Kịch bản sân khấu

KỊCH BẢN SÂN KHẤU:

Xin lỗi, em chỉ là con đĩ

Một vở kịch về Tình mẫu tử, Phẩm giá và Tình yêu đầy xót thương

(tên khác dự kiến: 1. Vĩnh biệt Hạ Âu. 2. Anh có cưới em không?)

Tác giả kịch bản: Trang Hạ

chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Tào Đình (Trung Quốc)

Sân khấu nhà hát Hòa Bình – TPHCM 4 – 5 /2010

Nhân vật :

1) Hạ Âu 16-21 tuổi

2) Hà Niệm Bân 29 tuổi, luôn mặc áo sơ mi công sở thắt cà vạt đẹp

3) Bà Bội Ngọc, mẹ Hạ Âu 42 tuổi, sang trọng đẹp đẽ

4) Đại Bản 32 tuổi, sợ vợ

5) Dĩnh Như, vợ Đại Bản 32 tuổi

6) Tiểu Mãn, vợ Hà Niệm Bân 20 tuổi, tốt bụng bộc trực

7) Lưu Quang Đông 55 tuổi

8) Cà Quảy (hài, ốm nhách , quê mùa, thật thà, vụng về)

9) Hứa Văn Cương (hài, gầy hoặc cao, anh hùng rơm, tham tiền, sĩ)

10) Nhác sĩ (nghệ sĩ lề đường, bí ẩn thông thái, lập dị)

11) Ông lái xe Thái Đắc 55 tuổi

12) Vợ ông lái xe (nhân hậu)

13) Một số nhân vật phụ như bà bán chè, các cô chân dài.

Màn

Cảnh 1:

Địa điểm: Sân khấu là một bờ sông hoang vắng, một bãi hoang bên bờ biển hoặc một góc công viên hoang dã không bóng người nhưng gần đường ô tô và bờ nước. Một chiếc ghế công viên đặt chính giữa sân khấu.

Thời gian: Thời điểm là ngày Lễ của mẹ Mother Day, tức là ngày Chủ nhật thứ hai trong tháng Năm. Khung cảnh đầu mùa hè, trời đẹp, tiếng nhạc vui tươi chúc mừng mẹ hoặc những tiếng chúc mừng, tiếng cười khẽ vọng tới. Trời chiều khoảng 5 giờ.

Nhân vật: Hà Niệm Bân loạng choạng bước ra, có vẻ say rượu rồi, mặc bộ đồ công chức, cà vạt sơ mi xộc xệch, như thể vừa tan giờ làm, rời văn phòng ra, lái xe ra độc ẩm bên bờ sông, đã kịp uống vài chén, tâm trạng ẩn ức, bất nhẫn, tức tối, khó chịu. Một tay cầm một chai rượu nhỏ, vuông, một tay kéo cà vạt bứt rứt. Tâm trạng Hà Niệm Bân là đứa con vừa mất mẹ mấy tháng, bề ngoài tỏ ra phớt đời nhưng bên trong rất uỷ mị. Vì thế, thấy người khác vui vẻ làm Hà Niệm Bân lại nghĩ đến hoàn cảnh của mình, vì giữ thể diện nên không muốn cho ai thấy tâm trạng thật, phải trốn ra chỗ vắng tự thoại.

