Ngược chiều gió thổi

Angelica_Generosa41

1. Một trong những câu hỏi mình đã tự chất vấn bản thân từ khi mình mười tuổi: Tại sao mình là người Việt Nam, nhưng mình phải sống bằng những giá trị đạo đức của người Trung Quốc?

Đó là mùa hè cuối cùng của thời Tiểu học, khi đó mình mượn được một cuốn “Cổ học tinh hoa” từ tủ sách của cô giáo Hương, dạy văn cấp 3 ở cùng khu tập thể nhà mình. Cô có một đứa con gái cũng bằng tuổi mình, vì chơi với bạn, mình mới có may mắn được đọc những cuốn sách không phải sách giáo khoa lớp 5. Đọc mỗi cuốn sách chỉ mất một ngày. Nhưng suy nghĩ về sách thì triền miên từ tháng này qua tháng khác, cho đến lúc nào mà có một cuốn sách mới lại choán hết tâm trí mình.

Cuốn “Cổ học tinh hoa” ngày đó dưới con mắt của một cô bé con được hiểu là những triết lý sống, những quan điểm làm người của… người Trung Quốc cổ đại. Đọc hết sách ấy, mình chỉ băn khoăn rằng: Thế người Trung Quốc bây giờ họ có sống được một cách sâu sắc thế này không? Nếu tác giả giúp ta đúc kết được hàng trăm bài học nhân sinh đắt giá từ những điển tích sách vở Tàu xa xưa, phải chăng thứ mà trong trang sách nói chính là một mẫu mực để người ngoài sách sống theo? Nhưng mình là người Tàu hay người Việt?

Đó là lý do từ sau cuốn “Cổ học tinh hoa”, mình cự tuyệt không đọc tất cả những cuốn sách nào nổi tiếng của Tàu mà người ta khen lấy khen để, từ Hồng Lâu Mộng cho tới các bộ truyện chưởng, từ Tam Quốc Diễn Nghĩa cho tới Thủy Hử. Kể cả phim! Nếu mình đọc mà rồi cũng lại chỉ để tấm tắc như mọi người, thì đọc làm gì? Nếu đọc nát nghìn trang sách chỉ để hiểu điển tích, tâm đắc thuộc làu cổ sử, nhưng chất bao nhiêu gánh nặng lên trí nhớ chỉ để hài lòng là, người khác đọc rồi mà ta cũng đã đọc, ta chẳng thua kém ai, ai nói gì ta cũng biết, thì chi bằng, đọc những bài bình sách, cảm tưởng của người đọc còn thú vị hơn. Hay bỏ thời gian ra để đọc những trang sách kém nổi tiếng hơn, nhưng tự mình rút ra được cảm nhận tươi mới, không bị ám ảnh bởi nhận xét của người khác, thì vẫn đáng để làm hơn nhiều.

Lớn hơn chút nữa, cái mình sợ nhất trên đời là một cuốn sách mang tên “Đắc nhân tâm”. Không hiểu vì sao mình lại sợ một cuốn sách Mỹ mà cho đến ngày hôm nay mình chưa hề đọc một chữ nào trong ấy? Có lẽ nỗi sợ hãi của một cô thiếu nữ là bởi, mọi bình luận sách mình đọc đều cho rằng, đó là một cuốn phải đọc nếu muốn trở thành một người thành đạt, hoàn hảo, tâm lý, được lòng người, thành công trong công việc và giao tiếp, hoàn thiện bản thân v.v… Triết lý làm người thật là quý giá. Nhưng, sự sống của mình không đáng giá sao? Sao một mặt ta kêu gọi hồn nhiên như cỏ hoa, trân trọng mỗi giọt sương, mỗi phút sống, một mặt ta cố gắng tìm hiểu xem người khác đang sống theo kiểu gì, mình nắn lại để sống kiểu gì thì vừa lòng đám đông?

Sau này ông chồng mình trở thành… chồng mình, ông ấy thường trách, vợ chẳng bao giờ tin vào kinh nghiệm của người khác, chẳng biết tránh chướng ngại vật, mà cứ phải tự mình vấp ngã!!!

Rồi trưởng thành thêm một chút nữa, vào lúc được học lý luận truyền thông, mình mới hiểu ra lý do mình đã từ chối những thứ thịnh hành trong trong xã hội: Nếu coi mỗi cuốn sách, mỗi tấm biển chỉ đường, mỗi kinh nghiệm truyền khẩu, một bài tung hô nhà văn này, một bài báo phỉ nhổ một cuốn sách khác… là một thông điệp truyền thông, thì độc giả của truyền thông đại chúng luôn mang một chút tâm lý phản đối, từ chối những thông điệp ấy. Nên độc giả một mặt tung hô và hối hả tiếp nhận, một mặt sẽ phản đối và từ chối. Và mình chỉ là một phản lực nhỏ nhoi rất bình thường trong xã hội. Chỉ là, đám đông luôn ngờ vực “phản lực” của chính họ. Còn mình, mình tin nhiều hơn vào “phản lực” nhỏ bé của mình. Dù, ta sẽ có lẽ cả đời ngược chiều gió thổi.

