Ở goá 32 năm nuôi bố mẹ vợ

Chú thích ảnh: Tạ Diên Ngôn cài áo cho mẹ vợ, ân cần hơn cả con đẻ –

ảnh: nhật báo Hà Nam – Trung Quốc.

Ở goá 32 năm nuôi bố mẹ vợ

Bài báo đăng trên “Hà Nam nhật báo” tháng 12/2006 đã làm xúc động hàng trăm triệu bạn đọc trên khắp Trung Quốc với đầu đề giản dị “Ở goá, người đàn ông ngũ tuần 32 năm nuôi bố mẹ thay vợ”. Có lẽ tấm ảnh người thợ mỏ già Tạ Diên Ngôn đang chăm sóc nhạc mẫu hẳn đã gây xúc động nhiều hơn cho những bạn đọc thường xuyên phải lo âu vì gánh nặng gia đình.

Kết hôn tròn một năm, vợ Tạ Diên Ngôn bất ngờ ra đi. Từ đó, anh chăm sóc nuôi dưỡng bố vợ bị bại liệt suốt 18 năm ròng, và chăm nom mẹ vợ bệnh tật cùng người em vợ bị thiểu năng trí tuệ suốt 32 năm nay không mỏi mệt. Từ lúc tóc Diên Ngôn còn xanh, cho đến giờ, tóc ông đã bạc trắng hoàn toàn.

Mỗi buổi sáng sớm, người đàn ông 54 tuổi Tạ Diên Ngôn thường dậy sớm nhất nhà, nấu xong bữa sáng, mang nước ra rửa mặt cho mẹ vợ 82 tuổi, sau đó chải đầu cho cụ. Rồi đút cơm cho người em vợ 52 tuổi ăn. Sau khi xong hết việc nhà, ông mới rời khu tập thể thợ lò Tây Câu, khu nhà ở của Công ty công nghiệp Châu Xuân (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) đi tới Phòng khí đốt hoá lỏng làm việc. Lúc này, bà cụ mẹ vợ ngồi dựa vào khung cửa, ánh mắt yêu mến và buồn buồn nhìn theo cái dáng tập tễnh của con rể đi khuất, cho đến khi không nhìn thấy bóng Diên Ngôn nữa.

Đường đến cơ quan chỉ hơn 1 km, nhưng Tạ Diên Ngôn phải đi mất nửa tiếng. Cao huyết áp nặng, đã ba lần xuất huyết não, làm ông phải vừa đi vừa lê chân, chậm chạp nặng nề. Những gì được hỏi về quá khứ, Diên Ngôn thường chậm rãi bảo: “Tôi không kể được, tôi chả còn nhớ nữa!”

Không có những lời to tát, không cao giọng bao giờ, Diên Ngôn cứ thế chậm chạp làm trọn bổn phận của ông. Nhưng trong đời thực, ông đã dùng sự chân thực lương thiện và hiếu nghĩa làm cảm động tất cả những người từng biết ông.

Câu chuyện Dê Núi:

Tháng tư năm 1973, mùa hoa Hạnh nở, có lẽ là mùa hạnh phúc nhất trong cuộc đời Tạ Diên Ngôn. Khi đó ông mới 21, và tên là Lưu Diên Ngôn, là một anh nông dân bình dị ở thôn Đông làng Bán Ba Điếm. Cô thôn nữ Tạ Lan Nga cùng làng không chê anh nghèo, cũng không chê anh mộc mạc, đã lấy anh. Một năm sau, Tạ Lan Nga sinh cô con gái xinh đẹp, Lưu Diên Ngôn vui sướng vô cùng.

40 ngày sau khi sinh, Tạ Lan Nga bị sản hậu, thuốc thang nhiều nhưng rồi không giữ được người, Lưu Diên Ngôn goá vợ ở tuổi 22. Người chồng bất hạnh đã khóc rất lâu bên xác vợ.

Trước lúc lâm chung, Lan Nga nắm tay chồng rất lâu không chịu buông ra. “Diên Ngôn, em không nỡ lòng nào xa anh và con gái, em cũng không nỡ nào bỏ bố mẹ và thằng em thiểu năng! Bố mẹ chỉ có em và nó, em sống thì em chăm sóc, em bây giờ chết đi, cả nhà em sẽ sống thế nào đây?”

“Trước đây nhà em chọn anh làm con rể, vì muốn tính thật thà của anh, lòng anh tốt. Xin cậy anh vì kiếp vợ chồng mình, mà giúp em trông bố mẹ, trông thằng em tội nghiệp đi. Em không dậy được nên không thể dập đầu xin anh được, xuống suối vàng em sẽ dập đầu lạy anh!”

Những lời nói của người sắp chết là tất cả mọi người xung quanh hôm đó đều đau xót, người chồng trẻ càng chan chứa nước mắt, khóc không thành tiếng.

Sau khi chôn cất vợ, Diên Ngôn quỳ xuống trước mặt bố mẹ vợ: “Bố, mẹ, Lan Nga còn thì con là con rể của bố mẹ, Lan Nga mất rồi thì con thành con trai của bố mẹ. Bố mẹ ốm con sẽ chăm sóc, bố mẹ mất con sẽ an táng có thuỷ có chung.” Bố mẹ vợ của Diên Ngôn khi đó đang còn đau khổ vì mất con, một mực nói, không thể nào làm khổ lây cả con rể nữa. Nhưng Diên Ngôn khăng khăng bảo: “Con đã hứa với vợ thì con nhất định phải làm bằng được.”

Diên Ngôn dứt khoát đón bố mẹ vợ và em vợ về nhà mình chăm nom tử tế, anh nhờ người đến làm giấy chứng nhận đàng hoàng nhận nuôi dưỡng hai cụ. Để bố mẹ vợ tin rằng anh chân thành hiếu nghĩa, anh đã đổi tên từ Lưu Diên Ngôn thành Tạ Diên Ngôn theo họ của bố mẹ vợ.

Bố vợ lại quay về nơi công tác, là mỏ khoáng sản Chu Thôn, Phòng khai thác quặng Nguyên Tiêu cách nhà tới 160 km, Diên Ngôn hàng ngày làm ruộng xong, chạy bộ
về nhà nấu cơm, giặt giũ quần áo, bón cơm, quét dọn. Vợ mất quá sớm, con gái không có sữa để bú, nhìn đứa con oe oe ngọ nguậy trong bọc tã lót đòi bú, Diên Ngôn xót xa. Anh cắn răng đi vay tiền mua một con sơn dương (dê núi), hàng ngày vắt sữa dê cho con bú. Sữa dê mùi tanh nồng nặc, bé con không chịu uống, nên phải cho thêm đường trắng vào sữa. Nhưng những năm đó, đường trắng còn là thứ xa xỉ phẩm, mua làm sao được. Diên Ngôn chạy khắp nhà phía đông nhà phía tây, xa gần khắp toàn thôn đi vay đường. “Đường trắng nó ăn phải đầy cái bao tải!” Diên Ngôn nói, “Những cái khổ hồi đó thôi đừng nhắc nữa, nếu mà không có đầu dê núi đó, thì con gái nhà mình cũng chẳng sống được.”

Câu chuyện cải ngồng:

Đứa con ngày một lớn, nỗi đau mất vợ nguôi ngoai dần, bố mẹ vợ thấy con rể trung hậu và chăm chỉ đã gắng vực dần cả cái gia đình rách nát dậy, cảm thấy có cái để hy vọng, thấy bao dung, thấy ngày tháng đã có tương lai. Ông bố vợ mỗi lần từ mỏ về đều trò chuyện không chán với con rể. Mỗi lần bố về mỏ, Diên Ngôn lại dùng xe cải tiến chở bố, tiễn đến tận bến xe khách. Trong thôn ai cũng nói, hai bố vợ chàng rể nhà này không phải ruột thịt mà còn thân hơn cả ruột thịt.

Nhưng rồi mùa xuân năm 1979 đã làm tan vỡ cuộc sống tưởng đã bình lặng của Diên Ngôn. Một bức điện khẩn từ mỏ Tiêu Tác tới. Bố vợ Diên Ngôn bị trúng gió nặng ở khu ký túc của mỏ, đang cấp cứu ở bệnh viện! Diên Ngôn cõng con gái, tay dắt mẹ vợ kéo theo cậu em vợ khùng khùng bạt đường lên bệnh viện. Nhìn bố mẹ đang mê man, thấy mẹ vợ đau đớn muốn chết, lại nhìn sang cậu em vợ cười dở điên, “Tôi cảm thấy lúc đó tôi sắp sụp xuống rồi!”. Diên Ngôn nói: “Khi cái cột trụ gia đình là bố vợ tôi bị đổ rồi, gia đình tôi như quả trứng đặt trên cái giỏ lệch, có lẽ thật sự là gia đình tôi đã lụn bại rồi!”

Suốt cả ngày cả đêm, Diên Ngôn túc trực bên giường bệnh, vừa gọi vừa cầu xin cho phép lạ xảy ra. Sau bảy ngày đêm, ông bố vợ anh đã được cứu lại từ tay tử thần. Nhưng bởi thời gian hôn mê quá lâu, ông vĩnh viễn mất đi khả năng vận động.

Giờ thì là một gia đình ra sao đây! Một bại liệt, một bệnh, một khùng, một thơ dại. Nếu quay về quê thì không ai chữa bệnh cho bố, ở lại Tiêu Tác thì không một tấc đấc không nhà cửa. Vào đúng lúc Diên Ngôn băn khoăn đó, lãnh đạo mỏ khoáng sản Châu Thôn đã đưa bàn tay cứu trợ ra. Công ty xếp cho gia đình hai gian nhà ở nhỏ. Tuy gộp lại chỉ hơn 30 mét vuông, nhưng đã có chỗ trú mưa che nắng rồi, và thế là, Diên Ngôn và gia đình ở lại mỏ.

Lúc đó, cả nhà chỉ trông vào 60 tệ lương trợ cấp bệnh tật của bố vợ, theo mức thợ mỏ, bảo để nuôi cả năm miệng ăn trong nhà bằng tiền đó nghe ra thật quá xa vời. Diên Ngôn ôm đầu nghĩ mất vài ngày, cuối cùng anh đành cầm lòng ra một quyết định.

Diên Ngôn hỏi con gái Biên Anh: “Con có nhớ bà nội con không? Để bố con mình về thăm bà nội nhé!”. Biên Anh chưa tròn 5 tuổi, thất thểu đi theo bố về quê. Nhưng cô không bao giờ ngờ rằng, lần đó cha cô vào lúc sắp quay lại Tiêu Tác đã vứt đứa cô ở lại. Bỏ mặc đứa con gái khóc đến váng trời, khản cả giọng, khóc đến mức tan cả người ra, bố nó cũng kệ đi thẳng không ngoái đầu.

“Tôi thật sự đã không dám ngoái đầu, tôi sợ tôi sẽ thay đổi chủ ý”. Diên Ngôn khóc và nói: “Mẹ nó đã chết sớm quá, cuộc đời nó vốn đã đủ khổ cực rồi, lúc đấy tôi làm sao cõng nổi từng đó người, tôi chỉ còn cách bỏ con, để nó ở lại nhà với nội.”

Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket

ảnh: Bỏ con về cho ông bà, chăm người em vợ cho đến bây giờ khi cả hai cùng già đi

Cắn răng, cuộc sống vẫn cứ ngày qua lần hồi giật gấu vá vai. Diên Ngôn vừa phục dịch bố mẹ vợ, vừa nhằm lúc rảnh chạy ra lò nung gạch để xuất gạch, chạy ra đội thợ xây để trộn nề nhào vữa, làm những việc khổ sở vất vả đến mấy, anh cũng không nề, chỉ nhằm kiếm thêm chút đồng tiền đỡ đần gia đình. Mùa hè, anh đi cắt rau dại; mùa đông, anh đi ra chợ rau sớm nhặt những lá bắp cải già, cọng rễ cà rốt. Rồi sau này anh phát hiện ra bãi rác cạnh nhà khách mọc đầy cỏ dại um tùm, anh một mình động cỏ khai hoang, gieo lên một nắm hạt cải ngồng.

“Cải ngồng là thứ tốt, mọc nhanh, thân dài, chắc mập”. Diên Ngôn cho đến tận bây giờ vẫn còn nhớ như in mùi vị của cải ngồng ngày đó. “Mùa xuân dốc một nắm hạt xuống, nảy mầm ngay, nhân lúc nó còn non nhổ lên ăn được ngay, dài hơn tí có thể ngắt về trộn ăn sống, cải lớn có thể lấy về xào ăn, cải ra hoa kết quả có thể mang hạt đi ép dầu cải. Cải ngồng đã lập được công trạng lớn lao với nhà tôi.”

Cánh đồng cải ngồng ở TQ

Câu chuyện đồ đạc:

Bố mẹ Diên Ngôn không cầm lòng thấy con trai mới ngoài đôi mươi của mình khổ sở như thế. Ông bà sai anh trai thứ ba của Diên Ngôn là Lưu Diên Thắng đi gọi em về. “Bảo em về đi, bố mẹ cưới cho vợ mới!”

Anh trai Lưu Diên Thắng kể: “Lúc đó, tôi lên thành phố tìm em, tìm đến chỗ nó ở, chảy nước mắt vì thấy nó ở một căn phòng rách nát ngay cạnh nhà xí công cộng, trời, sống thế này về quê còn sướng hơn!”

Diên Ngôn không theo anh về quê. “Anh ạ, anh cũng đã nhìn thấy rồi, em mà đi thì ai chăm sóc những người trong nhà? Con người cũng phải có lương tâm, em cũng không thể không có lương tâm.” Lời của Diên Ngôn làm người anh trai không biết trả lời thế nào.

Bố vợ nằm liệt giường, tay chân cứng đờ, theo dặn dò của bác sĩ, Diên Ngôn mỗi ngày đều nắn bóp tay chân cho bố vợ. Ban đầu đau quá, ông cụ chửi bới đủ thứ, anh chỉ biết cười bảo: “Bố nói thế, người ta nghe thấy thì bảo bố ra gì nữa?”

18 năm nằm liệt giường, cụ không bị lở loét, được quay trở người liên tục, kể cũng là kỳ công. Nghe nói vỏ bí đao, rễ cỏ tranh giúp lợi tiểu, anh cũng đi đi đào về, đun nước cho bố uống. Có khi đi cả hai chục cây số tìm bò cạp về làm thuốc cho bố.

Năm 1983, Diên Ngôn được công ty mỏ nhận vào làm công nhân đào mỏ khu mỏ khoáng số Một ở Châu Thôn, anh đi làm chỗ của bố vợ ngày xưa. Tiền lương thợ mỏ tháng đầu tiên, Diên Ngôn mua cho bố một chiếc đài nhỏ nghe tin tức. Trong suốt 18 năm bố vợ nằm liệt, những cuốn tiểu thuyết anh mượn về đọc cho bố nghe lúc rảnh rỗi đã gần trăm cuốn.

Tháng 9 năm 1984, cô gái Tạ Phấn Hương cùng làng lại bước vào cuộc đời của Tạ Diên Ngôn. Phấn Hương nói: “Anh ấy tốt với nhà vợ như thế, chắc chắn anh ấy không bao giờ phụ tôi!”. Từ đó, Phấn Hương ở làng, đón con gái Diên Ngôn về nhà nuôi, Diên Ngôn vẫn ở trên mỏ nuôi dưỡng bố mẹ vợ và cậu em ngốc nghếch. Năm 1990, Diên Ngôn mắc bệnh cao huyết áp, nhưng tiền lương hàng tháng 600 tệ vẫn chỉ để mua thuốc thang cho ba người trong nhà. Riêng ông, nghe đồn ăn lạc ngâm dấm sẽ bớt bệnh, ông đã ăn lạc ngâm dấm suốt mười ba năm ròng. Cho đến sau hai lần xuất huyết não, ông đi lại khó khăn, người vợ thứ hai Phấn Hương mới từ quê lên ở cùng, cùng chăm sóc gia đình. Khi đó, lãnh đạo mỏ cũng điều Diên Ngôn về làm bảo quản máy móc trên phòng Bơm khí Gas, được gần nhà hơn.

Diên Ngôn mua một cái vại sành, muối dưa ăn hàng ngày, chớp mắt cơm dưa đã qua mười mấy năm. Đôi dép nhựa 4 tệ (8.000 VND) đi 4-5 năm ròng. Cả đôi giày vải ông đang đi mua có 5 tệ, giờ cũng đã 12 năm. Người vợ sau đã tình nguyện chịu khổ cùng Diên Ngôn, bữa cơm dưa muối cùng chồng. Trong nhà giường là được mỏ tặng, bàn là do khu phố mua cho, ngay cả bóng đèn tiết kiệm điện 10 wat cũng là do tổ dân phố mua cho. Diên Ngôn nói, cả nhà tôi chỉ có hũ đựng tro của bố vợ là đắt tiền nhất, những 150 tệ. Bởi không có tiền cho cụ ra khu tưởng niệm, chỉ có thể đặt ngay tại nhà!

