Danh mục lưu trữ: Chưa đăng báo

chưa đăng báo

Làng trong phố (27) – Nhà có hai đàn ông (2)

18. Mình thực hiện bước thứ 2 của chiến dịch tiêu diệt gà chọi, đó là trồng chanh. Ai cũng biết, thịt gà không thể thiếu lá chanh, có cây chanh trong nhà là lý do tuyệt vời để chăm chỉ thịt lũ gà chọi của ông xã!

Mình yêu cầu ông xã mua cây chanh mang về, kèm luôn cả cây ớt đền cho mình nữa. Vì hôm nọ, mình mua cây ớt về, ông ấy bê thẳng lên cho gà chọi ăn, 5 phút hết lá trụi cả gốc cây. Mình kinh ngạc hỏi:

– Sao anh lại làm thế với em?

Ông xã bình thản trả lời:

– Em có biết ghen đâu, cả chục năm nay em mua ớt có lần nào cay không? Cây ớt này, hẳn không cay, chẳng để gà ăn thì trồng làm cảnh ư?

Ông xã hôm qua mang 1 cây chanh và 1 cây ớt về. Vừa trồng cây vào chậu, ông ấy vừa bảo:

– Lá chanh thì để ăn thịt gà. Ớt thì lấy phân gà bón vào! Vợ tôi thật chẳng để cho cái gì thoát ra được cái nhà này! Đến phân gà còn chẳng ra được khỏi cửa nữa là! Ôi đúng là vợ tôi – tội vơ!

Ặc ặc!!!…

19. Đi thăm cô giáo của con gái nhân 20/11, cô giáo bảo mình: “Cháu nó viết bài kiểm tra văn hay lắm, chị đọc chưa, không ngờ em tưởng là chị bận lắm cơ thế mà vẫn có thời gian để chăm chút gia đình!”

Mình băn khoăn về hỏi con, nó bảo: “Thì đề bài là buổi tối ở nhà em. Con kể là mẹ thì có hôm tranh thủ lúc rảnh tưới hoa, bố thì lắp mấy cái súng đồ chơi, hai em 4 tuổi và 2 tuổi nhà mình học múa. Còn con thì đi pha sữa và phơi quần áo.”

Mình đỏ mặt tía tai hét lên: “Mẹ đã bảo con bao nhiêu lần rồi là viết kiểm tra văn phải viết đúng thực tế, không được bịa cơ mà! Tại sao con không viết đúng sự thực đi, là mẹ đang chơi trò nông trại trên phây-búc, bố chơi trồng súng để bắn Zombie, còn 2 thằng nhà mình xách quần chổng mông nhảy Gangnam Style???”

20. Chiều tối chạy từ quán cà phê về nhà, đã thấy bố con nhà nó hí hửng úp mở chìa ra cái bánh ga tô bọc trong cái bọc ni-lông ướt nước mưa. Mình vừa chớp mắt cảm động được 2 giây thì ông xã hét lên:

– Thôi chết tôi rồi!

– Sao? Có việc gì vậy?

Ông xã vò đầu bứt tai, bảo:

– Thế có chết tôi không cơ chứ! Đã bảo cô bán hàng bán cho cái bánh to nhất cửa tiệm thì mới đủ chỗ cho vợ tôi cắm nến, thế mà lại quên béng mất chỉ mua có 1 gói nến hai chục cây, thế này là thiếu rồi!

Mình nói như mếu:

– Không sao đâu anh! Năm nay tính ra em mới chỉ hai lần 19 tuổi thôi mà! Nến vẫn đủ, vẫn đủ!

21. Đang ăn cơm thì ông xã mình bảo: “Thế mai em tặng gì cho anh nhỉ?” Mình ớ ra, nhìn lên lịch, thấy chả có lễ lạt kỷ niệm gì vào ngày mai cả. Mình bảo: “Ơ, sinh nhật thằng nhóc thì vừa qua rồi, có mà mấy hôm nữa, anh phải mua quà sinh nhật tặng em thì có! Sao em lại phải tặng quà anh?”

Ông xã và nốt bát cơm, quẳng đũa xuống, thở dài:

– Ngày xưa mình đâm xe máy vào nó, giá mà đền cho tí tiền thì có phải là xong rồi không! Làm sao mà đến nỗi mười ba năm trước phải cưới nó cơ chứ!!!

22.

Sáng mở mắt ra ông chồng đã hỏi:

– Này, thế là chẳng tặng quà gì cho chồng thật à?

Mình bảo:

– Gớm, có rồi! Chiều qua em đã đi chợ mua đồ về làm một cây giò xào, gói xong rồi, trưa nay cứ thế cắt ra mà ăn thôi. Tổng thiệt hại hết hơn 50 nghìn đồng!

Chồng cảm động bảo:

– Lấy chồng nghèo có thấy khổ không?

Mình cũng cảm động, bảo:

– Anh mà đẹp trai giàu có, thì chắc gì đã đến lượt em! Hi hi.

23. Hồi xưa, mình có cái ảnh cưới hay lắm. Mình đứng ở trên gác, chổng mông dòm qua khe cửa xem chú rể đang khệnh khạng tới đón dâu ở dưới nhà, bên cạnh mình treo lủng lẳng một cái chổi.

Chú rể bảo, trước giờ đi đón dâu, ông trẻ đứng chặn trước cửa, hất hàm hỏi chú rể:

– Mày đã suy nghĩ chín chắn chưa đấy? Không sau lại ân hận!

Chú rể trách móc:

– Ông cứ làm khó con! Người ta năm chắn đã ù, ông đòi con chín chắn để làm cái gì?

24. Từ hồi quyết tâm lấy lại vóc dáng, sáng mùa hè mà ở Hà Nội thì mình chạy bộ ra công viên nước. Ông chồng ra điều kiện, chạy mỗi sáng thì ông ấy cho 20 nghìn, còn dậy muộn, lười chạy thì phải mất cho ông ấy 20 nghìn đồng.

Thế là nhà mình thỉnh thoảng có vụ, trời mờ mờ sáng, mình đánh thức chồng dậy, chỉ để nói câu này:

– Mưa đấy, bố ạ!

Xong, cả hai lại yên tâm ngủ tiếp, thật là lãng mạn! Mưa thì chẳng ai phải mất tiền cho ai cả!

