Danh mục lưu trữ: tạp bút

Xác ướp đàn bà mặc thời trang công sở

mimcuoimummyBạn đã từng xem phim “Xác ướp Ai Cập” chưa? Lần đầu tiên xem phim này (và cả những phim sau có hình ảnh xác ướp xuất hiện) tôi luôn băn khoăn tự hỏi:

Tại sao xác ướp không mặc váy? Hình như thế gian này chỉ tuồng một giống đàn ông đứng dậy khua khoắng dọa dẫm? Hay đàn bà không được ướp xác theo cách của đàn bà, tức là lồng xác ướp vào trong một cái váy? Bởi rõ ràng thời Ai Cập cổ đại, thế giới này đã xuất hiện thứ thời trang cuộn tròn một người đàn bà trong vải kia mà!

Tôi nhớ là từ hồi tôi bắt đầu… biết nhớ, tức là chừng bắt đầu đi học tới giờ, trong đầu tôi chỉ toàn dấu hỏi. Và có lẽ tôi sống được cho đến giờ, một phần lớn nhất, say sưa và mê mải nhất của đời mình, là tự đi tìm những câu trả lời cho những dấu hỏi miên man bất tận trong đầu mình. Tôi không phải là chuyên gia ướp xác, nhưng tôi vẫn có thể chắc chắn với bạn rằng, lồng xác ướp vào một cái váy đẹp cũng không làm thay đổi lịch sử nhân loại, cũng không khiến cho thế giới này trở nên tồi tệ hơn. Thế thì tại sao lại không?

Chúng ta thường nhìn thấy xác ướp được quấn băng trắng toát từ đầu tới chân. Nên chúng ta nếu chỉ nhìn thôi, không bao giờ biết bên trong những lớp băng trắng như thạch cao ấy thực sự chứa đựng cái gì! Chúng ta chỉ có thể đoán rằng, ngày xưa, những người được ướp xác, đàn ông thì rất quyền quý giàu sang, đàn bà thì rất đẹp đẽ quyền lực. Mọi ước đoán đó chỉ là ước lệ và tương đối, bởi ngay cả nhà cổ sử hay chuyên gia khảo cổ cũng không thể đưa ra đáp án cuối cùng chính xác 100% rằng, bên trong cái “xác ướp” đó thực sự là ai?

Tôi thường đi dọc những con phố giờ tan tầm với cảm giác bùi ngùi, đường đông, xe lắm, người nhiều, mọi công sở luôn đổ ra đường những con người ưu tú nhất của nó. Và dù chúng ta là ai, cuối ngày chúng ta cũng phải rời công sở về nhà, trừ phi chúng ta làm nghề bảo vệ  ban đêm, ta ngủ đêm tại một công sở.

Tôi đã tự cho phép mình về hưu từ tuổi 37. Nên giờ tan tầm là một cảm giác lạ lùng, ta sẽ thảnh thơi chạy xe giữa một rừng thời trang công sở. Những đám tắc đường là một cuộc trình diễn thời trang công sở, mà ở đó, ngay cả một anh lái taxi hay đi chở bếp gas cũng có đồng phục! Và cứ đi dọc phố, thứ đập vào mắt nhiều nhất cũng vẫn là những cửa hàng thời trang công sở. Có người nói, kinh tế càng đi xuống, các cửa hàng bán thời trang công sở và son môi càng ăn nên làm ra. Bởi ta có thể bóp mồm bóp miệng, giảm bữa ăn, mặc lại đồ lót cũ, gội đầu bằng nước lã. Mọi khoản chi tiêu đều cắt, riêng khoản tiền chi ra mua son môi và thời trang công sở vẫn phải giữ nguyên, bởi đó là cái đầu tiên đập vào mắt đối tác và đồng nghiệp, cũng là thứ đầu tiên người ta nhìn thấy ở người đối diện.

Thứ ám ảnh tôi là những chiếc váy thời trang công sở. Cứ thời trang công sở là phải váy ấy, áo ấy, đôi giầy kiểu ấy, màu sắc ấy. Không gì xấu hơn là những trưa nắng, phụ nữ túa ra từng đám từ các cao ốc và vừa diện thời trang công sở vừa xách túi ni-lông lắm màu, hoặc vừa đi vừa nhìn chung quanh vừa xỉa răng. Tất nhiên đó chỉ là cảm nhận cá nhân của một người đã về hưu từ năm 37 tuổi.

Tốt nghiệp THPT, nếu thi trượt đại học, ta luôn đau khổ, cảm xúc thực tế là, nếu ta chui được vào trường đại học, giấu được mình vào đám đông sinh viên, rõ ràng ta yên tâm hơn hẳn về tương lai. (Dù thực chất sau này ra trường, chúng ta nhận ra, cảm xúc ấy thật vô căn cứ! Đại học hay không đại học cũng vẫn chạy vạy xin việc như ai!).

Tốt nghiệp đại học, xin mãi chưa có việc làm ổn định, ta nhìn thấy những bạn cùng lớp đã mặc bộ đồng phục công ty đi ra đi vào cao ốc, chúng ta sốt ruột chứ. Lúc ấy, thời trang công sở là biểu tượng của một giấc mơ kẻ thất nghiệp. (Thực ra, đến lúc được khoác thứ đó lên người, cảm xúc của bạn sẽ trôi ngược 180 độ: Chỉ muốn cởi ra cho đỡ gò bó!)

Khi đã khoác lên người bộ đồng phục của một tập đoàn, một ngân hàng, thậm chí bộ trang phục đó còn quy định rõ giày phải màu đen, cà-vạt phải màu xanh v.v…, lúc ấy chúng ta thèm muốn những thứ thời thượng hơn, những trang phục công sở không phải loại đồng phục may sẵn, ta thèm đính lên cổ áo một cái tên của nhà thiết kế nào đó.

Hành trình ấy giống như sự “lên đời” của cây son môi trong ví bạn. Thời đi học, là kem nẻ có màu hồng. Mới tốt nghiệp, là cây son được tặng. Đã đi làm, là cây son có mức giá và nhãn hiệu trung bình. Rồi dần dà, cây son là hàng hiệu, kèm theo dưỡng da, chống nắng, kem vùng mắt, sữa dưỡng thể, và nước hoa, ngày càng đắt tiền hơn.

Rốt cuộc, những điều ấy thực sự có ý nghĩa gì với một người phụ nữ? Chúng ta ngày càng giống đám đông hơn, chúng ta ngày càng yên tâm về bản thân hơn, chúng ta ngày càng lạm dụng cảm giác an toàn trong không gian chung, nghĩa là càng tiết chế những không gian cá nhân hơn.

Tôi thích đi “đôi dép cao su, đôi dép Bác Hồ”. Tôi thích vì nó giống với bản chất và thói quen của tôi, chứ không phải vì Bác Hồ đã từng xỏ chân vào nó! Khốn nỗi, đã gần mười lần tôi bị nhắc nhở vì điều đó. Nhẹ thì thắc mắc, nặng nề thì bảo, sao không mua lấy đôi dép tử tế mà đi!

Tôi có cô bạn gái, cô ấy đến công sở mới bằng chiếc xe đạp. Bức thư đầu tiên mà sếp gửi vào hòm mail cho nhân viên mới là: “Không ngờ em khó khăn thế. Công ty sẽ tạm ứng lương cho em, để em mua xe máy!”. Càng khác biệt với đám đông, chúng ta càng có vẻ thiếu an toàn. Đó là lý do vì sao thời trang công sở ăn nên làm ra, vì họ không bán quần áo, họ bán cảm giác chuyên nghiệp và nghiêm túc. Và tất nhiên, an toàn, cho cả bạn lẫn người tuyển dụng bạn!

Son phấn che lớp đầu tiên trên da, chúng ta tin rằng, không trang điểm đúng mức là thiếu tôn trọng người khác. Tự bạn quấn lớp băng đầu tiên lên mình theo cách người ta ướp xác.

Có thể người trả lương cho bạn yêu cầu bạn quấn lớp băng tiếp theo, bằng thời trang công sở, bằng một cái danh thiếp theo đúng quy định, bằng vô số những quy tắc triệt tiêu cái tôi lạc loài trong đám đông.

Chúng ta chan hòa với đồng nghiệp dù biết chắc trong số đó có những người ta ghét cay đắng, những người ta chẳng muốn đứng trò chuyện lâu, những người ta rất thờ ơ với họ. Chính chỉ số EQ của bạn, một trong những tố chất khiến bạn có thể thăng tiến hay không, lại là một áp lực khiến bạn tự che giấu bản thân mình nhiều hơn.

Đã có sáng nào tỉnh dậy, bạn nhìn thấy trong gương là người phụ nữ mà xã hội mong muốn chứ không phải là người phụ nữ mà bạn mong muốn được là? Thế nhưng bạn vẫn tiếp tục cầm thỏi son lên và tô, cho kịp giờ đi làm?

Bởi bạn biết rõ rằng, cho dù chúng ta thật tài giỏi, chúng ta cũng bị chặn lại ngoài phòng họp chỉ bởi cái bề ngoài luộm thuộm? Cho dù chúng ta chat rất ăn ý và cực kỳ tâm đầu ý hợp với một nick trên mạng, thậm chí đã yêu một người trên mạng, thì khi gặp gỡ, ấn tượng đầu tiên và vẻ bề ngoài vẫn quyết định chúng ta có thực sự yêu nhau hay không! Một khi thế giới chúng ta đang sống là cái thế giới để cho bề ngoài quyết định tất cả, thì chúng ta vẫn phải bó mình cho kín như một cái xác ướp trước khi mặc lên bộ thời trang công sở, để mặc xã hội này có nhìn thấy cái gì từ chúng ta hay không!

Bi kịch của thế giới này là, nếu bạn là siêu nhân, bạn vẫn phải mặc bộ quần áo siêu nhân Super Man thì mới được xã hội đối xử như siêu nhân. Còn bạn mặc quần thủng đít thì bạn chỉ được đối xử như một thằng mặc quần thủng đít.

Còn bi kịch của cả đàn bà lẫn đàn ông lại là: Những người mặc thời trang công sở vẫn bị sa thải như thường, cho dù mặc đẹp!

Và bi kịch của một số phụ nữ thì là: Có thể bề ngoài sẽ quyết định chúng ta có yêu nhau hay không, nhưng những gì ở bên trong mới quyết định, chúng ta yêu nhau liệu sẽ được bao lâu!

Trang Hạ

Bác tôi

Năm bác tôi mười hai tuổi, nhà tôi có người bị chôn sống.

Đó là ông Hai Vin. Ông thất bại trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Lính Pháp vẫn dã man như trong mọi cuộc đàn áp.

Khi đó dù danh tiếng còn lưu lại của cụ tôi đã đậu Hoàng Giáp Tiến Sĩ 1886 thời Tự Đức cũng không cứu được con trai mình. Cụ tôi từ quan ở ẩn mất trước đó đã lâu, cả cụ ông cụ bà đều quy về cửa Phật. Với một gia đình được “đóng dấu” là có dòng máu nổi loạn như nhà tôi thì chùa chiền có khi là chốn tựa lành nhất, cuối đời.

