Danh mục lưu trữ: truyện ngắn

Cáo non và gái già

1. Nàng cáo tinh ranh và đẹp, trẻ nữa, tất nhiên. Gái già công sở thì lại thường khôn ngoan và tinh ý dã man! Ngay từ lúc tuyển dụng, gái già đã đắn đo nói với nàng cáo trẻ:

– Em rất mạnh mẽ và ấn tượng trong việc thể hiện bản thân. Nhưng chị muốn lập một giao kèo với em, trước khi nhận em vào làm ở công ty này! Đó là, không được vô cớ bỏ cài nút áo trên cùng! Và không đi giày đế cao tới 11 phân như thế, công việc phải chạy đi chạy lại nhiều, em biết mà!

Cáo non nhoẻn cười tự tin. Ngày đầu tiên đi làm, quả nhiên nàng đã không bỏ qua bất kỳ nút áo nào, chỉ bởi, nàng mặc bộ váy liền màu đen đoan trang, cổ tròn chẳng có hột nút nào, nhưng để nguyên cánh tay trần gợi cảm. Và đôi chân thon thả mang tất lụa màu da kín đáo lộ ra dưới gấu váy khéo léo còn hấp dẫn hơn tất thảy những màu sắc lòe loẹt khêu gợi nào khác.

Nàng tự tin tới mức, không giấu giếm đây chỉ là bộ trang phục công sở mùa thu năm trước. Chẳng qua, nàng cáo đã tinh tế bỏ cái thắt lưng vải đồng màu cứng nhắc và quá đơn điệu đi, để thay bằng một chiếc thắt lưng da nhỏ màu đỏ cực kỳ duyên dáng và đúng thời trang. Phụ nữ mà, chỉ cần biết khéo léo phối màu một chút, thay đổi một chút phụ kiện, bộ cánh năm ngoái đã nổi bật lên thành đóa hoa rực rỡ công sở của năm nay.

Chỉ bằng câu chuyện xoay quanh bộ váy áo duyên dáng và lý do “chuẩn không cần chỉnh” để lựa chọn trang phục ở văn phòng mới, chỉ trong vòng hơn một tiếng buổi sáng đầu tiên đi làm, nàng cáo đã kết thân được ngay với tất cả những chị đồng nghiệp trong văn phòng. Trừ gái già!

2. Gái già ngồi ở phòng đối diện, một mình, tiện nghi và quyền lực. Gái già có vẻ hơi bất an. Bởi màu đen từ đầu xuống chân vốn là thương hiệu độc quyền của gái già ở công ty này. Những bộ vest nghiêm nghị và sức mạnh toát lên từ bộ trang phục đen là một thứ làm gái già thêm bản lĩnh, khi đối diện với những đối thủ cạnh tranh toàn đàn ông, đang nhòm ngó những thương vụ của gái già. Cũng làm gái già thêm cứng cỏi và uy thế rõ trước những nhân viên công ty.

Thế mà, chỉ một cái thắt lưng da màu đỏ mảnh mai của cô nhân viên mới, bỗng nhiên gái già cảm thấy xốn xang con mắt. Như thể, trong cả một ngày dài bận rộn, bỗng nhiên lật ra trong đống thư từ công văn có một tấm bưu thiếp của ai đó đi du lịch gửi tới cho mình, hình ảnh một miền đất mới, thoáng chốc tươi mát bất ngờ và bâng khuâng vì những gì đó đẹp đẽ mới mẻ hình như vẫn ở ngay rất gần bên ta.

3. Có người từng nói, phụ nữ mặc trang phục công sở là quần và áo sơ-mi, thường là những người tháo vát quyết đoán, nhưng dễ xung đột với đồng nghiệp. Còn phụ nữ duyên dáng trong bộ váy công sở mới thực sự là người phụ nữ tự tin vào sức mạnh mềm mại của giới tính, quan hệ với đồng nghiệp cực tốt, và sẵn sàng nghênh đón thách thức của nghề nghiệp. Nên một bộ váy công sở duyên dáng mới đích thực là một sức mạnh của người phụ nữ, được bao bọc bởi thời trang và hiểu biết.