Mùa đông, mình chuyển sang chạy lúc chiều tối. Nhưng, một ngày, mình đang ì ạch phì phò xịt khói lỗ tai bên bờ hồ xinh tươi, mình nhận ra chân lý khủng khiếp:

Tại sao mình phải chấp nhận một giao ước bất công đến thế với ông kia? Mình hàng ngày phải phì phò ì ạch xịt khói lỗ tai ra thì mới kiếm được 20 nghìn đồng, trong khi ông kia chỉ cần nằm khểnh xem tivi cũng được 20 nghìn?

Hu hu.

Làm mẹ ba con, hạnh phúc không tự đến

Chỉ hai năm nay, tôi có tới gần một tá bạn gái, người quen lứa tuổi 7X báo tin họ trở thành… mẹ ba con! Họ đều là những người có chút tiếng tăm trong xã hội, có tiền, có địa vị, tài hoa và học vấn, bỗng dưng vào lúc tuổi ba mươi tiến dần tới bốn mươi, lại thèm… làm mẹ thêm một lần nữa. Mà họ đều không phải những người “nhẹ dạ” lỡ nghe đàn ông xui dại, càng không phải những người làm mẹ dễ dãi nuôi con theo kiểu “trời sinh voi sinh cỏ”. Sinh con thứ ba bao nhiêu gánh nặng, mà với phụ nữ đô thị, sự nghiệp với thú vui chiếm không ít thời gian, thời gian đâu làm mẹ để yêu cho đủ ba đứa nhóc?

Rồi đến lúc chính bản thân tôi cũng quyết định mang bầu bé thứ ba, đúng vào thời điểm khó khăn nhất của cuộc sống: Chuyển tới một thành phố mới, bắt đầu một sự nghiệp mới, kiếm một ngôi nhà mới và sinh một đứa con mới, tất cả chỉ trong thời gian hơn nửa năm!  Đó là những việc mà người khác có khi muốn làm được sẽ phải mất cả đời.

Và một bà mẹ vốn chỉ định sinh một đứa con duy nhất như tôi, rốt cuộc chớp nhoáng trở thành mẹ của ba đứa con thơ. Sức mạnh nào khiến một phụ nữ sống giữa bão giá và cuộc sống nhiều đòi hỏi vật chất của thế kỷ hai mốt, có đủ can đảm trở thành… mẹ ba con?

 

Từ chuyện 8X ba con đến chuyện 6X chửa nốt!

Tuần trước, cô gái 8X đến giúp việc nhà tôi mới được hơn tháng, bỗng hoảng hốt thông báo: “Chị ơi, em đã mang bầu!”.

Mới ngoài đôi mươi, cô đã là mẹ của hai con nhỏ. Đứa thứ ba mới hoài thai, nằm ngoài dự tính của cô, và của tất cả mọi người, kể cả chồng cô. Chồng cô làm ầm lên, rằng sao mới cho vợ lên thành phố đi làm mấy tuần mà đã… mang bầu là sao nhỉ! Và ông chồng hăm dọa: “Về đây rồi mày biết tay tao!”

Cô gái 8X không định phá thai, bởi làm thế, tình ngay lý gian, người ở quê ác mồm lắm, sẽ thị phi suốt đời cô, nói cô ra thành phố làm cái nghề gì mà… chửa! Mà sinh con ra để chứng minh là con mình đàng hoàng, thì cắm mặt vào con cái cơm nước, cô coi như không còn cơ hội nào khác đi ra khỏi lũy tre làng, cũng chả kiếm đủ tiền để nuôi gia đình. Cô nói, kể cả chồng có xin lỗi vì lỡ lời, hay làm găng lên hai vợ chồng bỏ nhau, cô cũng quyết giữ lấy đứa bé để sinh nó ra, cho chồng và họ hàng làng xóm phải chống mắt lên xem nó giống ai! Đứa bé giờ không phải là đứa bé nữa, nó đã là danh dự của cô!

Tôi gói ghém đồ đạc cho cô gái về quê, đường xa cả trăm cây số, lòng thắt lại. Tôi không hỏi cô ai là bố đứa bé (tôi càng không hỏi chồng tôi, ai là bố đứa bé?), dù ngay cả chồng cô cũng hoài nghi điều đó. Vì tôi tin đứa bé là con của chính vợ chồng cô, hơn thế nữa, dù cuộc đời này xếp đặt thế nào, thì tôi nghĩ đứa bé vẫn luôn luôn là con của chính cô mà thôi. Tuy nhiên, tôi vẫn bảo người thiếu phụ đáng thương: “Hãy nghĩ kỹ trước khi làm mẹ thêm một lần nữa!”.

Bởi, cô sẽ thành bà mẹ ba con thụ động, ngoài dự định cuộc đời. Ai biết được liệu đứa bé sẽ hủy hoại đời cô? Trên thực tế, nó đã hủy hoại đời cô ngay từ bây giờ, khi cô rắp tâm dùng nó làm vũ khí chống lại xã hội cổ hủ lắm điều tiếng ở nhà quê.

Hàng xóm trong ngõ nhà tôi vừa chào đón thêm một bé gái mới chào đời. Bé là con thứ ba. Nhưng mẹ của bé lại không phải là bà mẹ ba con. Vì bà mẹ 6X ba con ấy ngay từ lúc rời bệnh viện ôm đứa trẻ sơ sinh về nhà, đã lên kế hoạch để trong tương lai trở thành bà mẹ bốn con. Lý do: Ông chồng cúng bái xem bói suốt ngày, rất mê tín và gia trưởng. Họ có ba con gái, nên sẽ đẻ thêm lần thứ tư để kiếm con trai nối dõi!

Ông hàng xóm của tôi cho rằng, vợ ngoài bốn mươi vẫn chửa đẻ tốt. Và bà hàng xóm cũng nghĩ rằng, đẻ con cho chồng thì có gì mà phải xấu hổ, nhất là khi, nếu không đẻ được thằng cu, bốn mẹ con chị sẽ ra đường.

Bà mẹ chồng nhà hàng xóm lại luôn miệng xúi rằng, ngày xưa chúng tôi khổ sở thế mà còn nuôi được bốn năm đứa, giờ các chị sướng rồi, chả có lý do gì mà thoái thác việc làm mẹ! Nào là thuê Osin để trốn nghĩa vụ làm dâu, cho đến việc lấy cớ lương ít, con cái khổ. Ngày xưa tôi mà không đẻ cố thì giờ lấy đâu ra chồng cho chị ôm ấp?