Câu chuyện của hồi môn:

Đứa con gái Lưu Biên Anh mãi là nỗi đau đớn vĩnh viễn trong lòng Diên Ngôn.

Đáng lẽ nếu một mình anh, anh có thể mang lại cho con gái một cuộc sống hạnh phúc hơn, đáng lẽ anh có thể để con gái ở thành phố sống cuộc sống thành thị. Nhưng anh đã đưa con về quê ở với bà nội từ khi nó chưa tròn 5 tuổi, và Biên Anh cứ thế trở thành một cô con gái nhà quê. Năm cô lên mười, chơi đùa với lũ trẻ cùng thôn, Biên Anh đã bị chọc mù một mắt.

Con gái Diên Ngôn trở thành người tàn tật suốt đời. “Tôi đã không nuôi được con, không chăm nom được nó. Dù con gái tôi chưa bao giờ oán trách bố, nhưng trong đáy lòng tôi hiểu rất rõ rằng, tôi đã nợ con tôi rất nhiều rất nhiều!”

Mùa xuân năm 1994, Biên Anh chuẩn bị về nhà chồng. Diên Ngôn từ mỏ Tiêu Tác vội vã về quê, ông gọi Biên Anh đến bảo: “Con, người ta có câu “con gái ngoan không đòi cha áo cưới”, huống hồ là bố không có đồng nào cho con. Con lấy chồng, bố chả có cái gì cho con cả, bố tặng con một cuốn sách dạy đan áo len, mong con khéo tay nhanh nhẹn. Trong sách bố có chép viết vài câu, coi như đây là của hồi môn bố dành cho con!”

Cuộc sống im ắng

Cho đến giờ, món hồi môn của bố vẫn được Biên Anh ép dưới gối, dù cuốn sách đã bong cả bìa, trong đó có một đoạn Tạ Diên Ngôn viết:

“Thuốc Hoàng Liên dù đắng, uống vào gốc lưỡi có vị ngọt;

nước đường uống vào thì ngọt, nhưng uống nhiều lại thành nước đắng.

Thế thời ngọt liền đắng, đắng và ngọt kề nhau,

cam tâm chấp nhận đắng, ngày sau hẳn sẽ ngọt ngào…”

(Trang Hạ tổng hợp từ các phỏng vấn, video và chuyên đề trên báo TQ)

Những người đã buộc vào số phận Tạ Diên Ngôn Blog Trangha

Con đã từng đến trong đời này, và con rất ngoan!

image002_6

Đấy là lời nói cuối cùng của một em bé tám tuổi, và được khắc lại trên bia mộ em.

“Con đã từng đi qua cuộc đời này! Và con rất ngoan!”

R3KA9jmy by you.

Cha:

Cô bé Xa Diễm tám tuổi, đôi mắt đen lóng lánh và một trái tim thơ ngây non nớt, Xa Diễm mồ côi, cô bé chỉ sống trên đời vẻn vẹn 8 năm, câu cuối cùng cô nói là một lời thanh minh non nớt: “Con đã từng được sống! Và con rất ngoan!”. Xa Diễm hy vọng được chết vào mùa thu. Thân thể gầy gò của em giống một bông hoa nở theo mùa. Khi hoa vàng nở khắp mặt đất và những chiếc lá rơi chao liệng khắp nơi, em sẽ thấy cả những đàn nhạn di cư bay ngang trời xa.

Em tự nguyện bỏ điều trị, và dùng toàn bộ 540 nghìn Nhân dân tệ (gần 1,1 tỷ đồng tiền VN) để chia thành 7 phần, mang sinh mệnh chính mình chia ra thành những phần bánh hy vọng tặng cho bảy người bạn nhỏ đang chiến đấu giữa lằn ranh của sự sống và cái chết khác.

“Tôi tình nguyện từ bỏ điều trị”

Xa Diễm không biết ai là cha đẻ của mình, em chỉ có “cha” là người thu nhận em về nuôi nấng.

Ngày 30/11/1996 (20/10 âm lịch), “cha” Xa Sĩ Hữu phát hiện một hài nhi mới sinh bị vứt bỏ đang thoi thóp và lạnh toát trong đống cỏ bên chân một cây cầu nhỏ ở thị trấn Vĩnh Hưng, ngực hài nhi cài một mẩu giấy nhỏ, chỉ ghi vắn tắt “20 tháng 10, 12 giờ đêm”.

Khi đó, cha Xa Sĩ Hữu tròn 30 tuổi, nhà ở tổ 2, thôn Vân Nha, thị trấn Tam Tinh, huyện Song Lưu, tỉnh Tứ Xuyên. Vì nhà nghèo quá, không cưới được vợ, nếu cha nhận nuôi thêm đứa trẻ này, có lẽ càng chẳng báo giờ có cô nào chịu lấy cha nữa. Vì vậy, nhìn đứa trẻ còi như con mèo bé vừa khóc vừa ngáp ngáp thút thít, Xa Sĩ Hữu mấy lần nhặt lên rồi lại đặt xuống, bỏ đi rồi lại ngoái lại nhìn, đứa bé thân mình đầy bùn đất lạnh, tiếng khóc yếu ớt, nếu không ai cứu, chả mấy mà đứt sinh mệnh! Cắn răng, anh ôm đứa bé lên lần nữa, thở dài nói: “Thôi thì tao ăn gì, mày ăn nấy!”.

 

images (1)

Đau đớn khi mất con

Xa Sĩ Hữu đặt tên cho đứa bé là Xa Diễm, vì bé sinh ra vào mùa thu, đúng mùa thu hoạch mùa màng hoa trái đủ đầy. Đàn ông một mình làm bố, không có sữa mẹ, cũng không có tiền mua sữa bột, đành bón con những thìa cháo hoa. Vì thế, Xa Diễm từ nhỏ đã còi cọc, yếu đuối, lắm bệnh, nhưng là một đứa trẻ vô cùng ngoan và hiểu biết. Xuân đi xuân lại, Xa Diễm như bông hoa nhỏ trên dây Khổ Đằng, lớn khôn dần, vô cùng thông minh và ngoan ngoãn.

Hàng xóm đều nói, những đứa trẻ bị bỏ rơi được nhặt về nuôi, bao giờ trí óc cũng khôn ngoan thông minh hơn người. Và mọi người đều yêu Xa Diễm. Dù em từ nhỏ đã hay bệnh tật liên miên, nhưng trong sự nâng niu xót thương của cha, em cũng lớn lên dần.

Những đứa trẻ số phận đau khổ thường khác người. Từ lúc 5 tuổi, em rất biết ý thức giúp cha làm việc nhà, giặt giũ quần áo, nấu cơm, cắt cỏ em đều biết làm thành thạo. Em biết thân phận mình không được như những đứa trẻ con nhà người khác, trẻ con hàng xóm có bố có mẹ, nhà mình chỉ có cha. Gia đình nhỏ này do hai bố con lụi hụi chống đỡ xây đắp, em cần phải thật ngoan thật ngoan, không để cha lo lắng thêm chút nào, hoặc giận em một lần nào.

Vào học lớp Một, Xa Diệm biết mình phải cố gắng. Em xếp thứ Nhất trong lớp, làm người cha mù chữ của mình cũng mở mày mở mặt với làng xóm. Em chưa bao giờ để cha phải thất vọng. Em hát cho cha nghe, kể những chuyện vui vẻ ở trường cho cha nghe, những phiếu bé ngoan hay hoa điểm tốt em đều dán lên vách tường. Đôi khi em bướng bỉnh ra những đề bài khó để bắt cha phải giải được… Mỗi lúc nhìn thấy cha cười, em đều vui sướng.

Dù con không có mẹ, nhưng con có thể sống vui vẻ cùng cha, đó là hạnh phúc!

image004_5

Lần đầu tiên trong đời được uống sữa, ảnh chụp sau khi Xa Diễm quay lại bệnh viện với số tiền được quyên góp giúp đỡ.

Tháng 5/2005, Xa Diễm thường bị chảy máu cam. Một buổi sáng ngủ dậy định rửa mặt, đột ngột em phát hiện cả chậu nước rửa mặt đã biến thành màu hồng. Nhìn kỹ, là máu mũi đang nhỏ giọt xuống, không cầm máu được. Không còn cách nào khác, Xa Sĩ Hữu mang con đi tiêm ở bệnh xá địa phương, nhưng không ngờ, một vết mũi tiêm bé tí xíu cũng chảy máu mãi không ngừng. Trên đùi Xa Diễm cũng xuất hiện nhiều “Vết châm kim đỏ”. Bác sĩ nói, “Mau lên bệnh viện khám ngay!”, đến được bệnh viện Thành Đô, đúng lúc bệnh viện đang đông người cấp cứu, Xa Diễm không lấy được số thứ tự xếp hàng khám. Xa Diễm ngồi một mình ngoài ghế dài, tay bịt mũi, hai đường máu chảy thành hàng dọc từ mũi xuống, nhuộm hồng cả nền nhà, cha em cảm thấy ngại ngùng, chỉ biết lấy cái bô đựng nước tiểu để hứng máu, chỉ mười phút, cái bô đã lưng nửa.

Bác sĩ phát hiện ra, vội cuống quýt ôm Xa Diễm đi khám. Sau khi kiểm tra, bác sĩ ngay lập tức viết đơn Thông báo khẩn cấp bệnh tình của em. Xa Diễm mắc bệnh máu trắng (Bạch cầu cấp – acute leucimia).

Chi phí điều trị căn bệnh này vô cùng đắt đỏ, thông thường điều trị cơ bản đã cần 300 nghìn Nhân dân tệ (tương đương 600 triệu VND), Xa Sĩ Hữu choáng váng.

Nhìn con gái nằm trên giường bệnh, ông không thể chần chừ suy nghĩ nữa, ông chỉ có một ý nghĩ: Cứu con!

Lần cuối cùng bên cha
Lần cuối cùng bên cha

Vay khắp bạn bè họ hàng, chạy đông chạy tây tiền chỉ như muối bỏ biển, so với số 300 nghìn tệ cần có sao xa vời. Ông quyết định bán cái duy nhất có thể ra tiền là căn nhà xây bằng gạch mộc, gạch chưa nung của mình. Nhưng nhà thì quá rách nát, lúc đó không thể tìm ra ai muốn mua nó.

Nhìn gương mặt gầy gò xơ xác và đôi mắt u uất của cha, Xa Diễm có một cảm giác đau xót. Một lần, Xa Diễm kéo tay cha lại, chưa nói nhưng nước mắt đã trào ra: “Cha ơi, con muốn được chết…”

Đôi mắt Xa Sĩ Hữu kinh ngạc nhìn con gái: “Con mới 8 tuổi thôi, vì sao con lại muốn chết?”

“Con chỉ là đứa bé bị bỏ rơi nhặt về, ai cũng bảo số con bạc bẽo, giờ bệnh này không chữa được, cha cho con ra viện đi…”

Ngày 18/5, bệnh nhân tám tuổi Xa Diễm thay mặt người cha mù chữ, tự ký rành rọt tên vào trong cuốn bệnh án của chính mình: “Tự nguyện từ bỏ chữa trị cho Xa Diễm”.

“Em tự nguyện từ bỏ!”

Đứa trẻ tám tuổi tự lo hậu sự:

Hôm đó về nhà, một đứa trẻ từ nhỏ đến lớn chưa từng vòi vĩnh cha bất cứ điều gì, đã đòi cha hai yêu cầu: Em muốn có một tấm áo mới, và em muốn được chụp một bức ảnh. Em giải thích cho cha: “Sau này, khi con không còn nữa, nếu cha nhớ con, cha có thể nhìn con ở trong ảnh”.

Ngày hôm sau, cha Xa Sĩ Hữu nhờ người cô đi cùng đưa cháu lên thị trấn, tiêu hết 30 tệ (60.000 VNĐ) mua một bộ quần áo mới, Xa Diễm tự mình chọn một chiếc quần cộc màu hồng phấn, người cô chọn cho Xa Diễm một chiếc váy trắng chấm đỏ, nhưng khi mặc thử Xa Diễm mặc thử, thấy tiếc rẻ nên lại cởi ra. Ba người đi đến tiệm chụp ảnh, Xa Diễm mặc bộ đồ màu hồng mới tinh, ngón tay đưa ra hình chữ V, cố gắng mỉm cười, nhưng cuối cùng cũng không kìm được để nước mắt chảy ra.

Em đã không thể đến trường nữa, em xách cái cặp đứng trên con đường nhỏ đầu làng, mắt ươn ướt.

Nếu không có một phóng viên tên là Truyền Diễm của tờ “Thành Đô buổi chiều”, thì chắc Xa Diễm sẽ chỉ như một phiến lá cây khô rụng xuống, lẳng lặng bị cuốn đi theo gió.

Cô phóng viên này sau khi biết tin từ bệnh viện, đã viết một bài báo, kể lại toàn bộ câu chuyện của Xa Diễm. Sau khi bài báo “Đứa trẻ 8 tuổi tự lo hậu sự” được đăng, cả thành phố Thành Đô đều bị cảm động, cả mạng Internet toàn Trung Quốc cũng cảm động, có một phong trào lan truyền trên khắp Trung Quốc, trong cả đời sống thật của thế giới người Hoa lẫn trên mạng ảo, những người có lòng tốt bắt đầu quyên góp để cứu sinh mệnh mong manh của cô bé. Trong vòng mười ngày, con số quyên góp từ toàn thể người Hoa đã lên tới 560 nghìn Nhân dân tệ, đủ để chi phí phẫu thuật, và hy vọng cuộc sống của Xa Diễm lại được thổi bùng lên từ bao nhiêu trái tim nhân ái. Sau khi tuyên bố kết thúc quyên góp, vẫn còn nhiều khoản tiền chuyển về tài khoản quyên góp. Các bác sĩ cũng cố sức, dốc hết sức lực và tài năng chuyên môn để cứu chữa cho Xa Diễm, tất cả hàng triệu người đều hy vọng thành công.

 

image006_3

Tờ “Thành Đô buổi chiều” có đăng bài về em

Trên internet, nhiều lời nhắn gửi: “Xa Diễm, cô bé yêu quý của tôi, tôi hy vọng em sớm mạnh khoẻ rời bệnh viện, tôi cầu chúc cho em quay lại trường học, tôi mong mỏi em bình an lớn lên, tôi khao khát tôi sẽ được vui sướng tiễn em về nhà chồng…”

Ngày 21/6, Xa Diễm, cô bé đã từ bỏ trị liệu quay về nhà chờ thần Chết, đã lại được đưa về Thành Đô, vào bệnh viện Nhi. Tiền có rồi, sinh mệnh mỏng manh có hy vọng và có lý do để tiếp tục được sống.

images (2)

Nhập viện lần thứ hai sau khi có tiền quyên góp, trong bộ quần áo mới cuối cùng.

Xa Diễm chịu đựng đợt hoá trị khó chịu. Trong cửa kính, Xa Diễm nằm trên giường truyền dịch, đầu giường đặt một chiếc ghế, ghế để một cái âu nhựa, thỉnh thoảng em quay người sang đó nôn. Sự kiên cường cửa đứa bé khiến người lớn cũng kinh ngạc. Bác sĩ Từ Minh, người điều trị chính cho em giải thích, giai đoạn hoá trị, đường ruột và dạ dầy sẽ phản ứng kích liệt, thời gian đầu mới hoá trị, mỗi lần Xa Diệm nôn đều nhiều, nửa âu, nhưng đến “ho” một tiếng cũng không. Trong lúc kiểm tra tuỷ xương khi nhập viện, mũi tiêm đâm từ ngực, em “không khóc, không kêu la, cũng không chảy nước mắt, đến động đậy cũng không dám”.

Từ khi ra đời cho tới lúc chết, em không có được một chút xíu tình yêu của mẹ. Khi bác sĩ Từ Minh đề nghị: “Xa Diễm, làm con gái bác đi!” mắt em sáng rực lên, rồi nước mắt tuôn xuống xối xả. Ngày hôm sau, khi bác sĩ đến đầu giường bệnh, Xa Diễm bẽn lẽn gọi: “Mẹ!”. Bác sĩ lặng đi một chút, rồi từ từ mỉm cười, ngọt ngào đáp lại: “Con gái, ngoan lắm!”

Tất cả mọi người đều chờ đợi một phép lạ, tất cả đều hy vọng giây phút Xa Diễm được trở về với cuộc sống. Rất nhiều người từ thành phố vào bệnh viện thăm em, trên mạng nhiều người hỏi thăm em, số mệnh của Xa Diễm làm mạng Internet xa lạ trở nên đầy ắp ánh sáng.

