Bạn là nạn nhân của những ai?

PV_301212_TrangHa_006_DHMỗi chiều thứ Bảy, mời mọi người đón đọc một bài mới nóng hôi hổi vừa ra lò của Trang Hạ nhé, trong chuyên mục “Cookies trà chiều” trên Đẹp Online. Cuộc trò chuyện này sẽ thú vị hơn khi bên tách trà chiều có một người tỉ tê nói về cuộc sống muôn màu.

http://www.dep.com.vn/Cookies-tra-chieu/Ban-la-nan-nhan-cua-nhung-ai/20427.dep

Bạn là nạn nhân của những ai?

Mỗi lần đọc một bài báo viết về một nhân vật nào đó, dù là kẻ vinh hiển hay người tù tội, tôi cũng thường rất khó chịu với những phóng viên viết bài. Cảm giác chính họ làm cuộc sống này vẩn đục và bất bình sâu sắc.

Vì thường chúng ta sẽ đọc được những dòng sau:

Nếu nhân vật là kẻ xuất sắc, tiểu sử sẽ được tả “sinh ra trong một gia đình có truyền thống…” hoặc “dù gia đình không có ai theo nghề này, mọi người đều không làm nghệ thuật, không kinh doanh, hoặc chỉ là viên chức, thế nhưng anh vẫn v.v…”. Thế rõ ràng hai thái cực này quá khác xa nhau, nhưng nhân vật lớn lên vẫn rất kiệt xuất đó thôi. Vậy truyền thống gia đình có thực sự là một lực đẩy lớn đến thế không? Nếu đủ lớn, rõ ràng nó triệt tiêu luôn cố gắng và thành tựu của anh, khi anh theo nghề cha truyền con nối. Viết thế chẳng hóa ra là, anh giỏi gì đâu, anh chỉ ngồi lên đầu lên cổ bố mẹ anh, để cao hơn thiên hạ mà thôi!

Nếu truyền thống gia đình chẳng đủ lớn, anh đã thành đạt ở lĩnh vực khác, thì rõ ràng càng chẳng nên lôi tổ tông ra để làm bi kịch thêm hoàn cảnh xuất thân tréo ngoe của anh, đúng không? Bởi hiếm hoi lắm mới có thế lực gia đình đủ mạnh khiến một kẻ đần thành một thiên tài, vì xã hội có mù hết đâu mà không thấy!

Nếu viết về tội phạm, sẽ có đoạn “lớn lên thiếu sự giáo dục của bố mẹ…” hoặc “dù được bố mẹ nghiêm khắc quan tâm, hắn vẫn…”. Vấn đề ở đây là, vô số người mồ côi, thiếu cha hay thiếu mẹ vẫn lớn lên thành người tử tế thành đạt trong đời. Và vô số gia đình hạnh phúc lại nuôi lớn đứa con tù tội. Thiếu gì bố mẹ bác sĩ chữa bệnh khắp thiên hạ mà chẳng chữa nổi bệnh cho con. Vấn đề rõ ràng nằm ở chính tâm thế của một con người đó thôi.

Nhưng chúng ta vẫn luôn nhìn một con người theo cách nhìn họ là sản phẩm của… người khác, của bố mẹ họ, thầy cô họ, của ngôi trường danh giá ấy, của vùng miền ấy. Họ thành công là nhờ quá khứ và xuất thân của họ, chứ không phải nhờ giá trị họ tích lũy cho chính bản thân mình trong quá trình trưởng thành. Thậm chí rộng hơn thì chụp cho họ cái mũ tính cách của người Bắc, thói quen của người Nam, giới trẻ 8X thích hưởng thụ, lứa già cổ hủ v.v… Ít ai nhìn nhận rằng một con người là sản phẩm của chính con người ấy, bằng những lựa chọn của chính họ vào thời điểm quyết định.

Điều ấy dẫn tới một thói quen tồi tệ là, một mặt ta cho thành công của ta đến từ… đám đông và thời thế, một mặt chúng ta luôn thấy chúng ta là nạn nhân của xã hội này! Những lựa chọn sai lầm của ta là do xã hội đun đẩy tới. Mà có vẻ, người tự nhận mình là nạn nhân của xã hội có vẻ nhiều hơn người thành đạt nhờ xã hội.