2. Hồi còn đi học, chừng hơn hai mươi năm trước, mình nghĩ những người thành đạt trong xã hội phải là những người đi xe máy và gặp nhau trao danh thiếp. Cho đến lúc, tự mua được xe máy và có một công việc đầu tiên được trả lương, thì nghĩ: Người thành đạt là người nổi tiếng và dư tiền mua sắm trang sức.

Vài đôi năm sau, đường đời khiến mình nghi ngờ thực tài của tất cả những người nổi tiếng mình gặp, và không mảy may thấy chút giá trị nào trên những món đồ trang sức đính bảng giá kèm nữa, thì mình nghĩ: Thành đạt là có một tổ ấm gia đình và một ngôi nhà của riêng mình.

Vào lúc có một người đàn ông nói, anh sẵn sàng trao em trái tim anh và túi tiền của anh, miễn là em ở nhà làm máy đẻ và máy giặt, máy hút bụi, thì anh sẵn sàng làm máy ATM của em, thì mình nghĩ, thành đạt là một phụ nữ tự do.

Vài đôi năm nữa trôi qua, vào lúc bối rối giữa tự do, mình nhận ra: Cái mình cần hóa ra không phải là thành đạt! Không phải là tiền, danh thiếp, ngôi nhà, những lời khen tặng. Mà là, sống theo cách của mình, nghĩ theo cách mình cảm nhận, nói những lời của chính tâm hồn mình, yêu được bản thân và tha thứ được cả những kẻ bỉ ổi. Vì ta chẳng thay đổi được cuộc sống này, nhưng ta có thể thay đổi cách sống và cách nhìn nhận.

Trang Hạ

2013

http://vn.nang.yahoo.com/ngược-chiều-gió-thổi-033133020.html

Một suy nghĩ 22 thoughts on “Ngược chiều gió thổi”

  1. Yêu quan điểm sống của Trang Hạ! Phải hạnh phúc, đau đớn, vượt qua và mở lòng, ta mới “ngộ” được như vậy!

    1. Trang Hạ thuộc mẫu người thích suy nghĩ độc lập, khá “nam tính” kể cả về ngoại hình! Trong thời buổi nào cũng có những con người thích đi ngược chiều gió thổi. Điều đó tạo nên những nét chấm phá nổi bật trên một cái phông tư tưởng đơn điệu. Tuy nhiên, bài bác một quyển sách chỉ vì chúng dc nhiều người ca tụng hay vì chúng tượng trưng cho nền văn hóa của một dân tộc khác thì e rằng hơi cực đoan! Bản thân chúng ta ko ít thì nhiều cũng xây dựng bản lĩnh và giá trị đạo đức của mình một phần từ những tư tưởng và triết lý của Tây Tàu đó chứ? Những khái niệm trung, hiếu, lễ, nghĩa….mà ta đang áp dụng trong cuộc sống từ đâu mà ra? Cứ chọn sống và suy nghĩ theo cách của riêng mình nhưng ko thể bác bỏ giá trị của một quyển sách đã dc nhiều người công nhận. Nhờ nó, biết đâu đã có nhiều người thành đạt đáng để chúng ta ngưỡng mộ? Tốt nhất là cứ đọc sách của người ta viết và suy nghĩ theo cách của riêng mình bạn nhỉ?

      1. Mình đồng ý một phần với Gừng. Có câu “Kẻ học từ sai lầm của bản thân là kẻ thông minh, học từ sai lầm của người khác mới là kẻ sắc sảo”.

        Và mình cũng nghĩ rằng việc bỏ công đọc những cuốn sách rồi qua đó đúc rút những kết luận của riêng mình, đó là cuốn sách nổi tiếng nhiều người đọc hay đơn giản chỉ là một mẩu note ngắn gọn, nó vẫn tuyệt vời hơn nhiều việc gật đầu và ngắm nghía những thứ người khác nói, bởi theo cách nào đó thì nó không phải của mình, và ý nghĩa của những lời ca ngợi đó cũng chỉ dừng lại ở một mức nào đó 🙂

        Góc nhìn của chị Trang Hạ và Gừng là hai góc nhìn có thể bổ sung hoàn hảo cho nhau, nhưng mình tin, chị Trang Hạ cũng đã thừa rõ góc nhìn của Gừng, và, cách chị ấy nói trong bài này, như rất nhiều bài khác, mình nghĩ không phải là chị ấy muốn bài bác những cuốn sách kia hay những quan điểm truyền thống, mà đơn giản, là khơi thêm một góc nhìn khác mà thôi.