Trong phòng bệnh đầy hoa và trái cây, tràn đầy hương thơm.

Sau khi Xa Diễm mất, ông bố cũng không giữ lại đồng quyên góp nào

Hai tháng hoá trị, Xa Diễm qua được chín cửa “Quỷ môn quan”, sốc nhiễm trùng, bệnh bại huyết septicemia, tan máu, xuất huyết ồ ạt đường tiêu hoá… lần nào cũng “hung hoá cát”. Những liệu trình đều do các bác sĩ huyết học Nhi hàng đầu của tỉnh và Trung Quốc chuẩn đoán quyết định, hiệu quả rất khả quan. Bệnh máu trắng căn bản đã được khống chế. Tất cả đang chờ tin Xa Diễm lành bệnh.

Nhưng những bệnh tật đi theo những tác dụng phụ của hoá chất trị liệu rất đáng sợ. Và so với hầu hết những đứa trẻ bị bệnh máu trắng khác, thể chất Xa Diễm rất yếu ớt. Sau đợt phẫu thuật, sức khoẻ Xa Diễm càng kém.

Buổi sáng ngày 20/8, em hỏi phóng viên Truyền Diễm: “Dì ơi, xin dì cho con biết, vì sao mọi người quyên góp tiền cho con?”

“Bởi vì họ đều có lòng tốt!”

“Dì ơi, con cũng làm người tốt.”

“Bản thân con đã là một người tốt. Những người tốt sẽ giúp đỡ nhau, mới làm nên những điều càng thiện lương.”

Xa Diễm móc từ dưới gối ra một cuốn vở bài tập, đưa cho Truyền Diễm: “Dì ơi, đây là di chúc của con…”

Phóng viên Truyền Diễm kinh ngạc, vội vã mở vở ra, quả nhiên là những việc Xa Diễm thu xếp hậu sự. Đây là một đứa trẻ tám tuổi sắp về cõi chết, nằm bò trên giường bệnh dùng bút chì nắn nót viết ba trang “Di chúc”. Vì em còn nhỏ quá, còn nhiều chữ Hán chưa học nên chưa viết được hết, còn có những chữ viết sai. Xem có thể biết em không thể viết một mạch bức thư này, mà viết sáu đoạn. Mở đầu là “Dì Truyền Diễm”, kết thúc là “Tạm biệt dì Truyền Diễm”. Suốt cả bức thư, chữ “Dì Truyền Diễm” xuất hiện 7 lần, và 9 lần gọi tắt là Dì. Phía sau 16 chữ xưng hô này, tất cả là những điều “nhờ vả dì làm hộ” khi em lìa đời. Và còn cả lời muốn qua phóng viên “cảm ơn” và “tạm biệt” với cả thế giới.

“Tạm biệt dì, chúng ta sẽ gặp nhau trong mơ. Dì Truyền Diễm, nhà cha con sắp sập rồi. Cha đừng buồn, xin cha cũng đừng nhảy lầu. Dì Truyền Diễm xin dì trông coi bố con. Dì ơi, cái tiền của con cho trường con một ít ít, cảm ơn dì chuyển lời cảm tạ tới Hội trưởng Hội Hồng thập tự. Con chết xong, mang hết chỗ tiền còn lại chia ra cho những người mắc bệnh giống con, giúp họ đỡ bị bệnh hơn…”

Bức di chúc làm Truyền Diễm giàn giụa nước mắt, khóc không thành tiếng.

Con đã từng được sống, con rất ngoan

Ngày 22/8, vì đường tiêu hoá xuất huyết, dường như suốt một tháng trời Xa Diễm không được ăn mà chỉ sống bằng dịch truyền. Và lần đầu tiên em “ăn vụng”, em bẻ một mẩu nhỏ mì ăn liền khô bỏ vào mồm. Ngay lập tức đường ruột của em xuất huyết nghiêm trọng, bác sĩ y tá khẩn cấp truyền máu, truyền dịch cho em…

Nhìn Xa Diễm đau bụng lăn lộn, bác sĩ và y tá đều bật khóc. Tất cả mọi người đều muốn gánh đau cho em, nhưng, không thể làm gì được.

Tám tuổi. Xa Diễm đã thoát được cơn bệnh tật quái ác, và ra đi an lành.

Không ai chấp nhận sự thật. Phóng viên Truyền Diễm vuốt vuốt gương mặt bé xíu lạnh dần đi của cô bé, khóc không thành tiếng, gương mặt sẽ không bao giờ gọi cô là Dì nữa, cũng sẽ không bao giờ cười nữa.

Mạng TứXuyênonline , mạng 163 (mạng Internet nổi tiếng nhất TQ) ngập trong nước mắt, mạng Xinhuanet toàn nước mắt. “Đau lòng đến không thể thở được” sau đầu đề topic đó là hàng vạn lời nhắn cảm xúc của các công dân mạng TQ. Hoa viếng, điếu văn, một người đàn ông trung niên khẽ nói: “Con, con vốn là một thiên sứ nhỏ trên trời, con đã dang đôi cánh, thôi con cứ ngoan ngoãn bay đi..”

Ngày 26/8, tang lễ diễn ra dưới một cơn mưa nhỏ, Nhà tang lễ ở ngoại thành phía Đông của thành phố Thành Đô chật ních những người dân Thành Đô đi viếng với nước mắt rưng rưng. Họ đều là những “người cha, người mẹ” của Xa Diễm mà Xa Diễm chưa có dịp gặp mặt. Để đứa bé mới sinh ra đời đã bị vứt bỏ, đã mắc bệnh máu trắng, đã từ bỏ chữa trị, đã chết… không còn cô đơn nữa. Rất nhiều “Cha-mẹ” đội mưa tiễn theo sau chiếc quan tài bé nhỏ.

Bức ảnh trên đầu Entry trong blog Trang Hạ đã chụp bia mộ của Xa Diễm: Một bức ảnh Xa Diễm cười mím mím, tay cầm một bông hoa dại bé xíu. Mặt chính của bia chỉ ghi vỏn vẹn: ” Con đã từng được sống, con rất ngoan! (1996.11.30-2005-8.22)”

Mặt sau bia có ghi vài lời đơn giản giới thiệu thân thế Xa Diễm, câu cuối cùng là: “Trong những năm Em sống, Em đã được nhận những ấm áp của con người. Xin Em yên nghỉ, thiên đường có Em nên thiên đường càng đẹp đẽ.”

Theo đúng chúc thư, 540.000 Nhân dân tệ còn thừa lại chia thành những tặng vật chia cho những em bé khác bị mắc bệnh máu trắng. Bệnh viện còn ghi lại tên của 7 bệnh nhân Nhi này, Dương Tâm Lâm, Từ Lê, Hoàng Chí Cường, Lưu Linh Lộ, Trương Vũ Tiệp, Cao Kiện, Vương Kiệt. Những bệnh nhân này lớn nhất là 19 tuổi, nhỏ nhất là 2 tuổi, đều là những em gia đình quá nghèo, đang giãy dụa giữa sự sống và cái chết.

Ngày 24/9, ca phẫu thuật đầu tiên thành công dành cho bệnh nhân được nhận viện phí từ Xa Diễm, là cô bé Từ Lê ở bệnh viện Hoa Tây. Sau phẫu thuật, Từ Lê mỉm cười với gương mặt trắng xanh, nói: “Xa Diễm, hay yên nghỉ, về sau này, bia mộ của chúng tôi cũng sẽ ghi thêm một dòng như nhau: “Tôi đã từng đến trong đời này, và tôi rất ngoan!”

Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket

(Trang Hạ tổng hợp từ các báo, tạp chí, phóng sự truyền hình của TQ)

Ai mua “Thất Lạc Viên” nào !

Tớ quen một anh bạn người Đài Loan rất béo, béo thù lù, to như một đống rơm và toàn tìm cớ để lên Đài Bắc, đáng ghét. Anh này rất ngây thơ, nhiệt tình thái quá và làm những trò ấu trĩ không ai hiểu nổi.

Hôm nay, tớ vừa nhắn tin nhờ, anh gọi điện hỏi bọn Eslite xem “Thất Lạc Viên” đang ở hiệu sách nào? Không thấy trả lời, tớ lủi thủi phóng xe chạy quanh Đài Bắc tìm, cũng kiếm được một cuốn, mà nó lại không bán loại hai tập như ngày xưa, nó in bản mới, gộp 2 tập làm một dầy bự xừ lự gần 550 trang giá 400 tệ (200 nghìn VNĐ). Thế mà tối nay thấy anh đống rơm đột ngột đến thăm, trời mưa, anh nghiêm trang lôi trong cặp táp ra một cái bao giấy, mở bao giấy ra là một cuốn “Thất Lạc Viên”, tôi hỏi, bốn trăm tệ phải không anh, anh cười hớn hở gật đầu cái rụp. Thôi rồi Lượm ôi.

Tớ nhớ, hồi ở Đại học Trung Sơn có em Bắc nghịch ngầm kinh khủng khiếp. Nó dạy cho các thằng Đài Loan cùng phòng chào nó thế này: “Con chào bố!”. Mà bọn Đài Loan lịch sự kinh khủng, mở miệng ra là chào hỏi, cảm ơn xin lỗi rối rít, không như bọn Tàu đại lục thô bỉ một cục đâu. Vì thế em Bắc mỗi lần về phòng đều được các bạn đón chào: “Con chào bố!”. Và Bắc ta hể hả: “Bố chào con!”

Bọn Đài Loan trong Viện tớ cũng hay hỏi tớ cái này cái kia, chào tiếng Việt là gì, chửi tiếng Việt là gì, Anh yêu Em tiếng Việt là gì? Tớ thì sau đận học em Bắc, cứ “con chào bố” dạy tuốt lượt! Anh đống rơm ban đầu còn không phát âm được, cứ “Con chà bú” liên tục! Nhưng anh cũng vào dạng thông minh cho nên năm ngoái đã biết phân tích thế này: “Anh yêu em tức là “Con chào bố”, vậy Em yêu anh tức là “Bố chào con” đúng không mày?”

Có chuyện còn vui hơn, tớ gọi điện đến văn phòng một hãng hàng không của Việt Nam ở đây, thường tất cả mọi người, ngay cả đến Chủ nhiệm Văn phòng Việt Nam ở Đài Bắc HNL chức ngang đại sứ cũng phải học tiếng Hoa, chỉ có anh bạn tớ rất bướng, bảo, tại sao sếp mà lại phải còng lưng ra học tiếng của chúng nó nhỉ, chúng nó phải học tiếng Việt mới đúng. Mình làm cho bọn Anh thì cũng phải học tiếng Anh chết cha ra, thế thì chúng mày làm cho Việt Nam, chúng mày đi học tiếng Việt tuốt, nghe chửa!

Tớ vừa mới dùng tiếng Hoa hỏi: “Giám đốc đâu?” thì cô trợ lý văn phòng (người Đài Loan) vui vẻ bập bẹ tiếng Việt:

– Đi đái rồi@~!

Tôi nhủ thầm, ối anh bạn tớ dạy nhân viên nói tiếng Việt kỹ lưỡng quá nhể, ngay cả chữ đ là âm rất khó mà cũng phát âm rõ vành vạnh. Tớ bèn hỏi tiếp, tất nhiên hỏi bằng tiếng Hoa: “Thế hôm nay giám đốc có đi làm không?”

Cô Đài Loan lễ phép nói:

– Chiều nay không làm tình!

Image… ImageImage

Tối đi bar, ông bạn cười hềnh hệch: Anh bảo chúng nó thế đấy, đi đái tức là đi họp, còn làm tình là lên văn phòng đó @@! Image

Các bạn đọc xong sẽ hỏi, này, thế thì Thất Lạc Viên liên quan gì đến cái vụ dạy tiếng Việt này nhỉ?

Có chứ, vì tối nay, anh đống rơm sau khi đứng đực ra, nhìn hai cuốn sách thì bảo, tao định làm cho mày cảm động cơ, thế mà…

Tớ hỏi: Tại sao lại phải làm tao cảm động?

Anh đống rơm run run cầm tay tớ, xúc động nói: “Con chào bố!”

(Thôi được, chiều nay tớ mang 1 cuốn đi trả nhà sách vậy, nó cũng không cho trả đâu mà chắc là tốt lắm thì được đổi lấy sách giá tiền tương đương.)

P/S: Các bạn làm chứng nhé, sau khi nói thế thì thằng Đài Loan về chứ không ở lại đâu nhé. Bằng chứng là tớ ngồi post lúc 3 rưỡi sáng nay nhé. Nó mà… ở lại thì tớ làm sao ngồi gù lưng gõ máy tính được. Thực tế là thế đó.

Tùy tưởng

Rain-13

Tam Mao (Đài Loan)

Về năm tháng:
Khi ta ba mươi, nỗi buồn tuổi hai mươi sẽ không trở lại.
Khi năm mươi nhớ về sinh nhật tuổi ba mươi, sao đẹp đẽ thế
Khi chín mươi chín, nghĩ về cả cuộc đời mình đã bình yên trôi qua, có lẽ sẽ vui mừng cười hỉ hả như tên trộm chưa từng bị tóm.

Hãy tin vào cuộc sống và thời gian,
Cho dù cuộc sống có thể sẽ không tạo được cho ta niềm vui mới
nhưng thời gian cũng giúp ta xoá hết tất cả mọi nỗi đớn đau.

Đau lòng:
Nỗi đau không thể trả một lần, nó như một khoản vay trả góp

Cho dù bạn giàu có
thì đối diện nỗi đau
bạn cũng khó lòng một lần rũ sạch nợ nần

Có lần, tôi muốn tôi tàn nhẫn với bản thân mình hơn, không cho phép bản thân tôi buồn đau.
Thà đau buồn một lần, thật đau, rồi sống tiếp
Còn hơn ngày qua ngày cứ mặc cả lần hồi với những nỗi buồn nhỏ nhặt nỗi sầu bé mọn kiểu chả buồn sống chả buồn chết.

Có những người mà oán hận buồn bã là thói quen của người ta, bạn chớ động vào, buồn đau chẳng qua là cách họ hưởng thụ cuộc sống mà thôi.

Chúng ta cũng có khi đau đớn vì bị oan uổng, nhưng lại không chịu thanh minh, thì nỗi niềm đó chẳng qua cũng chỉ là tự mình tự tạo tự gánh chịu.

Người thông minh thường không thấy niềm vui
người trí tuệ vượt bậc mới hay mỉm cười.

Tạo hoá trêu ngươi
Người dựa vào chính người để trêu tạo hoá.

Về tình yêu:
Trong cuộc sống rất khó có tình yêu vĩnh hằng, nhưng chắc chắn cuộc sống có tình ruột thịt vĩnh hằng. Nếu tình yêu hoá được thành tình thân, những gốc rễ đó mới không phải lâu đài xây trên cát.

Có những tình yêu, có những người, mà tình yêu chỉ có nghĩa là “cảm xúc” của thời điểm đó. Mà nếu bạn cứ cho rằng tình yêu của họ là một tình yêu dài lâu, thì bạn mới là ấu trĩ (non nớt).

Bạn đừng buồn nếu bạn đãng trí. Đãng trí là chuyện bình thường, còn hơn là cái gì cũng nhớ rành rành.

Trên đường tình, những người thản nhiên đầy rẫy. Nhưng dù họ chỉ chân tình trong giây phút, cũng không thể nói họ giả dối.

Tình yêu nếu như không trở về với những gì chân thực trong cuộc sống như áo mặc, cơm ăn, đếm tiền, giấc ngủ, thì sẽ không thể dài lâu. Có những lúc chúng ta nhầm tưởng một thói quen trong cuộc sống, với một người đàn ông hoặc đàn bà nào đó, là tình yêu.

(còn nữa, lúc nào rảnh thì dịch)


Tam Mao: 

Nhà văn Đài Loan, sinh năm 1943 tại Triết Giang, Trung Quốc. Đã từng học khoa Triết học Đại học Văn Hoá Trung Quốc. Du học châu Âu, du học ở Tây Ban Nha, Đức v.v.. sau định cư ở Sahara, quần đảo Canali, về Đài Loan dạy đại học năm 1981, viết tản văn theo dọc đường bà lưu lạc khắp thế giới.

Tuy nhiên bà chưa tốt nghiệp bất kỳ trường nào. Bỏ học từ lớp 6, cha dạy viết, bạn bè dạy vẽ, giáo sư quen xin cho học dự thính khoa Triết học, tuy thành tích học tập ở khoa Triết rất xuất sắc nhưng cuối cùng không tốt nghiệp, xin nghỉ học đi lưu lạc, du học ở châu Âu qua nhiều trường nhưng không có bằng cấp gì. Cho đến khi về Đài Loan dạy đại học cũng chỉ là dạy phụ, đi diễn thuyết.