Một tháng trôi qua, đủ để nàng cáo non trình diễn hai chục bộ váy công sở quyến rũ, hợp dáng, trẻ trung. Và gái già vẫn ngồi phòng mình, vẫn mỗi sáng khoác quần vải đen và áo sơ mi cùng kiểu, đẹp và cắt may khéo nhưng vẫn không giấu được vẻ lặng lẽ của thứ màu sắc cá tính một cách buồn rầu.

Người đàn ông thứ năm đã chia tay gái già với câu nói, mà không biết nếu viết thì nên kết thúc bằng dấu hỏi hay dấu chấm than:

– Em có thể học cách yêu lấy bản thân mình trước khi yêu công việc, được không.

Yêu bản thân là gì? Không phải phụ nữ hiện đại bị buộc phải chạy theo cái nhu cầu điên rồ của xã hội này, là phải khẳng định bản thân tài giỏi, phải kiếm được tiền để sống một cuộc sống độc lập, phải thành đạt để không phải ăn bám đàn ông sao? Khi đã xác định mục tiêu ấy, ngoài công việc thành đạt ra, điều gì quan trọng hơn, trước khi ta đến với tình yêu?

Kể cả sau khi ta đã rời khỏi tình yêu?

4. Sau cuộc họp công ty, phòng kinh doanh nhất trí bầu nàng cáo non làm trưởng dự án thử nghiệm sản phẩm dịch vụ mới tới khách hàng. Vì dự án có nội dung khá quan trọng là kết nối truyền thông và cải thiện hình ảnh thương hiệu thông qua sản phẩm dịch vụ mới, còn nàng cáo lại quá dầy kinh nghiệm, khi nàng vốn nhảy việc từ một công ty PR.

Sau cuộc họp, gái già gọi cáo non sang phòng, hỏi bâng quơ:

– Tủ đồ của em đã được trình diễn hết chưa?

Nàng cáo mỉm cười và tự tin:

– Em tin các chị trong phòng chọn em không phải vì em mặc đẹp! Mà là vì công việc. Chính chị cũng tán thành việc để em thử đảm nhận dự án này mà!

Gái già mỉm cười lạnh nhạt:

– Vì em vẫn luôn thể hiện mình rất tốt, đúng không? Nhưng, từ khi em vào làm, chị thấy ngày nào công ty cũng có thêm một vài người mặc váy mới tới công sở. Lôi kéo đồng sự bằng vẻ bề ngoài có vẻ không bền, em nhỉ?

Cáo non cắn môi bối rối, rồi quả quyết:

– Chị có nghĩ rằng, chỉ cần thay góc nhìn khác, mọi vấn đề của chị sẽ được giải quyết?

Gái già cười, miệng cực tươi nhưng mắt sắc lạnh:

– Chị có vấn đề gì sao? Mà sao bản thân chị không nhận ra?

Cáo non tiến tới, nói:

– Xin phép chị!

Cáo non sửa lại chiếc khăn lụa đang thắt gọn ngay ngắn giữa cổ áo gái già, như vị trí cái nơ trên cổ một cô bồi bàn. Cáo non kết lại nút khăn và kéo lệch sang bên, duyên dáng theo cách quàng khăn của một nàng tiếp viên hàng không.

– Chị rất tuyệt vời! Nhưng chỉ soi gương nhiều hơn một chút thôi, thay bằng soi vào màn hình máy tính, chị sẽ còn rạng rỡ hơn vô cùng! Có điều, chị có sẵn sàng để chia tay với thói quen tẻ nhạt nào đó hay không!

Lần đầu tiên, gái già chớp mắt nhiều đến thế trước mặt cáo non. Ngón tay cáo già đặt lên chiếc khăn lụa trên cổ áo, một cách lạ lẫm!

Cáo non ra khỏi phòng gái già, kín đáo nắm tay hét “Yeah!” nho nhỏ! Nàng quay về bàn máy tính của mình, ghim ngay lên bàn mình mẩu giấy nhỏ:

“Cảm ơn Đẹp!”