        Cũng như việc đọc sách, tác giả viết gì là quyền của họ, nhìn nhận ra sao và tìm được những gì thì chỉ tự người đọc mới có thể làm lấy.

        Hãy đọc và coi đó như một tư liệu tham khảo thay vì là chân lý, mọi người hẳn sẽ có được nhiều hơn là việc trah gãi ngày này qua ngày khác 🙂

        1. Mình cũng nghĩ như Luân. Chẳng qua vì lối viết của Trang Hạ hơi “cứng” quá nên mình e bạn ấy rơi vào thế cực đoan thôi. Mình vẫn thích những bài viết của Trang Hạ về Tình Yêu, mặc dù những trải nghiệm trong TY của riêng mình thì hình như còn là điều xa lạ với T.H. Hy vọng có dịp trao đổi thêm với T.H.

      2. bạn Gừng nói đúng
        tôi nhất trí với bạn
        mong bạn thường xuyên giao lưu để có thể nâng cái tổng lượng hạnh phúc nhân loại lên một chút!!!!!!!!!!!!!!!

      3. Cứ đọc sách của người khác và suy nghĩ theo cách của mình. Mình luôn như vậy !

  2. Mình cũng giống Trang Hạ ở chỗ là ghét cay ghét đắng cái quyển Đắc nhân tâm ấy, mình có đọc thử và thấy nó nhức đầu, còn Cổ học tinh hoa cũng xem qua rồi, mình cũng ko thích, thấy nó cứ khuôn sáo giả dối. Hồi còn trẻ mình cứ tự hỏi sao mà mọi người cứ đề cao 2 quyển sách đó chứ, chả có gì hay ho, kém thực tế. Vậy mà cũng quá nữa đời người rồi mới hiểu ra rằng cái người ta cần học nhất ở đời là sống thật vui vẻ, học cách yêu mình và yêu người. Sống thế mới không uổng phí một kiếp người.

    1. Rất đồng ý với Mặt Trăng Nhỏ: Cái cần học nhất là biết yêu mình và yêu người. Đơn giản vậy đó nhưng ko dễ đâu. Mình cũng thuộc hàng U60 rồi nên nói gì cũng sợ bị người khác cho là lẩm cẩm! Tuy nhiên, mình thấy là đừng nên bài bác những bài học của người xưa chỉ vì họ là thế hệ…cổ! Giáo dục hiện nay đã làm dc gì với những quan niệm về đạo đức tiến bộ hơn? Hãy nhìn vào sự suy đồi trầm trọng của thế hệ trẻ em và học sinh hôm nay đi rồi hãy phán xét những bài học của Cổ học tinh hoa. Mình ko bảo thủ đâu, thật đấy. Thế hệ 9X vẫn rất thích nói chuyện với mình. Nhưng mình rất băn khoăn là nếu ko có cái cổ học kia thì cái gì của thời đại hiện nay có thể làm nền tảng cho giáo dục đạo đức con người? Nếu ai biết xin chỉ rõ ra dùm!

    2. Hay thật, thấy được vài đồng đội ở đây, đã từng bị mai mỉa : đọc lắm nhưng đọc được gì khi chả biết Khổng tử nói sao, đọc Đắc nhân tâm vì được tặng giở trang nào cũng thấy biết tuốt rồi- ngỡ ngàng vì người tặng còn như coi thường mình( keke chả lẽ phải dọc thì mình mới thành người tử tế- buồn cười thật buồn cười).Có bạn còn gửi link các chuyện của Kim Dung để tìm hiểu Lão ngoan Đồng là ai vì thấy mọi người đặt cho cái tên ấy mà chả hiểu gì.
      Đọc OSHO mọi người cũng um tùm lên,cũng thấy vậy vậy, nhưng cô Tranh Hạ này hình như nổi tiếng lâu rồi giờ mình mới gặp và đọc cẩn thận thấy hay và thiết thực và thật hơn hết thảy.
      Cám ơn cuộc sống có một nhân cách đẹp cho mình được đọc và vui hơn vì tin mình nhiều đúng.