Những sáng tác có giá trị nhất của Tam Mao là những tập tản văn viết trong 14 năm lang thang khắp thế giới. Sau khi người chồng Tây Ban Nha mất tích trong một cuộc thám hiểm, bà trở về Đài Loan. Tam Mao mất năm 1991, thọ 49 tuổi. Tự tử tại một bệnh viện ở ngoại thành Đài Bắc.

Bà có bạn đọc rộng rãi trên khắp thế giới, nhất là các bạn đọc ở Trung Quốc và Đài Loan, đã in 24 tập sách dịch và tản văn.

(Trang Hạ dịch)

Có cánh chuồn nào trên vai em không?

Thành phố nhỏ yên tĩnh và xinh đẹp, hai người yêu đắm say, mỗi bình minh đều đến bờ biển ngắm mặt trời mọc, và mỗi chiều đi tiễn bóng tà dương ở bãi cát. Dường như những ai đã gặp đôi tình nhân đều nhìn theo với ánh mắt ngưỡng mộ.

Một ngày, sau vụ đâm xe, cô gái trọng thương im lìm nằm lại trên chiếc giường bệnh viện, mấy ngày đêm không tỉnh lại.

Buổi sáng, chàng trai ngồi bên giường tuyệt vọng gọi tên người yêu đang vô tri vô giác; đêm xuống, chàng trai tới quỳ trong giáo đường nhỏ của thành phố, ngước lên thượng đế cầu xin, mắt không còn lệ để khóc than.

Một tháng trôi qua, người con gái vẫn im lìm, người con trai đã tan nát trái tim từ lâu, nhưng anh vẫn cố gắng và cầu xin hy vọng. Cũng có một ngày, thượng đế động lòng.

Thượng đế cho chàng trai đang gắng gượng một cơ hội. Ngài hỏi: “Con có bằng lòng dùng sinh mệnh của con để đánh đổi không?” Chàng trai không chần chừ vội đáp: “Con bằng lòng”

Thượng đế nói: “Ta có thể cho người con yêu tỉnh dậy, nhưng con phải đánh đổi ba năm hoá chuồn chuồn, con bằng lòng không?” Không chần chừ chàng trai vội đáp: “Con bằng lòng”

Buổi sáng, cánh chuồn rời Thượng đế bay vội vã tới bệnh viện, như mọi buổi sáng. Và cô gái đã tỉnh dậy!

Chuồn chuồn không phải người, chuồn chuồn không nghe thấy người yêu đang nói gì với vị bác sĩ đứng bên giường.

Khi người con gái rời bệnh viện, cô rất buồn bã. Cô gái đi khắp nơi hỏi về người cô yêu, không ai biết anh ấy đã bỏ đi đâu.

Cô ấy đi tìm rất lâu, khi cánh chuồn kia không bao giờ rời cô, luôn bay lượn bên người yêu, chỉ có điều chuồn chuồn không phải là người, chuồn chuồn không biết nói. Và cánh chuồn là người yêu ở trước mắt người yêu nhưng không được nhận ra.

Mùa hạ đã trôi qua, mùa thu, gió lạnh thổi những chiếc lá cây lìa cành, cánh chuồn không thể không ra đi. Vì thế cánh rơi cuối cùng của chuồn chuồn là trên vai người con gái.

Tôi muốn dùng đôi cánh mỏng manh vuốt ve khuôn mặt em, muốn dùng môi khô hôn lên trán em, nhưng thân xác quá nhẹ mỏng của chuồn chuồn cuối cùng vẫn không bị người con gái nhận ra.

Chớp mắt, mùa xuân đã tới, cánh chuồn cuống cuồng bay trở lại thành phố tìm người yêu. Nhưng dáng dấp thân quen của cô đã tựa vào bên một người con trai mạnh mẽ khôi ngô, cánh chuồn đau đớn rơi xuống, rất nhanh từ lưng chừng trời.

Ai cũng biết sau tai nạn người con gái bệnh nghiêm trọng thế nào, chàng bác sĩ tốt và đáng yêu ra sao, tình yêu của họ đến tự nhiên như thế nào, và ai cũng biết người con gái đã vui trở lại như những ngày xưa.

Cánh chuồn chuồn đau tới thấu tâm can, những ngày sau, chuồn chuồn vẫn nhìn thấy chàng bác sĩ kia dắt người con gái mình yêu ra bể xem mặt trời lên, chiều xuống đến bờ biển xem tà dương, và cánh chuồn chỉ có thể thỉnh thoảng tới đậu trên vai người yêu, chuồn chuồn không thể làm gì hơn.

Những thủ thỉ đắm say, những tiếng cười hạnh phúc của người con gái làm chuồn chuồn ngạt thở.

Mùa hạ thứ ba, chuồn chuồn đã không còn thường đến thăm người con gái chàng yêu nữa. Vì trên vai cô ấy luôn là tay chàng bác sĩ ôm chặt, trên gương mặt cô là cái hôn tha thiết của anh ta, người con gái không có thời gian để tâm đến một cánh chuồn đau thương, cũng không còn thời gian để ngoái về quá khứ.

Ba năm của Thượng đế sắp chấm dứt. Trong ngày cuối, người yêu ngày xưa của chuồn chuồn bước đến trong lễ thành hôn với chàng bác sĩ.

Cánh chuồn chuồn lặng lẽ bay vào trong nhà thờ, đậu lên vai người mà anh yêu, chàng biết người con gái anh yêu đang quỳ trước Thượng đế và nói : “Con bằng lòng!”. Chàng thấy người bác sĩ lồng chiếc nhẫn vào tay người con gái. Họ hôn nhau say đắm ngọt ngào. Chuồn chuồn để rơi xuống đất một hạt lệ đau đớn.

Thượng đế hỏi: “Con đã hối hận rồi sao?” Chuồn chuồn gạt hạt lệ nói: “Con không!”

Thượng đế hài lòng nói: “Nếu vậy, từ ngày mai con có thể trở thành người được rồi!”

Chuồn chuồn soi vào hạt nước mắt nhỏ, chàng lắc đầu đáp: ” Hãy để con cứ làm chuồn chuồn suốt đời…”

(Yêu một người không phải là nhất định phải có được họ. Nhưng đã có được một người thì hãy cố yêu lấy họ. Có cánh chuồn nào trên vai bạn không?)

(Và nếu bạn nhận được bài dịch này, chứng tỏ đang có một người nào đó yêu bạn, hoặc bởi vì bạn đang yêu quý một ai đó ở bên.)

Trang Hạ dịch (2006)

(theo một câu chuyện lưu truyền trên mạng BBS của Đài Loan, sau tác giả giấu tên bán bản quyền cho nhạc sĩ Vũ Tuyền năm 2003)

Thành phố yên tĩnh Image
Và đôi tình nhân Image
Biển trải dài Image Image Image Image Image Image Image
Những lúc cô tỉnh dậy càng ngày càng hiếm hoi Image
Mỗi sớm anh tới bệnh viện Image
Mỗi chiều về nhà thờ cầu nguyện ImageImage Image
Cánh chuồn đậu ngoài ô cửa Image Image
Cô đi tìm anh ở khắp nơi Image
Không ai biết người con trai đã đi về đâu Image
Chiếc xe cũ Image
Những buổi chiều cũ Image
Giờ ngồi lại một mình Image Image
Cánh chuồn trên vai rất nhẹ Image Image
Và mùa xuân Image Image
Lướt dưới chân những người khách đến hôn lễ Image
Là một nỗi đớn đau Image
Thôi, hãy để con cứ làm chuồn chuồn suốt đời…Image Image

Đầu đề video clip này là “Còn lại gì?”, có thể nói đây là sản phẩm văn học mạng đầu tiên (tiếng Hoa) sau khi lưu hành vô danh và free trên các diễn đàn đã được mua lại ý tưởng để dựng thành tác phẩm.

Nhà sản xuất và nhạc sĩ đã rất vất vả, tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc để truy tìm ngược trở lại điểm xuất phát, người gửi đầu tiên lên mạng, tìm tác giả để mua bản quyền. Lời bài hát này mang lại một cảm giác vô cùng đau xót đến kỳ lạ: “Chúng ta còn lại gì, chỉ rớt lại hai giọt nước mắt hoá thành băng!”

Những bạn yêu thích các truyện dịch của Trang Hạ đề nghị dẫn nguồn tới bản gốc này hoặc ghi chú đầy đủ (Trang Hạ dịch). Xin cảm ơn.

Music Video của bài hát này, bạn có thể xem thử tại đây.

Chỗ ngồi vắng người


Đây là bức ảnh chụp phong cảnh cổng sau vào trường tôi, lúc 6h sáng, chụp trong một buổi chạy bộ buổi sớm.

Quanh đó là những sườn núi đầy hoa phượng vĩ.

Giờ tan học

31/03/04

Thường những chiều tan học, tôi chần chừ lại rất lâu trên núi, đứng lại ở một góc nào đó dãy hành lang cô đơn của toà nhà viện Văn học để nhìn về phía vịnh biển, gần chân toà nhà gạch đỏ cổ kính của Viện đào tạo Hải dương học. Có khi chỉ là một con nhạn biển vội vã bay xuyên qua dãy đèn cao áp lao về phía núi Vạn Sơn. Có khi là một đám mây nặng nề hơi nước chậm rãi bò kín bầu trời thấp, trắng đục một vẻ lãnh đạm song thanh thản. Có thể là những cặp sinh viên hôn nhau vội vã dưới chân hàng cột cao vút Viện Nghệ thuật, dưới tán lá mảnh mai xanh tha thiết của những cây Tiểu Diệp Lan vừa trở lá. Hình như có đám mây đầy mưa đã bay qua tâm hồn tôi, trong những buổi chiều tan học của tháng ba này.

Mỗi góc hành lang đều sẵn một bộ bàn ghế giản dị, tôi sẽ chờ mặt trời lặn ở đó, lùi lại một chút để thấy chân trời mông lung sau chiếc lưng ghế dài, hoặc ngồi dướn lên một chút để điếu thuốc Cartier không thả tàn vào túm người vội vã dưới lầu. Chiều qua, trời Cao Hùng đổ mưa phùn, một cảm giác se lạnh và trống trải hiếm hoi xâm chiếm hoàn toàn không gian ngoài cửa sổ lớp học. Tôi nhắn tin bằng một ngón tay lén lút dưới gầm bàn: “Em nhìn thấy trời với biển chạm nhau bằng màu xanh lam mênh mang anh ạ. Em muốn anh ở đây bên em để cùng chia sẻ giây phút này biết bao. Mà sao mỗi lần nhắn tin cho anh, em đều buồn đến thế này nhỉ?”.

Ngày buồn nhất, tôi ở lại giảng đường trên núi đến khi trời sập tối hẳn, đèn từ đường cao tốc dẫn vào khu Kì Kim phía Đông Bắc vịnh Tây Tử đã sáng từ lúc 19 giờ. Viết bài thơ ngắn chẳng biết để làm gì.

…Yêu như thể em từng mất hết
Dù chẳng về đâu giữa cuộc đời này…

—-


張相片
Tiểu Diệp Lan trong ống kính của tôi

Cơn mưa mở cánh cửa cũ
Căn nhà em nhiều trưa không tiếng nói
Phải vì cơn mưa chở đến nỗi niềm?

Chiếc váy từng quen đôi chân mười lăm
Giờ khép lại những ngày thân thương cũ
Em ở đâu trong chuỗi hạt buồn?

Con nhện nằm lười ô cửa
Gió từ mưa mang tới buổi chiều tà…
30/3/2004

———-

Nhoài người qua ô cửa khoảng trời
Biển ở lại mùa xuân xa hai mốt

Nhịp điệu anh về theo tiếng xe trên đại lộ cao tốc
Em vòng quanh bài hát lúc năm giờ

Phải chiều nào cũng vậy
Em bất lực trước giấc mơ tình yêu giờ tan học
Tiếng còi xe bất lực lúc năm giờ.
30/3/2004

Image
Hàng Tiểu diệp lan trước cửa học viện Nghệ Thuật

Hoa

31/03/04

Cảm giác sau một giấc mơ là một giấc mơ, khi mỗi bình minh lên chạy bộ dọc con đường núi, qua những dãy nhà cổ kính đang im lìm, qua những ngã rẽ bất ngờ rộ lên một vầng hoa tươi ngỡ ngàng. Những lớp hoa đỗ quyên bất chấp thời gian và khoảng cách, cứ lần lượt trổ suốt 500 km từ Đài Bắc về tới tận Cao Hùng, hoa gạo lãng mạn dọc những con đường men theo đê bao vịnh biển. Tôi có bông hoa ngũ sắc mộc mạc và lớp cỏ đuôi cáo ngơ ngác dọc sông Tình Yêu bên ngoài tường rào trường Tiểu học Sư Hồ. Tôi có những bông trứng cá trắng muốt ngoài hàng rào ký túc, cứ mỗi sáng chạy bộ leo núi lại thấy dường như trắng hơn, thành thật hơn với mình.

Cảm giác của niềm hạnh phúc đơn giản giống như tự do. Tôi có niềm vui mỗi sáng và niềm tha thiết trong mỗi buổi lê minh. Cây Đậu Mưa tám mươi năm tuổi ngoài cửa sổ phòng tôi cứ 6 giờ tối là biết khép lá, bình minh là giờ Đậu Mưa nở ra từng bông hoa tím rung rinh vô cùng cảm động. Có lần tôi mang máy ảnh ra chụp hình cái cây nhạy cảm và hiền lành này, lúc lấy xem thì hoá ra lại có ảnh đôi sinh viên đang hôn nhau dưới tán Đậu Mưa. Thật là kỳ lạ, những giây phút bạn nhận ra cuộc sống đang mở ra bao nhiều niềm vui.

cây Đậu Mưa nhìn từ cửa sổ ký túc

Cảm giác nhớ trên da thịt tôi là một ngón tay ấm áp đã vẽ lên áo tôi một bông hoa vô hình, một cái lá May Mắn bốn cánh nở ra âm thầm không màu sắc, có thể làm tôi quên đi những cay đắng trong đời sống dọc thời gian dài dằng dặc của một cuộc chờ đợi vô biên. Chờ trong mỗi bình minh thức dậy thèm hôn lên đôi tay đã từng được âu yếm, thèm cảm giác bên mình là một cuộc chờ đợi mới của tôi, cũng đang bình yên và chờ đợi như tôi. NHỚ là cảm giác không thể nào đành lòng để sống tiếp, không cần ngày mai, không cần những bông hoa những màu sắc những mùi hương, chỉ cần biết có một sự chờ đợi bình minh, như tôi. Thế là đủ để lại qua một ngày đầy chờ đợi.

Bông hoa nào đã nở trong khi tôi không ở đó? Giấc mơ nào đã đến bên tôi trong đêm tôi thao thức nằm nghe bông hoa nở?

Cú ngã cuối
Khép em trong vòng tay
Em tưởng mất em mười tám tuổi
Nghe radio vẳng tới giọng buồn

Anh nhắm mắt trong đêm tĩnh lặng
Phải em là em vô cùng tuổi
Thao thức hôn lên ngực buồn phiền

Đêm mở vài mắt sao
Chiếu sáng những ngọn khói lưu huỳnh Đài Bắc
Tưởng sẽ chẳng về đâu chuyện tình
Con đường núi trở lại ngày bé dại
Em hôn giấc mơ đi qua mắt môi anh
Lướt giữa đôi chân tê điếng giọng người
Giọt nước mắt đầu năm mười lăm tuổi
Rơi về cơn sóng thao thiết xô đêm…

Yêu như thể em sẽ từng mất hết
Dù sẽ chẳng về đâu giữa cuộc đời này…

Tiếng gọi

02/04/04

Những con vẹt mất ngủ cãi cọ suốt đêm ngoài cửa sổ. Tiếng kêu vang xa ai oán, nghe như giọng người thất thanh gọi.

Words of heart của Carmeton là một câu chuyện kể buồn bã về tình yêu, anh có nhớ chúng ta đã yêu nhau như thế nào ở hàng nghìn năm trước, và làm sao nhận ra nhau trong thế giới này? Khúc nhạc ấy vọng về mãi trong những giờ phút sôi động nhất lặng lẽ nhất hy vọng nhất của tôi, như một câu hỏi tha thiết vào trái tim tôi mỗi khi lo âu trước đường dài phía trước, rồi ai sẽ bên tôi cùng chia sẻ và cảm nhận nhịp điệu đời sống?

Khi gió về trên những đỉnh núi phía Nam thành phố, những con én liệng điên cuồng ngoài cửa sổ lớp học, phật đôi cánh bướng bỉnh vào những lá cây tơi tả bay. Sóng đập vào bãi đá theo cái cách thất vọng tuyệt đẹp của đám bọt nước sôi sục. Âm thanh ấy cũng giống như sự câm lặng, giữa chúng ta có một giao kèo và anh hỏi bằng sự im lặng, em trả lời bằng cảm nhận. Có phải tình yêu đã lén lút chơi khăm đôi tai chúng ta? Để chỉ còn nghe thấy tiếng gió và hơi thở của biển ở phía bên kia những ghềnh đá, những cửa kính ô tô, những con đường thăm thẳm chia đôi một bên vực sâu một bên núi cao?