Cáo non đính nó lên cạnh câu châm ngôn tự dặn mình trong ngày đầu tiên đi làm:

“Vì phụ nữ tài giỏi là người không quẩn quanh ở văn phòng!”

Câu này, chẳng biết ai nói. Chỉ là nó luôn xuất hiện trong đầu, khi nàng cáo băn khoăn trước một bộ đồ đẹp, rằng có nên đầu tư cho bản thân bằng cách đẹp từng ngày hay không.

Tình khúc

Tôi quen Vĩnh khi sắp sửa mười chín tuổi. Mọi cái xảy ra giống như khi bạn đi một mình trên phố và bỗng dưng nghĩ rằng: Mình dừng lại có được không?

Vĩnh chỉ sinh ra trước tôi có một tháng. Vào cái ngày mùa đông mà tôi lơ ngơ ôm cuộn giấy vẽ và xách cái túi nhỏ đựng mấy tuýp màu đến, Vĩnh còn là một cậu trai có ánh mắt dài dại. Mái tóc đằng trước dài đến ngớ ngẩn giấu đi một phần cái nhìn bất kham. Trên tường nhà Vĩnh treo la liệt các bức vẽ, hơi mờ bụi hoặc ít ra thì cũng mang dáng vẻ như thế. Các bức vẽ còn ẩn giấu một cái gì chưa định hình.

Khi đó Vĩnh thờ ơ lắm. Tôi gói kín lại dáng dấp kiêu hãnh, hơi nghiêng đầu nhờ Vĩnh vẽ hộ một bức màu nước, mắt tôi chẳng biết đặt vào đâu, cuối cùng tôi nhìn chằm chằm vào bàn tay cậu ta phía đối diện. Lời tôi nói rơi ra nhẹ tênh. Chẳng còn biết làm gì để lấp khoảng trống im lặng, tôi liền kể với Vĩnh rằng đây là bài vẽ để thi học kỳ của bạn tôi đang hoc Sư phạm khoa Tiểu học. Rằng trước đây bài kiểm tra của nó tôi thường vẽ hộ nhưng điểm chẳng bao giờ quá 5. Rằng tôi cũng rất thích treo trong nhà một bức tranh vì hình như sắc màu hội họa làm gian phòng ấm áp hẳn lên. Tôi huyên thuyên ngớ ngẩn, đến khi nhận ra Vĩnh vụng về giấu đôi tay thanh mảnh ra sau lưng để tránh cái nhìn của tôi, tôi im bặt rồi xin phép về.

Lần sau gặp lại, Vĩnh đã vẽ xong cho tôi một ngôi chùa cổ gạch ngói xanh đỏ, tôi cho là đẹp lắm. Vĩnh không phải vụng về giấu đôi bàn tay mảnh mai ra sau lưng nữa, hôm đó tôi đã nhìn lên những bức bột màu trên tường, nói rằng thích bố cục trong tranh tĩnh vật của cậu. “Tại sao trong tranh của Vĩnh, những gam màu sáng không làm bức tranh rạng rỡ mà chỉ toát lên tâm trạng buồn, hơi u uẩn? Ở đây không phải là nỗi buồn vu vơ mà là một thứ trầm mặc trước hiện tại, được Vĩnh chấp nhận?” Vĩnh không trả lời cho tôi những câu hỏi ấy. Cậu chỉ nhìn tôi và những bức tranh thật lâu. Im lặng! Lúc ấy trong phòng không chỉ có hai người, còn bạn gái của tôi nữa. Tôi ngốc lắm, ngỡ mình đã làm Vĩnh phật ý nên đỏ mặt, bối rối rút lui, không quên đem theo bức vẽ ngôi chùa cổ và để lại một lời cảm ơn lí nhí.