Những áp lực vô hình và hữu hình ấy, đã khiến nhiều người phụ nữ bất đắc dĩ trở thành mẹ ba con. Mà trong số đó, có rất nhiều người sinh con thứ ba chỉ để tìm kiếm đứa con trai, cho vui lòng chồng. Thật thế, hồi tôi mang bầu bé thứ ba, các bác sĩ khám thai ở Hà Nội hay ở TP.HCM đều thắc mắc, tại sao tôi đã có đủ nếp đủ tẻ vẫn sinh con thứ ba? Theo các bác sĩ cho biết, họ gặp tới 90% sản phụ sinh con thứ ba chỉ vì tìm kiếm con trai. 10% còn lại là đã có hai con trai, muốn sinh thêm bé gái, hoặc hiếm hoi là những người “vỡ kế hoạch” trót mang thai ngoài ý muốn.

Hóa ra, nếu sự thật như thế, thì có bao nhiêu bà mẹ ba con đã thực sự sinh con vì sự khao khát của chính bản thân mình và cuộc sống hạnh phúc của chính đứa con ấy? Bao nhiêu người không bị áp lực giới tính, không phải là một cuộc chạy đua tìm kiếm giới tính thai nhi, hoặc không… bỗng dưng phát hiện mang bầu?

Tôi cũng là mẹ ba con, nhưng tôi tin rằng, làm mẹ ba con không đơn giản chỉ là mang thai thêm một lần nữa, hay mỗi bữa cơm từ sau mâm bát sẽ thêm một suất ăn, hay có đủ lương nuôi con ăn học không! Mà vấn đề là, bạn có đủ tư cách để làm mẹ ba con hay không?

Như người thiếu phụ 8X sắp ba con kia, cô ấy còn không thể bảo vệ chính bản thân mình, thì liệu mang được gì cho đứa con trong tương lai? Người chồng và xã hội nhỏ bé nơi làng quê ấy có thể giày xéo sỉ nhục được cô, chỉ vì chính cô đã cho họ cơ hội để làm việc đó! Khi cô không đủ dũng cảm bỏ chồng bỏ quê để đi tới một cuộc sống có thể mang cho chính mình và hai đứa con cuộc sống tốt hơn, thì chắc gì cô mang được cái gì tốt đẹp hơn cho đứa con thứ ba? Và, tất cả mọi đứa bé bất đắc dĩ được sinh ra sẽ không bao giờ mang lại cho mẹ nó một cuộc sống tốt đẹp hơn. Bởi đơn giản, “bất đắc dĩ” tức là người mẹ ấy chưa sẵn sàng làm mẹ (hoặc chưa chuẩn bị để làm mẹ một lần nữa).

Và một điều quan trọng hơn hết, đó là, người mẹ sinh con ra không phải để yêu thương nó, cho nó hạnh phúc, mà sinh ra để đạt một mục đích nào đó, là có lỗi. Như sinh con ra để nó chứng minh giá trị của người mẹ, hay sinh con ra để hy vọng nó sẽ là con trai, khác gì người mẹ đang ăn bám vào giới tính của đứa con ấy?

Một ngày, người hàng xóm nhìn thấy tôi dắt lũ trẻ nhà tôi đi qua, chị cứ trầm trồ xoa đầu hai thằng con trai của tôi và nói:

– Mẹ mày thật sướng, mẹ mày đã có tận hai thằng cu! Còn bác thì vẫn phải phấn đấu!

Tôi hỏi:

– Thế nếu lần thứ tư sinh con là con gái, thì chị tính sao?

Chị hàng xóm trả lời:

– Thì đành phải chấp nhận, năm mẹ con cuốn gói ra khỏi cái nhà này!

Tôi nói dè dặt:

– Chị có nghĩ như thế là chị đang sống bám vào hy vọng đứa con trai của tương lai (mà thậm chí có thể sẽ không xuất hiện)? Sao chị không lo cuộc sống độc lập cho bốn mẹ con ngay từ bây giờ, khi mà bây giờ mẹ con chị đang đứng ở vị trí dự bị để anh ấy… thải ra khỏi cuộc sống của anh ấy? Đằng nào chị chả phải tự nuôi chúng? Với phụ nữ mình thì con nào chả là con. Còn hơn là chị cứ nuôi cho anh ấy một hy vọng rằng, tương lai chị sẽ đẻ nữa!

Chị hàng xóm giận dữ:

– Những người có nếp có tẻ, nói thế nào chả được!

Hóa ra, rất nhiều người đàn ông có lỗi với đàn bà. Vì đã bắt họ sinh đứa con không phải vì tình yêu, mà vì tìm kiếm một cơ hội sống sót tiếp trong đời người đàn ông. Ở điểm này, có lẽ không phải chỉ là bi kịch của riêng những người mẹ ba con quanh ta.

 

Nhưng hạnh phúc sẽ đến với người xứng đáng làm mẹ ba con

Một ngày, tôi ngồi quán cà phê với ba bốn bà mẹ ba con. Mọi người đều than, con làm mình hạnh phúc bao nhiêu thì xã hội làm người mẹ ba con thấy khó sống bấy nhiêu.

Một chị nổi tiếng hoa khôi, tài giỏi và cũng… giỏi kiếm tiền thì cho biết, kể từ ngày chị mang bầu bé thứ ba đến giờ, ba năm qua chị đã chuyển qua năm cơ quan, từ nhà nước chuyển ra tư nhân, rồi từ vị trí quản lý trở thành nhân viên làm việc dự án độc lập. Đứa đầu đã đi du học nước ngoài, con thứ hai học trường quốc tế cả ngày, chị vừa làm việc ở nhà vừa ôm bé út, cuộc sống thỏa mãn cả vật chất lẫn tinh thần, không kêu ca vào đâu được nữa. Thế nhưng, chị vẫn nhớ mãi sự tổn thương khi bị cơ quan cũ sa thải. Chị nói:

– Chúng ta đều là những người có học, ở nước ngoài về có vị trí xã hội, có tài có tiền, thế mà chỉ vì muốn được làm mẹ thêm một lần nữa, bị bao nhiêu sức ép, trong khi chúng ta sẽ làm mẹ của của một bé được chăm sóc đầy đủ, cuộc sống tiện nghi, cho bé môi trường giáo dục tốt nhất của xã hội. Vậy đứa bé sinh ra trong nhà tôi sẽ nâng cao chất lượng dân số cho xã hội, bé có nhiều cơ hội để khỏe mạnh thành đạt hơn một đứa bé con thứ ba, tư, năm, sáu của một gia đình nghèo nơi vùng hẻo lánh không đủ ăn chứ đừng nói tới những chăm sóc khác.