Hà Niệm Bân: Chúc mừng mẹ hạnh phúc, rồi chúc mừng Mother Day. Trời ơi sao hôm nay tôi đi tới đâu cũng nghe thấy tiếng chúc mừng theo tới đó vậy? Cả thế giới đã phát điên vì mẹ hay sao? Họ không còn cớ gì khác để nhảy múa nữa sao? Họ cứ phải réo ầm lên chúc tụng Mother Day thì người khác mới biết là họ có mẹ sao? Còn tôi, tôi biết chúc mừng ai đây, tôi sẽ đi đâu để trốn những tiếng chúc tụng này? Sao không có ngày nào cho những đứa con mồ côi như tôi? Hay cả thành phố này bắt tôi phải vui mừng chúc tụng những bà mẹ của người khác, chỉ vì họ còn sống? Sao cả thành phố bắt tôi phải nhớ rằng, tôi đã mồ côi cha từ khi cha còn sống, nhưng mẹ tôi mất rồi tôi vẫn không chịu mồ côi? Mẹ ơi, mẹ có ở quanh đây không? Mẹ có nghe thấy lời con nói không? Mẹ đã bao giờ cần con tặng mẹ bất cứ món quà nào, chúc bất cứ câu gì vào Mother Day đâu hở mẹ? Thế mà sao bây giờ, khi vừa mất mẹ, con thèm được mua một món quà rẻ tiền cho mẹ, thèm được chúc mẹ cho dù chỉ là một câu sáo rỗng như mọi người khác vẫn nói cửa miệng. Giá mà con được sống lại một ngày thôi, khi con còn thơ dại, mẹ buộc dây giày cho con, lau nước mũi cho con, mẹ dắt con đi trên con đường vắng nhiều cây giống như thế này, hôm đó mẹ ôm con vào lòng và bảo, dũng cảm lên Hà Niệm Bân, con là chàng trai bé nhỏ mạnh mẽ. Con muốn được là đứa bé sáu tuổi mãi mãi ra đi cùng với mẹ, nên con không bao giờ chuẩn bị gì cho cái chết. (Giơ vỏ chai lên nhìn) Cái chết có giống rượu không, lúc đó tay mẹ lạnh dần đi trong tay con. Có mẹ, trong tay con đầy hơi ấm, mất mẹ, trong tay con giờ chỉ còn hơi lạnh lẽo của một thứ chất lỏng đắng cháy. (Vứt vỏ chai trôi theo dòng nước) Con buồn lắm, mỗi câu chúc tụng dành cho những bà mẹ trong ngày hôm nay lọt tới tai con đều như nhắc con rằng mẹ vừa qua đời.

(Đứng sững, cúi gục đầu, nhìn xuống đôi bàn tay buông thõng, có vẻ bất lực, mất phương hướng, hoang mang trong lòng) Bây giờ con làm gì nhỉ? Con phải đi về nhà thôi, con phải giấu mẹ như giấu một bí mật trong tim con. Bây giờ xã hội lạnh lùng lắm! Sếp thì không muốn một nhân viên kinh doanh như con mà tính khí dễ mủi lòng; Bồ bịch gái gú nó thích con hơn vì nhà cao cửa rộng mà không còn phụ huynh quản thúc; Bạn bè chiến hữu hễ ngồi vào quán bar là chỉ lo tán phét, nốc rượu và ve gái, chúng đâu có bận tâm việc mẹ của con còn sống Hay là đã chết. Cứ tan sở làm là chúng nó réo…

(Đúng lúc đó chuông điện thoại di động réo lên thật, hối thúc) A lô, tao đây, Hà Niệm Bân đây!… (ngắt chờ)… Cái gì? Mày bị điên rồi hả Đại Bản?… (ngắt chờ)… Tao bảo mày cũng nhiễm cái cơn thần kinh đang lây lan toàn xã hội để chúc mừng mẹ hả?… (ngắt chờ)… Ừ thì mẹ mày nấu cơm ngon, mẹ mày nấu cơm làm đồ ăn chiêu đãi mày, thế thì mày ăn đi, ăn cho no nê cho béo mập lên cho phụ huynh mày vui lòng, chứ mày mời tao tới nhà mày làm gì? Lạ thật đó nhé, chiến hữu với nhau hai chục năm giờ tao mới thấy mày mời tao ăn cơm nhà mày lần đầu tiên!… (ngắt chờ, lấy cánh tay lau mặt hoặc kéo cà vạt, vừa nói điện thoại vừa nhìn đồng hồ ở tay vẻ sốt ruột với người đầu dây bên kia)… Vợ mày bảo mời tao đến á? Vì mẹ tao mới mất nên bảo mời tao tới ăn cơm cho khuây khoả hả? (giọng chuyển sang cợt nhả) Mày khỏi cần thương hại tao. Mày mới cưới vợ mà tao thấy mày đã khác rồi đó nghe! Hôm nay nó bảo mày gọi điện cho tao, mai nó bảo mày đừng có la cà quán bar với tao, ngày kia nó nhảy lên cổ mày ngồi là mày có hai bà mẹ một lúc đó nha! Cẩn thận nghe con! Ha ha, mày bảo Đại Bản cả đời chỉ có vợ sợ chứ không có sợ vợ hả? Mày nhắc lại coi! Mạnh miệng như vầy chắc đang gọi lén trong toa-lét hả?… (ngắt chờ)…Được, mày ngon mày ra đây, hôm nay mày bỏ cơm bà già mày xem sao, tao chờ mày ở quán bar Yêu Lục! Tao chờ mày nghe rõ chưa? Đừng để anh em phải cáu, nhá!… (ngần ngừ một chút rồi đổi giọng, trở nên nghiêm túc)… Mà này, tao cấm mày từ nay nhắc đến ngày Lễ của mẹ trước mặt tao, nghe chửa! Vì sao, vì sao à? Vì tao ghét, tao thù ghét nó, tao căm thù nó mày biết chưa? (đầu dây kia ngắt máy đột ngột)