Hôm sau, bạn gái tôi đã cười khanh khách kể toáng lên ở giữa lớp: “Mày về rồi, ông Vĩnh mới kêu: “Cô bé này bao nhiêu tuổi? Mười chín, bằng tuổi tôi à? Thế mà nhận xét của cô bé cứ như là…”. Vĩnh khen hay chê tôi cũng chẳng biết nữa. Nhưng tôi nhận thấy trước mặt Vĩnh, bạn tôi hiền và ý tứ hơn.

Tôi có một cái phòng riêng nho nhỏ, giới hạn bằng một bức tường lửng lơ và cái tủ đứng nặng nề mà tác dụng lớn hơn cái hòm đựng quần áo chỉ ở chỗ, tôi có thể dán hoặc treo lên đó cái gì mà tôi thích. Tôi đánh dấu ngày đầu tiên trở thành sinh viên bằng việc treo lên tủ tờ ảnh quảng cáo to tướng của một ban nhạc Pop nổi tiếng những năm 60-70. Khi phát hiện ra Vĩnh có cái nhìn của một trong bốn ca sĩ nổi tiếng đó, tôi đã gỡ bức ảnh xuống, cuộn lại rồi đút vào tận xó tủ. Không dễ thú nhận ấn tượng Vĩnh để lại trong tôi với những câu nói ngắn, chính xác và hơi bất cần. Lần đầu đến chơi nhà tôi, Vĩnh đã ngạc nhiên vì khoảng trống bất thường mà lẽ ra tôi phải treo lên đó một mảng màu nhẹ nhàng. Tôi không biết cách nói dối, đành nhún vai rất ngộ nghĩnh: “Đôi khi người ta cũng phải biết nói câu: Chưa thể…” Việc gì đến phải đến. Tuần sau Vĩnh đem tới cho tôi một bức tranh mới vẽ.

ảnh: Trang Hạ

Tôi đang tập chơi ghi-ta. Tỉ mỉ dò theo từng nốt nhạc, đôi lúc không kìm được tôi gảy lung tung cả sáu sợi dây đàn không theo một nhịp điệu nào cả. Vĩnh cười sự phá phách trẻ thơ ấy rồi cẩn thận cắt lấy những bản nhạc hoặc những bài báo đại loại như: “John Lennon đã chết như thế đấy… Tám năm của ABBA…” cho tôi đọc. Tôi chỉ muốn hát lên được nỗi lòng vu vơ của mình, không có ý định trở thành ngôi sao ca nhạc nên để lung tung mỗi nơi một tờ. Khi nào ngồi cạnh Vĩnh, tôi lại lục lọi ra một đống những câu hỏi ngớ ngẩn: “Sao vệt nắng này Vĩnh vẽ nhạt thế, Hoa biết là nắng buổi sớm hay nắng ban chiều? Vĩnh có vẽ được tiếng chim một bình minh mưa ngoài cửa sổ không? Tại sao tranh của Vĩnh im lặng thế?” Có lúc Vĩnh trầm ngâm, có lúc cậu giảng giải cho tôi hàng giờ liền với tất cả say mê. Nét hoang vắng trong mắt Vĩnh thoáng bừng lên như lửa rồi lại xa xăm. Một lần như thế, Vĩnh chiều ý tôi vẽ thêm một bông hoa đại rụng trên sân chùa. Rồi Vĩnh ngẫu hứng vẽ liền thật nhiều bông đại trắng. Bức vẽ sắp hoàn thành phải bỏ đi nhưng tôi khoái chí đem nó về treo trong phòng. Những bức tranh của Vĩnh bắt đầu chiếm dần chỗ trong phòng tôi.

Vĩnh không biết nổi nóng nhưng hơi ngang ngang. Tôi cũng hơi ngang ngang. Tôi cười khi người ta khóc. Và đôi khi, khóc cho cái người ta cười. Giá trị của mọi cấu trúc ngữ pháp và từ mới lộn tùng phèo khi tôi đi chơi cùng Vĩnh. Tôi sẵn sàng đi tới bất cứ đâu chỉ để ngồi lặng đằng sau xem cậu ta vẽ, hỏi những câu hoặc quá ngu ngơ hoặc quá thâm trầm. Ngược đường gió, chúng tôi trở thành, hình như là, hai gam màu ăn ý nhau.