Ông bà nội tôi sống đời thanh bạch. Ông làm quan ở Thái Bình, nên bố tôi không phải quê Thái Bình vẫn thành bạn nối khố từ thuở ba bốn với tướng Trần Độ.

Dòng họ tôi có một lời nguyền kéo dài năm đời, chỉ giáng vào những người tài giỏi khí phách nhất họ. Đã ba thế kỷ nay, mỗi đời đều có một người đang ở đỉnh cao quyền lực và tài năng, sẽ bỗng nhiên từ quan ở ẩn, ngao du sơn thuỷ, du lịch đó đây chẳng màng lợi danh.

Bà cụ nội tôi phiền muộn, còn quá trẻ đã xuống tóc vào chùa xin bình an cho cả họ. Vẫn không ngăn được đời thứ hai, là ông nội tôi, ngao du khắp lục tỉnh, khắp Nam Kỳ, sang tận Miên, Lào.

Một ngày, cụ bà thấy một phó mộc lăm lăm tay đục tay cưa vấn khăn đầu rìu vào chùa mình. Thì ra thằng cháu đích tôn của cụ, tức là bác tôi.

Dở khăn ra, người ngời ngời, cao 1m75, nặng 70 kg, cười răng trắng. Cụ than, con ơi, cho con ăn học lên sinh viên Luật, giờ sao ra nông nỗi này.

Bác tôi nói, con dẫn đầu đoàn Thanh niên sinh viên Hà Nội tham gia mít tinh ở Đấu Xảo hôm 1/5 (1938), lại vừa được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đoàn Thanh Niên Dân Chủ. Nên giặc Pháp đuổi con khỏi trường Luật. Con đang trên đường công tác.

Đấy là lần cuối cùng bác tôi gặp cụ. Chùa ở Kiến An sau thành cơ sở cách mạng. Cụ lại mất sau cháu, không rõ những năm cuối đời của cụ trong chùa có an bình nổi không.

Rời trường Luật, bác tôi về mở Hiệu sách Đồng Xuân ở 26 phố Đồng Xuân, thành nơi đầu tiên phát hành sách báo của Đảng Cộng Sản VN. Bác lấy bút danh Hán Mai cùng các ông Trần Huy Liệu, Đào Duy Kỳ… viết những bài chính luận đăng trên các báo Mặt trận dân chủ thời kỳ đó để đề cao quan điểm của Đảng cộng sản.

Khi Liên Xô ký hiệp ước hoà hoãn với Hít-le, bác tôi trở thành nạn nhân đầu tiên trong đợt khủng bố vu cáo “Cộng sản bắt tay với Phát-xít”. Trong tù Hoả Lò gần một năm, bác viết một bức thư tạm biệt bà nội tôi.

Bà tôi không biết cậu con trai đầu lòng đã thắt ống dẫn tinh, triệt sản từ năm 19 tuổi với lý do, tuy kết hôn với một con gái địa chủ để lấy vỏ bọc hoạt động cách mạng, nhưng không muốn con cái vướng bận vào con đường hoạt động cách mạng sau này.

Chỉ có bố tôi biết anh mình đã triệt sản. Hồi còn nhỏ, anh em thân nhau như bạn bè.

Một lý do nữa, bác tôi muốn lặng lẽ khẳng định tình yêu duy nhất với cô Ái Mai, hoa khôi Hội Thương năm ấy ở Bắc Giang (em ruột nữ thi sĩ Anh Thơ).

Tôi vẫn chưa hình dung nổi lý tưởng cách mạng nào có thể lớn tới mức khiến một người hy sinh cả cuộc sống và tình yêu, cả của mình, cả của cuộc đời những người quanh mình.

Vương Kiều Ái Mai đau đớn, cuối cùng quyết định đi làm vợ một người đàn ông năm mươi, goá vợ, năm con, nghèo. Cách lãng quên tình yêu này thật đáng sợ và quá xót xa. Cho đến tận bây giờ đã là thế kỷ 21, mỗi năm ngày 29 Tết, bà vẫn châm nén hương lên bàn thờ để thắp vọng mối tình đầu.

Nhờ luật sư Trần Văn Chương (bố Trần Lệ Xuân-đệ nhất phu nhân sau này) giúp đỡ, bác tôi trắng án, ra tù. Gia đình tôi vẫn luôn nhắc tới ơn bào chữa miễn phí của luật sư Trần Văn Chương.

Bởi trong hoàn cảnh đó, bà nội tôi đi khắp các nhà quen, ai cũng sợ sệt liên luỵ cộng sản. Bố tôi và các chú bị đuổi khỏi nhà trọ, không ai dám chứa. Ai cũng sợ dây vào! Hồi đó Trần Văn Chương là luật sư nổi tiếng và uy tín nhất Hà Nội.

1941, sau Hội nghị các tỉnh Đông Bắc, bác tôi bị bắt lần nữa, khi đó bác đã là Uỷ viên Xứ uỷ Bắc Kỳ. Sau những cực hình tra tấn, dụ dỗ mua chuộc, bác tôi quyết định tuyệt thực, im lặng giữ những bí mật công tác về người đồng đội “bác D” cùng Xứ uỷ, người mà 50 năm sau khi bác tôi mất, đã quay lại thăm mộ người đồng đội mãi mãi dừng lại ở những năm 1941. Khi đó “bác D” đã trở thành Phó Tổng Tham Mưu Trưởng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bà nội tôi kể, địch cho bà nội vào làm “tâm lý chiến”, bà tôi thấy bác da bọc xương, đầy thương tích, ruồi nhặng đua nhau rúc vào các vết thương, mắt mũi tai hút máu mủ, rách nát trong manh quần đùi, bụng lép vào xương, bà nội tôi khóc oà lên.

Bà nội tôi hỏi, sao con lại nói ngọng?

Vì hai hôm trước con đã cắn lưỡi lấy máu vết các khẩu hiệu lên tường nhà tù “Đảng cộng sản Đông Dương muôn năm”.

Bà nội tôi kêu lên, con ơi con.

Bác tôi nói, mẹ cứ tin là rồi đây, cờ đỏ sẽ mọc lên khắp cả nước.

Sau 47 ngày tuyệt thực, bác tôi kiệt sức chết.

Bà nội tôi chạy đến trước cổng trụ sở mật thám Pháp ở Hải Dương, đấm tay vào cửa rầm rầm, trả xác con tôi cho tôi, người đã chết rồi, chúng mày giữ làm gì.

Nước mắt bà nội tôi ướt đẫm vạt áo mới để mặc vào thăm tù.

Về sau này, nhạc sĩ Đỗ Nhuận có cho biết, khi nghe tin Hồng Quang chết, nhạc sĩ đang bị giam ở nhà tù Sơn La, cảm xúc hào hùng xót thương trước sự hy sinh này đã trở thành một trong những cảm xúc để sau này ông viết nên bản nhạc “Chiêu hồn Tử Sĩ”.

Bao năm nay mỗi lần nghe thấy giai điệu “Chiêu hồn tử sĩ”, cho dù ở bất cứ đâu, tôi chỉ thấy nhớ bác tôi. Một người cao lớn và tài hoa, chết năm 23 tuổi.

Thật tiếc, sau này những đồng chí một thời của bác tôi đã từng họp lại phê phán, cho rằng bác tôi chết là vì… cắn lưỡi chứ không phải vì tuyệt thực, mà cắn lưỡi để chết cho nhanh, tức là trốn đòn roi nhục hình, là hèn nhát, tức là không chịu giữ gìn thân thể để sống tiếp mà phục vụ cách mạng. Họ gạch tên bác tôi ra khỏi một đường phố ở Hà Nội (giờ đã đổi tên phố Hồng Quang thành tên phố Hoè Nhai). Rất tiếc trong Hồi ký của Đỗ Nhuận cũng đã ghi lại theo “dư luận” đó, chứ không theo sự thật.

Bố tôi kể, năm 1941 một chiếc xe ngựa chở quan tài, có vỏn vẹn một vòng hoa trắng sơ sài đi từ nhà tù Hải Dương ra, theo sau là một bà già và hai cô con gái. Con ngựa cúi đầu kéo cỗ xe đi qua nhiều phố ở thị xã Hải Dương, dân chúng sợ không dám ra xem. Họ chỉ dám đứng dòm ra từ sau mành cửa đám tang của một nhân vật Xứ uỷ Bắc Kỳ.

Lá thư tạm biệt mẹ của bác tôi, rất lâu sau này, bà nội tôi mới nhận được.

Không hiểu vì sao người vợ hôn thú của bác tôi chưa một lần nào hiện diện trong đời sống gia tộc tôi. Bà vợ con nhà địa chủ, dù cũng yêu nước nhưng cho đến lúc chết cũng chưa bao giờ xuất hiện trong gia đình tôi. Chúng tôi chỉ nhắc đến mối tình đầu của bác tôi, ruột thịt yêu thương bà già chưa bao giờ ruột thịt nhưng còn hơn cả ruột thịt Vương Kiều Ái Mai. Có lẽ mối tình đầu sâu đậm không chỉ vì tình yêu, còn vì nghĩa nặng ơn sâu những lúc khó khăn tù đày, bà nhờ chồng kiếm luật sư giúp người yêu cũ, những khi oan ức những ngày vẻ vang.

Tôi không biết bà Ái Mai đã bao giờ đặt chân đến Đài tưởng niệm bác tôi chưa, đã đến xã Hồng Quang chưa, đã đi trên đại lộ Hồng Quang chưa, đã bước chân vào trường Trung học mang tên Hồng Quang chưa. Tôi chỉ biết đã có những nén hương những hôm 29 Tết.

Chỉ còn lại những nén hương ấy, cùng những dòng thơ của bạn tù Hải Dương viếng sự hy sinh của bác khi ấy, là còn chung thuỷ với linh hồn bác tôi:

“Chết đi nhắc nhủ bao lòng

Đem son sắt ấy nhuộm hồng giang san”

(Trích “Đàn ông không đọc Trang Hạ” – tản văn Trang Hạ, NXB Văn Học 2012)

P/S: Hiện nay bác Hồng Quang đã được đặt tên cho 1 đường phố tại quận Hoàng Mai – Hà Nội, 1 xã ở Ứng Hòa- Hà Tây, 1 đại lộ ở Hải Dương, 1 trường THPT ở Hải Dương, 1 xã ở huyện Thanh Miện – Hải Dương, 1 trường THCS ở Hải Dương và dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ Hồng Quang cùng tượng tưởng niệm ở nhiều nơi.

Trang Ha 06-2013 ảnh Na Sơn

Đám cưới người yêu cũ

Tôi hiếm khi thấy có ai mạnh dạn tự đi gửi thiếp cưới mời người yêu cũ đến dự hôn lễ của mình. Nhiều người chỉ bắn tiếng, hoặc gửi thiệp cho phải phép, chẳng mong người yêu cũ ló mặt ra trong đám cưới.

