ĐIỀU MẸ MUỐN DẠY CON VỀ HAI CHỮ “GIA ĐÌNH”

Trong cuốn từ điển tiếng Việt, người ta hay gọi là từ điển Hoàng Phê ấy, nhóm các giáo sư của Viện Ngôn ngữ có giải thích chí lý và cấm cãi được về Gia Đình, thế này:

“Gia đình là tập hợp người sống chung thành một đơn vị nhỏ nhất trong xã hội, gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân và dòng máu, thường gồm có vợ chồng, cha mẹ và con cái”.

Sở dĩ nói là cấm cãi nổi, là bởi, cái định nghĩa này, nó được dịch nguyên văn và chính xác từ tài liệu xã hội học của nước ngoài, hay bất cứ thứ tiếng nào trên đời này! Phải là hôn nhân, phải có cha và có mẹ, có đẻ ra con!

Nhưng định nghĩa ấy từ một thế kỷ trước, liệu có công bằng với cuộc sống và tình yêu thương của con người hôm nay?

Khi con mình 6 tuổi, mình vẫn dạy con hiểu, một người độc thân cũng là gia đình một người!

Khi con mình 8 tuổi, mình dạy nó rằng, ông Lão Hạc và con chó Vàng chính là một gia đình!

Khi con 10 tuổi, mình nói người mẹ tàn tật đơn thân nuôi đứa trẻ bị bỏ rơi ngoài xe rác chính là một gia đình!

Bây giờ con 12 tuổi mình giải thích thêm nữa, những cặp đôi đồng tính cũng là một gia đình, họ còn có thể nhận nuôi thêm một bé con – không phải do họ đẻ ra, không cùng dòng máu – nhưng vẫn là một gia đình!

Là bởi chúng ta yêu nhau, đến với nhau bằng tình yêu, sống với nhau giữa thương yêu, điều ấy mới tạo nên một gia đình! Những gia đình ấy vẫn đang miệt mài tìm kiếm hạnh phúc và sự công nhận giá trị của hạnh phúc mà họ theo đuổi!

Chúng ta không phù hợp với định nghĩa gia đình của Hoàng Phê, nhưng chúng ta vẫn sống đầy ắp yêu thương và đủ tư cách để tự công nhận là một gia đình! Có lẽ nên sửa lại từ điển tiếng Việt và những giáo điều trong sách giáo khoa?

Xem người mẹ ba chân trong “Đợi đến lúc an toàn 2”, sẽ thấy định kiến đầy rẫy và áp đặt, đã tàn tật sao chăm con được? Ủa chứ người tàn tật ko có quyền xây dựng gia đình, bị ngăn chặn quyền làm mẹ?

Rồi những cặp đôi đồng tính sống giữa xã hội định kiến đã mệt mỏi, lại còn tiếp tục đấu tranh để bảo vệ con cái giữa vòng vây miệt thị, đứa trẻ làm gì có lỗi? Hay hai người bố ấy chỉ vì yêu nên tất nhiên bị tước đi quyền làm bố?

Thỉnh thoảng, khi chúng ta ái ngại, thương hại cho người khác, chính là lúc chúng ta âm thầm ngạo nghễ và miệt thị!

Chúng ta chất vấn về những gia đình không nằm trong từ điển Hoàng Phê, chẳng qua là chúng ta sợ hãi khi nhận ra bị chỉ mặt đặt tên những định kiến sâu cay trong não bộ của chúng ta.

Một não bộ vì quá ưu tiên an toàn, nên nhìn thấy bất cứ thứ gì không giống mình đều cảm thấy bị thách thức, mất đi sự an toàn cũng như khả năng điều khiển tình huống!

Định kiến xã hội về những gia đình trong “Đợi đến lúc an toàn 2” sẽ giống như những lớp sóng biển vỗ theo cùng một hướng: Lần đầu, chúng ta sẽ vô tình hay cố ý công kích sau lưng người trẻ ấy, cô gái đơn thân ấy, người khuyết tật ấy, người đồng tính ấy khi họ yêu nhau. Lần thứ hai, chúng ta sẽ vỗ mặt họ, khi họ bước vào hôn nhân, công khai, thậm chí đón đứa con. Lần thứ ba, là trở thành sóng thần muốn nhấn chìm luôn cả đứa trẻ vào cơn xúc xiểm thần thánh của đám đông không mất chân tay và lành lặn, ko đồng tính cũng ko ế, có đủ mọi thứ và còn muốn sở hữu thêm một cuốn từ điển Hoàng Phê đúng tới từng dấu phẩy!

Những gia đình được cấu tạo không giống bạn ấy mà, thực ra, họ cũng đang bảo ban con, nuôi dưỡng con, giữ an toàn cho con, tìm kiếm hạnh phúc cho tất cả! Họ đáng được ngưỡng mộ hơn những hạnh phúc tất nhiên mà có!

Bởi họ phải đi một quãng đường rất xa mới tới được với hạnh phúc đó! Bạn đong đếm đi, ở trong “Đợi đến lúc an toàn 2” là bao dặm nhé! #Lifebuoy#Safety4All#AnToànChoTấtCả#Pride#ISEE

https://www.facebook.com/watch/?v=1099337770925751

Một bình luận về “ĐIỀU MẸ MUỐN DẠY CON VỀ HAI CHỮ “GIA ĐÌNH””

  1. Nhà Văn Trang Hạ viết về các vấn đề gia đình theo mình thấy đều chân thực và chính xác ! Lần trước mình cũng có đọc bài nói về sự bất công của Phụ Nữ trong các ngày Tết ! Bài viết hay ! Các ông nên xem bài viết này để hiểu chị em Phụ Nữ hơn !

Bình luận về bài viết này