Rồi… tôi biết mình không thể nói với Vĩnh những câu chuyện bồng bột vô tâm nữa khi bắt đầu gọi Vĩnh là anh. Trong tranh của Vĩnh đã có chút xôn xao thầm kín. Chương trình đại học làm cả hai cùng cảm thấy thiếu thời gian. Khi tôi ôm lấy cây đàn, những nốt nhạc không còn rời rạc nữa. Vĩnh cũng rất thích những tình khúc Nhật Bản. Có lẽ bởi vì khi hát nó cho anh nghe, tôi nói được một chút nỗi lòng mình. Một lần Vĩnh nói rằng anh vẽ một bản tình ca. Tôi chỉ nhận thấy trong tranh khuôn mặt tôi, đôi môi hé mở ngơ ngác. Sau mái tóc dài rối bời là đôi mắt nâu ai đó mang nét nhìn hoang dại, bất kham. Bài tình ca đó tôi chẳng bao giờ hát được. Những ngón tay bất lực, tôi lại gảy lung tung vào cả sáu sợi dây dàn, tìm thấy ở giữa lộn xộn thanh âm một chút gì đó thiết tha ấm áp vô cùng. Tranh của Vĩnh bắt đầu được để ý đến. Lúc đó tôi được nhận vào làm trong một hội chợ quốc tế sắp mở trong thành phố. Với cả Vĩnh và tôi, sinh viên cuối năm thứ ba, như thế là khá lắm.

Khi đó tôi hai mươi tuổi, vẫn khen cái gì người ta chê và chê những gì người ta khen Vĩnh. Vĩnh không bao giờ vẽ tôi nữa nhưng tôi nhìn thấy bóng dáng mơ hồ của mình trong những cô người mẫu của anh. Thế có nghĩa là anh nhìn thấy tôi, nhớ về tôi cả khi ngồi trước người con gái khác. Tôi thấy mình bồn chồn và lạ lẫm, khác xưa nhiều sau mỗi tối đạp xe một mình lang thang, không biết gọi tên nỗi thổn thức trong lòng.

hoa Dã Yên Thảo ở Đài Nam, ảnh: Trang Hạ

Ngày ấy tôi vụng dại hơn bây giờ nhiều, không biết giữ lấy bông cúc hoạ mi tuổi hai mươi dâng tặng chỉ vì không dám tin những cánh hoa trắng mỏng manh kia là có thực. Đêm ở biển, Vĩnh đã không kìm được ôm chặt lấy vai tôi, cùng nhìn ra hướng xa khơi mù mịt. Tôi nghe thấy tiếng gió thổi hù hù, tiếng biển gầm gào, tiếng trái tim Vĩnh đập trong ngực tôi hồi hộp. Tôi biết tóc mình bay xoà lên mặt anh, qua đôi mắt có ánh nhìn dài dại, sóng đêm liếm lên bàn chân mình và vòng tay anh xiết chặt. Rồi thôi!

Tôi cứ chờ đợi mãi. Nước mắt rơi trên dấu chân tôi khi khuya về, tôi bước lùi về phía bờ, nghe lòng biển còn thổn thức những điều chưa nói được. Rồi có khi nằm úp mặt xuống gối, trong tiếng gió xoáy lên ngọn phi lao bờ biển, tôi nghĩ rằng tất cả tựa như một giấc mơ. Tôi đã không giấu được nỗi khắc khoải trước biển, ngóng đêm xuống được đứng cùng Vĩnh, anh ghì chặt lấy vai tôi… Để rồi sự lặng thầm theo vào giấc mơ lạ lẫm.

Sau kỳ nghỉ ở biển mùa hạ ấy, Vĩnh mang đến nhà tôi bức tranh vẽ bản tình ca ngày trước, góc phải ghi dòng chữ nguệch ngoạc: Tôi yêu em.

