

1. Một trong những câu hỏi mình đã tự chất vấn bản thân từ khi mình mười tuổi: Tại sao mình là người Việt Nam, nhưng mình phải sống bằng những giá trị đạo đức của người Trung Quốc?

Đó là mùa hè cuối cùng của thời Tiểu học, khi đó mình mượn được một cuốn “Cổ học tinh hoa” từ tủ sách của cô giáo Hương, dạy văn cấp 3 ở cùng khu tập thể nhà mình. Cô có một đứa con gái cũng bằng tuổi mình, vì chơi với bạn, mình mới có may mắn được đọc những cuốn sách không phải sách giáo khoa lớp 5. Đọc mỗi cuốn sách chỉ mất một ngày. Nhưng suy nghĩ về sách thì triền miên từ tháng này qua tháng khác, cho đến lúc nào mà có một cuốn sách mới lại choán hết tâm trí mình.

Cuốn “Cổ học tinh hoa” ngày đó dưới con mắt của một cô bé con được hiểu là những triết lý sống, những quan điểm làm người của… người Trung Quốc cổ đại. Đọc hết sách ấy, mình chỉ băn khoăn rằng: Thế người Trung Quốc bây giờ họ có sống được một cách sâu sắc thế này không? Nếu tác giả giúp ta đúc kết được hàng trăm bài học nhân sinh đắt giá từ những điển tích sách vở Tàu xa xưa, phải chăng thứ mà trong trang sách nói chính là một mẫu mực để người ngoài sách sống theo? Nhưng mình là người Tàu hay người Việt?

Đó là lý do từ sau cuốn “Cổ học tinh hoa”, mình cự tuyệt không đọc tất cả những cuốn sách nào nổi tiếng của Tàu mà người ta khen lấy khen để, từ Hồng Lâu Mộng cho tới các bộ truyện chưởng, từ Tam Quốc Diễn Nghĩa cho tới Thủy Hử. Kể cả phim! Nếu mình đọc mà rồi cũng lại chỉ để tấm tắc như mọi người, thì đọc làm gì? Nếu đọc nát nghìn trang sách chỉ để hiểu điển tích, tâm đắc thuộc làu cổ sử, nhưng chất bao nhiêu gánh nặng lên trí nhớ chỉ để hài lòng là, người khác đọc rồi mà ta cũng đã đọc, ta chẳng thua kém ai, ai nói gì ta cũng biết, thì chi bằng, đọc những bài bình sách, cảm tưởng của người đọc còn thú vị hơn. Hay bỏ thời gian ra để đọc những trang sách kém nổi tiếng hơn, nhưng tự mình rút ra được cảm nhận tươi mới, không bị ám ảnh bởi nhận xét của người khác, thì vẫn đáng để làm hơn nhiều.

Lớn hơn chút nữa, cái mình sợ nhất trên đời là một cuốn sách mang tên “Đắc nhân tâm”. Không hiểu vì sao mình lại sợ một cuốn sách Mỹ mà cho đến ngày hôm nay mình chưa hề đọc một chữ nào trong ấy? Có lẽ nỗi sợ hãi của một cô thiếu nữ là bởi, mọi bình luận sách mình đọc đều cho rằng, đó là một cuốn phải đọc nếu muốn trở thành một người thành đạt, hoàn hảo, tâm lý, được lòng người, thành công trong công việc và giao tiếp, hoàn thiện bản thân v.v… Triết lý làm người thật là quý giá. Nhưng, sự sống của mình không đáng giá sao? Sao một mặt ta kêu gọi hồn nhiên như cỏ hoa, trân trọng mỗi giọt sương, mỗi phút sống, một mặt ta cố gắng tìm hiểu xem người khác đang sống theo kiểu gì, mình nắn lại để sống kiểu gì thì vừa lòng đám đông?

Sau này ông chồng mình trở thành… chồng mình, ông ấy thường trách, vợ chẳng bao giờ tin vào kinh nghiệm của người khác, chẳng biết tránh chướng ngại vật, mà cứ phải tự mình vấp ngã!!!