Sớm nay chạy bộ bên nhau trên con đường núi vòng quanh các dãy nhà gạch đỏ cổ kính như những toà lâu đài, xuyên qua các khoảng rừng âm u rồi lượn quanh eo biển bình yên, đột ngột nghe thấy tình yêu trong tim giống một tiếng thở dài và mồ hôi rơi xuống má cũng mặn như nước mắt. Nụ hôn ta nhận sáng nay liệu còn có nụ hôn sớm mai? Những giây phút bên nhau liệu có trở lại và người đàn ông ở bên ta liệu sẽ còn bên ta, khi mà ngày nào bình minh cũng tới, cũng tươi đẹp như thế này?

Hay những âm thanh ấy giống lời thì thầm ta từng nghe trong những đêm thao thức bên nhau chờ bình minh tới, nằm nghe tiếng xe từ mười bốn tầng lầu bên dưới rì rào như mưa, như biển Tây Tử thở, mãi mãi giọng nói ấy không trở lại song mãi mãi ta đã có trong đời?

Cuối tuần

04/04/04

Thứ bảy là ngày lười biếng, cú điện thoại thường rơi vào quãng trưa, khi cái bóng hoa trên đất rung rinh trong gió núi thổi qua sân trường. Chiều là một niềm mong đợi, khao khát, tủi hờn và lo âu người quên ta hay người quá yêu mà không biết! Song thường một lúc nào đó, cái dáng cao lớn đi qua sân ký túc không lẫn vào đâu với gương mặt nhẹ nhõm và bối rối của một người đang yêu đánh thức tất cả cảm giác trên một khung cửa sổ tầng ba nào đó mở đợi suốt tuần.

Cuối tuần, tôi nhớ tôi đã hôn bằng ánh mắt.

Chủ nhật là niềm vui bất tận của những quãng đường dài, những khe núi hiểm trở, mạo hiểm vượt qua rồi nhìn lại còn run rẩy trong tay nhau, là những con phố dài khu Nam Tử đầy hoa tươi đẹp trải ra dưới nắng tháng ba, là những giọt nước mắt đau xót khi đêm về trên con dốc núi một mình, tay tự ôm tay mình trong một giây phút chết lịm đi trong cô đơn. Không bao giờ hết khao khát tức là không bao giờ quên.

Sớm qua là một khe núi nguy hiểm đầy mây bảng lảng dưới chân, chiều nay là vô vàn sóng dào dạt hất vào tay tôi những lá rong biển tươi mới, mằn mặn và bải hoải. Nụ hôn nào ta mãi mãi có ở nơi tận cùng giữa núi và biển khơi? Lũ sóc rừng ngốc nghếch thường nhảy ra chắn lối và cạp vỏ cây sồn sột. Đám chim Ban Cưu lơ đễnh bay sột soạt trong bụi cây, rúc từng chập như doạ dẫm như kênh kiệu. Sự im lặng giữ tay trong tay, bền lâu như lời hứa. Xin năm và tháng hãy cho tôi được chết trước bởi tôi sẽ không chịu được cảm giác lẻ loi.

Ít nhất bởi không thể sống bên nhau nên xin cho chết gần nhau.

Một cuối tuần nữa đã trôi qua, trưa nay anh tìm tôi trong đám đông ngồi la liệt đọc sách chùa ở tiệm sách lớn nhất Cao Hùng, giữa những giá sách chất ngất và mùi cafe ngào ngạt thơm trên tầng 10 cao ốc Đại Viễn: “Tiểu thư, cô mua sách gì vậy?”.

Và lại đặt lên môi nhau một cái nhìn dài.


Nhịp điệu cuộc sống

06/04/04

Những tiệm bách hoá nhỏ dựng lên khắp Đài Loan với mật độ dày đặc nhất quả đất: SevenEleven, OK, JYoung, Toàn gia phúc, Cửa hàng Phúc lợi địa phương, siêu thị nhỏ… Carefour và Dollard cũng biến thành những tiệm bách hoá khổng lồ theo kiểu bình dân hết sức. Tiện lợi thường làm người ta lơ đễnh. Ba bước một thùng rác, hai trăm mét một máy rút tiền tự động và mỗi ngày một phút trước giá đồ các loại bao cao su nhiều màu sắc nhiều công dụng.

Cuộc sống bày ra như thế, trơn tru và vật chất, vậy vì sao anh đứng lại trước tôi?

Hay như câu sấm truyền trước ngôi chùa Tây Tạng Kemakeju ngày hôm ấy: “Đã tới mà chưa đến, đã đi mà chưa rời!“. Khi ấy quay lại là bao nhiêu mây trời tháng mười hai đang trôi qua sau vai. Những quả chuông Ước mơ ở Đài Nam rung lên mê mải trong những vòng xoay tĩnh tâm quanh chân ngôi đền thiêng. Vần lên quanh đây là những dấu tay lơ đễnh, đã đến mà không bao giờ đến được, chỉ có mây trời bay mải miết sau vai.

Bởi vậy, tôi đã từ chối cái nhìn khắc khoải ấy. Tháng mười hai nổi gió trên những tháp chuông, tưởng vọng được tiếng buồn qua cửa kính màu ghép những bông hoa thuỷ tinh xanh đỏ u uẩn của căn phòng cầu nguyện dưới chân tu viện. Thèm quá một giấc ngủ dài.

Đêm Nguyên Tiêu rực rỡ hàng ngàn hàng vạn ngọn đèn lồng đỏ treo khắp mảnh đất Đài Loan. Đèn lồng trên sông, trên mái chùa, trên tường thành Quảng trường tưởng niệm Trung Chính Đài Bắc. Đèn lồng đỏ lẻ loi trên ngôi nhà gỗ nát cuối phố nghèo Cổ Sơn-Cao Hùng, kiêu kỳ trên sân vận động Đào Nguyên gần Đài Bắc, thảnh thơi ở phố cổ Ưng Ca giữa tiếng va lanh canh của đồ sứ Trung Hoa giả cổ rồng phượng loằng ngoằng. Nguyên Tiêu của tôi trải dài khắp các địa danh đi qua, thao thức nhớ về một điều gì đó không rõ rệt đang gần bên, gọi tôi trong mơ. Thèm làm sao một giấc mơ dài bình yên thức dậy trong tháng Giêng xanh?

Image

Con sông Tình Yêu chảy dọc thành phố Cao Hùng trong đêm hội Hoa đăng rực rỡ Tết Nguyên Tiêu 2004. Dưới những ngọn đèn lồng đỏ là một giấc mơ rực rỡ mà không ai muốn thức giấc.

Image

Nhạc nước trong ánh sáng đèn laze

Cú điện thoại đường dài ngày hôm ấy không nhắc gì đến tình yêu. Chỉ nhắc đến cuộc sống.

Chúng ta chạy đuổi theo thời gian một cách đau đớn. Tôi có tám năm để nối tiếp từ chân trời đến chân trời và anh đã mất tám năm trong chờ mong, lơ đễnh Đài Loan. Quay lại là những ký ức lộn xộn không đáng có, những toan tính mỏi mệt trên khắp đường dài. Để một đêm đứng trước những ngọn khói khét, nóng và bải hoải trong thung tận Bắc Đầu, nước mắt bắt đầu chảy xuống khi nói về cái chết. Tôi biết là thể nào rồi cái chết cũng sẽ chiến thắng chúng tôi.

Tôi không phải là một người dũng cảm, tôi không thể ở lại đời sống này lâu hơn, vậy thì hãy để tôi yêu trong thời gian cuối cùng.

Nhịp điệu ấy là nụ hôn trước ngày chia tay, khi tôi mải mê nhìn xuống khu phố Nam Tử. Thèm quá trong giấc mơ dài này ta không bao giờ tỉnh dậy.

 

Ngày mai

11/04/04

Không bao giờ giấc mơ trở lại song tôi hạnh phúc vì tôi từng mơ ước.

Đêm qua những con vẹt tạm hưu chiến một đêm trên cái ổ lạnh tanh trên núi. Anh thu xếp chỗ ngủ bé xíu trong chiếc xe đọng đầy hơi nước ngoài cửa kính, để tôi có thể duỗi dài đôi chân mỏi mệt. Thế mà nửa đêm thức giấc đã phát hiện ra anh cũng ngủ gục xuống, đầu dựa hẳn vào vai tôi, thật là kỳ lạ cảm giác mái đầu người yêu nặng trĩu trên vai. Rất lâu rồi mới dám buông thả như thế.

Bình minh lên chậm rãi sau những tán cây phong non xanh rỡ ràng sườn núi. Những cái lá ba cánh khe khẽ xếp bài quanh cây. Anh thở, ôm chặt tay trong cơn mơ. Tôi ứa nước mắt khi anh ở ngay bên mà tôi vẫn còn đau những bình minh một mình, tỉnh giấc trong vô cùng khao khát. Có giấc ngủ đến trong đêm Bắc Đầu đầy đau xót, không dám chạm tay vì biết sẽ không để làm gì khi ngày mai là một ngày khác. Tình yêu này sẽ mất đi không còn dấu vết, chỉ là nỗi đau trong đời không thể nào có nhau. Có giấc ngủ chập chờn chờ đợi một ngày đầu tháng tư, tỉnh dậy bằng một nụ hôn ấm áp tha thiết trong căn nhà sững sờ bóng chiều Nam Tử. Có một đêm lang thang lủi xe vào những tán Dương Đề trong công viên hoang dã núi Sài, cố ru ngủ trên cái ghế bé xíu và cười rúc rích trong bóng đêm thăm thẳm. Tôi đã từng mơ sẽ không bao giờ chết cũng như không bao giờ lìa tay nhau.

Hay còn nhớ giấc ngủ thoáng qua ở khu vực suối bùn Quan Tử Lĩnh của ngày hôm kia, chúng ta lần đầu tiên thiếp đi trong cơn đau điên cuồng của một cuộc chạy trốn. Chạy trốn thật xa, anh đã từng nói hay ta sẽ cùng chết trên một vực núi nào để để ít nhất, còn đuợc ở bên nhau cho đến phút cuối cùng. Hay là ta sẽ lặng lẽ vượt biển, làm người bất hợp pháp ngay trên tổ quốc, sẽ về miền Nam Việt Nam đầy nắng ấm và sẽ mai danh ẩn tích như những người chỉ muốn sống sao cho chóng hết. Kỳ thực là sống sao cho tận hết.

Tình yêu, liệu tôi còn có ngày mai không?

Ở Vân Nam-Trung Quốc có một vùng đất hẻo lánh trên những mái nhà núi tiếp núi, nơi những cây xương rồng Tiên Nhân Trảng nở hoa vàng tung trước gió, tên là Lệ Giang. Thị trấn ấy là di sản văn hoá thế giới, có 120 nóc nhà cổ kính xây từ hàng trăm năm nay, xếp úp 3 mặt nhà với nhau quây vào một bức tường làm bình phong. Nghe đồn những dòng suối bé xíu luồn lách ngay dưới chân từng ngôi nhà, luồn quanh bếp, múc nước dưới chân lên tắm suối ngay trong buồng. Trẻ em hiền, người già ưa kể chuyện và không ở đâu trên khắp thế giới nhịp điệu cuộc sống lại chậm rãi, như cuốn phim quay vô cùng chậm như ở thị trấn Lệ Giang.

Chúng tôi đã hứa sẽ cùng đi tới đó, và sẽ yêu nhau, đi đến với nhau trong tận cùng nhịp điệu chậm rãi đó. Để thấy thời gian ngừng lại quanh chúng ta, tìm ra nhau sau những giấc mơ dài hoặc ít nhất, mơ ước để biết rồi một ngày mai tỉnh giấc, ta thấy vẫn còn được ở kề bên người mình yêu.

12/04/04

http://www.youtube.com/watch?v=7OANkOzIyes
Bài hát này giản dị và đau xót, chúng tôi đã từng khóc rất nhiều sau khi xem bộ phim này. Khi ấy là mùa xuân 2004, tôi đang ở Việt Nam, không có ý định trở lại Đài Loan song cảm giác là không lẽ trong đời này, tôi chỉ gặp người đàn ông ấy một lần thôi sao?

Anh đang nằm trong chăn chờ một giấc ngủ cũ. Một năm mới sắp đến rồi. Trong giây phút đó không ngờ cái cô gái hấp tấp, vụng về, suốt ngày mắc lỗi và gặp rủi ro là tôi, dù ở cách hàng ngàn cây số, đã bắt anh rơi nước mắt khi nghĩ về cuộc sống.

1. Nghe mùa đông ra đi ngoài cửa sổ
Tôi tỉnh giấc trong một ngày tháng nào đó
Tôi nhớ, tôi chờ, tôi mong mỏi thiết tha
Tương lai nào có định đoạt gì trước cho đôi ta?

2. Chiều buông tối sẫm ngoài khung cửa
Còn một người đứng đợi tôi ở tương lai phía trước
Nhìn trái nhìn phải, nhìn trước sau,
Tình yêu phải rẽ qua bao góc phố nữa mới đến với tôi?

ĐK1: Người tôi gặp sẽ nói cùng nhau điều gì?
Người tôi đợi vẫn còn ở xa lắc nơi nao?
Tôi nghe gió về từ chuyến tàu điện ngầm, từ những biển người trên phố.
Tôi sẽ xếp hàng chờ một số báo danh cho cuộc tình mình!

ĐK2: Tôi bay về phía trước qua một biển thời gian
Chúng tôi đã từng cùng đau đớn vì tình yêu
Tôi biết đường vào giấc mơ tình yêu của tôi rất chật
Song gặp được anh đã là sự bất ngờ đẹp nhất trên đời này.

 

Tin ngắn trong đêm

14/04/04

Em-Yêu thì không có tội! Hãy cố gắng sống thật tốt, tôi vĩnh viễn giúp em! Mong đêm nay em có một giấc mơ đẹp…

Em không ngủ được, em nghĩ đến anh.

Yêu em.

Khi tỉnh dậy, ý nghĩ đầu tiên là anh. Mong được nhìn thấy anh cười.

Tôi thích em cười, lúc em cười em là người phụ nữ vô cùng phụ nữ.

Chiều nay em ngồi đọc sách trong Tiệm sách trên đường Minh Triết, nhớ anh đến đau lòng. Chiều nay em có cầm được bàn tay anh không?

Tối 9 giờ chờ tôi ở cổng tiệm sách, được không? Yêu em.

Em đã nghĩ kỹ rồi, em phải đi. Em biết sau này em sẽ hối hận song em phải đi.

Tôi đưa em đi.

(Ba ngày)

Bây giờ em không trốn được anh nữa!

Rất nhớ rất nhớ em.

Sáng 6h leo núi, chiều 17h30 chạy bộ, đánh bóng rổ hoặc bơi. Mong anh có ngày đến đây luyện tập cùng em.

Đã mười hai giờ đêm, vì nhớ em, tôi không thể nào tập trung đọc sách. Mong đêm nay em có giấc mơ đẹp. Yêu em.

Em nhìn thấy trời với biển chạm nhau bằng màu xanh lam mênh mang anh ạ. Em muốn anh ở đây bên em để cùng chia sẻ giây phút này biết bao. Mà sao mỗi lần nhắn tin cho anh, em đều buồn đến thế này nhỉ?

Tôi đang làm thêm giờ, nếu rảnh em lên mạng! Tin nhắn của em luôn làm tôi cảm động. Yêu em.

Vừa tan học, đang nghĩ đến anh, mong ước làm sao được cùng anh chia sẻ những năm tháng đẹp đẽ này!

Leo núi xong chưa tắm, đi làm luôn, haha…

Lần sau không dám đến gần!

Rất hy vọng em chia cùng tôi những đắng cay và ngọt ngào của đời sống!

Em không chống cự được những dịu dàng và chăm sóc và tình yêu anh mang đến. Em mong giấc mơ này em không bao giờ tỉnh dậy.

Hãy cho tôi thời gian để tìm lối thoát cho cả hai chúng ta!

Em mong anh ở bên, em muốn tình yêu tìm phương hướng cho em!

Ngoan ngoãn chờ tôi nhé, 5 giờ tôi sẽ về nhà. Yêu em.

Em phát hiện cảm giác yêu anh giống năm 18 tuổi, khi đó gia đình rất khổ, còn dùng củi ướt nấu cơm. Khoảng 6 giờ chiều em đang vất vả thì chợt nghe thấy từ trên Radio đang đọc một truyện ngắn của em. Em bàng hoàng thì ra trong cuộc sống khổ cực như thế em vẫn có được một hạnh phúc đầy mơ ước. Em quên rồi. Giờ yêu anh, cảm giác ấy sững sờ tái hiện lại.