Có lần một phụ nữ tâm sự với tôi về việc chồng ngoại tình, chị ấy lên án ông chồng rất ghê gớm, chửi bới “con bồ” kia rất ghê. Thế nhưng khi tôi bảo, cuộc sống tù ngục đau khổ thế này thì chị bỏ chồng đi! Người phụ nữ trợn mắt lên bảo, tại sao lại phải bỏ chồng, tôi là vợ có hôn thú cơ mà, bỏ là tôi thua con đĩ kia à? Tại sao lại phải bỏ? Bỏ thì ông ấy sướng quá, còn tôi thì ai lấy? Không giữ được chồng thì “con kia” nó chửi cho!

Hóa ra, người phụ nữ có chồng ngoại tình đang cố gắng tìm kiếm đồng minh, muốn người khác hiểu chị là nạn nhân của ông chồng trăng hoa, chị bị chồng đối xử tồi tệ. Chị muốn người ta hiểu chồng chị đang làm điều không tốt với chị. Chị cần sự đồng cảm và ủng hộ của đám đông, trong đó có tôi.

Chứ chị hoàn toàn không có ý định thay đổi hiện tại, tháo gỡ mâu thuẫn vợ chồng, kết nối lại yêu thương với ông xã!

Chị sợ li hôn chỉ vì sợ chị bị thua thiệt, chứ không sợ phải sống với một người đàn ông chẳng còn yêu mình! Vậy, sống thế có hạnh phúc không? Sống thế khác gì sống với một ông hàng xóm, ngủ chung giường mà không có ràng buộc tình cảm. Mà nói thật, có khi ngủ với ông hàng xóm còn thú vị hơn ngủ với một ông chồng đã cạn tình hết nghĩa!

Vậy thì đâu phải là chồng đối xử tồi tệ với chị. Chỉ là chị đã tình nguyện sống tồi tệ đấy thôi. Ai cấm chị sống có tự trọng, yêu thương bản thân, giải phóng cả đầu óc lẫn thân thể ra khỏi một mối quan hệ tồi tệ? Ai buộc chị vào cạnh một người đàn ông mà chị luôn mồm cho rằng “không xứng đáng”?

Vậy, cho tôi hỏi, với từng ấy dữ liệu: Tại sao chị sẽ cho rằng, cả thế giới này lẫn ông chồng buộc phải có nghĩa vụ đối xử thật tốt với chị?

Sao tâm lý của chị giống y hệt tâm lý những người phụ nữ bị chứng bệnh ám ảnh mình bị hại. Họ cứ nghĩ họ rất tốt, rất đẹp, họ luôn đúng, chẳng qua là những người khác luôn hại họ. Họ là nạn nhân của người khác.

Nếu nàng không tìm cách nào thu xếp ổn thỏa với đồng nghiệp, nàng sẽ nghĩ, mình là nạn nhân của tệ đố kị nơi công sở.

Nếu cô bạn thất nghiệp mãi không tìm được việc làm, cô ấy sẽ cho rằng, những kẻ xin việc bằng phong bì và quan hệ quen biết đã chiếm hết cơ hội của cô!

Nếu chồng bạn có bồ, vấn đề nằm ở ông ấy, ở tiền, ở gái chân dài tham tiền đào mỏ v.v… Nếu con bạn đánh nhau và điểm kém, bạn thấy rõ ràng bạn đâu có dạy nó đánh nhau, và bạn vẫn luôn mồm nhắc nó phải học hành cho tử tế vào cơ mà!

Nếu mẹ chồng ghét bạn, vấn đề luôn nằm ở mẹ chồng, đâu phải là từ phía bạn?

Nếu chó nhà hàng xóm chạy sang ị bậy trước cửa nhà bạn, cả văn phòng bạn đều biết rõ, nhưng văn phòng không bao giờ biết, chó mèo nhà bạn ị bậy trước cửa nhà ai!

Có lần tôi rất bực tức giận dữ hỏi một cô gái trẻ, vì sao cô ấy xin tôi cho học bổng, sau khi tôi xin cho cô ấy một học bổng danh giá ở nước ngoài, cô ấy lại bỏ không đi du học? Cô ấy bảo, vì người yêu em không cho đi du học. Vì bố mẹ em bảo ở nhà kiếm việc rồi cưới chồng!

Lúc nào phụ nữ chúng ta cũng là nạn nhân của hoàn cảnh. Thế nhưng, vấn đề là, thế tất cả những người Việt Nam đi du học, hàng vạn người mỗi năm, đều là trẻ mồ côi bố mẹ từ nhỏ, và đều là gái ế giai hâm, không ai ngó tới, nên mới xách va-li lên đường du học? Còn bạn, bạn có gia đình và người yêu, nên bạn phải bỏ học bổng?