Rồi trưởng thành thêm một chút nữa, vào lúc được học lý luận truyền thông, mình mới hiểu ra lý do mình đã từ chối những thứ thịnh hành trong trong xã hội: Nếu coi mỗi cuốn sách, mỗi tấm biển chỉ đường, mỗi kinh nghiệm truyền khẩu, một bài tung hô nhà văn này, một bài báo phỉ nhổ một cuốn sách khác… là một thông điệp truyền thông, thì độc giả của truyền thông đại chúng luôn mang một chút tâm lý phản đối, từ chối những thông điệp ấy. Nên độc giả một mặt tung hô và hối hả tiếp nhận, một mặt sẽ phản đối và từ chối. Và mình chỉ là một phản lực nhỏ nhoi rất bình thường trong xã hội. Chỉ là, đám đông luôn ngờ vực “phản lực” của chính họ. Còn mình, mình tin nhiều hơn vào “phản lực” nhỏ bé của mình. Dù, ta sẽ có lẽ cả đời ngược chiều gió thổi.

2. Hồi còn đi học, chừng hơn hai mươi năm trước, mình nghĩ những người thành đạt trong xã hội phải là những người đi xe máy và gặp nhau trao danh thiếp. Cho đến lúc, tự mua được xe máy và có một công việc đầu tiên được trả lương, thì nghĩ: Người thành đạt là người nổi tiếng và dư tiền mua sắm trang sức.

Vài đôi năm sau, đường đời khiến mình nghi ngờ thực tài của tất cả những người nổi tiếng mình gặp, và không mảy may thấy chút giá trị nào trên những món đồ trang sức đính bảng giá kèm nữa, thì mình nghĩ: Thành đạt là có một tổ ấm gia đình và một ngôi nhà của riêng mình.

Vào lúc có một người đàn ông nói, anh sẵn sàng trao em trái tim anh và túi tiền của anh, miễn là em ở nhà làm máy đẻ và máy giặt, máy hút bụi, thì anh sẵn sàng làm máy ATM của em, thì mình nghĩ, thành đạt là một phụ nữ tự do.

Vài đôi năm nữa trôi qua, vào lúc bối rối giữa tự do, mình nhận ra: Cái mình cần hóa ra không phải là thành đạt! Không phải là tiền, danh thiếp, ngôi nhà, những lời khen tặng. Mà là, sống theo cách của mình, nghĩ theo cách mình cảm nhận, nói những lời của chính tâm hồn mình, yêu được bản thân và tha thứ được cả những kẻ bỉ ổi. Vì ta chẳng thay đổi được cuộc sống này, nhưng ta có thể thay đổi cách sống và cách nhìn nhận.

Trang Hạ

2013

http://vn.nang.yahoo.com/ngược-chiều-gió-thổi-033133020.html

Một nửa tình yêu là tình dục

TrangHa1Có người bạn trên mạng trước giờ giấu mặt đã hỏi tôi rằng, vì sao cô ấy đã lấy người đàn ông này để thay thế cho người đàn ông khác, mà vẫn không làm sao quên được quá khứ?

Tôi không biết cô ấy trẻ hay già, tôi không biết người phụ nữ ngồi trước màn hình máy tính kể về người tình một đêm vừa rời đi sớm nay nhan sắc đẹp tươi hay tầm thường. Nhưng tôi biết, cô ấy chưa lấy chồng. Nên mới có thể, hôm qua nói chia tay, hôm nay lôi lên giường người đàn ông mới. Và tôi đoán, nỗi đau đớn trong trái tim cô quá lớn, đến mức cô sẵn sàng tìm những cách bạo liệt nhất để mong lấy lại thăng bằng cho cuộc đời mình.

Tôi nghĩ rằng, những người đàn ông tình một đêm thật đáng ái ngại, khi họ chỉ là mảnh băng Urgo dán lên vết thương trong tim người đàn bà mà thôi. Hoặc, kể cả người đàn bà không có vết thương trong tâm hồn, không cần đàn ông làm thuốc chữa cô đơn, thì tình một đêm cũng chỉ đơn giản là kiếm một người đàn ông để lấp đầy khoảng trống giữa đôi chân mình.

Tôi từng đọc comment của một cư dân mạng rằng, đàn ông khác gì củ hành tây, chỉ giỏi làm đàn bà chảy nước mắt! Tôi thì nghĩ khác, thực ra đàn bà chúng ta mới là củ hành tây. Khi còn trẻ, chúng ta khoác lên mình rõ lắm thứ!