Cảm ơn em, tôi đã tìm được em.

Đau lòng quá. Đây là tình yêu hay là giày vò khổ não?

Tôi thật lòng yêu em.

Em có việc gấp phải trở về Việt Nam, hôm nay còn phải đi làm vài việc, sợ không có thời gian gặp anh để chào. Thôi thế cũng tốt!

Mang tôi về Việt Nam.
-……………

Đừng xa tôi tôi sẽ đau lòng mà chết.
-…………..

Tôi sẽ dùng cả đời để yêu em!
-…………..

Chúng ta cùng dựng một gia đình, yêu em đến khi chết.
-………

Vô cùng yêu em!
-………….

(không hồi âm)

 

Image

hiệu sách trên đường Minh Triết

Image

bức tường tôi thích nhất trong tiệm này


Tâm hồn tôi trên giấy

17/04/04

Tôi rất thích Tam Mao vì bức ảnh khi cô ngoài ba mươi, mặc một tấm váy đỏ dài đứng trước ngôi nhà đất ở vùng Sa mạc Sahara, tự tin và rạng rỡ nhìn thẳng vào ống kính. Cô ấy nhìn vào người yêu.

Có thể vì tôi cũng thích những truyện ngắn, tạp bút, du ký của Tam Mao viết theo mỗi vùng đất cô đi qua. Tuy nhiên, không có tạp bút nào lường đến cái chết. Ha-shi, một nhà thám hiểm người Tây Ban Nha, chồng cô mất tích sau một trận bão cát trong sa mạc. Một chuyến thám hiểm như mọi lần, trên một vùng đất lạ, chấm dứt một chuyện tình. Nhiều năm sau ở tuổi 50, tại một bệnh viện ở Đài Bắc, Tam Mao đã ngồi trên ghế, dùng một dây lụa, một cái tất tơ, hay cái khăn trắng gì đó, buộc mình vào ghế và tự thắt cổ chết trong im lặng.
Image

Cái chết hoàn toàn phản khoa học, một người không thể tự thắt cổ mình đến chết với khuôn mặt thanh thản như thế, song tôi tin khi ấy Tam Mao cũng nghĩ chỉ có cái chết mới kéo gần được với tình yêu. Khi đấy là năm 1991. Tôi tin cô ấy không chịu đựng nổi nỗi cô đơn trong cuộc đời dài thăm thẳm này.

Image

Chúng tôi thường dừng lại rất lâu trước giá sách, chọn lấy một cuốn sách văn học và bắt đầu trò chuyện. Truyện ngắn, tản văn, những giải thưởng, những người đang lên trên văn đàn. Những tác giả nào có thể giới thiệu ở Việt Nam, những cây bút trẻ nào nên đưa vào tập sách tuyển chọn? Những tác phẩm nào có thể đặt cạnh nhau để tôn nhau lên chứ không phải là để nói “xin lỗi” một cách kẻ cả?

Bao nhiêu dự định, khi chúng tôi yêu nhau và cùng nhìn về phía trước, nhìn về phía Văn học. Cố gắng để kéo độc giả hai nước gần nhau hơn trong cái nhìn khách quan và mới mẻ, không bị tác động bởi những best-seller nhan nhản, những đầu tư đòi tiền chính phủ. Anh thường lúng túng vì tình yêu, tôi lo âu vì quá nhiều dự định. Giá cuộc sống cho ta thêm thời gian để yêu và để sống, được cùng nhau đi tới?

Những trang sách mở ra số phận. Chúng tôi đang chạy đua để có thể, yêu nhau không phải chỉ là đau đớn vì Yêu mà còn là hạnh phúc vì cùng Vươn Tới được những giá trị đẹp đẽ khác, đi tới những miền đất bao la trong từng tác phẩm, gắn tình yêu với cống hiến. Để mỗi cuốn sách ra đời ở Đài Loan sẽ là một khuôn mặt xinh đẹp về Việt Nam.

Không phải chỉ là Yêu mà còn Cần nhau biết bao trong đời. Anh hỏi tôi nhiều lần: “Em có tin liệu chúng ta sẽ ở bên nhau được chứ?”

Tôi chợt nhớ Tam Mao biết bao, cô đã chết để trả lời cho câu hỏi ấy. Tôi yêu Tam Mao vì cô ấy không chỉ sống, không chỉ viết mà còn quyết liệt. Vì cô ấy đã lựa chọn tình yêu.

2 become 1

20/04/04

… Đã từng cùng nhìn ra phía góc vườn này, trong một sáng khoác ba lô leo núi Trúc Sơn và công viên hoang dã Hồng Diệp cách Cao Hùng 100km. Ở đó, anh cõng một người phụ nữ mệt mỏi là tôi xuống núi, không biết có nhận ra tôi đã để rơi nước mắt xuống lưng áo người yêu?


… Đã từng nhìn lại ngôi biệt thự kiểu Nhật cũ kỹ già nua trên đỉnh Bắc Đầu, chia tay những dòng suối lưu huỳnh phủ khói sực nức lưng sườn thung lũng ngoại ô Đài Bắc. Hồi tám tuổi, mỗi sáng anh đạp xe bỏ báo cho hết 200 ngôi nhà trên núi Bắc Đầu rồi đi học, cho đến khi mười tám tuổi, chia tay Bắc Đầu, anh đã học được rất nhiều trên núi, với sức khoẻ dẻo dai và một kỷ niệm đau đớn về người cha chết vì làm lụng và kiệt sức.

Đối diện với những kỷ niệm cũ sao cô đơn đến thế? Anh đỡ lấy đôi bàn tay tôi từ phía sau, áp vào người tôi một hơi thở nóng và tha thiết mong. Trước những con đường dốc dựng đứng quanh co và những mái nhà cũ kỹ câm lặng trong đêm, cảm giác ấy không thể nào tới một lần nữa trong đời.

… Đã từng cùng chọn bữa sáng với tách cafe nóng và miếng bánh mì kẹp, nhìn ra con phố này, sau một đêm thức trắng để trò chuyện trong bóng tối.

Còn điều không thể chia sẻ cho nhau được, đó là sự sống. Nhưng sống lâu để làm cái gì, khi không được ở bên người mình yêu?

 

Lang thang trong vịnh Tây Tử

23/04/04

Vịnh Tây Tử thường làm tôi sững sờ vì vẻ điềm đạm và tinh khiết rực rỡ của màu nước liền với trời thành một phiến màu xanh lam nhàn nhạt. Không bao giờ Tây Tử có chân trời, không biết đâu là điểm nối trời liền với biển ở xa phía khơi eo Đài Loan.

Chúng tôi ngày này qua ngày khác làm những giấc mộng đẹp nối tiếp không dứt bên Tây Tử: Ngao du trong vùng vịnh, trèo lên đỉnh núi từ những con đường hiểm trở, băng qua công viên hoang dã, chạy bộ qua những toà nhà học viện bình yên hoặc lén lút rình những con cua bé xíu trong những hốc đá lởm chởm dưới chân vực. Cũng có khi kiếm được vài lá rong biển tươi mới dạt vào bờ và thế là một bình minh trôi qua đầy êm ái giữa bao la trời Cao Hùng.

Khi giấc mơ chấm dứt, những con còng ấy, những con đường và kỷ niệm ấy sẽ ra sao?

Chúng tôi sẽ dựng giấc mơ khác. Sớm qua sau khi trở về thành phố, chúng tôi đã quyết định sẽ sắm một chiếc xe tải, chất lên đó lủng củng những bàn ghế gỗ, cốc tách, máy pha cafe và sẽ lên đường ngao du khắp đất nước Đài Loan làm người bán cafe dạo! Chỉ cần bỏ ra một triệu tệ là sẽ được sống tiếp trong giấc mơ có nhau ở bên. Sẽ lại ngao du, viết văn, khám phá, sống như thể ngày mai sẽ chết. Nghe ra thật không ổn vì một quan chức (hiện tại) cùng một thạc sĩ (tương lai) rốt cuộc sẽ bỏ lại tất cả, những buổi họp quan trọng, những thẻ tín dụng, những cuộc shopping khắp các shop thượng hạng trong thành phố… chỉ để suốt ngày loay hoay với cái máy pha cafe rẹt rẹt và những cái ghế gấp lập cập ở đâu đó ngoại ô thành phố, ở một đỉnh núi miền Trung hoặc ở một làng chài ven biển Nam Đài Loan, sang hơn thì đỗ xe lại một đêm dưới chân toà tháp 101 tầng cao nhất thế giới ở Đài Bắc, ở đó một đêm để ngắm thành phố, tò mò giống như những người thành phố dừng bước lại và nhìn đám du dân đầy bụi đường trên chiếc xe cafe di động.

Nhưng tại sao lại không? Nếu mỗi ngày đến là một bất ngờ không hẹn trước, rồi mỗi đêm có thể hôn nhau trước lúc ngủ và mỗi sớm dậy, nhìn thấy nhau ở bên, đầu tiên?

Còn bọn trẻ của chúng ta? Anh cho rằng chúng cũng sẽ học cách tự giải quyết vấn đề của chúng. Chúng sẽ học được cách trưởng thành và tự trọng. Thế nếu chúng không học được và sẽ chỉ nghĩ: sống, tức là tạm bợ, ngày nào biết ngày đó như thế? Chúng ta dạy chúng sống, chúng ta làm gương, tại vì chúng ta có Tấm Lòng.

– Nhưng em nhớ phải bỏ lại tất cả những cái váy ngắn, minijupe, áo hở vai và những thứ đồ đầy khêu gợi ở lại thành phố.

Đấy là điều kiện để được trở thành một kẻ du đãng hạnh phúc bên anh! Chiều nay tôi nhắn tin, thú nhận đã thua trước giấc mơ đầy cám dỗ này: “Anh ạ, thứ mà em “hở hang” nhất, dễ bị mọi người nhìn thấy nhất chính là cảm giác yêu say đắm, nên mong tình yêu của anh, như một tấm áo mới, sẽ dịu dàng đến ôm quanh em!”

Giọng nói trên điện thoại đầy xúc động:

“Tôi đánh cuộc với em là trong hai chúng ta, tôi yêu em hơn rất nhiều, đến không thể nói ra. Em có đánh cuộc với tôi không?”

“Đánh cuộc bằng gì?”

“Bằng sinh mệnh.”

Ý và Nghĩa

Có bạn đọc xong đã nhắc tôi, tình yêu lãng mạn bay bổng như thế thường chẳng bao giờ có kết cục tốt đẹp. Thôi hôm nay chẳng viết được những cảm giác lãng mạn bay bổng nữa, tôi viết về tiền nong, nợ nần, tính toán, thu xếp đời sống. Đó là những thứ cũng rất thực tiễn trong những ngày tháng Năm này

25/04/04

Trên những đường phố Kaoshiung, 6 giờ sáng, 5 giờ chiều, những giờ vào lớp và tan học của học sinh Tiểu học, ngang những con phố bao quanh các trường Tiểu học thường có những Nghĩa Công (các tình nguyện viên) đủ mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp đứng ra làm việc chặn các đoàn xe trên đường để cho học sinh Tiểu học dắt nhau qua đường an toàn. Cảnh tượng thường rất cảm động. Những tình nguyện viên có thể là sinh viên, là cô giáo lớp 1, một ông tưới cây trong trường hoặc là một người tình nguyện từ đâu chạy xe máy tới, vất xe bên vệ đường, đeo băng đỏ, cầm lá cờ dài in chữ “Đình” (dừng lại!) và bắt đầu hướng dẫn luồng xe, cứ 5 phút một lần đưa học sinh qua đường. Nhiều khi Nghĩa công chính là một bà mẹ trẻ, tình nguyện làm việc chỉ vì con mình cũng đang ở trong đám trẻ kia, hoặc ở trong đám trẻ một trường Tiểu học khác đang được những Nghĩa công khác giúp đỡ.

Mỗi khi gặp cảnh tượng này, tôi thường chồm người lên vai ghế xe, nhìn theo họ và sung sướng thốt lên: “Anh ơi, em muốn làm Nghĩa công!” Đáp lại thường là một nụ hôn. Khắp Đài Loan có thể gặp ở mọi nơi những tình nguyện viên như thế, làm việc 4-6 tiếng/ngày mà không cần bất kỳ thù lao nào. Họ ở phòng tiếp dân của các công sở, là người phục vụ trong các cơ sở công cộng, trong ngân hàng, công ty, là người tuyên truyền về sức khoẻ và bảo vệ môi trường, là người thu gom rác, làm y tá trong bệnh viện, ở cả những nơi nguy hiểm và vất vả. Họ là những sinh viên, học sinh tận dụng chút thời gian rảnh trong tuần, là người đã về hưu song còn sức khoẻ, là bà nội trợ không muốn chỉ quẩn quanh trong nhà, hoặc là những công chức tận dụng được 1 tiếng đồng hồ buổi sáng sớm .v.v… Những người như thế bạn gặp hàng ngày trên đường phố Cao Hùng, tạo nên một khía cạnh cảm động trong cuộc sống hiện đại đầy thực dụng.

Anh có một tấm thẻ tuỳ thân Hiến máu nhân đạo. Mỗi năm ba lần anh đi hiến máu, không quên và cũng thành thực “Vô sở cầu” – không vì mục đích gì. Cái gì mình làm được mà có lợi ích cho xã hội thì làm, cố một chút để làm xã hội tốt đẹp hơn! Dù rằng với 1m82 và 75kg, theo quy định TW thì mỗi lần hiến máu đều phải không dưới nửa lít.

Khi ở Việt Nam, tháng 3 năm nào tôi cũng đi hiến máu, cũng bởi “Vô sở cầu” nên tháng 3 ở Đài Loan, tôi cũng đăng ký hiến máu. Với tôi thì chỉ quy định mỗi lần hiến 200ml mà thôi. Song bị chính người VN phản đối kiên quyết và miệt thị: “Máu Việt Nam vì sao lại đem cho Đài Loan?”

Câu nói giản đơn đó làm tôi đau đớn mãi, như thể chính mình bị khinh rẻ, chứ không phải là “bọn Đài Loan” đang bị khinh rẻ. Anh cũng buồn rất lâu, anh bảo: “Vậy người Đài Loan không phải là Người sao? Vì sao họ được chính phủ ĐL cung cấp tiền bạc bấy lâu nay, tạo cơ hội ăn học, được ĐL giúp đỡ tối đa khi VN thì gây rắc rối thủ tục, vậy mà vẫn còn suy nghĩ kỳ thị? Sao không nhìn thẳng vào sự thật?”

Cái gì mình làm được mà có lợi ích cho xã hội thì làm, cố một chút để làm xã hội tốt đẹp hơn! Đừng để người ta lợi dụng song cũng đừng biến mình thành nhỏ mọn!

Những đồng Đài tệ

13/05/04

Tờ Đài tệ mệnh giá lớn nhất 2.000 tệ, tính ra xấp xỉ một triệu đồng tiền Việt. Cầm tờ Một Triệu ấy ra phố chỉ đủ để đi qua Siêu thị A+1 – một loại siêu thị bán hàng giá ưu đãi – mua những thứ vật dụng hàng ngày dùng cho một tháng. Đồng xu bé nhất mệnh giá một tệ, chả mua được gì, nhưng sao tôi thương đồng xu bé tí hin màu xin xỉn ấy nhất, như cầm trên tay đồng bạc tuổi thơ từng nâng niu không dám tiêu. Cảm giác về một chút giá trị nhỏ nhoi trên tay, bao người từng cầm qua, bao cảnh nghèo vét túi đến đồng xu cuối cùng, bao người giàu dẫm lên đồng xu lẻ, những cuộc thanh toán vội vã đổi những vật dụng khiêm tốn, trả lại tay đồng xu bé xíu tượng trưng cho cuộc mua bán sòng phẳng.

Hôm qua, tờ Thời báo Trung Quốc Chinatimes ra ở Đài Bắc chụp ảnh một người cha ở Cao Hùng, túng quẫn mở bình gas tự sát cùng đứa con trai 7 tuổi. Anh ta bỏ vợ năm 27 tuổi, một mình nuôi con, giờ mất việc, lại bị bạn làm ăn lừa mất toàn bộ gia sản là 50 vạn tệ, trong túi chả còn một xu, nghĩ tới tương lai và đứa con bé bỏng mà đứt ruột. Khi cảnh sát giải thoát, biết mình sống, anh ta lăn ra giường vật vã. Chết vì nghèo là bởi muốn chết nhất, bởi sống lại cũng không thể có ngày mai tốt đẹp hơn. Người cha xin lỗi đứa con trai và bảo, chắc kiếp trước con nợ gì cha mà kiếp này đầu thai vào gia cảnh này?