 

Thậm chí, cả nhóm bạn chơi chung, tất cả đã nhận thiệp hồng của cô dâu từ lâu, chỉ nhõn một anh bạn không nhận được tín hiệu gì từ người ấy, bởi vì ai cũng biết, hai người bạn ấy ngày xưa từng có thời gian yêu nhau. Đã chia tay lâu lắm rồi.

Mà mấy người chia tay người yêu, còn quay trở lại thành bạn bè thân mật như ngày ban đầu nữa?

Nhóm bạn ở trường cũ ngày xưa của tôi còn có chuyện hài hước hơn. Nàng sau khi chia tay mối tình đầu, chỉ ba tháng sau, nàng đã gửi thiếp cưới cho tất cả mọi người, một đám cưới chớp nhoáng với một người đàn ông chẳng ai biết là ai. Và nàng đàng hoàng nhờ người trao thiếp cưới tới anh người yêu cũ, như thể một lời tuyên bố: “Không có anh, tôi đã có khối thứ hay ho hơn. Xem này!”

Ấy thế mà, chàng còn cưới vợ trước nàng vài ngày! Như thể cũng muốn đáp trả lại người yêu cũ: “Anh không cưới em là cũng có lý do đấy, người ạ!”

Tôi thấy thấp thỏm cho hai nửa kia, của hai nửa trái tim đã tách rời nhau từ một tình yêu. Những “người mới” đến trong đời của “người cũ” có chắc không phải là kẻ thế chân, hoặc là giải pháp tình thế, hay họ cũng đã thực sự may mắn vì “kẻ cũ” ra đi nên họ mới có cơ hội trở thành chồng – vợ của người mà họ đã yêu thầm bao năm?

Nhà bên có anh bạn còn hài hước hơn, trong hai năm qua, anh ấy nhận được khoảng năm sáu chiếc thiệp cưới của các cô người yêu cũ. Các cô phấn khởi lấy chồng, còn anh bạn thở dài bảo, số anh thật là đắt hàng, cứ yêu phải cô nào là cô ấy đi lấy chồng! Cho đến một hôm, anh ấy còn nhận được cả thiếp cưới của vợ cũ. Người vợ cũ của anh rốt cuộc rồi cũng đi lấy chồng, anh bạn ngậm ngùi thanh minh: Đúng là từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ, chỉ tại ta là con cá voi kềnh càng!

Gần nhà cũ của tôi có gia đình, về sống với nhau từ hồi còn trẻ, chẳng cưới xin gì. Mỗi bận hết tiền, vợ lại chửi chồng như hát hay. Rồi mỗi khi say, anh chồng lại lôi vợ ra tẩn như tập đấm bốc. Cả xóm náo loạn hết cả lên. Hàng xóm đã quen rồi, chẳng ai can. Chỉ có một hôm, anh bán than tổ ong đi qua thấy bất nhẫn quá, để xe cạnh tường, vào lôi cô vợ ra, rồi bảo với anh chồng mày là đàn ông mà mày đánh đàn bà như thế mày không thấy nhục à? Mày thử đánh tao xem nào!

Thấy anh bán than tổ ong lùn nhưng vạm vỡ, tay to như chân, ông chồng gầy nhẳng kia không dám động đậy gì, cứ thế nhìn theo cô vợ hờ ôm quần áo theo người đàn ông đen nhẻm mặc quần áo bộ đội, đi ra khỏi ngõ, ngồi lên chiếc xe nhọ nhem, rồi không lần nào về.

Đám cưới cô vợ ấy với anh bán than, cái đám cưới mà cả đời anh đã không mang lại được cho cô gái kia, nghe mọi người kể, anh chồng đứng từ xa nhìn theo, chảy nước mắt, dù chẳng ai đánh anh ta.

Có những thứ ta chẳng bao giờ nghĩ rằng quý giá. Kể cả lúc ta đánh mất. Cho đến lúc, ta nhìn thấy những điều ấy đi qua ta vĩnh viễn, như đi qua quá khứ.

Những người yêu cũ mà bạn từng yêu ngày ấy, bây giờ đã lấy vợ chưa?

Chỉ số văn hóa của một thương hiệu

Câu chuyện xây dựng thương hiệu là công việc của những nhà quản lý thương hiệu trong một doanh nghiệp, hoặc có thể, thuê dịch vụ của một công ty quảng cáo, phụ trách riêng từng nhãn hàng từ lúc chưa đưa sản phẩm hay dịch vụ đó ra thị trường. Thậm chí rất hài hước là, với những nhãn hàng lớn, một dòng sản phẩm chủ chốt, họ sẽ “sẻ việc” ra cho vài công ty quảng cáo chuyên trách, cùng chia nhau phụ trách từng gói quảng bá trong cùng một chiến dịch quảng cáo cho sản phẩm, xong rồi cả mấy công ty đó lại không hẹn mà cùng gọi Trang Hạ để ký hợp đồng. Hồi xưa trước những hợp đồng ấy, mình thường buồn cười và thấy hài hước kinh khủng, sao cùng sản phẩm này, chương trình (campaign) này, lại năm bảy đầu mối thế?

Thậm chí trên cùng một tờ tạp chí, cùng một campaign của 1 sản phẩm, số tuần này là công ty quảng cáo này trả tiền cho bài Trang Hạ, tuần sau là công ty khác trả tiền, cũng làm bài y chang, chỉ khác là ở số trang Promotion trên tờ đó thôi! Rồi mình làm một việc gì đó, tại một thời điểm nào đó, mà có tới 2 công ty quảng cáo (cùng làm cho nhãn hàng này) ký hợp đồng riêng lẻ!

Nhưng mình không nói về kinh nghiệm đó, mà viết về cảm nhận của một người thường xuyên tham gia các chương trình quảng bá sản phẩm cho các nhãn hàng trong và ngoài nước. Đó là yếu tố văn hóa trong một chương trình quảng bá (PR) của một nhãn hàng nào đó. Hình như những chuyên viên quảng cáo đều là những người sáng tạo vô biên nhưng theo lối tư duy của nhà kinh doanh, nên nhiều người không để trọng tâm vào các giá trị văn hóa, trong nhiều chiến dịch truyền thông và quảng cáo của họ.

Dù mình đánh giá rằng, điều đấy mới thực sự là vũ khí mạnh mẽ nhất tấn công vào đám đông khách hàng, là thứ nền tảng nhất và bền vững nhất để hình thành địa vị của một thương hiệu trong công chúng.

Có một lần rất lâu rồi, một khách hàng mời mình tư vấn chiếc lược cho một sản phẩm. Họ nói bản thân họ là một chuyên gia tư vấn đầu tư và quảng bá cho vô số đại tập đoàn, cả trong và ngoài nước bao nhiêu năm rồi, nhưng đây lại là công ty đầu tiên mà tự họ đầu tư sản xuất và kinh doanh. Vì thế họ cần mình tư vấn và cùng tham gia xây dựng chất nhân văn trong thương hiệu mới này. Họ đã chọn sẵn yếu tố trẻ, năng động, thời thượng, giá trị bản địa sánh tầm cơ hội quốc tế… cho thương hiệu, giờ họ cần mình tư vấn “đánh bóng” cho thương hiệu thêm chất sâu sắc, nhân văn, thị dân, đánh vào tình cảm người tiêu dùng.

Mình rất kinh ngạc khi thông điệp truyền thông họ đưa ra là tự hào về nền nông nghiệp lúa nước với lịch sử bốn nghìn năm, dành cái tâm cho nông dân và bữa ăn lúa gạo, tự hào về gốc rễ từ một quốc gia 75% nông dân để cạnh tranh với thương phẩm “gốc quốc tế” khác. Thế nhưng trên thực tế, họ lại chẳng dùng một hạt gạo nào của người nông dân Việt Nam sản xuất ra cả. Đơn giản là vì chất lượng gạo Nhật, Thái thì ổn định hơn gạo Việt. Gạo người Việt trồng rất thế này thế khác.

Mình nói rằng, nếu anh muốn khoác cái áo văn hóa lên một sản phẩm kinh doanh, cái đầu tiên là anh không được phép phản bội lại thông điệp của anh, không được phản bội lại giá trị văn hóa mà anh “mượn tạm” ấy. Dù chỉ là mượn tạm trong giai đoạn đầu tung ra thị trường. Bản thân anh đã cho rằng những sản phẩm của bốn nghìn năm lúa gạo ấy là chả ra gì, thì anh có thể lựa chọn những thông điệp khác để ra mắt sản phẩm mà vẫn chiếm được lòng tin và sự yêu chuộng của người dùng.

Còn nếu thực sự muốn tự hào về gạo Việt, thì khó gì việc, phát động xây dựng thương hiệu gạo Việt sạch, gạo Việt chất lượng trên truyền thông (dù chỉ trên truyền thông thôi!) rồi ký với nông dân các cam kết sản xuất gạo sạch để thầu mua sản phẩm của một trăm hec-ta gạo tám ở vùng An-Ninh (các xã ở huyện Hải Hậu, Nam Định) chẳng hạn, gạo không sạn không thuốc sâu, giống thuần, bảo quản tốt, xát cám vừa đủ mỏng v.v… Bản chất việc ấy mang hiệu quả truyền thông nhiều hơn là thực chất, nhưng ít nhất, tạo hiệu ứng xã hội rất tốt, xây dựng thương hiệu từ gốc, vừa thân thiện vừa kiêu hãnh, thực chất, trung thành và nhất quán với quan điểm quảng bá của nhãn hàng. Hơn là chỉ kiêu hãnh phần ngọn với đám thị dân bỏ được tiền ra mua sản phẩm của anh.

Nếu không thì đánh vào những yếu tố rất “con người thị dân” khác của khách hàng, ví dụ như niềm vui bố mẹ con cái là khách hàng, câu chuyện của từng nguyên liệu, hay đẩy mạnh sản phẩm salad chẳng hạn, một khi người thành phố đọc quá thừa sách báo giáo huấn về trách nhiệm làm đẹp và giảm béo, họ thèm vitamin nhưng họ thiếu thời gian để chăm sóc bản thân, thì tạo ra thói quen 5 phút buổi trưa chăm sóc bạn, rời cao ốc tới góc phố để lấy salad của anh, giá rẻ cực tươi mới và tự chọn, cũng là một cách khác để tạo ra một giá trị rất nhân văn cho khách hàng của anh. Chứ việc khoác lấy một cái áo “giá trị văn hóa” quá lớn so với giá trị thực của sản phẩm, sẽ chính là tự chuốc lấy nguy cơ cho chính thương hiệu ấy.