Thứ đầu tiên là trinh tiết. Sau khi bị lột lớp vỏ trinh tiết ra, cuộc sống tình dục của người phụ nữ trẻ mới thực sự bắt đầu. Nhưng sau trinh tiết là tình yêu. Chúng ta thèm tình yêu đến phát điên, dù chúng ta còn trinh hay đã mất trinh với ai, yêu nhiều lần hay chưa yêu bao giờ, vẫn phải có tình yêu mới lên giường được!

Thế nhưng, bạn còn nhớ chăng, lần đầu tiên bạn cãi cọ người yêu, lần đầu tiên bạn chiến tranh lạnh với ông chồng, lần đầu tiên chúng ta nghiêm túc đặt ra tình huống: Chia tay đi! Và bạn còn nhớ cuộc yêu đương sau đó, với người mình đang còn hờn giận, với ông chồng mình đầy rẫy tội lỗi khó tha thứ, với anh người yêu đầy khiếm khuyết mà mình biết không sớm thì muộn, mình sẽ yêu chàng trai khác tốt đẹp hơn? Tình yêu đã phai nhạt đi nhưng chúng ta vẫn tiếp tục làm tình với nhau đúng không?

Chúng ta vẫn lên giường, như một thói quen, bỏ qua những trò chơi tình yêu đầy mê đắm của thời mới biết đến nhau, bỏ qua những dè chừng có thai và hẹn cưới, bỏ qua cả những lời hứa hẹn sẽ thay đổi, sẽ yêu nhiều hơn, sẽ là một tương lai rực rỡ và hạnh phúc. Chúng ta chỉ cần tình cảm đủ dùng, an toàn vừa đủ, quan hệ đủ sâu, để lên giường cùng nhau! Vào lúc đó, hình như ta vừa tự lột lớp vỏ hành tây mang tên gọi tình yêu, khi tình yêu không còn là yếu tố duy nhất và quan trọng nhất của tình dục nữa.

Không đúng sao? Bạn đã mất bao nhiêu thời gian để từ một cô gái khăng khăng giữ trinh trở thành một cô gái chỉ cần mọi thứ “tạm đủ an tâm” là đồng ý làm tình? Hành trình đó nếu nhìn bề ngoài như thể một sự trượt dài của những giới hạn và điều kiện, ta có vẻ dễ dãi đi, ta có vẻ rẻ rúng thân xác đi. Nhưng không phải, ở nội tâm, chỉ là củ hành tây đã tự lột dần những lớp vỏ ngoài.

Rồi ta thực sự chia tay quá khứ. Đó là lúc, chúng ta thất vọng vì bị phản bội, vì bị chồng bỏ hoặc tự bỏ chồng, hoặc ta đã chịu đựng đủ mọi dày vò của một người đàn ông và nghĩ rằng, tại sao không học lấy cách tự yêu lấy bản thân mình, bằng cách, đừng cặp đôi với người đàn ông nào đòi hỏi ta quá nhiều?

À há, người đàn ông tình một đêm hình như đâu có đòi hỏi gì bạn tình những thứ như chung thủy, hiền thục, gia thế, chăm sóc, tâm hồn cao thượng, đảm đang và khéo vun vén v.v… như một anh bồ chính hiệu? Hình như, chúng ta chỉ quan tâm đến những thứ làm nên tình dục, từ phía nhau!

Và ta bóc đi của nhau lớp áo quần, những danh tiếng bề nổi, những sứ mệnh đạo đức, những mối quan hệ xã hội phiền phức. Để đi thẳng tới cốt lõi của một mối quan hệ đàn ông với đàn bà là tình dục.

Chào bạn, người đàn bà đã bóc tới lớp vỏ cuối cùng của mình, bạn có tìm thấy cái bạn cần không? Hay phát hiện ra nếu bóc mãi, ta sẽ chẳng còn gì, mà cũng chẳng hề tìm thấy gì?

Và quan trọng nhất là điều này: Bởi vì bạn là hành tây, nên hành trình cởi bỏ những giá trị và khao khát đời mình, ta sẽ vừa cởi vừa khóc!

Trang Hạ

2013

http://www.dep.com.vn/Cookies-tra-chieu/Mot-nua-tinh-yeu-la-tinh-duc/23409.dep