Ồ, sao tôi bỗng dưng nổi khùng với thằng bạn chí cốt nhỉ? Hay nó nghĩ tôi mới chính là người bị điên trong ngày Lễ của mẹ?

(Ôm đầu đi vào sân khấu). Sân khấu chuyển sang u ám hơn, có ánh sáng chớp giông vẻ đe doạ. Hạ Âu 16 tuổi mặc đồng phục chạy vào sợ hãi, có vẻ như bị người khác xô mạnh vào sân khấu, Hạ Âu nhìn quanh lạ lẫm đầy cảnh giác, hốt hoảng quay lại nhìn người đàn ông đĩnh đạc đầy quyền lực tiến vào theo sau mình.

Hạ Âu : Đây là đâu? Sao bác chở tôi tới đây? Bác bảo giúp mẹ đón tôi về nhà tôi mà? Đây đâu phải đường về nhà tôi? Mẹ tôi đâu?

(Nhìn Lưu Quang Đông, hai tay ôm cặp che lên ngực đầy vẻ đề phòng, chiếc cặp là thứ tượng trưng cho vũ khí cô che chở bản thân, chút nữa khi cô bủn rủn phó mặc, chiếc cặp sẽ bị buông xuống rồi bị giật lấy dễ dàng tượng trưng cho việc cô buông xuôi chấp nhận).

Lưu Quang Đông : (Không nói không rằng sấn tới lột chiếc cặp trên hai tay Hạ Âu ra, cử chỉ đầy quyền lực và gương mặt không biểu cảm. Hạ Âu lùi lại cố giữ lấy, thành ra giằng co nhau) Không có mẹ nào hết! Lại đây, lại đây mau lên, ta xem nào. Dám chống lại ta à?

Hạ Âu : Không, bác làm gì tôi đấy? Tôi phải về nhà, tôi phải về làm bài tập. Bác cho tôi về nhà đi, mẹ tôi đang đợi tôi!

Lưu Quang Đông: (Không giật được cặp thì một tay giữ chặt vai, một tay nắm lấy cằm và cổ Hạ Âu bóp mạnh, ngửa mặt cô lên, nghiến răng nói) Con nhãi con mà dám cưỡng lại ta à? Mày lớn lên bằng tiền của tao mày biết không? Mấy năm nay mày xinh đẹp bằng tiền của tao. Mày đang mặc cái áo của tao, đi đôi giày da của tao, ở trong ngôi nhà của tao mua, ăn chơi vui sướng bằng tiền của tao, biết chưa? Sự vui sướng và xinh đẹp của mày cũng là của tao, biết chưa? Không có tao thì liệu mày có giương cái gương mặt xinh đẹp bướng bỉnh này lên với ai, hả? (Buông tay, Hạ Âu ngã phịch xuống đất, cô ôm má đau đớn)

Hạ Âu: Không, của mẹ tôi. Mẹ tôi nuôi tôi từ nhỏ, mua giày cho tôi, sắm váy áo cho tôi, mẹ cho tôi đi học, mua đàn piano cho tôi!

Lưu Quang Đông: Bằng tiền của một con đĩ, mày biết không! Tiền của mẹ mày là tiền của một con đĩ, một con gái bao, một đứa đàn bà nhơ nhớp mà cố tỏ ra mình thượng hạng sang trọng quý phái.