Có một khách hàng nữa, mời mình quảng bá trong một event cho một sản phẩm dành cho bà bầu. Mọi việc diễn ra thật suôn sẻ. Nhưng mình rất khó mà nói ra được nỗi băn khoăn của bản thân với sản phẩm. Một ngày, lấy hết can đảm, mình hỏi công ty quảng cáo:

– Này, em làm cái sản phẩm hồi đó cho bà bầu, em có nghĩ khách hàng của em là những bà bầu, là những người… đang có bầu không?

– Ơ, tất nhiên chứ chị???

– Thế… em có nghĩ là họ đi lại khó khăn hơn người thường không?

– Ơ hơ, thì vì thế bọn em đưa ra thông điệp là họ phải năng động, và sản phẩm cũng như các event (trong campaign) bọn em hỗ trợ họ hoàn hảo để họ tự tin và năng động mà!

– Thế… năng động là vừa đi đâu vừa khệ nệ vác theo một cái hộp to hơn cả túi xách làm việc của họ ư?

– Hả???

– Chị cứ băn khoăn từ lúc ký hợp đồng, là sao mà nhãn hàng khai thác cái concept quảng cáo này mà không ới với nhà sản xuất một tiếng, bảo họ đóng gói sản phẩm này dưới dạng gói rời dùng một lần, y như cà phê hòa tan hay là bột dinh dưỡng ngũ cốc đó, bà bầu hàng ngày dễ dàng mang theo trong túi xách, đến đâu dùng ở đó. Ta khuyên bà bầu trung thành với sản phẩm này, nhưng bản thân sản phẩm rất bất tiện cho việc bà bầu sử dụng thường xuyên.  Ta xui bà bầu phải năng động, nhưng bản thân sản phẩm chả năng động chút nào. Lúc đó bao gói không phải chỉ là bao gói, mà còn là cách thể hiện giá trị thực tiễn và rất nhân văn của thông điệp quảng cáo nữa. Hay đầu tư cái máy đóng gói túi rời nó quá đắt đối với nhãn hàng?

– Trời ơi, thế sao ngay từ đầu chị không bảo em?

Hơ? trời ơi, bạn thuê tui làm cái gì thì tui làm cái đó chứ, ý kiến ý cò gì?

Xong gần đây có một nhãn hàng nước ngoài ký một hợp đồng PR cho sản phẩm của họ. Họ cần mình khen họ.

Mình bảo, xin lỗi, mới mươi tháng trước, nhãn hàng mỹ phẩm S… của các bạn có một cái phốt cực lớn tại Việt Nam, rất gây phản cảm, rất phi nhân tính, đại lý của các bạn giăng biển chửi các bạn khắp nơi. Bây giờ ngay cả mình và bạn bè mình đều đang mua sản phẩm của các bạn từ nước ngoài, chứ kiên quyết tẩy chay không mua của S… Việt Nam. Tiền thì mình cũng thích, nhưng bạn cho mình biết là S… sẽ xử lý thế nào trước cảm quan của xã hội? Chứ mình làm sao viết bài quảng cáo cho nhãn hàng của bạn, trong khi bản thân mình thấy các bạn hoàn toàn rất phản cảm, đi ngược lại các giá trị nhân văn trong xã hội?

Thế là nhãn hàng đi thuê người khác viết PR cho nước hoa của họ, chẳng thèm reply cho mình một câu. Nói thật, nhiều người khác đâu có cắc cớ quan tâm đến những chỉ số văn hóa và cảm quan xã hội của thương hiệu như mình?

Hồi xưa mình đứng tim và xót xa vì đọc bản tin một cái hãng dầu ăn N… mời nghệ sĩ Xuân Hương (vợ cũ MC Thanh Bạch) tham gia thi nấu ăn “Gia đình điểm 10” gì đó trong Sài Gòn, nhưng lại không trao giải với lý do chị Xuân Hương bỏ chồng nên đã… vi phạm quy định cuộc thi, họ chỉ trao giải cho ai có vợ có chồng đầy đủ! Thật tình bao nhiêu tiền bỏ ra để PR cho nhãn dầu ăn này cũng đổ xuống sông xuống biển chỉ vì một hành vi tàn nhẫn và thiếu nhân văn đến mức đó, khoét sâu vào “gia đình khuyết người” của người phụ nữ nổi tiếng này. Mà lại còn coi đó là nhược điểm, hay như lỗi của chị nữa chứ! Sao không ngược lại, hãy trao giải và nói, dù chị phạm quy nhưng chị vẫn đang duy trì những giá trị nhân văn của xã hội này, là sự tự tin của người phụ nữ bước ra từ sau những buồn bã?

À há, vì nhãn hàng chẳng trả tiền cho công ty quảng cáo vì mấy cái đó.

Bi kịch của độc giả Việt

Vu Đan

Đừng trách độc giả non dạ đọc truyện ngôn tình nhảm nhí. Hãy hỏi những ai mang truyện nhảm nhí dúi vào tay độc giả trẻ?

1. Năm 2006, có một người đàn bà bốn mươi tuổi đã táo tợn đưa Khổng Tử và Trang Tử vào thẩm mỹ viện, trét lên mặt hai nhà tư tưởng này một lớp son phấn mới y như kỹ nữ múa cột, chỉ dùng để mua vui cho công chúng. Bà khiến đám đông nhận ra Trang Tử và Khổng Tử chính là một thứ “thực phẩm chức năng” mới của thời công nghiệp: Giúp con người tìm thấy cách sống hạnh phúc hơn, trong thời thế chính trị đảo lộn tại Trung Quốc, và đồng tiền làm bá chủ thay cho đạo đức ngàn năm mà người Trung Quốc từng tôn sùng “tam tôn”, thậm chí cả những giá trị truyền thống bị xua đuổi trong thời Cách mạng văn hóa rồi lại được Đảng cộng sản Trung Quốc rước vào để tạo ra cơn sốt nhân tạo đầy mưu mô chính trị mang tên “Quốc học” mấy năm nay tại Trung Quốc.

Người đàn bà này tên là Vu Đan (Yu Dan). Một nửa Trung Quốc nhổ nước bọt vào những gì Vu Đan nói. Hàng chục học giả của Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh liên kết lại mở những hội nghị phỉ báng Vu Đan trong suốt những năm qua. Một nửa Trung Quốc còn lại phát điên lên hâm mộ một nữ tác gia làm sống lại những giá trị khô cứng của Luận Ngữ dưới sự soi sáng của tư duy vị nhân sinh. Phó chủ tịch Quốc hội của Trung Quốc cũng phải lên tiếng vì phát ngôn của người đàn bà này về Khổng Tử. Bởi, trong khi chính quyền Trung Quốc vài năm nay đang cố gắng biến Khổng Tử thành một đặc sản Trung Hoa để đại diện cho mưu đồ bá chủ và tập quyền, dân chủ theo “kiểu Trung Quốc”. Chính phủ Trung Quốc muốn Khổng Tử là một thứ công cụ tư tưởng phục vụ cho mục đích khiến người dân có xu hướng phục tùng quyền lực độc tôn. Thậm chí Trung Quốc vạch ra kế hoạch phải “xuất khẩu” bằng được các Học viện Khổng Tử ra nước ngoài, thì “Khổng Tử tinh hoa” của Vu Đan đã biến Khổng Tử thành một món mì ăn liền tư tưởng!

Trên mạng Trung Quốc tràn lan những bài phỉ báng tác giả Vu Đan – một trong mười nữ trí thức đẹp nhất Trung Quốc hiện nay, như “Thư tình của anh Khổng Tử gửi chân dài Vu Đan nhân lễ Valentine cô đơn!”, hoặc mỉa mai, thay Khổng Tử gửi tâm thư cho Vu Đan: “Trước ta tưởng đàn bà vô Tài tức là có Đức đó! 2.500 năm nay, Khổng Tử ta mới gặp một người đàn bà vừa có tài, vừa có đức, lại vừa đẹp, như nàng!”

Nhưng nói cách khác, Vu Đan cũng làm cho đông đảo giới trí thức trẻ Trung Quốc bừng tỉnh dậy vì cách khai thác các giá trị tư tưởng truyền thống dưới nhãn quang hiện đại. Nếu tư tưởng, luận thuyết không làm cho người dân tìm ra cách sống hạnh phúc hơn, thì tư tưởng còn giá trị gì? Một phong trào đọc – tìm – chú giải – khám phá – chia sẻ về những giá trị văn hóa “kiểu Trung Quốc” lại đã vô tình tiếp sức mạnh mẽ cho phong trào “Quốc học” ở toàn Trung Quốc. Nói một cách khác, Vu Đan lại cũng có vai trò vô cùng lớn để truyền bá cho học thuyết của Khổng Tử. Với chính quyền Trung Quốc, bà vừa có tội – rất to, lại vừa có công – rất lớn!

Sách của bà đã lập tức được dịch ra tiếng Pháp và nhiều thứ tiếng khác, với 10 triệu bản (chính thức) và khoảng gấp rưỡi bản lậu được bán ra trong vài năm qua.

“Khổng Tử tinh hoa” và ngay cả “Trang Tử tâm đắc” của Vu Đan đã được xuất bản sang tiếng Việt. Nhưng, bi kịch là ngay cả người mua bản quyền sách đó về Việt Nam cũng không hề biết mình đang làm cuốn sách có gì đặc biệt, có vị thế nào trong thị trường đọc và có giá trị gì về tư tưởng, văn hóa. Giới thiệu về cuốn này ở Việt Nam được viết bằng những dòng không thể nhảm nhí và sáo rỗng hơn: “Dù thời gian trôi qua, những giá trị của Khổng Tử luôn sống mãi với thời gian!”

Ai thèm đọc một cuốn sách được giới thiệu vô trách nhiệm như thế?

Hoặc nói một cách bản chất hơn: Việt Nam có cây bút giới thiệu sách nào có uy tín với độc giả đại trà chưa? Đủ để, điểm được những sách hay cho độc giả đọc? Hoặc, lôi kéo được độc giả đi theo mình với vai trò người dẫn đường văn hóa đọc?

2. Sau một thời gian lựa các tựa sách và nội dung để mua bản quyền giùm một số công ty sách và đại lý bản quyền, tôi phát hiện ra một bí mật của sách ngôn tình “Made in China” tại Việt Nam: Công ty sách chọn mua bản quyền theo màu của bìa sách gốc!

Bìa sách văn học Trung Quốc dùng màu hồng và nhiều màu trắng là được ưu tiên chọn mua về dịch nhiều nhất. Bìa vẽ theo hình thức Manga, thậm chí cán nhũ sẽ được lựa chọn gần như tuyệt đối! Các công ty sách sẽ chỉ nhăm nhăm một việc là “trông mặt mà bắt hình dong”, cho dù trước đó họ đã đọc qua giới thiệu sách, mô tả về tác giả và tác phẩm đi nữa, thì họ cũng sẽ chọn ngay cuốn nào mà bìa có vẻ lãng mạn tươi sáng, hình vẽ ngọt ngào. Và đã là ngôn tình, thì tên sách hay tên tác giả chẳng quan trọng nữa, nói gì tới… trong sách viết cái gì?