Một chị bạn tôi 6X cũng vừa làm mẹ ba con được… vài ngày, vì đã xin một đứa bé bị bỏ rơi ở ngoài đường về nuôi. Chị đang hoàn tất thủ tục giấy tờ với địa phương để nhận nuôi con, chạy qua quán cà phê ngồi vội một lúc, chị nói:

– Tớ tình nguyện làm mẹ ba con, coi như từ giờ mình chỉ chạy xe máy bởi đã xác định rằng, tiền mua ô tô là để nuôi nó từ giờ đến khi nó lớn 18 tuổi. Hy sinh nhiều thứ nhưng có được một đứa con để yêu thương, xứng đáng chứ! Làm mẹ thật hạnh phúc, nhiều khi chỉ mong con cái mình sẽ… đừng lớn tiếp nữa, hãy cứ bé thơ trong vòng tay mình!

Tôi kể chuyện cô giúp việc nhà tôi sẽ sinh đứa con thứ ba trong nước mắt, và nói:

– Tớ thật may, tớ gặp một người đàn ông mà mình yên tâm chọn anh ấy làm bố của con mình. Cái điều làm cho tớ dũng cảm quyết định hy sinh nhan sắc và sự nghiệp để… làm mẹ chuyên trách, là cảm giác an toàn ở bên người đàn ông, và cảm giác hạnh phúc ngây ngất khi được làm mẹ, khi sẽ nuôi con bằng tất cả những gì tốt nhất ta có thể. Hạnh phúc cả khi con khóc và cười. Chứ không phải con cười mẹ khóc.

Và tôi nói thêm, chính vì lý do đó, tôi đã không hề thoáng qua ý nghĩ sẽ hỏi chồng rằng, con của cô giúp việc là con ai!

Bởi nếu một người đàn ông, có một giây phút nào đó, ta không thấy được cảm giác yêu thương và cảm giác an toàn mà họ mang lại, thì chắc chắn ta đã không sinh con tới lần thứ ba với họ.

Bạn tôi, người mẹ ba con sớm nhất đám bạn, giờ bé út đã vào lớp một, thì nói:

– Hồi tớ mới sinh bé, cũng phải khốn khổ bảo vệ con trước sự công kích của xã hội. Người thì bảo là mình “vỡ kế hoạch”, người thì cho rằng đứa thứ ba là của nợ không mong muốn, làm trì trệ xã hội, tăng dân số, tăng gánh nặng cho… họ! Nhưng phụ nữ, lại là phụ nữ thành đạt thì có khi cũng chỉ dám sinh đến đứa thứ ba là cùng. Trong khi mấy ông đàn ông, họ mà thành đạt thì có lẽ năm bảy con cũng chẳng ai biết. Có ông dương dương tự đắc mười mấy con, lên báo suốt đó thôi. Mấy ông ấy mới là nguy cơ của xã hội! Nên thực sự, đàn ông mới là những người… đẻ giỏi!

Thực ra, ba con hay con đầu lòng cũng không khác gì nhau, vì hạnh phúc chỉ đến nếu chúng ta thực sự yêu thương và hiểu giá trị của yêu thương. Và rồi, chính tình yêu ấy mang lại cho chúng ta sức mạnh.

Chàng kiểm lâm bơ vơ giao thừa

chúc mừng năm mới

Có một câu chuyện sau bức ảnh này:

Đó là cái chàng thợ săn đã trao súng vào tay mình.

Chàng thợ săn nhà nòi, con ông vua hổ xứ Bắc. Chàng cũng là thợ săn lõi đời, chả hiểu dòng đời xô đẩy ra sao, chàng thợ săn lại thành trưởng trạm kiểm lâm.

Ban ngày, chàng bắt nạt lâm phu vào rừng đốn củi, đêm về chàng lén lút nấu cao hổ (cũng nghề gia truyền) và nhồi bông các con báo, beo, đại bàng, kể cả sóc nhí. Vì chàng khéo, chàng tỉ mẩn, chàng hiểu các con thú và chàng cũng hiểu rõ các bắp thịt gây nên các ảo giác chuyển động.

Lúc mình gặp chàng, số mình thật đen đủi vì có ông chồng kè kè áp tải, ông chồng mình không duy tâm mà phải nói là rất duy tâm, ông luôn luôn tin rằng, mọi chuyến đi (dịch chuyển) luôn chữa lành các vết thương cho mình, và hàn gắn mọi mối quan hệ của mình. Vì thế, ông thích mình đi khỏi cửa, đi khỏi nhà, đi khỏi thành phố, miễn đừng đi khỏi đời ông ấy.

Mình nói là đen đủi, vì cho đến giờ, đây vẫn là chuyến đi duy nhất mà mình bị ông chồng áp tải, mình không xoay trở gì được.

Đen hơn nữa là lúc đó, chàng trưởng trạm kiểm lâm đang yêu một cô nhóc, là bạn đang học cùng lớp cấp ba của con trai chàng, ặc ặc.

Nhưng vậy thì liên quan gì tới câu chuyện mà mình kể, vào ngày cuối cùng của năm cũ, khi bánh chưng nhà mình đã vớt, nồi xoong dưới bếp đã đầy ắp món ngon và tủ lạnh chất đầy rau tươi dành cứu đói mùa Tết cho cô nàng nghiện salad?

Là vì bỗng dưng, sáng qua, hai tám Tết, bố mình lù lù hiện ra ở cửa, trở về sau một cuộc thất tình đau đớn vì cô người yêu bốn mươi lăm tuổi vào tuần trước đã dứt áo bỏ lại ông già chín mươi ở lại nơi chân núi xa xôi, cạnh một ông trạm trưởng trạm kiểm lâm vừa mất chức và vừa bị cắt thừa kế!

Trước khi đi, cô người yêu của bố mình chỉ mang theo một cái xoong nấu canh, là thứ mà cô yêu thích trong căn nhà có cái bếp củi ở chân núi nghèo. Và bố mình đau buồn nói, cô ấy mà nói một tiếng, bố mua cho cô ấy cái xoong vài triệu, chứ không phải cái nồi cũ ấy.

Mình nghĩ, mọi người phụ nữ luôn có lý lẽ của riêng mình, khi đến với tình yêu hay khi rời bỏ tình yêu. Một bà quê mùa hay một bà mệnh phụ rởm đời thì rồi cũng sẽ phải có lúc loay hoay như nhau khi phải lựa chọn sinh tử giữa một người đàn ông và một cái nồi cũ. Thế mới là đàn bà!