Trước ngày bãi khoá, rời Học viện, anh dành hai ngày chở tôi đi lang thang qua tất cả các huyện thị của Đài Loan, từng ngóc ngách xó xỉnh trên mảnh đất này, nông thôn, thành phố, phồn hoa, heo hút, nghèo và giàu cách nhau một trời một đất. Cứ đi không cần ngày tháng, trong say mê và xót xa. Buổi chiều tối, trên đường về ký túc, anh đưa cho tôi một Thẻ tín dụng của Ngân hàng Yushan – một ngân hàng lớn có xu hướng thân đảng cầm quyền Dân Tiến – và bảo:

– Anh gửi tiền lương ở nhiệm sở kia hết trong thẻ Yushan này. Đây là số tiền lương anh bắt đầu tiết kiệm kể từ ngày đầu tiên anh quen em, anh đã nghĩ nên để tiền dành ra giúp cho em học tiếp ở Đài Loan. Nửa năm, anh không biết hiện giờ nó đã có bao nhiêu vạn tệ vì anh chưa từng tiêu ở đó đồng nào. Và hàng tháng tiền lương của anh ở W.Z. vẫn tiếp tục chuyển tự động vào đây. Anh muốn em dùng tiền để học thật tốt. Vì học mà học giỏi chứ không phải vì tiền mà học giỏi!

Nước mắt bắt đầu ngập ngừng trên mi, tôi cắn môi nhìn đi phía khác. Không dám nói không hoặc là nói có. Câu trả lời nào cũng đều nặng như nhau, phải vậy không, tôi tự hỏi tôi, người phụ nữ đã mệt mỏi trên đường đời.

Suốt nửa năm quen nhau, giờ mới biết giữa chúng tôi luôn có một điều gì đó khó giải thích. Từ khi tôi là người dưng, từ khi tôi còn bận rộn với những trục trặc, lơ đãng, bất cẩn, vụng về của mình thì anh đã ở đâu đó âm thầm.

– Em đừng buồn, đừng tự ái vì tấm Thẻ tín dụng này. Anh yêu em nên anh lo cho em những ngày tới ở xa anh sẽ sống ra sao. Nếu không yêu, một xu anh cũng không cho ai.

Tôi đã không sòng phẳng được như thế, tôi luôn giấu tôi là ai. Cho nên khi đèn xe khuất sau những rặng cây phượng vĩ trơ trụi tháng ba dưới con dốc dài, nước mắt tôi mới rơi xuống ngực áo. Những giọt nước mắt không màu sắc.

Thời gian qua nhanh, tháng Ba chuyển qua tháng Tư. Tháng Tư có ngày tự dưng trở gió lạnh, rồi có ngày tự dưng rơi một cơn mưa đêm bất ngờ. Tháng Tư, một tối anh chở mẹ anh qua trường tìm tôi, để ngồi chơi trên bờ kè đá gần cổng trường, chỗ nhìn ra cây đèn biển lối vào cảng nước sâu khu Tiền Trấn. Mẹ anh xách theo 3 tách cafe nóng vừa mua ở BranchCafe. Anh thường đùa BranchCafe là nơi “Mấy trăm Đài tệ mà mua được của em ba mươi phút vui vẻ!”, biết đâu mấy trăm Đài tệ đó đã bằng nửa tháng lương giảng viên đại học ở Việt Nam. Chúng tôi ngồi trên bờ kè đá, gió thổi mạnh và êm trong đêm ấm áp, cafe thơm không ngờ, phía ngoài xa là những con tàu cập dần vào cảng, chạy qua chỗ ba người kéo từng hồi còi dài sung sướng. Mẹ anh mới ngoài năm mươi và bà rất thích trò chuyện.

Tôi không thể nào quên đôi vai vạm vỡ và vóc dáng cao lớn của anh trong bóng đêm, khi bế mẹ xuống kè đá sau lúc chia tay. Đấy là một sự thu xếp, giống tấm thẻ Tín dụng, để toan tính kéo tôi gần thêm vào những sự ràng buộc êm ái.

Nhưng những toan tính ấy cảm động quá khiến tôi dường như mất đi những mặc cảm, làm tôi gặp lại tuổi thơ, gặp lại những ước mơ thật đẹp đẽ của đời người mà tôi đã từng mơ, rồi từng cố quên đi bởi biết trong đời này tôi sẽ không bao giờ gặp được.

Tháng Năm đã tới, hoa phượng vĩ nở rực rỡ quanh trường Đại học Trung Sơn. Mỗi lần chạy xe qua khu cổng phụ của trường, chúng tôi đều sung sướng nhìn hoa nở và nói khẽ:

– Anh nhìn hoa phượng kìa! Em nhìn hoa phượng kìa!

Nó cũng đã từng toan tính để nở được vào tháng Năm, một cách không hề toan tính, đúng hẹn biết bao.

Image

Chỗ ngồi vắng người

Trưa nay có cơn mưa nhỏ lặng lẽ rơi qua những tán bồ đề cổ thụ giữa sân lớn sau lưng toà nhà Hành chính, hạt mưa lất phất bay, rơi thanh thản giữa đám người ngồi ngơ ngẩn với những hộp cơm trưa mở ngửa, quên che tóc ẩm hơi mưa. Tôi tưởng tôi đã ngồi đó từ thời mười lăm tuổi đầy hoa mộng, hay tôi tưởng tôi đã 80 và cô đơn về lại chỗ này, ngồi chỗ này, nhìn mưa bay thế này mà cuộc đời đã thay đổi, người yêu đã mất đi, sự sống đã cạn mà cuộc đời cứ trôi chảy không ngừng trước mắt, dường như chúng ta chỉ là hạt bụi và tình yêu này chưa từng có trong cõi người.

Những hư cảm đó thật như chỗ ngồi trống vắng trước mắt, làm lòng người không khỏi chua xót. Đêm qua tôi thầm nói, hãy cho tôi về biển, thả tro của tôi quanh vịnh Tây Tử để thân xác chúng ta sau hành trình mệt nhọc cả đời người sẽ lại quay về đây, hoà với nhau như thể vẫn còn nồng nàn yêu, vẫn còn là thanh xuân, vẫn chưa từng chia tay một ngày nào.

Đêm chạy xe về ký túc, anh nói nếu không còn gặp tôi nữa trong đời, sẽ như có ai cầm dao rạch lên cơ thể anh một vết thương, nó cứ chảy máu mãi, chảy mãi không thôi, anh còn sống vết thương đấy còn chảy máu mà không ai băng bó được, cứ đau đớn nguyên vẹn như thế.

Chiều qua trước khi vào phòng thi, một mẩu tin nhắn bay về nằm trong bộ nhớ của cái BenQ tôi cầm tay: “Cái gì đến anh không hối hận, cái gì đi anh không luyến tiếc, anh chân tình nên anh không ân hận, em yêu thật lòng xin em cũng đừng hối tiếc. Đó mới là cái ta đã từng có, cũng là cái mà ta sẽ giữ về sau. Tình yêu sẽ còn ở bên chúng ta!” 已來無悔, 已去無憾, 真心無悔, 真情無憾, 曾是的, 將永的, 愛是永不止息 !

Phải vậy không, những con đường tôi vẫn đi về một mình, những cánh cửa phòng thi khép lại sau lưng, buổi chiều ảm đạm trên núi, bao đêm cô đơn trì kéo giấc ngủ đừng đến vì trong mơ lại quay về bên người yêu. Dù biết, có thể sáng mai là gương mặt sáng bừng lên chờ tôi phía bên kia đường, hồi hộp, hay bàn tay đưa ra cửa xe vẫy sau khúc đường quanh. Hay có thể mai là một ngày dài không tiếng nói cười, mỏi mòn.

Thôi đêm nay đừng mơ về những cơn mưa ban trưa hay chỗ ngồi vắng người.

28/05/04

Bài thơ

Tiếng còi tàu nghe từ xa như một lời chào đầy tiếc nuối.

Ngày lễ mùng Một tháng Năm, nhìn từ thềm ngôi chùa Thiên Quang tự, chỉ thấy cái ống khói lững thững đi xuyên qua từng lớp mái nhà nhấp nhô dọc con đường Kề Biển, quanh qua khúc rẽ bến Còi Tàu để ra khơi. Con tàu như một cái nóc nhà bé xíu di chuyển giữa hàng hàng phố xá. Tôi hỏi, biết tiếng còi tàu để làm gì không? Để chào chúng ta, nhắc ta nhớ rằng con tàu vẫn còn tồn tại.

Sao giống những tin nhắn vô vọng qua lại giữa không trung nối hai chúng ta, chả cần hồi âm vì biết rằng, messages chẳng qua cũng như tiếng còi tàu kia, nhắc anh nhớ tôi còn ở đây, hoặc nhắc tôi là anh đang nghĩ đến nụ hôn thoáng qua mỗi lần chia tay.

Chiều hôm đó, anh đạp xe chở tôi về ký túc, từ Starbuck Cafe trong trung tâm thành phố, vòng vèo qua các con đường đầy cửa kính lộng lẫy, quành qua mũi những chiếc ô tô sang trọng và bóng lộn, luồn lách vào mấy ngõ hẻm. Chắc chẳng bao giờ còn có lần thứ hai, đơn giản vì người ta nhìn chúng ta như nhìn thấy khủng long thơ thẩn dạo trên đường.

Tôi viết bài thơ đầu tiên tặng anh trong nỗi nhớ này:

只有眼淚了解我的愛

該如何忘記昨夜美夢
你的承諾你的愛
傷心的話讓我們退回陌生
讓清早的眼神無精打采.

只有昨夜的眼淚了解我的愛
還我最初,還我情真
在你飛過我天空的那瞬間
遲來的流星替我等待

該如何放棄我的愛
你是否聽見我心裡呼喚
匆匆相娶讓我無奈
你是否會給我忘在茫茫人海?
26052004

Sao em viết đau lòng thế? Anh hỏi trên YIM. Tôi chỉ thương nhất câu cuối cùng: Rồi anh có bỏ em lại giữa biển người mênh mông?

Chiều nay, trời nặng mây. Anh nhắn messages vào cái BenQ, khi tôi đang ngồi trong lớp học: “Hôm nay có bão đấy, nhớ đừng đi ra biển!”

Nhưng đêm nay tôi chờ bão tan để lại đi ra biển. Tôi nhớ tiếng còi tàu khởi hành cuộc đi vạn dặm biển kia, nhớ người con trai ngồi bên tôi hôm xưa, nhìn tôi trong nắng chiều, ôm tôi trong nỗi đau tận cùng vì đã lỡ yêu nhau trong cõi đời này.

07/06/04

Một mình
Tôi đi qua những dãy hoa sữa cao vút buông từng chùm nặng trĩu hương thơm trên vai mùa thu. Hàng ngàn bông phong lan nở âm thầm trong đêm tối, quanh những gốc bàng sừng sững rộng tán che, dọc bờ tường những dãy nhà học viện. Biển thở ầm ào bên kia con dốc xuôi xuống chân đèo bạt ngàn sương đêm. Ở đâu tuổi trẻ của chúng tôi, khi mỗi ngày ngoái nhìn mỗi ngày đớn đau vô cớ?

Image

Tình yêu là cảm nhận được nỗi đau sẽ mất nhau ngày mai trong niềm hạnh phúc tay trong tay, là biết ngày mai nước mắt sẽ rơi trên tiếng cười sáng này, tình yêu còn là những hơi thở gấp gáp khi vượt dốc, biết là bên kia chẳng còn ai song ta vẫn phải vượt lên, không thể nói vì em yêu anh mà em sẽ lùi về quá khứ, em không thể vì yêu anh mà em hèn nhát và em đòi anh cái quyền sở hữu, một cái giấy kết hôn, một đứa con, một số tiền lương thanh toán những cái hóa đơn gas, điện, thuế, bảo hiểm cuối tháng.

Tôi thèm tự do nên tôi chọn nỗi cô đơn.

Tôi đứng trước bức tường thủy tinh, tưởng tượng sau bóng đêm dày đặc kia là vô vàn huyên náo ngày mai, là bao nhiêu gió thổi qua đây không dấu vết, bao nước mắt rơi trên tay lặng im. Là số phận của tôi tôi có quyền lựa chọn cách tôi sống. Lựa chọn cả cách đớn đau trong màn đêm đen. Nên áp mặt vào bức tường lạnh giá, tôi nói ra nỗi đau trong tim, nói cho mình tôi nghe tiếng: Em yêu anh!

Tôi tưởng tượng tiếng thì thầm đó âm vang rất lâu trong đêm tối.

Một chuyển động khẽ khàng đâu đây, ai mở cửa trong một vài giây, lớp sáng nhỏ nhoi thoáng qua phía sau bức tường thuỷ tinh, đủ để tôi thình lình nhìn thấy một người ngồi im trên chiếc ghế bành dọc cầu thang học viện, nhìn thẳng vào tôi qua bức tường thuỷ tinh, khuôn mặt vô cảm và thản nhiên quan sát. Một người đàn ông không rõ tuổi không rõ cảm xúc đang nhìn thẳng vào tôi. Tò mò chứng kiến tấn bi kịch trong đời một người đàn bà xa lạ.

Tôi biết tôi sẽ không bao giờ có đủ can đảm để một lần nào đó, ở một nơi nào hoang vắng lạnh lẽo, nói ra cái câu tôi giữ trong lòng.

Thôi đành để tình yêu im lặng.

Tôi sẽ im lặng cho đến khi cái chết đến mang tôi đi và xoá hết dấu vết ấy trong cuộc đời vô vọng này.

2004

Tình khúc

Tôi quen Vĩnh khi sắp sửa mười chín tuổi. Mọi cái xảy ra giống như khi bạn đi một mình trên phố và bỗng dưng nghĩ rằng: Mình dừng lại có được không?

Vĩnh chỉ sinh ra trước tôi có một tháng. Vào cái ngày mùa đông mà tôi lơ ngơ ôm cuộn giấy vẽ và xách cái túi nhỏ đựng mấy tuýp màu đến, Vĩnh còn là một cậu trai có ánh mắt dài dại. Mái tóc đằng trước dài đến ngớ ngẩn giấu đi một phần cái nhìn bất kham. Trên tường nhà Vĩnh treo la liệt các bức vẽ, hơi mờ bụi hoặc ít ra thì cũng mang dáng vẻ như thế. Các bức vẽ còn ẩn giấu một cái gì chưa định hình.

Khi đó Vĩnh thờ ơ lắm. Tôi gói kín lại dáng dấp kiêu hãnh, hơi nghiêng đầu nhờ Vĩnh vẽ hộ một bức màu nước, mắt tôi chẳng biết đặt vào đâu, cuối cùng tôi nhìn chằm chằm vào bàn tay cậu ta phía đối diện. Lời tôi nói rơi ra nhẹ tênh. Chẳng còn biết làm gì để lấp khoảng trống im lặng, tôi liền kể với Vĩnh rằng đây là bài vẽ để thi học kỳ của bạn tôi đang hoc Sư phạm khoa Tiểu học. Rằng trước đây bài kiểm tra của nó tôi thường vẽ hộ nhưng điểm chẳng bao giờ quá 5. Rằng tôi cũng rất thích treo trong nhà một bức tranh vì hình như sắc màu hội họa làm gian phòng ấm áp hẳn lên. Tôi huyên thuyên ngớ ngẩn, đến khi nhận ra Vĩnh vụng về giấu đôi tay thanh mảnh ra sau lưng để tránh cái nhìn của tôi, tôi im bặt rồi xin phép về.

Lần sau gặp lại, Vĩnh đã vẽ xong cho tôi một ngôi chùa cổ gạch ngói xanh đỏ, tôi cho là đẹp lắm. Vĩnh không phải vụng về giấu đôi bàn tay mảnh mai ra sau lưng nữa, hôm đó tôi đã nhìn lên những bức bột màu trên tường, nói rằng thích bố cục trong tranh tĩnh vật của cậu. “Tại sao trong tranh của Vĩnh, những gam màu sáng không làm bức tranh rạng rỡ mà chỉ toát lên tâm trạng buồn, hơi u uẩn? Ở đây không phải là nỗi buồn vu vơ mà là một thứ trầm mặc trước hiện tại, được Vĩnh chấp nhận?” Vĩnh không trả lời cho tôi những câu hỏi ấy. Cậu chỉ nhìn tôi và những bức tranh thật lâu. Im lặng! Lúc ấy trong phòng không chỉ có hai người, còn bạn gái của tôi nữa. Tôi ngốc lắm, ngỡ mình đã làm Vĩnh phật ý nên đỏ mặt, bối rối rút lui, không quên đem theo bức vẽ ngôi chùa cổ và để lại một lời cảm ơn lí nhí.