Tất cả những người khác đều có tiền, có quan hệ để xin việc, còn mỗi bạn là thân cô thế cô? Thế nếu đã nghĩ được như thế, sao bạn không đi mở quán rửa xe hay bán trà đá bên đường cho nó có thu nhập ổn định đi, những nghề ấy đâu cần tiền nhiều và thân thế hoành tráng?

Nếu bạn tốt nghiệp đại học với tấm bằng trung bình, tôi cam đoan có nhiều người sẽ bào chữa rằng, phần lớn thời gian phải dùng để đi làm thêm kiếm tiền trang trải đời sống, giáo trình và giáo viên cổ lỗ sĩ làm giảm hứng thú học tập của bạn v.v… Chứ chẳng mấy người tự nhận rằng, trí óc và trình độ của tôi chỉ ở mức trung bình! Và tôi đang nỗ lực tìm cách phấn đấu để bù đắp nhược điểm đó!

Mỗi khi phụ nữ sụt sùi, em bị thế này, em bị thế kia… tôi nghĩ cũng là cơ hội tốt cho các anh giai tới an ủi! Nhưng, có hai điều cực kỳ quan trọng này mà phụ nữ cần biết:

Một, đàn ông thích phụ nữ tươi cười và sexy. Không đàn ông nào thích ngồi tỉ tê an ủi một cô mặt nhàu vì nước mắt nước mũi, than thở xui xẻo. Tôi không phải đàn ông, nhưng tôi cũng thế!

Hai, đàn bà sinh ra không ai yếu đuối nhược thiểu cả. Chỉ trong quá trình sống, chúng ta trở nên hèn kém thua thiệt mà thôi! Luôn nghĩ mình là kẻ bị hại, bạn sẽ chẳng bao giờ tìm ra bài học nào cho cuộc sống!

Chẳng ai hại bạn cả, bạn chỉ là nạn nhân của chính bạn mà thôi.

Trang Hạ

2013

Một suy nghĩ 23 thoughts on “Bạn là nạn nhân của những ai?”

  1. Cam on chi Trang Ha. Em da doc vai bai viet cua Chi, giup e song co trach nhiem voi ban than va manh me hon. 🙂

  2. Mình nghĩ là mỗi việc làm đều do chúng ta tự nguyện, tự lựa chọn tham gia vào, dù kết quả thế nào thì kiểu gì bản thân mình cũng có phần. Tuy nhiên, ngược lại kết quả tồi tệ ( làm ăn thua lỗ, gia đình tan vỡ và nhiều thất bại khác…) ngoài người tham gia là mình thì còn có những người khác tham gia vào, tất cả họ đều là tác nhân cho cái kết quả không thành đó. Vậy thì cũng chẳng nên trách mình bản thân mình, cũng không nên trách người khác nhiều (kẻ lừa đảo thì trách 1 chút rồi thôi), theo mình cứ coi tất cả đó là trải nghiệm quan trọng là tìm nguyên nhân mà rút kinh nghiệm thì tốt hơn!

  3. Xin được bổ sung ý kiến của bản thân em: Nếu bạn có con gái, hãy dạy dỗ và đối xử với con gái bạn tương tự như với con trai. Đừng dạy con gái cứ phải thùy mị, yếu đuối, nhu nhược, hay khóc nhè, phải nương tựa vào đàn ông…blah blah. Thay vì chỉ mua mỗi búp bê và đồ hàng thì hãy mua cả những đồ chơi con trai hay chơi (như ô tô, lego, xếp hình…) để khuyến khích khả năng tư duy, tính mạnh mẽ và chủ động trong đứa con gái. Đừng lo là sau này con gái bạn sẽ như đàn ông, vì những người phụ nữ cá tính và mạnh mẽ vẫn thừa sức là đàn bà đích thực. Chính cách cha mẹ và xã hội đối xử với bé gái và bé trai khác nhau đã đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành sự khác nhau về mặt tính cách giữa 2 giới.

  4. Có rất nhiều ràng buộc giữ một con người với thế giới quanh họ. Cảm thấy không thoải mái nhưng không dám bứt ra vì sợ đau, sợ ngã. Cái gì cũng có gía của nó. Đổ thừa cho hòan cảnh chỉ là một kiểu lừa mình dối người để bản thân thanh thản hơn mà thôi.