Chuyện lan man sang cơn thất tình của chàng thợ săn. Chàng mất chức trưởng trạm kiểm lâm vì một cuộc hội nghị bảo vệ rừng tổ chức lần trước ở tỉnh chàng. Trước mặt các quan chức trung ương và các nhà khoa học từ mọi nơi về, chàng đứng lên xin phép hồn nhiên:

– Tôi xin khẳng định là phá rừng thì không bao giờ ngăn chặn được, vì kiểm lâm chúng tôi chỉ ngăn được lâm tặc phá rừng, chúng tôi không bao giờ ngăn được quan chức phá rừng!

Trước những cái mồm há hốc giữa hội nghị, chàng gãi tai bảo:

– Thì đấy, ai vào săn thú cũng có giới thiệu, bảo lãnh, người nhà của quan chức. Chứ thường dân ai dám mang cả ô tô lẫn súng săn hiện đại đi thành đội ngũ vào rừng săn? Chặt gỗ thì dân chỉ chặt được củi cành, quan mới chặt được rừng gỗ. Ai dám bỏ tiền triệu ăn thịt thú rừng đặc sản, lâm tặc chăng, hay kiểm lâm, hay dân? Chắc chắn đều không!

Suýt nữa chàng buột mồm nói thêm, đến thuê tôi nhồi bông các chủng loại beo, báo, gấu, hổ, đều đại gia đấy chứ đâu!

Dù không buột mồm câu đấy, hội nghị kết thúc, chàng vẫn mất chức trưởng trạm kiểm lâm như thường. Chàng không lấy đó làm buồn, vì người yêu chàng đã thi xong học kỳ hai của năm cuối cùng đời học sinh, chàng sắp cưới được nàng về làm vợ. Trước khi làm đám cưới, chàng phải làm một việc nho nhỏ nữa, không mấy đáng kể, đó là về nhà bỏ vợ.

Việc cỏn con này lấy đứt mất của chàng khoản thừa kế chục ha đất và một trang trại do chàng ba mấy năm nay gây dựng lên, cho bố mẹ. Chàng bị bố mẹ đuổi khỏi chính nhà chàng, y như Steve Jobs một ngày đẹp trời đã bị Apple sa thải. Bố mẹ chàng phản đối việc chàng lấy con oắt con làm vợ. Phản đối chỉ vì chàng không đưa ra được một lý do nào khác, ngoài lý do tình yêu.

Yêu đương gì ở thời đại này? Làm gì có cái gọi là tình yêu trong thời buổi này nữa?

Thà cứ nói là tình dục, thì còn dễ tin, thà cứ nói đó là ham của lạ, thì còn dễ nghe, thà cứ nói là tham gái trẻ phụ nghĩa tao khang, thì còn dễ hiểu. Chứ tình yêu, lọt làm sao được cái lỗ tai? Đùa à?

Chàng đành đi mua một quả đồi, và một ngôi nhà nho nhỏ, thuê một chú trợ lý trông coi đầm, ao, vườn rừng, rồi rước cô bé người yêu về, đẻ một đứa con, vừa mới chào đời ngay trước Tết vài tuần. Những cơn đánh ghen của vợ cũ và những cơn phỉ báng, sự cô lập của bố mẹ khiến tình yêu của chàng mệt mỏi. Chàng kiểm lâm than thở với bố mình:

– Cháu bốn mấy tuổi đời, không lẽ không được một lần quyết định làm cái việc mà cháu muốn làm?

Giây phút cuối năm lọ mọ trên mạng tìm câu lạc bộ khiêu vũ tuổi già, trong một kế hoạch âm thầm hòng sau Tết níu chân ông bố lại Hà Nội, mình bỗng nhiên phì cười, vì nhận ra rằng:

Không biết tình yêu là cái gì, mà nó giày vò cả hai người đàn ông sắp năm mươi và sắp chín mươi, đến thế?

Đàn ông hẳn thấy chàng kiểm lâm, đã tới tuổi đó, còn bỏ vợ bỏ con, bỏ cả tài sản, để chạy theo tình yêu, đích thị là một kẻ ngốc.

Còn phụ nữ, thực sự, mình nghĩ nhiều phụ nữ sẽ tin rằng, đấy mới là một người đàn ông.

Mùa hè đã qua

Một mùa hè đã trôi qua êm đềm, nhà nhiều việc bận nên con gái lớn phải ở nhà giúp bố mẹ làm việc nhà và trông các em, không được đi học Dance Sport như năm ngoái, không được học ghi-ta, học tiếng Anh, học nghi thức Đội ở Cung thiếu nhi cũng như không được đi bơi nhiều như mọi năm trước.

Mẹ rất yên tâm vì quản chặt con gái tuổi sắp lớn, không rời mắt khỏi nó hầu như 24h một ngày.

Trên đường đi mua bộ sách giáo khoa cho năm học mới, lúc về qua cổng bệnh viện K, con gái buột miệng:

– Hôm qua con hát ở trong này!

Mẹ choáng váng luôn, không thốt nên nổi một lời nào! Một lát sau bình tĩnh lại, mẹ chạy xe chậm chậm, hỏi, cố ra vẻ giữ giọng bình thường:

– Con vào bệnh viện ung thư làm gì? Sao con lại đi được ra đây?

– Hôm qua con hát cho các em nhỏ bị ung thư đang chữa trị trong này. Các em vui lắm, rất tội nghiệp, nhiều em đầu trọc lóc. Con hát hai bài, các em thích lắm! Con đi ô tô từ trường con ra đây!

Trời ơi, thì ra trong những lúc mẹ yên tâm con đang ở trường tập văn nghệ cùng cô giáo và các bạn cũ lớp 5, thì con phiêu lưu khắp Hà Nội, hôm thì qua Bệnh viện Nhi, Bệnh viện ung bướu, hôm thì đi hát thế cho quận gì đó, hôm thì đi thi thể dục hộ phường kia, đi đánh trống chào mừng đại hội Đảng bộ hay hội nghị của Bộ nào đó không biết, dưới sự dẫn dắt của bà bầu là… cô giáo cũ ở trường Tiểu học.

Mẹ bảo:

– Thế tuần nào cũng đi biểu diễn à? Sao mẹ tưởng con toàn ở trường?

– Không, trước khi bố mẹ đến đón thì cô giáo chở ô tô đưa bọn con về trường. Có hôm không đi biểu diễn thì bọn con đi thu quảng cáo, cho bim bim (con nói tên gì mẹ quên, bò gà gì đó).

Mẹ bất bình:

– Lạ nhỉ, tại sao cô giáo không xin phép bố mẹ mà tự đưa bọn con đi nhỉ? Mà đi quảng cáo là phải có cát-xê chứ!