  3. Mình không đồng ý với ý kiến này của chị Trang Hạ, học theo những điều tốt trong sách là việc nên làm, mỗi người đều sống theo cái tôi của bản thân thì khó mà dung hoà được mọi thứ, cứ tưởng tượng trong một môi trường làm việc thôi ai cũng sống và làm theo ý của mình thì chắc loạn mất

  4. mình cũng không hấp thu được cuốn đắc nhân tâm còn cuốn cổ học trung hoa kia thì chưa đọc, ngày còn sinh viên thì mình cũng thích đọc mấy cuốn sách về triết lý giáo dục lắm nhưng giờ không đọc được, thấy nó thật sáo rỗng, giáo điều…khi đã lớn và có kinh nghiệm sống và suy nghĩ độc lập, đa triều hơn thì muốn tự trải nghiệm hoặc tự nhìn nhận ở cuộc sống xung quanh chứ không phải ở mấy cuốn sách kia nữa! Theo mình nghĩ thì khi còn đi học chưa có kinh nghiệm về đời sống, còn thơ ngây màu hồng về cuộc sống thì nên đọc những cuốn sách trên khi đó tâm hồn trong trẻo mới đồng cảm được với những lý thuyết giáo điều đó.

  5. Không đọc How to Win Friends làm sao biết nói cám ơn , xin lỗi , làm sao biết nhường đường cho người già , em bé và kẻ disable . Hay cứ như nguời chân quê khạc nhổ , chen lấn , to tiếng la lối ngoài đường mới là VN chân thật . Đọc để cảm nhận cái hay cái đẹp ,biết đúng , biết sai . không phải đọc hay học là ôm chặt vào người , theo sát nút cái tư tưởng mà tác gia đề ra ( chưa chắc đã theo được ) bất chấp có hợp lý hay không ?

  6. Trang hạ viết rất hay nhưng trong các tác phẩm của Trang Hạ mình k thích tác phẩm này nhất.
    Mình đã đọc Đắc nhân tâm và đây thật sự là tác phẩm đã thay đổi cuộc sống của mình.
    nếu vì những cuốn sách đó được nhiều người đọc và tung hô mà mình k đọc thì tại sao mình lại ngồi đây đọc Trang Hạ? :))

    1. Bạn nhầm rồi, tôi không review cuốn sách “Đắc Nhân Tâm” nên tôi chẳng dìm hàng cuốn đó. Bạn thích đọc hay không thích đọc gì, thậm chí đọc rồi yêu hay đọc rồi quên cuốn gì là quyền của bạn. Cái đó chẳng liên quan gì tới tôi cả. Hy vọng bạn cũng tôn trọng tôi được một phần như tôi tôn trọng bạn.

      1. không nên kết thân với một người mà người ấy lúc nào cũng gật đầu với mình trong mọi lúc mọi nơi…
        người ấy chưa chắc đã phải là bạn tốt đâu.
        Còn bạn Đào Duyên Thảo, chẳng qua là bạn ấy dám nói thẳng ra mà thôi
        Bạn ấy khá khiêm tốn đấy.

  7. e chỉ đưa ra nhận xét thôi 🙂 còn e chưa thấy e có nói gì thể hiện e k tôn trọng c cả
    nếu c thấy vậy thì e xin lỗi.
    c muốn viết gì là quyền của c, đâu phải điều mà 1 độc giả như e có thể xen vào.
    cám ơn c về những tác phẩm hay mà e đã đọc

  8. Năm 2011 chị cũng viết một mẩu để là Giác ngộ ngược, viết nhăng cuội cả mấy trăm bài nhưng mỗi bài ấy là mình viết tử tế không tuỳ hứng quá mức.
    Đọc hàng loạt bài của Trang Hạ thấy thật thú vị, đến bài này tâm đắc lắm lắm nên nhiều lời chút.
    Vài lần nghe bạn bè kể, ít lần thấy coi trên tivi- cứ nghĩ các gái trẻ quan niệm mới,càng đọc cô chị càng thấy gái này có nhiều cái nhìn đồng điệu,nể chút vì người trẻ trí tuệ( cả trí huệ nhỉ) mà nghe chừng bình thản.

    1. Lần đầu vào trang của TH, mình nhập ngay câu “Nhập email của bạn để nhận bài mới viết gửi từ blog Trang Hạ”. Rồi mình hý hửng chờ. Cả hơn năm rồi chẳng thấy gì. Đúng là giàu trí tưởng bở! Rồi mình hay vào trang này của TH. Nhưng sao lâu thế chẳng có bài mới nào? Vào hoài, toàn bài cũ. Mong là TH vẫn luôn mạnh khỏe để có thêm nhiều bài mới. Mình rất mong. Năm mới chúc Trang Hạ và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc!

  9. Trong cuộc sống có người thích sống cho mình, nhưng cũng có nhiều người thích sống, thích hy sinh cho người khác !!!

  10. Bài viết thú vị! Em cũng cũng chưa bao giờ đọc Đắc nhân tâm, nhiều khi vào nhà sách thấy nó ở trên kệ là mình đã phải né rồi.

Gửi phản hồi cho ngocminhnguyen Hủy trả lời