Hạ Âu: (Không nói gì, lấy cặp che mặt khóc nức nở, bất lực)

Lưu Quang Đông: (Đi tới dễ dàng kéo chiếc cặp vứt sang một bên, hai tay nắm vai Hạ Âu rồi miết dọc cánh tay cô, chỉ từ vai đến cổ tay thôi với mục đích hưởng thụ, chứ tuyệt đối sẽ không lần nào cầm vào bàn tay cô để sau này chỉ có Hà Niệm Bân mới cầm tay chia sẻ với cô. Mắt của hắn lướt dọc thân thể cô gái, bỉ ổi) Thế nào, mày biết rõ sự thật rồi chứ gì? Mẹ mày kể cho mày à? Hay mày nhìn lén mẹ mày tiếp khách? Thấy thế nào? Hay chưa bao giờ mày thắc mắc vì sao mẹ mày tống mày vào trường nội trú quý tộc và chỉ cho mày về nhà vào chiều Chủ nhật? Vì sợ mày thấy khách của mẹ mày đến và đi thế nào, đúng không? Vì sợ mày sẽ gặp tao, đúng không? Vì sợ mày phát hiện những lúc bà ấy không đóng vai bà mẹ nhân từ hiền hậu và giàu có? (Hạ Âu bịt tai, lắc đầu xua đuổi, Lưu Quang Đông vòng ra sau lưng Hạ Âu, một tay nắm tay cô ép chặt vào ngực, một tay nắm lấy tóc và trán cô bắt cô ngửa đầu lên để nghe ông ta nói từ phía sau lưng, cử chỉ rất bạo chúa) Không chối được à? Mày biết sự thật lâu rồi, đúng không? Tao thấy mắt mày long lên như một con hổ con bị xích giữ trong cái chuồng vàng son từ lâu rồi. Mày muốn ra đời không? Mày biết mày là ai không? Mày thuộc về tao vì chính mẹ mày đã chấp nhận như thế!

Hạ Âu: Không, mẹ tôi không bao giờ để tôi phải đau khổ! Mẹ tôi không để ai bắt nạt tôi! Ông buông tôi ra!

Lưu Quang Đông: (Cười lớn) Ha ha, thế thì giai nhân Bội Ngọc phải tránh xa ta ngay từ ngày đầu tiên chứ, bởi sớm muộn bà cũng biết sẽ phải có cái ngày này! Xã hội này là xã hội của đàn ông, đàn ông như ta mới là chủ nhân. Đàn bà là gì, đàn bà không phải là thứ trang sức của đàn ông sao, đàn bà đẹp càng là thứ khẳng định uy quyền của người đàn ông. Đàn bà phải là thứ xoay quanh đàn ông, là thứ công cụ để ta lên được tới đỉnh cao. Xã hội này làm gì có chỗ cho những tình mẫu tử giả dối của một con đĩ, làm gì có cuộc sống thượng hạng giả dối của một cô tiểu thư nhỏ mà đã bướng như mày, hả? hả? Chẳng lẽ giai nhân Bội Ngọc không nghĩ đến lúc mày sẽ thuộc về tao sao? Sao mẹ mày lại dễ dàng để tao đón mày? Bội Ngọc ngây thơ vậy sao? Tin tao tới vậy sao? Hay tự tin vào sức mạnh của bà ấy tới vậy sao? (Ôm chặt lấy vai Hạ Âu, quỳ xuống trước mặt cô nhìn cô giễu cợt, Hạ Âu cắn môi quay mặt đi không khóc nữa mà lì lợm nhìn khán giả) Hay bà ấy đã sơ ý không thấy là con gái bà đã hấp dẫn lắm rồi, đã quyến rũ lắm rồi. Một người đàn bà trẻ con như mày làm sao giấu nổi nhan sắc? (Đang ngồi, tiện đà sáp tới, ôm lấy Hạ Âu xốc lên vai đưa vào cánh gà vội vã, Hạ Âu cắn môi giãy dụa nhưng không kêu một tiếng nào).

Sân khấu trống một khoảnh khắc, một vài tiếng động khó xác định vọng ra từ hậu trường, như thể một cuộc vật lộn hì hục nhưng không có tiếng người. Người lái xe Thái Đắc đi ra sân khấu, buồn bã kéo mũ xuống vặn trong tay, nhìn sang phía cánh gà rồi quay xuống khán giả.