Thậm chí, mấy năm trước, có lần lựa được vài cuốn sách văn học thiếu nhi có vẻ tử tế một chút để mua bản quyền về Việt Nam, xong tôi loại những sách văn học ngôn tình ra một thùng khác trả lại đại lý bản quyền. Ngay lập tức, một công ty sách tư nhân mới mở của Việt Nam chạy tới bảo, ngôn tình chứ gì, để anh lấy cả thùng này luôn! Rồi họ bê đi hơn năm mươi cuốn ngôn tình, không thèm mở ra xem là cuốn gì. Nghe nói, số sách đó họ phát hành trong hơn một năm rưỡi, thu về tính ra gần một tỷ.

Thậm chí khi sách dịch xong được xuất bản, những tên sách ngây ngô vừa sai với bản gốc vừa thách tiền tỷ cũng không ai hiểu nổi như “Đồng lang cộng hôn” (thực ra tên sách là Hôn Sói) hoặc “Huyền của ôn noãn” (thực ra tên sách là Sợi Dây Đàn Ấm Áp, lấy từ một câu hát, với bìa gốc vẽ những nốt nhạc lãng mạn buông xuống quanh vai cô bé tuổi mộng), chính là một cách coi thường độc giả. Và cũng coi thường luôn các nhà xuất bản, những vị học giả phê bình văn học trịnh trọng, người quản lý xuất bản, hay những quan chức của Hội Nhà Văn Việt Nam coi việc người Việt đọc gì là thứ nằm ngoài trách nhiệm của mình!

3. Đầu nậu bảo tôi, ngôn tình đẽo mãi cũng nhạt lắm rồi, văn học kỳ ảo cũng nguội rồi, mấy tháng nay ngồi chờ thị trường xem có lối thoát nào khác. Đang chuyển hướng đánh sang ngôn tình Hàn Quốc.

Thật tội cho độc giả, đọc thấy cuốn nào cũng in chữ Best-seller trên bìa, và những bài giới thiệu sách ở Việt Nam là loại bài đặc biệt được báo chí cho phép hào phóng mỹ từ khen tặng tót vời. Độc giả đâu biết đó là một thứ bi kịch!

Trang Hạ

Ông già đọc truyện tranh

Bố mình thỉnh thoảng trong lúc ngồi chờ máy tính cũ kỹ hay bị đứt mạng được tự động kết nối, cụ luôn vớ lấy cuốn truyện tranh nào đó quanh cụ.

Mình thường chỉ mua mỗi “Tí quậy” 6 tập cho Nhím đọc, hồi xưa có mua Đô-rê-mon và Thần đồng Đất Việt nữa. À, và có mua mười mấy cuốn truyện tranh cổ tích Việt Nam của Nhã Nam cho nó đọc. Còn tất thảy mọi thứ truyện tranh khác xuất hiện ở nhà đều là những cuốn lén lút được con gái thâu nạp. Người này người kia mua tặng. Người này người kia gửi đến tận nhà tặng. Người nào đó mang cho Nhím mượn rồi quên hay chả buồn đòi. Hoặc nhà sách lấy lòng, chỉ cần chị Trang Hạ cứ đứng trước cuốn nào gật đầu một cái, họ bèn gói cả bộ đó cho Nhím, mình không gật thì họ cũng không cho… lắc!

Cái cảnh một ông cụ già lụ khụ còng lưng ngồi đọc truyện của lũ nhóc, đã thấy buồn cười. Nhưng, ông già đọc truyện tranh xong, thường gọi mình lại dạy dỗ giáo dục, thật là đau đầu.

Ông cụ ra lệnh mình phải thu hồi tất thảy mọi cuốn “Ô long viện” của NXB Kim Đồng trong nhà lại. Cụ bảo, đọc truyện này mất nước là phải, dâng biên giới cho Tàu là phải, nô lệ và nhục nhã hèn kém là phải.

Mở ra trang đầu đã là con bé bị con lớn ăn, một hành trình tự nhiên, của thiên nhiên, nhưng tư tưởng lồng vào đó là cá lớn nuốt cá bé, ta đã bé ta buộc phải tự bó tay chân cho vừa một miếng của kẻ khác sao, thế thì mới là thuận lẽ đời sao? Rồi sao đóa sen lại mọc lên giữa hốc mắt của một cái xương sọ? Ai không biết đóa sen là tượng trưng lòng kiêu hãnh gì, và cái xương sọ là tượng trưng cho chết chóc, đen tối, cái ác? Rồi các con đọc ngày này qua ngày khác, các con tự trong tiềm ý thức đã tin rằng, lẽ đời là lớn nuốt bé, cái ác cái mạnh sẽ chiến thắng?

Ai đời, dạy trẻ con những thứ bẩn thỉu như thế, tại sao không dạy trẻ làm một người đàng hoàng, tự trọng và dũng cảm?

Mình có giải thích rằng, đây là truyện Đài Loan tầm phào mà, vô hại mà, họ bán chạy lắm. Nhưng ông cụ không tin, cứ buồn bã suốt có lẽ phải nửa năm rồi. Ôi trời ơi, sao Kim Đồng ra được cái bộ sách tài tình đến thế, người này đọc thì cười mà người kia đọc thì đau?

Rồi đến một hôm cụ vớ được cuốn truyện dân gian của Nhã Nam, cụ bèn trịnh trọng gọi mình lại và nói:

– Con này, bố thấy cái bọn này nó sao mà làm sách hay đến thế. Đây, nó viết thế này, nó kể truyện thế kia…

Mình liếc cuốn truyện tranh ông cụ đang cầm trên tay. Cuốn “Bốn anh tài sang Tàu đòi nợ”.

Bìa sách cuối cùng in hơi tối màu, thấy có dòng chữ:

“Nhìn bốn anh tài đi đòi nợ về kìa!

Họ đang gánh của đi về Nam!”

Gánh của đi về Nam! Hả hê vui sướng làm sao một ông già đọc được mấy dòng này. Đòi được về Nam cái món nợ mà người Việt nào cũng ít nhiều tin rằng, Tàu nợ ta đời này truyền kiếp khác, thôi trước tiên đòi được cái nợ tinh thần, trong cuốn truyện tranh! Thế cũng đã tốt lắm rồi.

Tội nghiệp, thế hệ của ông cụ chả còn mấy người còn sống.

Làng trong phố (26) – Nhà có hai đàn ông

1. Mình thích “mượn tạm” áo phông của ông xã, mặc rộng rãi và rất dễ chịu. Mình thích quần sóoc màu đàn ông. Mình cũng mê dép cao su, có dịp là sắm liền. Rất hợp với mái tóc tém cực ngắn của mình. Một ngày, ông xã nhìn thấy vợ lững thững đi qua trước mặt, cứ nhìn theo, lẩm bẩm: “Rõ ràng mình cưới một người phụ nữ cơ mà?” !!!

2. Mình không biết ghen là gì. Nhưng mình biết bẩn là gì, bẩn là trong căn nhà bạn được rải đầy một tạ phân gà! Một hôm mình bảo chồng, em không thể sống với một tạ phân gà và một tiểu đoàn gà như thế này nữa, anh hiểu không?

Hôm sau ông xã nhờ ba anh đàn ông trai tráng hì hục cả buổi sáng mới dọn hết đống phân gà ra khỏi cửa. Độ chục bao tải bự chứ mấy! Mình chắp tay sau đít ra nhòm nhòm, xong phán 1 câu:

– Anh phải cho mấy cô xe rác một ít tiền thì họ mới chuyển rác đi hộ anh đấy nhé!

Chồng bảo:

– Không cần đâu, tiền nong làm quái gì, các cô chở rác mê anh lắm!

=> Mình một mình hì hục bê chục bao tải phân gà quay lại vào nhà! Không hiểu sức mạnh từ đâu ra mà mình khỏe thế cơ chứ!

3. Hồi bố đẻ mình còn ở chung nhà, cũng mới đây thôi, một chiều mùa hè có 2 cô gái tuổi mới đôi mươi, mặc jupe cực ngắn, chân thon, đi giày cao gót, tóc uốn lại nhuộm hi-light rất thời trang, chạy xe tay ga tới thăm bố mình.

Mình trố mắt ra nhìn hai chân dài đưa quà thăm ông cụ gần chín chục tuổi đầu. Cụ rất đĩnh đạc ra pha trà, tiếp khách, hỏi chuyện nhau rất thân mật. Hóa ra, đây là hai cô công nhân vệ sinh, vốn hàng ngày quét rác ở bờ Hồ Tây quanh chỗ cụ ngồi câu cá, nên quen nhau, bị cụ tán tỉnh thế nào, mà giờ 2 cô đã xin được việc chuyển sang quét rác trong nhà máy, hai cô vẫn nhớ nhung bố mình, đến thăm nói chuyện.

Mình đầu bù tổ quạ, quần xắn đến bẹn, đi ra đi vào không yên tâm, sợ bố bị lừa tình! Xong, mình vào bếp, lôi dao thớt ra chặt rõ to. Chồng mình nhìn 2 cô thì mắt cũng trợn lên, rồi vào thì thầm với vợ:

– Này, anh mà 90, rồi anh cũng có 2 cô thế này nhỉ! Phải học bố vợ!

Mình đứng nhổm ngay dậy, tay vẫn cầm con dao lăm lăm:

– Anh bảo cái gì nhỉ?

Chồng vừa chạy vừa ngoái cổ lại bảo:

– Không không, xin lỗi chị, em nói nhầm!

4. Một hôm, sau lúc ngà say, lũ bạn mình hết vốn buôn chuyện, bèn quay sang lấy ông xã mình làm mục tiêu ném đá. Ông xã mình vươn vai vỗ ngực tự hào: “Tớ mát tay, nuôi gì cũng đẻ, bồ câu thì “đất lành chim đậu” nó cứ từ nhà người khác bay sang chuồng nhà mình sinh đẻ sòn sòn. Cá này cá này hiếm thế khó thế mà tớ nuôi cũng đẻ một bầy! Lũ gà thì phải sắm cả mấy ấp trứng cho kịp tốc độ đẻ! Thật, nuôi gì cũng đẻ, nuôi vợ thì vợ cũng đẻ với tốc độ chóng mặt!”.

Mình thấy chém gió ghê quá, mình chêm vào: “Đúng thế đấy các cậu ạ, chồng tớ mát tay lắm, nuôi Ô-sin mà Ô-sin cũng có bầu cơ mà!” Ông xã ngớ ra, còn lũ bạn lăn ra cười ngặt nghẽo.

5. Cuối tuần, hai bố con quần đùi áo cộc vác cần câu ra hồ Tây kiếm chác. Bố vừa câu được 1 con, thằng chuột Ú đòi cho nó câu hộ, thế là thằng con ba tuổi rưỡi cũng giật luôn được một con. Bố đòi lại cần câu, bố bảo:

– Thôi hai thằng mình, mỗi thằng câu một con nhé!