  5. Chuẩn luôn chị ah, e đi làm nhà nước chỉ vì mẹ e là cô giáo, bà muốn con gái có một công việc cơ bản…giống như việc sinh ra trong một gia đình cơ bản vây…thôi thì chiều ý mẹ , lương nhà nước 3 cọc, 3 đồng…e ko kêu ca,tìm kiếm chân trong chân ngoài, tham gia vào một số dự án…thế là nuôi đc mình và con, ko phải ăn bám chồng hay về xin tiền mẹ…e nghĩ làm mẹ, nếu con mình đói khổ, kể cả phải đi bán rau hay mở hang nước chè vỉa hè e cũng làm được…lao động là vinh quang mà. Thế nhưng không phải ai cũng nghĩ và làm như mình. Em có thằng bạn học cấp 3, thỉnh thoảng nó lên mạng hỏi thăm an ủi, một sô bạn gái cùng lớp xong xin số điện thoại để gọi họp lớp…lâu lâu nó gọi lại, trình bày hoàn cảnh rất thảm thương, rồi vay tiền…lương tớ chậm, có gửi ngay…xong lăn mất hút trên các mạng xã hội, số đt ma…hỏi ra thì đa phần các bạn nữ trong lớp đều là nạn nhân của lòng từ thiện…nghĩ đến thằng đó…e thấy rùng mình… hoen ố cả cái thời học trò đẹp và trong sáng

  6. Chào chị, em nghĩ chị nên để thêm danh mục cho các bài viết. Như thế này em muốn tìm bài viết cũ khó quá =.=!

  7. Bạn Thắng Giáo sư nói là tìm giải pháp còn được, một số phần trên bạn mặc định ” việc nhà là việc nhẹ nhàng, cần khéo” hay nói cách khác bạn cho rằng ” việc nhà là việc của đàn bà”? còn việc kiếm tiền mới là việc nặng nhọc đàn ông cần làm. Vậy mình hỏi bạn nếu vợ cũng đi làm, cũng kiếm được tiền nghĩa là đã san sẻ cái việc nặng cho gia đình thì đàn ông cũng nên coi việc san sẻ bớt cái việc khéo với vợ là việc đương nhiên chứ ko phải là vì lòng thương, tình yêu hay bị dụ, bị ra điều kiện??? Hôm nay bác Lê Hoàng nói 1 câu mà mát cả ruột ý là: đàn ông cần coi việc nhà là đương nhiên!

  8. minh khong thich nhung suy nghi nay. Mac du minh thich phong cach cua Trang Ha. Nhung nhung gi o day thuc su rat phien dien. Neu ma ai cung suy nghi nhu chi, thi the gioi nay don gian qua. Nha ngheo khong sinh con vi khong nuoi duoc, khoi nhin thay cac be nho thieu thon du duong ma dau long. Lai den cac ba vo, cu chong hu hong la phai ly di cho bang duoc. Ve lam dau nha chong ma khong o noi thi bo di. ???

    1. Bạn không thích vì bạn sợ đối diện với sự thật, sợ thú nhận bản thân mình thất bại, sợ bị thua thiệt, thà cố đấm ăn xôi còn hơn. Thái độ ấy vĩnh viễn chẳng bao giờ khiến bạn tìm ra lý do thật sự của mọi thất bại.

      1. Van de o day la nguoi phu nu co chong ngoai tinh da co san su chon lua: co dam an xoi, nhung co ay chua chap nhan duoc nhung mat mac do su chon lua ay mang lai. Suy nghi cua Trang Ha o day la can co quyet dinh DUT KHOAT. Da khong muon li di , thi phai chap nhan thoi trang hoa cua chong

  9. Hạ nói đúng. Chẳng ai phải chịu trách nhiệm về cuộc sống ngoài chính bản thân mình. Cái quan trọng là chúng ta có nhận ra và vượt lên hay không. Hạ là phụ nữ hiện đại tiêu biểu với cá tính rõ ràng k nhầm lẫn. Viết nhiều nữa nhé!

  10. Cám ơn Trang Hạ vì những bài viết thật ý nghĩa. Và cám ơn về cái duyên nó luôn đến đúng vào lúc mình cần. Cám ơn bạn rất nhiều

  11. Nhà báo nói láo ăn tiền, chẳng phải đã có câu châm ngôn thế rồi còn gì! Nhưng có điều đừng phóng đại quá đến mức thần tượng, họ cũng chỉ hơn bình thường một chút mà thôi! Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Đã là phụ nữ, nhất là phụ nữ Á Đông thì làm sao thoát hoàn cảnh như Trang Hạ nói chứ. Có hô hào giải phóng phụ nữ, bình đẳng giới đến đâu thì quan niệm nam trọng vẫn còn ăn sâu tiềm thức.