Thái Đắc: Tôi là một người đàn ông khốn nạn, còn hơn thế, tôi không phải là con người nữa. Tôi chỉ còn là một cỗ máy ngồi sau vô lăng, người ta bảo tôi lái xe đi đâu, tôi phải lái xe tới đó. Người ta bảo tôi làm gì, tôi phải làm nấy. Người ta không bảo tôi ngồi yên ở sau vô lăng, nhưng tôi chẳng lẽ lại dám rời chỗ ngồi sau vô lăng ô tô. Mắt nhìn ông chủ cưỡng hiếp một cô bé con mà phải giả vờ như câm, như mù, như điếc. Xã hội này là của đàn ông ư? Không, xã hội này là của bạc tiền. Ai có tiền, thật nhiều tiền, người ấy có quyền lực. Ai là Lưu Quang Đông, người đấy sẽ có Bội Ngọc, rồi muốn cũng sẽ có Hạ Âu. Còn ai là người lái xe, thì sẽ mãi mãi ngồi sau tay lái. Cho dù trước mắt mình nhìn thấy một đứa con gái đáng tuổi con mình đang bị giày vò. Cho nên nếu tôi xông vào đánh ông chủ để cứu Hạ Âu, thì sẽ còn bao nhiêu Hạ Âu khác sinh ra từ những ông chủ lắm tiền háo sắc và bạo tàn khác? Tôi có cứu được Hạ Âu không, hay tôi cũng chỉ là đẩy cô vào một bi kịch khác? Và cả gia đình tôi sẽ ngay lập tức chết đói giữa một xã hội giàu có nhưng lạnh lùng này? Tôi nhục nhã như thể chính tôi đang bị cưỡng hiếp. Là sĩ diện của một người đàn ông giày vò tôi, lương tri tôi làm tôi đau đớn. Một người không chăm lo đầy đủ được cho chính gia đình mình, chính tự trọng của mình, như tôi, thì liệu có bảo vệ được cô bé không?

(Cúi xuống ôm mặt buồn bã, ngồi lên ghế) Tôi đã từng đưa cô bé Hạ Âu mười ba tuổi vui tươi đi lễ nhà thờ Chủ nhật, tôi đã từng đưa cô bé Hạ Âu mười bốn tuổi háo hức nhưng u buồn tạm biệt mẹ đi trường nội trú. Tôi đã từng đưa Bội Ngọc đi đón Hạ Âu tuổi mười lăm, bà Bội Ngọc thật sự rất đẹp, cốt cách sang trọng nhưng số đào hoa chẳng bao giờ được cưới, bên đứa con như hoa mới nở. Bây giờ tôi đưa Hạ Âu tuổi mười sáu ra bờ sông cho người ta chà đạp. Sao tôi ghê sợ thời gian, ghê sợ con người, ghê sợ nghề lái xe, ghê sợ chính tôi thế! Không lẽ số phận bắt tôi đồng hành cùng cô bé tiếp tục cả một tương lai nữa hay sao? Hay tôi xin bỏ việc, về nhà ăn bám vợ, về giúp vợ nấu ăn trong cái nhà ăn tập thể của bệnh viện thành phố? Quay lưng đi trả vờ không nhìn thấy những thói đời đen bạc thì lòng tôi sẽ không phải day dứt. Nhưng để mua lấy lòng tự trọng ấy, giá cao quá, tôi có trả nổi không? (Lấy mũ che mặt, tỏ ra bất lực rồi kéo xuống giữ trước ngực) Mà còn kịp không?

Lưu Quang Đông: (Đẩy Hạ Âu rũ rượi và câm lặng ra sân khấu, không thèm đếm xỉa đến sự có mặt của ông lái xe trên ghế đá) Con đĩ! Mày là một con đĩ! Mày phản bội tao, y như mẹ mày phản bội tao! Đàn bà chúng mày là một lũ khốn, tại sao tao luôn bị đàn bà phản bội? Hả? Tại sao tao chỉ giàu có mỗi tiền bạc, quyền lực nhưng tình cảm thì tao phải tranh giành cướp đoạt mà không có nổi bất cứ cái gì? Mày nói đi, tại sao mày lừa dối tao? Tại sao mày luôn ngây thơ trong trẻo, tại sao mày luôn kín đáo bí ẩn như một trinh nữ? Vì sao mày chỉ ở trong bốn bức tường mà mày vẫn mất trinh từ lâu rồi?