Đến lúc cá vào nhiều quá, bố quên béng mất cuộc giao ước, cứ mải mê giật. Chuột Ú đòi ngay:

– Ơ, mỗi thằng một con cơ mà!

Bố vừa đưa cần câu cho thằng con, vừa lẩm bẩm:

– May quá, không phải là đang đi mát-xa!

6. Sau cái đận cõng cứt gà quay lại vào nhà, mình đâm ra thù lũ gà. Mình quán triệt việc thủ tiêu gà chọi cho toàn bộ lũ con mình. Việc đầu tiên là cài trò chơi bắn gà Chicken Invaders vào máy tính để bàn, chúng nó hỉ hả chơi, bắn gà kêu oai oái, bắn không nhanh là bị gà ỉa lên đầu, chết thẳng cẳng! Xong, được vài hôm, ông chồng mình dẫn một thanh niên đến nhà, đưa thẳng lên gác, dặn dò, rồi đưa nó ra chào mình.

Hóa ra, ông ấy định đi chơi tỉnh 2 ngày, nên nhờ người đến chăm sóc gà hộ, cho gà ăn đúng giờ, theo dõi máy ấp trứng v.v… Ông ấy bảo mình, anh này sẽ tới nhà mấy lần để cho gà ăn theo giờ, em nhé. Em không phải vất vả gì cho lũ gà của anh cả!

Mình thủng thẳng:

– Vợ chẳng bằng gà!

Chồng hỏi:

– Sao vợ lại chẳng bằng gà là thế nào?

Mình lạnh tanh tung chưởng:

– Anh đi vắng, anh tìm người chăm sóc gà. Thế mà anh chẳng tìm luôn cả anh nào để chăm sóc em!

Chồng ngấm đòn, chồng bảo chàng trai kia:

– Thôi mày về đi, tao ở nhà tao không đi nữa. Để rình xem thằng nào đến đây chăm vợ tao!

7. Ai đã đọc “Làng trong phố” của mình thì biết, có cái cô lấy phải ông chồng “trọng nam khinh nữ” cùng tuổi mình mà đẻ 3 con gái. Mình khuyên cô ấy đừng đẻ nữa, cô ấy thì lại đòi mình truyền dạy kinh nghiệm sao cho đẻ con trai bằng được.

Lâu lâu mình cũng chẳng để ý nội tình nhà người ta. Một hôm, ông chồng mình bảo mình:

– Từ mai nhé, anh không cho 2 thằng cu đi học nữa đâu, em đi mà dẫn con đi học buổi sáng.

– Vì sao vậy?

– Vì anh mà dẫn con đi, là vợ chồng con bé kia nó chửi nhau. Vợ nó chửi chồng, tại sao không dắt con đi học buổi sáng như anh! Khổ thân chồng nó quá!

Hôm sau mình dẫn 2 thằng cu đi học. Đi về mình bảo chồng:

– Từ mai nhé, em không cho 2 thằng cu đi học nữa đâu, anh đi mà dẫn nó đi học sáng nhé!

– Vì sao vậy?

– Em dẫn con đi, vợ chồng nhà nó còn chửi nhau ác hơn. Chồng nó cứ chửi vợ là không biết đẻ, tại sao không đẻ con trai như em! Khổ thân con vợ quá!

Rốt cuộc, mỗi sáng, vợ chồng mình phải lén lút như đi ăn trộm, né đường đi qua nhà hàng xóm. Nghĩ cho cùng, sướng hay khổ cũng là do ý nghĩ trong đầu mình mà ra cả!

8. Mấy năm trước, hồi mình mới có thằng Chuột Ú, bạn ông xã gọi điện đến nghe thấy tiếng trẻ sơ sinh khóc, hỏi gì đó, xong ông xã trả lời: “Ừ, tao mới có đứa thứ 2!” Xong bạn ông ấy lại hỏi gì đó, mình nghe thấy ông ấy trả lời tiếp: “Không, vẫn vợ cũ!”.

Mình thù từ hồi ấy đến giờ. Gặp may, mình lại sinh tiếp em thằng Chuột Ú. Có người bạn mình gọi điện đến, mình cố ý đứng cạnh ông xã để nói thật to: “Ừ, tớ mới có đứa thứ 3, vẫn ông chồng cũ!” Ông xã mình lườm cháy mặt: “Gớm, 3 đứa rồi thì còn ai thèm rước nữa mà cứ chém gió vù vù!”

9. Đọc báo điện tử thấy nói Hà Nội đang tranh cãi nhau ỏm tỏi xem cỗ cưới nên hạn chế 50 mâm hay bao nhiêu khách cho nó vừa đủ văn hóa. Mình thủ thỉ với chồng:

– Bày vẽ làm gì, cỗ cưới càng to chỉ càng làm cho lúc li hôn trớ trêu hơn! Bọn trẻ con nhà mình sau này có cưới thì nó tự đi mà lo, mình chỉ làm cái giấy báo hỉ gửi cho họ hàng làng xóm mà thôi. Đến mẹ chúng nó cưới mà còn chỉ làm có 1 mâm cơm, thắp hương lên bàn thờ mẹ em mà thôi. Thêm đúng cân chè và vài bình hoa hồng mời bạn bè đến.

Nói xong, mình mới sực nhớ ra là hồi đó, nhà ông xã mình có tổ chức tiệc cưới, mời nhiều lắm. Mình bèn thủ thỉ tiếp:- Nhà anh làm cỗ to, chứ nhà em chẳng làm, mà có chết ai đâu!Ông xã vươn vai, ngáp cái rõ to rồi phẩy tay bảo:

– Ừ, lạ nhỉ! Đáng lẽ hồi đó, em lấy được chồng là nhà em phải làm cỗ to lắm mới phải chứ nhi?!!!

Mình giận ông ấy từ hôm đó đến giờ!

10. Ông chồng tối ngày mê nuôi gà chọi, một hôm ông ấy cao hứng bảo mình: “Hồi xưa anh lấy em làm vợ là vì anh nhìn thấy em có tướng tốt đấy chứ!”

– Tướng gì?

– Thì sách “bảo bối gà đòn” đã chỉ rõ rành rành ra đây này, theo con mắt nhìn gà thì em là một con gà mái chiều trống, hiếm lắm quý lắm!

Mình giận quá suýt nữa thì kêu lên, thế sao hồi cưa em, anh không vỗ cánh tay vào hai đùi phành phạch mà kêu ò ó o đi ?!!!

11. Được dịp bạn bè tới chơi nhà, mình rất hồ hởi vì đã có dịp thịt gà chọi đánh chén. Chiến dịch tiêu diệt gà chọi của mình có dự định cần 10 năm sẽ hoàn tất! Giờ mới bước sang tuần đầu tiên. Mình bảo, để tớ lên gác xem mấy con dễ bắt!

Chồng mình ở dưới nhà pha trà, bạn chồng nhấp một chén rồi thở dài. Chồng hỏi tại sao, bạn bảo:

– Bà xã tớ trông thì khỏe như voi thế, chứ tháng rồi hết mấy triệu tiền thuốc!

Chồng mình bảo:

– Lỗi tại cậu, cậu không phải dân chơi gà!

– Hả? Chơi gà thì sao?

Chồng mình cười đểu:

– Thì thay mái!

Bà vợ khách trong bếp đang đun nước sôi vặt gà, bèn hét lên:

– Cắt tiết !!!!!!!

Hai ông co dúm lại cười sằng sặc. Mình chẳng biết gì, mình đi xuống bảo bạn:

– Chỉ cắt hai con là đủ thôi nhỉ?!

Bạn bảo:

– Hai con hay hai thằng, nào, cho các ông chọn!

12. Mình đi uống cà phê về, lượn xe một vòng hồ trước khi rẽ vào làng về nhà. Lũ bạn chồng đang chổng mông câu trộm bên bờ Hồ Tây gọi chồng mình: “Này, nhà báo về rồi đấy!”. Chồng bảo: “Kệ nó!”. Lũ bạn chồng quầy quậy đuổi chồng về: “Mày về đi, không vợ mày cáu, mai cho một bài báo về lũ câu trộm hồ Tây lên báo thì bọn tao hết cửa làm ăn!”

Chồng quệt tay vào quần đùi, bảo: “Để tao về tao bảo nó, là, không chỉ anh sợ vợ đâu, bọn bạn anh cũng sợ em lắm, thể nào nó cũng mừng lắm, cho lên ngay Phây-búc!”

13. Thằng nhóc nhà mình gần 2 tuổi rồi mà thấy mẹ vẫn cứ lăn xả vào… sờ tí! Nhiều lúc dỗ mãi nó không chịu ngủ, mình mất hết kiên nhẫn quẳng cu cậu ra, thế là nó khóc ầm lên. Ông xã đang chơi bắn giết Zombie quay sang mắng: “Cô một vừa hai phải thôi đấy nhé! Đang ẵm nó cho nó nghịch ti mà tự nhiên quẳng nó sang một bên, nó khóc là phải! Nếu là tôi, đang vui vẻ được ẵm được sờ lại bị cô vứt ra ngoài như thế, tôi cũng ngồi khóc nữa là nó!”

14. Mình thường ra phố với quần ngố và dép râu, một ngày, mình mặc quần dài và áo không hở nách, lại còn soi gương trước khi đi ra đường. Ông xã nhìn nhìn một lúc, rồi không nén được tò mò, hỏi: “Em đi đâu đấy?” “Em đi họp góp ý cho văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc!”. Ông ấy bảo: “Con lạy mẹ!”

15. Mình nói thật là sau một thời gian soi gương trường kỳ thấy được mỗi cái mặt ở buồng tắm… nhà người khác, mấy ngày nay mình được thỏa thích soi gương toàn thân ở cánh tủ nhà mình. Nên đi ra đi vào cũng cố ngó vào gương 1 cái, lấy thêm chút tự tin. Ông xã bèn thủng thẳng: “Gớm ai chẳng biết tôi cưới được cái cô đẹp nhất Hà Nội rồi! Nhan sắc cứ như tranh biếm họa!” => Hận đời quá, mai mình mua vé máy bay để bay ngược lại Sài Gòn, tiếp tục cuộc đời soi gương mỗi cái mặt trong toa-lét nhà người khác!

16. Cứ về nhà là sáng nào ngủ dậy cũng đã thấy chồng đặt uỵch cái bánh mì kẹp thịt trước mặt, bảo “Chồng chiều thế này còn gì!” => (Nghĩ bụng) Bỏ mẹ, cái cô bán bánh mì kẹp thịt là cô nào, xinh không, có chồng chưa, lúc mình có nhà mà sáng nào chồng mình cũng tới chào buổi sáng cô này, mình đi vắng thì không biết một ngày chào mấy lần? Chà cha…

17. Về đến nhà, chồng dành mấy ngày đầu tiên để ngắm mình. Ngắm xong, một buổi chiều đẹp giời chồng âu yếm bảo: “Em thật là có gương mặt tuyệt đẹp và thân hình siêu chuẩn của công chúa Fiona trong phim Shrek, nói thật là phải xem phim 3D mới cảm nhận được sự đồ sộ ấy!” => Ai may cho tớ cái áo vỏ cây với nào!