– Cô bảo, toàn là người nhà và người quen của cô mà! Có hôm cũng có hãng sữa quảng cáo xong, họ cho con và các bạn mỗi người một cái bánh quy và hai gói bim bim!

Trời!

Mẹ buột miệng:

– Con tệ lắm! Đáng lẽ con phải cho các em nhỏ bị bệnh ở bệnh viện luôn cả mấy gói bimbim ấy mới đúng!

(Còn trong lòng mẹ nghĩ: Con tệ lắm, từ lúc nào con đã bắt đầu không kể với mẹ?)

Con hồn nhiên:

– Tại họ luôn cho bim bim trên đường trở về trường, không thì con cũng cho các em nhỏ hết rồi!

Mẹ vừa đi vừa nghĩ miên man. Mà chả biết mình đang nghĩ cái gì nữa!

Vào cái lúc mà mùa hè đã trôi qua thật rồi!

Cầu hôn cần chuẩn bị gì?

Event tình yêu:

Cầu hôn là một event quá lớn của tình yêu. Thậm chí, nó thay đổi từ bản chất tới thương hiệu của mối quan hệ hai người, từ “yêu” thành “cưới”, biến khách hàng mục tiêu trở thành nhà đầu tư chiến lược, sẵn sàng chịu rủi ro hôn nhân trong mối quan hệ công ty gia đình.

Thế là xong, yêu nhau quá, muốn cưới, phải cầu hôn nàng. Cần chuẩn bị một số thứ cho event cầu hôn, mà trong đó, quan trọng nhất là:

– Hoa hồng: Một số cô người mẫu khoe rằng, hoa hồng đã được trải từng cánh, từ cửa phòng khách sạn cho tới buồng tắm, buồng ăn, buồng ngủ, trải qua bàn nến hoa lãng mạn, trải tới cả món quà nhẫn kim cương. Nàng chết trong sự lãng mạn đó. Một vài cô gái không phải hoa hậu thì giản dị hơn, chỉ cần 999 bông hồng kết thành hình trái tim, và hoa cùng nhẫn đính hôn được trao khi bầu trời ngoài cửa sổ nhà hàng 5 sao được thắp sáng bằng vài ngọn pháo hoa khiêm tốn.

Đàn ông cần chuẩn bị: Nhân viên đặt phòng khách sạn, người mua hoa thuê, hợp đồng với nhà cung cấp rượu vang và thuê một trợ lý riêng chuẩn bị phòng cho khung cảnh thật lãng mạn, người đổi nhạc theo ám hiệu, người đốt pháo hoa theo hiệu lệnh, kèm theo bảo hiểm hỏa hoạn. Trong một vài trường hợp, đàn ông cần mua cả bảo hiểm tài sản, nếu cô gái không nhận lời đính hôn nhưng vẫn đeo nhẫn kim cương bỏ đi! Nếu khách sạn thực sự thuộc hạng cao cấp, đàn ông cần chuẩn bị cả chứng minh thư của trợ lý, phòng khi nhân viên phòng không cho phép người lạ đột nhập trước vào phòng ở mà khách đã đặt sẵn!

– Một chuyến taxi: Một số đôi tình nhân lựa chọn nơi đính hôn ở trên đỉnh cao thế giới, kiểu như trên tháp Eiffel hay ngọn Fansipan, nhưng nói chung, nhiều người chọn nơi an toàn hơn, một nhà hàng đẹp, một kỳ nghỉ năm sao, một nơi thật lãng mạn mà anh hầu bàn đẹp trai bỗng dưng xuất hiện vào đúng lúc nhất, đưa giỏ hoa hồng có thứ gì đó ở bên trong mang dấu hiệu cầu hôn, và chàng trai chỉ cần quỳ xuống, bóng bay nổ lụp bụp chung quanh hoặc confetti rụng như sung chung quanh hai người. Taxi là sự chuẩn bị quan trọng nhất để đưa đúng người, tới đúng nơi, vào đúng thời điểm, mà không sợ trời bỗng nhiên mưa!

Đàn ông cần chuẩn bị: Thợ ảnh chụp lén. Một nhóm người đứng xem, vỗ tay theo nhịp điệu, có thể quay video clips theo phong cách “lộ diện màn cầu hôn ấn tượng” để sẵn sàng tung lên mạng, một nhà hàng được bảo chứng cao cấp hoặc lãng mạn đã được đóng dấu. Một anh hầu bàn không biển thủ mất quà đính hôn đắt giá trong giỏ hoa được chuẩn bị trước.  Một người lăm lăm cây pháo bông đứng sau lưng, nhưng lại không lộ mặt cho tình nương trông thấy. Tốt nhất là nên chuẩn bị sẵn taxi đón và rước, phòng khi trời mưa, chàng và nàng tới địa điểm tập kết với mũ bảo hiểm ướt rượt và váy áo cũng như giày tất ướt sũng vì lội qua đường phố ngập nước. Lúc ấy, chả còn lãng mạn nào kéo lại được để bù đắp cho thực tế ảm đạm vì lội nước mưa. Nên chuẩn bị sẵn số tiền phải trả cho nhà hàng, để cầu hôn xong, không đến tiết mục vừa rút ví ra đếm tiền, trước mặt vợ sắp cưới, vừa căng thẳng nhẩm đi nhẩm lại danh mục các khoản phải trả tiền trên bill.

Về phía cô người yêu, cô chỉ cần chuẩn bị một thứ duy nhất, đó là: giả vờ làm như không biết điều gì sắp xảy ra!

Mình thích mình của thời điểm đó.

Press clipping:

Nếu bạn thực hiện một chiến dịch quảng bá cho nhãn hàng nào đó, hẳn bạn biết press clipping là một bản thu hoạch chất lượng cho những gì bạn đã làm. Nhưng khi cầu hôn xong, press clipping tình yêu sẽ dành cho ai xem?

– Blog và website cá nhân dành riêng cho việc trưng hàng. Trong đó, những bức ảnh trên Facebook có thể khiến những cô đồng nghiệp của bạn ghen tị lồi mắt. Đôi khi, việc chơi trội của những chàng trai thế kỷ hai mốt khiến phụ nữ thế kỷ hai mốt cũng phải lác mắt. Sau đó, điều chỉnh lại mắt và đi tuyên truyền cho hạnh phúc bản thân.