Hạ Âu: … (Im lặng, khuôn mặt vô cảm, tay buông thõng, lì lợm và bất cần, thách thức. Ông lái xe kinh ngạc nhìn cô)

Lưu Quang Đông: Mày tưởng tao cần gì ở mày? Nếu mày không còn vẹn nguyên, thì mày cũng chỉ là thứ vứt vào sọt rác, như mẹ mày, như mọi con đàn bà khác tao đã gặp trong đời, như vợ tao. Những con đàn bà không hiểu vì sao chỉ mang được cho tao những chiếc vé du lịch hạng hai, mà đòi ở tao những cung phụng bậc Nhất. Chẳng lẽ đời tao cái gì cũng có, trừ một con đàn bà dành riêng cho mình? Một con đàn bà không bị dùng chung? Tao bị vợ phản bội, tao bị đĩ phản bội, ngay cả con của con đĩ cũng ngấm ngầm phản bội lại hy vọng của tao, thế là thế nào? (Ngưng lại, bật khóc lẫn cười vì cảm xúc trái ngược và trớ trêu) Tao cần gì khoái cảm, tao cần gì trinh tiết, tao chỉ muốn được một lần chinh phục hoàn toàn. (Lắc vai Hạ Âu thật mạnh) Hạ Âu, mày biết không, mày biết không? (Bóp mạnh, sau này tạo nên những vết bầm trên vai Hạ Âu, rồi thất vọng bỏ đi.) (Người lái xe lúng túng, không biết nên ở lại an ủi Hạ Âu hay chạy theo ông chủ. Ông đứng giữa lúng túng, chạy đi chạy lại)

Thái Đắc: Để chú đưa cháu về nhà nhé, lên xe chú đi! (Hạ Âu đứng đờ đẫn nguyên chỗ cũ, không mảy may động tĩnh) Chú xin cháu đấy! Chú xin lỗi cháu về tất cả, chú đau đớn cho cháu lắm, xin cháu, hãy lên xe về theo chú! (Hạ Âu lắc đầu)

Lưu Quang Đông: Tài xế! (gọi to)

Thái Đắc: (Vuốt tóc vội vã đội mũ vào) Dạ! Ông chủ, tôi đến ngay!

Người lái xe rời sân khấu đi vào theo đúng phía ông chủ vừa vào, nhìn ngoái lại Hạ Âu vẻ đau xót thương cảm. Họ bỏ mặc cô bé mà đi xe về thành phố. Hạ Âu ở lại sân khấu một mình, đứng nguyên như không tin vào sự thật. Trời tối thẫm xuống rất nhanh, chớp mưa vẫn loé lên ở chân trời, cô ngồi bệt xuống sân khấu, kéo váy phủ lấy đầu gối một cách vô thức, vẫn không nói năng gì, chỉ có tiếng nhạc buồn buồn (đoạn này để em tìm một bản không lời đàn Piano của Ba Lan cho anh, bản nhạc chậm, của khoảng 20 năm trước, rất hiếm nhưng vô cùng phù hợp). Khi Hạ Âu đứng lên, sân khấu đã là đêm tối trước cổng quán bar Yêu Lục với mấy người ngồi trong quầy bar. Nhạc chuyển sang náo động, ánh chớp mưa thành ánh chớp đèn quán bar sáng xanh đỏ vui vẻ. Hạ Âu đứng ở ngoài nhìn vào sự vui vẻ náo nức ấy, như một người ở thế giới này quan sát một thế giới xa lạ khác.

Chuyển sang cảnh 2. Hà Niệm Bân và Đại Bản bá vai nhau đi vào quán bar.

Một suy nghĩ 6 thoughts on “Kịch bản sân khấu”

  1. ôi đọc đâu tiếp các cảnh tiếp theo. đọc truyện rồi mà nghe kịch bản vẫn thấy hay quá ạ

Bình luận về bài viết này

Đàn bà đích thực