Tàn tật tâm hồn

Bài này viết vào thời điểm chuẩn bị sinh anh Chuột Ú, giờ anh Chuột Ú 4 tuổi, thời gian trôi thật nhanh.

心靈殘障者

上禮拜因開會,搭乘捷運從南勢角往捷運台北車站。上車之後,在捷運開始上路的時候兒,才發現全車廂人家都坐著,只有我一個人在車廂中央靠鋼管站著。

我一直站著,心裡有點奇怪。難道所有坐著的捷運旅客他們一直看不到我一個人站在車廂中間嗎?

下一站上來兩位,看起來很像爸爸和女兒的樣子。老人大概85-87歲,像我爸爸這年齡,抓著柺杖靠捷運門邊站著,他女兒在旁守著他。我們三個人跟著捷運地搖搖擺擺。

我想那時畢竟該上班的都上班了,該忙著去賺錢的都去了,所以捷運旅客人比較少,大家悠閑地觀察車廂窗外月台風景。佔領博愛坐的人正睡著。睡著的人有共同特點,就是臉上顯示幼稚善良,很可愛。

我心裡鼓起了一種莫名其妙的感覺︰難道車廂裡所有人都懷七個月的胎兒?其他男青年也都像那老翁站不穩的?還是他們真的看不見我們?

我坐台北公車和台北捷運的經驗不到三個禮拜,路線還不熟。但是我也知道在公共交通工具的環境中的道德和規定。

我七八年來都騎重型機車,或者越野車出走。城市變成我操場,從沒讓自己被捆住在公車和捷運的束縛狹窄空間。不過最近身體沒有以前那麼好,在快要生孩子的這個月,我才開始學習坐公車和捷運。

如果不是快要生孩子的話,我已經騎越野車去了,不會搭乘捷運。

我可以再活了一百年,或者在台北生活五十年。我生命的時間還很多,不過我今生只有這兩個月需要台北人讓位給我而已。

到中正紀念堂捷運站,一位男青年手拿著三明治和茶杯下車。那女兒扶著爸爸慢慢地走進空位。他們走很慢,一步一步地走向空位。好像他們不相信那空位是屬於自己的。

不過下一站是台大醫院,能坐下不到三分鐘,那兩個人又搖擺地下車。他們是搭乘捷運送爸爸去醫院的。我不到他們那邊留下的空位去入坐,因為下一站我也要下車了。

反正我懷裡的寶貝他也贊同他媽媽的決定︰ 對於一些台北捷運旅客,我們孕婦,老人,病人應該讓位給他們那些心靈殘障者。

(那車號1311從南勢角行駛到捷運台北車站,記不住那天開會是早上10點還是下午2點。)

29/7/2008

Tạm dịch tiếng Việt 10/2012:

Những người tâm hồn tàn tật

Tuần trước, vì phải đi họp dự án, tôi đáp tàu điện ngầm (MRT) từ ga Nan Shi Jiao tới ga xe lửa Đài Bắc. Sau khi vào tàu điện ngầm, mới phát hiện ra trong toa đã hết ghế trống, tôi đành một mình đứng tựa vào cột i-nox giữa toa.

Tôi cứ đứng mãi, lòng thấy buồn bực và kỳ quặc. Chẳng lẽ tất cả những người ngồi trong toa xe đều không nhìn thấy một mình tôi đang đứng giữa toa xe hay sao?

Đến bến sau có hai hành khách mới bước lên toa của tôi, hình như là bố và con gái. Ông bố chừng 85-87 tuổi, cỡ tuổi như cha tôi, chống gậy lắc lư bước vào toa tàu, con gái ông dìu một bên. Ba người chúng tôi đứng lắc lư theo nhịp tàu điện ngầm chạy.

Tôi nghĩ lúc đó, những người phải đi làm thì đã đi làm rồi, những người bận đi kiếm tiền thì cũng đã đi kiếm tiền rồi, nên người đi tàu điện ngầm đã vắng hơn nhiều vào lúc giờ cao điểm, nên mọi người đều nhàn tản ngồi ngắm những bóng trôi qua bên ngoài toa xe. Người đang chiếm mất Ghế Ưu Tiên (ghế dành cho phụ nữ có thai, người già, người tàn tật) thì đang ngủ gật.  Người ngủ gật luôn có một đặc điểm chung, là mang vẻ mặt ngây ngô và lương thiện, trông rất đáng yêu!

Lòng tôi trỗi một cảm giác lạ lùng: Không lẽ tất thảy mọi hành khách trong toa xe này đều đang mang thai sắp đẻ, như tôi? Hay họ thực sự không nhìn thấy tôi và ông già bệnh tật đứng bên?

Kinh nghiệm đi tàu điện ngầm của tôi mới chỉ vỏn vẹn 3 tuần lễ nay mà thôi, ngay cả các tuyến đường tôi còn chưa thuộc. Nhưng tôi cũng biết, những quy định và đạo đức ứng xử khi chúng ta đi trên phương tiện giao thông công cộng.

Bảy tám năm nay tôi toàn cưỡi xe phân khối lớn, hoặc đi xe tay côn. Thành phố là thao trường của tôi. Tôi chưa từng để bản thân mình bị bó buộc và bị ràng buộc với xe buýt hay tàu điện ngầm. Nhưng gần đây mang thai tháng cuối, sức khỏe rất yếu ớt, khi sắp sinh, tôi mới phải học cách đi xe buýt và tàu điện ngầm.

Nếu như không vì sắp sinh con, thì tôi đã cưỡi xe thể thao chạy đi từ đời nào rồi, đi tàu điện ngầm làm gì!

Có thể tôi sẽ sống thọ thêm 100 năm nữa, có thể tôi sẽ sống ở Đài Bắc suốt 50 năm nữa. Tôi tin thời gian để sống của mình còn rất dài, nhưng tôi sẽ chỉ có vỏn vẹn hai tháng này là cần những người đi tàu điện ngầm ở Đài Bắc nhường chỗ mà thôi!

Đã đến ga Đài tưởng niệm Trung Chính, một người thanh niên tay cầm bánh mì săng-đuých và cốc nước trà đi xuống tàu. Người phụ nữ kia dìu bố mình tới ngồi ở chỗ ghế trống bỏ lại. Họ đi rất chậm, từng bước từng bước đi tới chỗ ghế trống. Như thể họ không tin chỗ ghế trống đó là của họ.

Nhưng ga sau đã là Bệnh viện Đại học Đài Loan, họ được ngồi xuống chưa tới ba phút, hai người đã phải xuống tàu. Họ đi tàu để đưa ông cụ đi viện. Tôi không tới ngồi tiếp vào chỗ trống họ bỏ lại, bởi vì, cũng chỉ một ga tiếp theo, là tôi xuống.

Bởi dù sao, đứa trẻ trong bụng tôi cũng đã đồng ý với quyết định của mẹ nó rằng: Chúng ta, những phụ nữ mang thai, người già, người tàn tật, chúng ta nên nhường ghế cho những hành khách bị tàn tật về tâm hồn.

(Hình như chuyến đó mang số hiệu 1311 chạy từ Nan Shi Jiao đi, không nhớ là chạy lúc vắng khách vào 10h sáng hay 2h chiều)

Thất nghiệp đầy đường

Cử nhân, chuyên gia cũng thất nghiệp

Giảng viên từ bỏ giảng đường chạy xe ôm kiếm sống

Có kỹ năng, kinh nghiệm vẫn thất nghiệp

Người người thất nghiệp

Hà Nội vừa có 7.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động

Mình về hưu từ năm 36 tuổi, nên dạo này thấy việc người người vác hồ sơ đi xin việc, nhà nhà lo tiền khan của hiếm, mình dửng dưng như việc nhà người khác. Thì tất nhiên, đó là nhà người khác rồi. Còn ở nhà mình, cơm ba bữa quần áo mặc cả ngày như thế này là đã thấy hạnh phúc lắm rồi í, chả còn mơ ước gì nhiều!

Nhưng chẳng thờ ơ với thế sự được lâu, bởi thỉnh thoảng lại có anh đàn ông nào đó gửi thư cho mình tâm sự. Thường đàn bà gửi thư cho Trang Hạ để nói về việc mất trinh hoặc đang ngoại tình, đàn ông gửi thư cho Trang Hạ thường nói về tiền và sự nghiệp. Không có ngoại lệ.

Từ đầu năm tới giờ, toàn thư đàn ông gửi Trang Hạ than về việc họ thất nghiệp. Những ông chồng trụ cột của gia đình, giờ họ không biết nói gì với vợ. Có ông trung niên còn làm thơ gửi vợ, nhờ Trang Hạ sửa thơ giùm, sao cho nó thê thiết, cảm động, nói rõ tình cảnh của ông ấy để vợ ông ấy hiểu. Rồi ông ấy sẽ in ra để lẳng lặng đút vào túi vợ, cho vợ khỏi sốc. Rằng, anh đang nhỏ máu trong tim, em biết không?

Có anh công nhân thì hỏi thẳng, nhà máy của em cầm chừng, trả lương mấy trăm nghìn một tháng, vợ con em nó sẽ đối xử với em ra sao đây? Em nhìn quanh, công nhân đồng nghiệp ai cũng mặt méo xẹo, về mà không buồn lê bước chân. Thế này còn thua cả thất nghiệp, vì thà thất nghiệp hẳn đi, bọn em còn yên tâm đi xin việc chỗ khác hoặc chạy xe ôm.

Không hiểu vì sao, tất cả các ông chồng này đều nói đến nghề làm xe ôm! Dù có người đang là nhân viên văn phòng, có người là kỹ thuật viên, có trình độ, có kỹ năng, có người còn trẻ, chưa vợ nhưng đã gần như sụp đổ khi bị sa thải mà đi xin việc mười mấy nơi, mấy tháng nay không được nhận vào đâu cả.

Mình không rõ chính phủ đang làm gì, và đang bàn gì. Mình chỉ thấy đã đến thời loạn, đàn ông cũng khóc. Cuộc sống khó khăn đang bóp cổ người dân thường chỉ biết kiếm sống bằng lao động chân chính. Chắc chỉ có người đàn ông đang ngồi trên đầu trên cổ nhân dân thì mới cười được thôi.