——–

Bốn năm sau tôi lấy chồng. Quang hơn tôi hai tuổi, biết cách chăm lo và che chở cho tôi, mang cho tôi hạnh phúc ngọt ngào và quá yên ả. Tôi vừa lòng với cuộc sống mới, để lại đằng sau là tuổi hai mươi đi hoang dọc bờ cát triền sông với Vĩnh, lang thang trong mối tình đầu trắc trở và thánh thiện, tôi đã yêu và được yêu… Khi người ta trẻ, những gì ban sơ thắm thiết dễ vỡ hơn người ta tưởng. Quang yêu tôi, anh tin rằng cái đã qua với tôi chỉ là những bồng bột nhất thời khi người phụ nữ chưa kịp hiểu hết mình. Tôi biết ơn Quang, cố gắng nâng niu hạnh phúc đang có, khi không đủ can đảm so sánh hai người đàn ông, hai tình yêu, một lần toả hương và một lần kết trái. Dư âm của tuổi hai mươi đầy khao khát và dĩ vãng tình yêu đủ để tôi đi lang thang hoặc ngồi lại một buổi hiếm hoi trong quán nhỏ hẻo lánh nào đó, nghe Vĩnh kể về cuộc sống cô độc hiện tại, về chốn bon chen phù du mỗi khi Vĩnh trở lại thành phố. Sau mỗi lần như thế, tôi thương Vĩnh hơn, thương cả Quang nữa. Tôi cảm thấy mình cồn cào và hụt hẫng, không bình ổn. Quang biết hết những xao động ấy nhưng không bao giờ nói gì, chỉ chăm lo tới tôi hơn nữa. Tôi thấy mình có lỗi kinh khủng với cả hai người đàn ông. Nhưng tôi không thể làm gì được.

Bây giờ tôi không có thời gian chơi ghi-ta. Tôi phải quen với những vị trí mới trong xã hội, không được phép ngang ngạnh và phá phách như tuổi hai mươi trên sáu sợi dây đàn. Bức vẽ bản tình ca ngày nào, Vĩnh xin lại tôi đem về thành phố nơi anh ở. Tôi khuyên Vĩnh nên cắt dòng chữ: “Tôi yêu em” ở góc tranh đi, Vĩnh im lặng, lướt nhẹ ngón tay mảnh mai lên khuôn mặt tôi tuổi hai mươi trên bức vẽ. Tôi bám chặt vào thành ghế run rẩy, chỉ một chút nữa là xô vào ôm lấy Vĩnh. Chỉ cần Vĩnh nói lên một tiếng, có thể tôi đã bỏ lại tất cả để đi theo Vĩnh ngay lập tức. Tiếc là anh lại im lặng.

Tôi đã kể với Quang cả chuyện ấy nữa, không mang gì hơn là màu sắc của một kỷ niệm buồn bã. Tôi muốn anh hiểu những khoảnh khắc tôi cô độc, day dứt và thắc thỏm trong tình yêu bình yên của anh. Hình như một cuộc sống dữ dội, một hạnh phúc dữ dội mới đích thực là của tôi. Cái gì bình lặng quá dễ khiến người ta vô cảm và mỏi mệt. Vĩnh tiếp tục vẽ. Bây giờ một hoạ sĩ có tài kiếm sống không chật vật. Anh không vẽ chân dung thiếu nữ nào nữa, vì nghĩ rằng cái gì đẹp đều quá mong manh hay vì sợ gặp lại nét bút ngày xưa? Tôi có lúc bỗng muốn thoát ra khỏi tình yêu ràng buộc, thèm khát quãng đường khoáng đạt xưa kia, thèm khát được đến bên Vĩnh trong một quá vắng dọc nẻo đường xa lạ nào đó, nghe anh hát trong cơn say: “Cuối trời mây trắng bay. Lá vàng thưa thớt quá…”

Trang Hạ

10/1993

Trích từ tập truyện ngắn “Tình Khúc” – Giải Khuyến khích cuộc thi “Văn học Tuổi 20” – NXB Trẻ 1995

Đăng trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật 8/1995

quán trà trên núi, ảnh: Trang Hạ