– Hoàn hảo cho tới từng cái nháy mắt: Một phụ nữ phong cách không thể bị cầu hôn theo cách tầm thường. Bạn buộc phải sở hữu thứ đẳng cấp nhất, trong đó, bao gồm cả từng khoảnh khắc, từng lời nói. Thậm chí, bạn không quan tâm lời cầu hôn sẽ mang lại cuộc hôn nhân như thế nào, bạn chỉ cần lời cầu hôn được thốt ra một cách xứng đáng!

– Đôi khi báo chí tung hô những sự kiện đình đám của… những đôi tình nhân ngoại hạng (không biết xếp hạng vào đâu!) như trao nhẫn cưới trước mõm cá mập trắng; cầu hôn trong lúc nhảy dù không cần dù; tên người yêu được sắp hình khổng lồ trong trái tim, có thể nhìn thấy từ trực thăng, xếp bằng một vạn cái còng số tám và gai hoa hồng; hot-girl giàu nhất làng nhận lời cầu hôn của hot-boy già nhất thành phố; nàng Tây Thi lộ nhẫn đính hôn với “giai lạ” v.v… Thật tuyệt vời, những tin báo mạng ấy được những cô người yêu muốn cưới, tế nhị hoặc vờ sơ ý, sưu tập bằng hết để cho chàng người yêu xem kỹ càng, và vô ý bình luận một cách khát khao về màn cầu hôn trong mơ!

Đàn ông, lại đang yêu, ai dám không tuân lệnh? Ai dám trả vờ không hiểu ra ngụ ý xảo quyệt ngây thơ của phụ nữ?

Nhưng tất cả những điều ấy, những kỳ công xếp sắp, những màn tỏ tình ấn tượng, cầu hôn choáng váng khiến dân văn phòng phát sốt, sự lãng mạn đắt giá và giá đắt ấy, nói lên điều gì?

Nói lên một điều gì đó, gần với nghệ thuật trình diễn nhưng bắt đầu xa với sự chân thành của tình yêu.

Vô số những đôi vợ chồng đã cầu hôn bằng chỉ một nụ hôn, giản đơn không cầu kỳ, ở một nơi nào đó riêng tư, không có ai vỗ tay và chứng giám cho họ. Tôi có một cô bạn dễ thương lắm, một ngày đẹp trời, bạn ấy ngồi uống cà phê với anh chàng bạn ấy yêu, và bạn ấy nhìn chăm chú chàng trai, bảo: “Hay là mình cưới nhau đi!”

Con gái cầu hôn, không màu mè, không ai phải đắn đo. Nếu thực sự yêu, ai cầu hôn ai quan trọng gì, và hứa hẹn cùng sống chung thiêng liêng và riêng tư đến mức có khi chỉ cần một cái nắm tay là thấy đủ.

Không ai phải trình diễn, hoặc đóng kịch. Sự lãng mạn đình đám và sự cầu hôn khoa trương có tuyệt vời không, có chứ, nhưng là những thứ tuyệt vời hời hợt không cứu vãn được những cuộc hôn nhân chuộng hình thức ngay từ giây phút đầu tiên.

Vì nói cho cùng, trong tình yêu, ta diễn cho ai xem? Trừ khi bạn là người của công chúng, bạn cần phải có một cuộc cầu hôn đình đám để tung lên báo chí, khỏa lấp chỗ trống những khi người ta không biết nói gì về bạn!

Hôn nhân sorry

Cô bé và cậu bé thường ra ao chơi đùa, câu cá, xúc tôm. Thường cậu bé mang về nhiều chiến lợi phẩm, vẻ đắc thắng. Còn cô bé về tay trắng, mắt rưng rưng.

Rồi trước bữa cơm tối, cậu bé chạy qua đập cửa nhà cô bé, cô bé nhìn thấy cậu bạn, hất đầu ngoảnh mặt đi. Cậu đùa cười: “Xin lỗi nhé, tớ toàn cướp hết tôm với cá của ấy, thôi để tớ nuôi nó trong lu, rồi tớ tặng đằng ấy!”.

Câu xin lỗi rất trong sáng.

Cậu trai thường quen ghẹo cô bạn gái, trêu tới mức cô bạn bật khóc, xong rồi cậu phải chạy theo dỗ dành, dỗ từ lúc cô còn tóc đuôi gà cho đến khi cô tóc xõa ngang bờ vai. Cậu thích lén lút xì hết hơi lốp xe đạp của cô bạn, rồi nấp xem cô bạn chạy quanh xe rối rít tức tưởi. Cậu thích cô bạn gọi điện thoại la mắng, rồi mới xuất hiện, tỏ vẻ biết lỗi, dắt chiếc xe xịt lốp đi như thể chuộc lỗi, nhưng lại như ngầm đắc thắng, trong khi cô bạn gái cằn nhằn đi bên cạnh. Như thế, đường về nhà sau buổi tan học dài hơn nhưng cũng tuyệt thú hơn. Và cậu sẽ nói, xin lỗi nhé, tớ biết lỗi rồi mà, đừng trách tớ nữa. Lời xin lỗi chả có tí ăn năn nào.

Sau khi tốt nghiệp đại học, chàng trai bận rộn vì công việc, có khi liên tục một tháng không được nghỉ ngày nào. Cô gái quen dần những ngày cuối tuần cô đơn, có bạn trai mà như không có ai ở bên. Họ có lần cãi cọ đầu tiên, giọt nước mắt đầu tiên, kỳ chiến tranh lạnh đầu tiên, cái cớ công việc bận rộn đầu tiên, sự làm lành đầu tiên. Sinh nhật cô gái năm ấy, chàng trai hứa một món quà lãng mạn bất ngờ trong tối sinh nhật làm cô gái mong đợi lắm. Món quà bất ngờ đó là anh mất tích cho tới tận hôm sau, và đêm sinh nhật của cô chưa bắt đầu đã kết thúc, cô gái ngủ thiếp đi trong bộ váy mới, với gương mặt trang điểm đẹp nhưng giàn giụa nước mắt.

Sáng sớm ngày hôm sau chàng trai mới về tới, anh ôm khuôn mặt người yêu trong tay nói, xin lỗi, em lấy anh được không?

Lồng chiếc nhẫn vào ngón tay cô, lời xin lỗi trở thành một lời hẹn ước.

Sau đám cưới, công việc của chàng thăng tiến tốt đẹp, thời gian không ở nhà càng dài hơn, còn nàng trở thành một bà nội trợ chuyên nghiệp, ở nhà lo chợ búa cơm nước và ngồi đợi chồng về. Nàng thường ra chợ, tần ngần trước những con tôm sông, cá ao nho nhỏ, và mua chúng về thả vào chiếc bể kính trong căn nhà nhỏ bé sạch bóng. Nàng ngắm chúng ngây thơ bơi qua bơi lại, và mỉm cười yêu kiều.