    Suy cho cùng phụ nữ Việt mà một thân một mình như phụ nữ phương Tây không dễ, không bị người ta cho khác thường thì cũng này nọ. Chuyện thiên hạ thì nhiêu khê lắm!

    1. Bạn suy nghĩ SAI rồi – mình phải sống cho mình chứ – chứ làm sao phải quan tâm đến dư luận – Tôi năm nay sinh năm 77 chưa lấy chồng – nhưng mình cũng xác định lấy chồng phải hạnh phúc hơn, hay có lợi hơn cuộc sống độc thân hiện tại – chứ KHÔNG bao giờ lấy chồng chỉ vì người ta cũng làm thế và mình cũng PHẢI làm thế. Muốn xã hội thay đổi thì từng cá nhân một cũng phải thay đổi như thế mới góp phần thay đổi xã hội được. Chuyện bỏ chồng cũng vậy thôi – nếu bỏ chồng mà hạnh phúc hơn sống với người chồng bội bạc thì nên bỏ – Ra quyết định một vấn đề lớn của cuộc đời thì cái quan tâm nhất là CUỘC SỐNG CỦA MÌNH – chứ không phải là những chuẩn mực đâu đó hay sự đàm tiếu của thiên hạ. Ra một quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến CUỘC SỐNG của mình mà lại phải căn cứ vào DƯ LUẬN thì là điều ngớ ngẩn. Các cụ cũng đã nói – người ta cười ba tháng chứ ai cười ba năm cả ! Vậy tại sao không dũng cảm để bước qua dư luận chứ!

      1. 🙂 đúng như c nói, nhiều người mắc lỗi này. Không ai chịu thay đổi vì nghĩ rằng bản thân không vượt qua được ” Xã hội” nhưng chính họ lại là một phần trong xã hội ấy.

  12. Thật ra chị Trang Hạ nói đúng,cái chính là thái độ sống của mình như thế nào.Nếu mình không lo được cho bản thân mình,không thể làm cho chính mình hạnh phúc thì khó lòng mang lại hạnh phúc cho người khác.Khi đó chỉ là sự chịu đựng sống từng ngày từng ngày mà không hiểu con đường tiếp theo của mình như thế nào.
    Nhưng việc đó lại cũng là 1 phần môi trường sống;cách giáo dục của gia đình.Có thể con người ấy có khả năng kháng cự lại môi trường giáo dục nhưng cũng có những người họ sẽ bất lực phó mặc cuộc đời với nhiều lý do biện hộ cho sự yếu đuối của mình
    Thân

  13. đúng là trước đây em cũng đã từng đổ lỗi cho ngoại cảnh, cho người khác khi mình gặp thất baị hay thua thiệt mà ko dám nhìn nhận thẳng thắn khuyết điểm thiếu sót từ phía mình. Không phải ai cũng có thể làm điều đó, có thể nói đấy là bản ngã con người, mà ko thể sớm thay đổi trong ngày một ngày hai. Cũng có thể do quá đề cao đánh gía và cách nhìn của những người xung quanh, hoặc cái tôi quá cao v..v.. Nhiều lúc em chỉ toàn tập trung và đánh giá người khác qua những khuyết điểm của họ, dù cũng biết rằng ai cũng có lúc mắc lỗi, kể cả mình. Làm sao để có thể vượt qua khiếm khuyết, em cũng ko biết. Đọc bài viết của chị, em nghĩ mình đã có thể nhận ra điểm yếu và có động lực để sửa đổi bản thân, cám ơn chị nhiều.

  14. Lẽ dĩ nhiên con người luôn luôn như vậy, tự nghĩ ra những lý do đó để tự an ủi mình, chẳng thể tránh được, có phải ai cũng có thể kiên cường mà lúc nào vấp ngã cũng đứng bật dậy và vội vội vàng vàng hứa với bản thân mình là “tôi có lỗi lần sau tôi sẽ cố gắng và tất cả lỗi là do chính tôi mà thôi”. Bài viết của chị đem lại cho tôi suy nghĩ tích cực về cuộc đời, dám làm dám chịu.

Gửi phản hồi cho Hồng Hạnh Hủy trả lời