Mình không phải trung tâm giới thiệu việc làm, mình không giúp các anh độc giả này được một cơ hội nào.  Có người thì mình reply an ủi:

“Thất nghiệp không đáng sợ bằng vợ chồng hục hặc với nhau. Có những người chịu khó xe ôm hoặc hàng nước, tạp hóa nhỏ sống qua ngày nhưng thuận vợ thuận chồng thì vẫn thấy cuộc đời tươi đẹp. Người có tiền mà vợ chồng chả ra gì, thì chẳng bằng cái người thất nghiệp nhưng có vợ đứng bên chia sẻ. Ông xã nếu thất nghiệp nhưng biết ở nhà thì nấu cơm, đi chợ, rửa bát, trông con, không hách dịch vợ, không sĩ diện, ra đường thì chịu khó để kiếm việc mới, vậy thì có sao đâu. Vợ sẽ vẫn thấy hạnh phúc vì có người chia sẻ đỡ đần, chứ không phải ông kia nhàn cư vi bất thiện. Nếu bạn là dân kỹ thuật, thời kỳ này lên mạng quảng cáo nhận làm dịch vụ tận nhà là cực kỳ đắt khách. Chỗ mình có 1 ông nói xin lỗi nhé, làm nghề bơm vá xe máy, kiêm xe ôm, ông ấy đi khắp các cao ốc chung quanh phát số điện thoại của ông ấy, chị em văn phòng nào cần dịch vụ gọi 1 cú điện thoại ông ấy đến tận bãi xe vá xe hộ hoặc đưa rước, mua đồ hộ, gửi thư hộ v.v… sống cực kỳ thoải mái cả về đầu óc lẫn thu nhập. Nói cho cùng, vẫn là cái gì trong tim và cái gì trong đầu nó quyết định cuộc sống mỗi người.”

Mình chẳng hiểu đầu óc đàn ông nghĩ gì, có hiểu cái thư của mình thực ra chỉ reply bằng cái câu cuối thôi, cái gì trong tim và cái gì trong đầu nó quyết định cuộc sống.

Có người khăng khăng gửi thư ba bốn bận muốn hỏi ý kiến mình, rằng còn cửa nào để kiếm sống không, khi tiền không, quan hệ không, hai đứa con nhỏ, vợ cũng chỉ lương nhà nước, giờ thất nghiệp được hưởng đúng một tháng lương là năm triệu. Mình bảo, bạn có khi đầu óc chẳng bằng cái anh chở bếp gas nhà tôi!

Là sao?

Thì là nhà tôi mua bếp gas của một cái anh thất nghiệp, đứng đầu đường, không tiền, không vốn, không quan hệ y như anh vậy đó! Nhưng mà anh ấy lại kiếm được tiền nuôi cả gia đình vì anh ấy biết xoay xở!

Anh ta mua tên miền mười đô la. Xong anh ta nhờ một tay sinh viên lập cho cái website rất hoành tráng bán đồ gia dụng, thiết bị nhà bếp, máy hút khói, thiết bị phòng tắm, đủ loại dụng cụ đồ điện, mất hơn triệu đồng! Hình ảnh hàng hóa và thông tin sản phẩm thì copy từ website của nhà phân phối nước ngoài. Giá cả thì rẻ hơn mọi công ty khác chỉ 50-100-200 nghìn đồng/ món mà thôi. Thực tế, đó là tất cả vốn liếng của anh ta! Khách thấy website hoành tráng, hàng hóa có bảo hành, bèn gọi điện đặt hàng. Anh ta lúc đó chỉ việc đi lấy hàng từ kho của… công ty quen với giá bán ưu đãi, rồi chở đi cho khách, lấy hoa hồng và nhận tiền tươi thóc thật. Xong, về trả tiền vốn cho công ty quen.

Hàng xịn, đúng phẩm chất, bảo hành lắp đặt tận nơi, giá rẻ hơn chút xíu thôi, mà khách này mách cho khách kia mua, khách mua bằng cách google cũng nhiều! Trong khi về bản chất, anh ta cũng y chang như mọi chàng chở thuê cho các cửa hàng đồ điện gia dụng và siêu thị điện máy khác mà thôi!

Làm xe ôm, nói thật, cũng phải có đầu óc, đâu phải đàn ông cứ thất nghiệp là đủ trình đi làm xe ôm!

Nói cho cũng, vẫn là cái gì trong đầu và trong tim quyết định đời mình!

Phải gió nhà cái anh “dáo giục”!

Hồi xưa mình đi học lớp một, đúng ngay cái năm 1981 cải cách giáo dục, chẳng biết cải cách những cái gì, chỉ biết là cả nhà và cả khu tập thể ai cũng chửi sao chữ mày xấu thế hả con. Hổng hiểu luôn! Sau này mới biết là năm đó cải cách, trẻ con học viết chữ y như chữ in trên báo. Chữ nào cũng cụt lủn và thẳng đuỗn như xếp chữ bằng tăm. Viết chậm vô cùng, chữ xấu vô cùng, mất cân đối và thiếu thẩm mỹ đến tận cùng. Kèm theo đó là nết xấu cầy ngòi bút xuống mặt giấy. Vì đơn giản là chữ viết thường có thể viết hết một chữ (3-4 chữ cái) chỉ bằng một nét bút, thì chữ cải cách bọn mình chấm bút độ một chục nét chưa xong 1 chữ ấy! Ví dụ, chữ “nghiêng” người ta viết đúng 1 nét xong thân chữ, chỉ cần chấm dấu là xong, thì mình nhấc bút lên đặt bút xuống đúng 20 lần để viết đúng 10 nét mới hết cái thân chữ!

Không rõ còn bạn nào nhớ cái công cuộc cải cách ấy không ta? Được 1 năm, hình như lứa đàn em sau mình thoát nạn ấy! Những bạn bè cùng lớp đều lần lượt “cải tà quy chính” viết nắn nót theo cách bố mẹ dạy, riêng mình bướng, mình khăng khăng chỉ viết như cô dạy đến cả gần 10 năm sau, ngu thế cơ chứ! Làm chuột bạch cho ông bộ trưởng giáo dục mà không biết. (Hồi đó ai làm Bộ trưởng giáo dục vậy ta?)

Mãi sau này mới hiểu, lối viết có thể học để thay đổi, nhưng tri giác về nhịp điệu và thẩm mỹ thì không bao giờ còn học được. Chưa kể mình được bonus luôn cái tính gàn! Cả lớp đã viết chữ “có bụng” từ đời nào, mình ta chơi một kiểu chữ nòng nọc cụt đuôi!

Xong ì ạch học mãi mới hết cấp 2, bỗng dưng có lệnh trên truyền xuống, học hết lớp 8, đứa nào không thích lên lớp 9 thì tao cho chúng mày lên hẳn lớp 10 luôn cho nó oách! Giờ nghĩ lại thấy không biết đấy là may hay khôn? Mình lên lớp 10, mình chưa từng học lớp 9 một ngày nào, thế mà cũng chả chết! Giờ nghĩ lại mới băn khoăn, nếu ăn bớt một năm học hành và kiến thức mà cũng chả ảnh hưởng gì tới tiêu chuẩn tốt nghiệp cũng như tố chất cá nhân sau này, vậy, giá mà được ngồi trên ghế nhà trường xã hội chủ nghĩa thêm 1 năm nữa, biết đâu mình đã thành… thiên tài?!

Hoặc lật lại vấn đề theo góc nhìn thực dụng hơn của bà cô Thị Nở, đã bớt được tại sao không bớt luôn đi cho bà con nhờ? Mà có những người như mình đã ăn bớt được 1 năm, vậy sao Bộ giáo dục không nghĩ cởi mở một chút, cho phép cả những đứa trẻ không đến trường học mà học ở nhà hoặc ở nước ngoài với bố mẹ (ăn bớt học phí 12 năm nộp cho ngành giáo dục!) được tham gia mọi kỳ thi tốt nghiệp y như học sinh khác, nếu các em ấy có đủ trình độ? Hay chỉ cần ngồi cho đủ số ngày trên ghế nhà trường, thì trình độ em dù dốt mấy, dù lớp 5 chưa biết đánh vần, dù lớp 12 vẫn phải tung bài giải vào lớp thì đương nhiên được quyền thi mọi kỳ thi của Bộ, may mắn hơn, còn vừa ngồi thi vừa chộp được đáp án của thầy cô vãi như đạn vào phòng thi, kiểu gì cũng được Bộ giáo dục “gia ân” cho cái bằng tốt nghiệp phổ thông? (phải gió cái anh Đồi Ngô, sao mà anh lại “lổi tiếng” thế chứ lị!)

Xong rồi, mình thi vào Đại học, ngày trúng tuyển đại học, mình chắc chắn là mình vào học trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ! Thế mà ngoằng một phát, làm sao người ta học 4-5 năm mới xong 1 trường Đại học, thì mình một lèo 4 năm học xong 3 trường đại học! Tốt nghiệp đàng hoàng! Phải nói là hơi bị khủng của nó đấy!

Vì vừa vào học Đại học Sư phạm Ngoại ngữ học được vài tháng, thì bỗng nhiên trường đổi tên thành Đại học Ngoại Ngữ (thế là mình thành sinh viên Đại học Ngoại ngữ!) trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (thế là mình thành sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội!). Về khoe cả nhà rất là oách! Xong, lúc đó giáo viên thông báo là các em sẽ trở thành sinh viên của… Đại học Đại cương (Trời ơi!) Bao giờ học hết năm thứ 2 đại học, các em sẽ thi “vượt rào” để lên năm 3! Tuy nhiên vì đang còn chờ cơ chế nên hiện tại, khi chưa biết đầu cua tai nheo ra sao, các em cứ là sinh viên của… Đại học Ngoại ngữ, thế đã ha!

Mình về khoe bà cụ nhà mình, mẹ ơi con không biết từ giờ đến lúc tốt nghiệp ĐH, con sẽ cầm tấm bằng ghi cái trường gì trên đó nữa! Quả nhiên không phụ công mong đợi của mình, mình đã tốt nghiệp cả Đại học Sư phạm Ngoại Ngữ, lẫn Đại học Ngoại ngữ và Đại học Quốc gia, thiệt tình, cảm giác như bản thân mình là một con bò được buộc dây dắt qua cổng trường Quốc gia, người ta muốn gài lên sừng bò cái tên gì cũng được hết á!

Gần đây có lần đi nói chuyện ở một đơn vị giáo dục về… giáo dục, mình bảo, cái tuyệt vời nhất của giáo dục Việt Nam là nó làm cho người ta nhận ra rằng, được hệ thống của Bộ Giáo Dục giáo dục xong chúng ta còn thiếu rất nhiều thứ, cái gì cũng phải tìm cách để bổ túc cho bản thân, từ quan điểm cho tới thông tin, từ triết lý cho tới tinh thần nhân văn. Thậm chí cầm bằng này đi làm nghề khác mà vẫn thấy đại học là cửa phải qua cho bằng được! Chứ mấy cái hệ thống giáo dục Anh Mỹ Tây Âu chỉ đẻ ra mấy anh tầm phào tự tin quá đáng về bản thân mà thôi, cầm bằng xong là tin cái bằng cấp đó giúp mình vào đời được, nói thật làm người như thế, lập thân lập nghiệp được nhờ giáo dục như thế thì… dễ lắm, ai chả làm được, có gì mà ghê gớm! Hi hi.