Dần dà, những bữa tiệc giao đãi khách hàng của chàng dày đặc hơn, những mùi hương chàng mang về nhà cũng ngày càng phức tạp hơn. Mùi quán xá, mùi rượu, mùi tiệc, mùi nước hoa, mùi tiền mới lĩnh từ nhà băng, có khi có cả mùi của những cảm giác mà nàng ngờ ngợ không đoán được tên gì. Nàng lặng lẽ dần, kiệm lời, không vui vẻ như xưa. Nàng không vui buồn vì yêu chồng và đợi chồng nữa. Giờ nàng vui theo phim hài, buồn khóc theo phim truyền hình Hàn Quốc, và ôm gối ngủ vùi trước màn hình tivi, lấy chuyện đời trên màn ảnh để giải khuây chuyện lòng mình.

Chàng thường lay vợ dậy với lời thanh minh, xin lỗi, tối nay vừa phải tiếp khách quan trọng. Lời xin lỗi ấy không cần ai nói, nàng cũng biết đó chỉ là thanh minh. Và thanh minh là dấu hiệu khởi đầu của dối trá.

Anh chồng bắt đầu có những đêm không về, hoặc phải đi công tác tỉnh ngoài, hoặc lo việc khẩn cấp. Công việc càng hanh thông, bên anh chồng càng nhiều người khen nịnh, tán tỉnh. Anh chồng thường cười tự hào. Cô vợ ngày càng ít đi ra khỏi cửa. Những bữa cơm một mình cô vợ chỉ ăn mì gói cho tiện. Và không ra chợ mua rau tươi, chỉ tới siêu thị mua ít vật dụng sinh hoạt thiết yếu. Cuộc sống lứa đôi trở thành cuộc sống riêng hai khoảng trời, chỉ chung nhau phòng ngủ. Anh chồng thường an ủi vợ, xin lỗi vợ nhé, tại anh bận rộn quá. Cho tới một ngày, cô vợ cũng không buồn gọi điện hỏi xem mấy giờ chồng về nhà nữa, vì cô không muốn nghe đầu dây kia điện thoại nói xin lỗi, khách sáo như thể đó không phải là chồng mình.

Bởi câu xin lỗi là một câu nói đãi bôi.

Bà vợ sếp bắt đầu học cách tivi dạy dỗ, rằng chồng không thích về nhà ngắm vợ là bởi vợ đã trở nên cũ kỹ. Tivi dạy rất nhiều kỹ năng làm vợ. Bà vợ quyết không chịu thua, quyết tự mình giành lấy hạnh phúc của mình chứ không chịu đầu hàng cuộc sống. Bà vợ sếp đi spa, làm đẹp, đổi kiểu tóc, thay đồ hiệu thời trang. Và rời tiệm trang điểm, bà vợ sếp tự tin tới công ty chồng để chuẩn bị cho sự ra đời của một “sếp bà” chính hiệu, đẹp và quyền lực.

Công ty chồng đẹp hơn mấy năm trước thời chàng và nàng còn hò hẹn. Vợ sếp đi qua cửa kính, qua các cô lễ tân trẻ măng, qua thang máy xịn, qua hành lang thiết kế đẹp để tới phòng làm việc của sếp. Và khi đẩy cửa…

Bà vợ không nhìn thấy ông chồng hay thanh minh xin lỗi của mình. Nàng không thấy chàng đã cầu hôn mình. Cô gái không bắt gặp cậu bạn học đã xịt lốp xe đạp của mình. Cô bé không gặp được cậu hàng xóm đã cướp tôm của mình mang về thả lu nước ngày xưa. Chỉ nhìn thấy một người đàn ông đang làm tình với một người đàn bà trên bàn làm việc.

Đêm ấy giông gió trên khắp thành phố lớn. Người chồng đội mưa chạy theo vợ về nhà, hổn hển nói, anh xin lỗi, anh vẫn còn rất yêu em. Nhưng người vợ dường như không nghe thấy gì cả. Bởi lời xin lỗi đã trở thành mũi dao đâm xuyên thấu trái tim cô.

Người đàn bà mất tích khỏi cuộc đời người đàn ông từ đó. Căn nhà trống, chỉ toàn đồ vật không hơi ấm. Điện thoại của người đàn bà bỏ lại chỉ có một số điện thoại của người đàn ông lưu trong đó. Chồng là người quen duy nhất, người bạn duy nhất, người thân duy nhất mà người đàn bà cần lưu giữ. Khi tình yêu ấy chết đi, người đàn bà cô đơn và trắng tay đi vào cuộc đời. Chị mang theo lũ cá tôm bé bỏng ở góc nhà, nhưng người đàn ông vốn không bận tâm điều đó. Ông ta vội vã và mong muốn đi tìm vợ, thời gian đâu tìm lũ cá tôm vô danh bỗng dưng đã biến mất.

Người vợ đã biến mất y như quá khứ.

Một ngày, bưu điện chuyển tới nhà người chồng một bưu phẩm. Trong đó là những tiêu bản tôm, cá đã khô kèm một bức thư:

“Em không còn đủ dũng cảm để tìm gặp lại anh một lần nào nữa, bởi em quá yếu đuối, hoặc bởi em không còn muốn gặp lại anh thêm, em nghĩ anh chắc vẫn là anh, anh vẫn không có gì thay đổi đâu. Bởi thế, nên giờ đây em sống khá dễ chịu, em đã học được cách yêu bản thân, em học được cách kiếm tiền nuôi bản thân, em biết sử dụng thời gian để sống chứ không phải để chờ đợi anh về nhà, chờ những mâm cơm nguội đi, với cái máy điện thoại mở suốt 24 giờ chờ anh gọi về.

Đơn li hôn đã ký sẵn em để dưới chậu cá góc phòng, anh ký rồi gửi ra tòa là xong. Xin lỗi anh, em thực sự mệt mỏi rồi.”

Một ngày sau, tivi đưa tin một phụ nữ nhảy lầu tự sát, từ một chung cư cũ.

Có người chỉ nói “Xin lỗi” một lần trong đời, nhưng xin lỗi như một câu nói kết thúc.

Nếu bạn yêu ai, hãy thương lấy người đó. Hãy ít nói “xin lỗi” đi, bởi yêu và thương quý giá hơn mọi lý do khác.

(Trang Hạ dịch – Theo huayuworld.org)