Hôm sau, bạn gái tôi đã cười khanh khách kể toáng lên ở giữa lớp: “Mày về rồi, ông Vĩnh mới kêu: “Cô bé này bao nhiêu tuổi? Mười chín, bằng tuổi tôi à? Thế mà nhận xét của cô bé cứ như là…”. Vĩnh khen hay chê tôi cũng chẳng biết nữa. Nhưng tôi nhận thấy trước mặt Vĩnh, bạn tôi hiền và ý tứ hơn.

Tôi có một cái phòng riêng nho nhỏ, giới hạn bằng một bức tường lửng lơ và cái tủ đứng nặng nề mà tác dụng lớn hơn cái hòm đựng quần áo chỉ ở chỗ, tôi có thể dán hoặc treo lên đó cái gì mà tôi thích. Tôi đánh dấu ngày đầu tiên trở thành sinh viên bằng việc treo lên tủ tờ ảnh quảng cáo to tướng của một ban nhạc Pop nổi tiếng những năm 60-70. Khi phát hiện ra Vĩnh có cái nhìn của một trong bốn ca sĩ nổi tiếng đó, tôi đã gỡ bức ảnh xuống, cuộn lại rồi đút vào tận xó tủ. Không dễ thú nhận ấn tượng Vĩnh để lại trong tôi với những câu nói ngắn, chính xác và hơi bất cần. Lần đầu đến chơi nhà tôi, Vĩnh đã ngạc nhiên vì khoảng trống bất thường mà lẽ ra tôi phải treo lên đó một mảng màu nhẹ nhàng. Tôi không biết cách nói dối, đành nhún vai rất ngộ nghĩnh: “Đôi khi người ta cũng phải biết nói câu: Chưa thể…” Việc gì đến phải đến. Tuần sau Vĩnh đem tới cho tôi một bức tranh mới vẽ.

ảnh: Trang Hạ

Tôi đang tập chơi ghi-ta. Tỉ mỉ dò theo từng nốt nhạc, đôi lúc không kìm được tôi gảy lung tung cả sáu sợi dây đàn không theo một nhịp điệu nào cả. Vĩnh cười sự phá phách trẻ thơ ấy rồi cẩn thận cắt lấy những bản nhạc hoặc những bài báo đại loại như: “John Lennon đã chết như thế đấy… Tám năm của ABBA…” cho tôi đọc. Tôi chỉ muốn hát lên được nỗi lòng vu vơ của mình, không có ý định trở thành ngôi sao ca nhạc nên để lung tung mỗi nơi một tờ. Khi nào ngồi cạnh Vĩnh, tôi lại lục lọi ra một đống những câu hỏi ngớ ngẩn: “Sao vệt nắng này Vĩnh vẽ nhạt thế, Hoa biết là nắng buổi sớm hay nắng ban chiều? Vĩnh có vẽ được tiếng chim một bình minh mưa ngoài cửa sổ không? Tại sao tranh của Vĩnh im lặng thế?” Có lúc Vĩnh trầm ngâm, có lúc cậu giảng giải cho tôi hàng giờ liền với tất cả say mê. Nét hoang vắng trong mắt Vĩnh thoáng bừng lên như lửa rồi lại xa xăm. Một lần như thế, Vĩnh chiều ý tôi vẽ thêm một bông hoa đại rụng trên sân chùa. Rồi Vĩnh ngẫu hứng vẽ liền thật nhiều bông đại trắng. Bức vẽ sắp hoàn thành phải bỏ đi nhưng tôi khoái chí đem nó về treo trong phòng. Những bức tranh của Vĩnh bắt đầu chiếm dần chỗ trong phòng tôi.

Vĩnh không biết nổi nóng nhưng hơi ngang ngang. Tôi cũng hơi ngang ngang. Tôi cười khi người ta khóc. Và đôi khi, khóc cho cái người ta cười. Giá trị của mọi cấu trúc ngữ pháp và từ mới lộn tùng phèo khi tôi đi chơi cùng Vĩnh. Tôi sẵn sàng đi tới bất cứ đâu chỉ để ngồi lặng đằng sau xem cậu ta vẽ, hỏi những câu hoặc quá ngu ngơ hoặc quá thâm trầm. Ngược đường gió, chúng tôi trở thành, hình như là, hai gam màu ăn ý nhau.

Rồi… tôi biết mình không thể nói với Vĩnh những câu chuyện bồng bột vô tâm nữa khi bắt đầu gọi Vĩnh là anh. Trong tranh của Vĩnh đã có chút xôn xao thầm kín. Chương trình đại học làm cả hai cùng cảm thấy thiếu thời gian. Khi tôi ôm lấy cây đàn, những nốt nhạc không còn rời rạc nữa. Vĩnh cũng rất thích những tình khúc Nhật Bản. Có lẽ bởi vì khi hát nó cho anh nghe, tôi nói được một chút nỗi lòng mình. Một lần Vĩnh nói rằng anh vẽ một bản tình ca. Tôi chỉ nhận thấy trong tranh khuôn mặt tôi, đôi môi hé mở ngơ ngác. Sau mái tóc dài rối bời là đôi mắt nâu ai đó mang nét nhìn hoang dại, bất kham. Bài tình ca đó tôi chẳng bao giờ hát được. Những ngón tay bất lực, tôi lại gảy lung tung vào cả sáu sợi dây dàn, tìm thấy ở giữa lộn xộn thanh âm một chút gì đó thiết tha ấm áp vô cùng. Tranh của Vĩnh bắt đầu được để ý đến. Lúc đó tôi được nhận vào làm trong một hội chợ quốc tế sắp mở trong thành phố. Với cả Vĩnh và tôi, sinh viên cuối năm thứ ba, như thế là khá lắm.

Khi đó tôi hai mươi tuổi, vẫn khen cái gì người ta chê và chê những gì người ta khen Vĩnh. Vĩnh không bao giờ vẽ tôi nữa nhưng tôi nhìn thấy bóng dáng mơ hồ của mình trong những cô người mẫu của anh. Thế có nghĩa là anh nhìn thấy tôi, nhớ về tôi cả khi ngồi trước người con gái khác. Tôi thấy mình bồn chồn và lạ lẫm, khác xưa nhiều sau mỗi tối đạp xe một mình lang thang, không biết gọi tên nỗi thổn thức trong lòng.

hoa Dã Yên Thảo ở Đài Nam, ảnh: Trang Hạ

Ngày ấy tôi vụng dại hơn bây giờ nhiều, không biết giữ lấy bông cúc hoạ mi tuổi hai mươi dâng tặng chỉ vì không dám tin những cánh hoa trắng mỏng manh kia là có thực. Đêm ở biển, Vĩnh đã không kìm được ôm chặt lấy vai tôi, cùng nhìn ra hướng xa khơi mù mịt. Tôi nghe thấy tiếng gió thổi hù hù, tiếng biển gầm gào, tiếng trái tim Vĩnh đập trong ngực tôi hồi hộp. Tôi biết tóc mình bay xoà lên mặt anh, qua đôi mắt có ánh nhìn dài dại, sóng đêm liếm lên bàn chân mình và vòng tay anh xiết chặt. Rồi thôi!

Tôi cứ chờ đợi mãi. Nước mắt rơi trên dấu chân tôi khi khuya về, tôi bước lùi về phía bờ, nghe lòng biển còn thổn thức những điều chưa nói được. Rồi có khi nằm úp mặt xuống gối, trong tiếng gió xoáy lên ngọn phi lao bờ biển, tôi nghĩ rằng tất cả tựa như một giấc mơ. Tôi đã không giấu được nỗi khắc khoải trước biển, ngóng đêm xuống được đứng cùng Vĩnh, anh ghì chặt lấy vai tôi… Để rồi sự lặng thầm theo vào giấc mơ lạ lẫm.

Sau kỳ nghỉ ở biển mùa hạ ấy, Vĩnh mang đến nhà tôi bức tranh vẽ bản tình ca ngày trước, góc phải ghi dòng chữ nguệch ngoạc: Tôi yêu em.

——–

Bốn năm sau tôi lấy chồng. Quang hơn tôi hai tuổi, biết cách chăm lo và che chở cho tôi, mang cho tôi hạnh phúc ngọt ngào và quá yên ả. Tôi vừa lòng với cuộc sống mới, để lại đằng sau là tuổi hai mươi đi hoang dọc bờ cát triền sông với Vĩnh, lang thang trong mối tình đầu trắc trở và thánh thiện, tôi đã yêu và được yêu… Khi người ta trẻ, những gì ban sơ thắm thiết dễ vỡ hơn người ta tưởng. Quang yêu tôi, anh tin rằng cái đã qua với tôi chỉ là những bồng bột nhất thời khi người phụ nữ chưa kịp hiểu hết mình. Tôi biết ơn Quang, cố gắng nâng niu hạnh phúc đang có, khi không đủ can đảm so sánh hai người đàn ông, hai tình yêu, một lần toả hương và một lần kết trái. Dư âm của tuổi hai mươi đầy khao khát và dĩ vãng tình yêu đủ để tôi đi lang thang hoặc ngồi lại một buổi hiếm hoi trong quán nhỏ hẻo lánh nào đó, nghe Vĩnh kể về cuộc sống cô độc hiện tại, về chốn bon chen phù du mỗi khi Vĩnh trở lại thành phố. Sau mỗi lần như thế, tôi thương Vĩnh hơn, thương cả Quang nữa. Tôi cảm thấy mình cồn cào và hụt hẫng, không bình ổn. Quang biết hết những xao động ấy nhưng không bao giờ nói gì, chỉ chăm lo tới tôi hơn nữa. Tôi thấy mình có lỗi kinh khủng với cả hai người đàn ông. Nhưng tôi không thể làm gì được.

Bây giờ tôi không có thời gian chơi ghi-ta. Tôi phải quen với những vị trí mới trong xã hội, không được phép ngang ngạnh và phá phách như tuổi hai mươi trên sáu sợi dây đàn. Bức vẽ bản tình ca ngày nào, Vĩnh xin lại tôi đem về thành phố nơi anh ở. Tôi khuyên Vĩnh nên cắt dòng chữ: “Tôi yêu em” ở góc tranh đi, Vĩnh im lặng, lướt nhẹ ngón tay mảnh mai lên khuôn mặt tôi tuổi hai mươi trên bức vẽ. Tôi bám chặt vào thành ghế run rẩy, chỉ một chút nữa là xô vào ôm lấy Vĩnh. Chỉ cần Vĩnh nói lên một tiếng, có thể tôi đã bỏ lại tất cả để đi theo Vĩnh ngay lập tức. Tiếc là anh lại im lặng.

Tôi đã kể với Quang cả chuyện ấy nữa, không mang gì hơn là màu sắc của một kỷ niệm buồn bã. Tôi muốn anh hiểu những khoảnh khắc tôi cô độc, day dứt và thắc thỏm trong tình yêu bình yên của anh. Hình như một cuộc sống dữ dội, một hạnh phúc dữ dội mới đích thực là của tôi. Cái gì bình lặng quá dễ khiến người ta vô cảm và mỏi mệt. Vĩnh tiếp tục vẽ. Bây giờ một hoạ sĩ có tài kiếm sống không chật vật. Anh không vẽ chân dung thiếu nữ nào nữa, vì nghĩ rằng cái gì đẹp đều quá mong manh hay vì sợ gặp lại nét bút ngày xưa? Tôi có lúc bỗng muốn thoát ra khỏi tình yêu ràng buộc, thèm khát quãng đường khoáng đạt xưa kia, thèm khát được đến bên Vĩnh trong một quá vắng dọc nẻo đường xa lạ nào đó, nghe anh hát trong cơn say: “Cuối trời mây trắng bay. Lá vàng thưa thớt quá…”

Trang Hạ

10/1993

Trích từ tập truyện ngắn “Tình Khúc” – Giải Khuyến khích cuộc thi “Văn học Tuổi 20” – NXB Trẻ 1995

Đăng trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật 8/1995

quán trà trên núi, ảnh: Trang Hạ

Rẽ trái rẽ phải

Cơ Mễ (Jimmy Liao – Đài Loan)

Mùa đông năm ấy đặc biệt giá lạnh, cả thành phố chìm trong biển mưa phùn. Trong màn không khí mờ mịt, không ánh mặt trời, thường có một nỗi buồn tiếc mơ hồ xâm chiếm trong lòng những người khách bộ hành đi dưới những hàng cây khẳng khiu dọc phố.

Ngày mùng 6 tháng 10, trời hửng nắng.

Cô sống trong một căn phòng trên một toà chung cư cũ kỹ phía ngoại ô thành phố, mỗi khi ra phố, bất kể đi đâu cô cũng giữ thói quen ra đến cửa liền rẽ trái.


Anh sống trong một căn phòng trên một toà chung cư cũ kỹ phía ngoại ô thành phố, mỗi khi ra phố, bất kể đi đâu anh cũng giữ thói quen ra đến cửa liền rẽ phải.

Ngày 15 tháng 10, mặt trời bị che lấp sau những đám mây chất ngất, ánh sáng trong những căn phòng cũng chập chờn.

Họ từ trước đến nay chưa từng gặp nhau.


Ngày 28 tháng 10, trời hửng nắng. Dạo gần đây anh sống chật vật. Đôi khi buổi tối, anh đến những quán ăn thượng lưu trong thành phố kéo đàn, kiếm thêm chút thu nhập ít ỏi.

Ngày 7 tháng 11, trời u ám ẩm ướt, có một nỗi buồn nhẹ nhàng len tới như mỗi khi mùa đông quay trở lại. Những lúc không luyện đàn, anh thích lang thang ngoài phố, lượn qua công viên thành phố chơi cùng đàn bồ câu, có khi ngồi lại đó cả chiều.

Ngày 11 tháng 11, buổi chiều, gió bắt đầu trở từng cơn lạnh lùng. Có lần anh cảm thấy tâm hồn rã rời, trống trải.

Ngày 19 tháng 11, mặt trời mùa đông ngả xuống những cái bóng thật dài, thật dài. Cô vẫn quen chân rẽ trái, anh vẫn quen chân rẽ phải, họ chưa từng gặp nhau trong đời.

Ngày 23 tháng 11, ngày thật ngắn, chưa đến 5 giờ chiều trời đã tối. Cô đang dịch một tiểu thuyết buồn, cuốn sách khiến cô cảm thấy thế giới quanh cô tràn một màu xám ảm đạm.

Ngày 2 tháng 12, những đám mây đồ sộ chất ngất phương xa chậm chạp kéo tới bầu trời thành phố. Những khi không làm việc, cô thích vào thành phố tìm một quán cà phê, tản bộ trên phố nhìn dòng người qua lại, hay ngồi xuống trò chuyện cùng con mèo hoang trên một vỉa hè.

Ngày 10 tháng 12, mặt trời ló ra. Trong phòng đầy hơi nước. Có khoảng khắc cô đơn nhìn mình trong gương, cô hốt nhiên cảm nhận dư vị cả một cõi người.

Ngày 17 tháng 12, trời hửng nắng. Cô vẫn quen chân rẽ trái, anh vẫn quen chân rẽ phải, họ chưa từng gặp nhau trong đời.

Ngày 20 tháng 12, hình như trời sắp mưa. Họ cũng như hàng nghìn hàng vạn người trong thành phố ấy, cả đời sống bên nhau, nhưng cả đời sẽ không bao giờ gặp được nhau…

Nhưng, cuộc đời cũng có bao nhiêu tình cờ, có một ngày, hai đường thẳng song song đã cắt nhau…

Ngày 22 tháng 12, mặt trời ngượng nghịu ló mặt ra, những đám mây đen dầy đặc giấu mình trên đỉnh núi xa xa. Ngày hôm đó, họ đã gặp nhau bên đài phun nước giữa công viên.

Họ giống như những người yêu đã thất lạc nhau nhiều năm trong đời.

Mùa đông vì sao không còn buồn bã cô đơn? Anh ở bên cô trong suốt một buổi chiều hạnh phúc và ngọt ngào.

Lúc hoàng hôn, trời chợt đổ một cơn mưa dữ dội. Họ vội vã ghi số điện thoại của nhau rồi vội vàng chia tay trong cơn mưa. Anh, theo thói quen, lại chạy bổ về bên phải…

Cô, theo thói quen, cũng vội vã chạy về bên trái… Cơn mưa làm họ lạnh buốt và ướt đẫm, nhưng trái tim cả hai nóng bừng lên vì hạnh phúc.

Đêm ấy, cả anh và cô đều thao thức… Mưa, từng giọt từng giọt rả rích rơi suốt đêm dài…

Nhưng, cuộc sống cũng ẩn giấu bao nhiêu những bất ngờ buồn rầu, con diều gió ta từng nắm trong tay bỗng một hôm đứt dây giữa trời.

Ngày 23 tháng 12, gió lạnh đột ngột tràn vào lòng thành phố, nhiệt độ buổi sáng tụt xuống rất thấp.

Những tờ giấy nhỏ bé ướt sũng ghi số điện thoại chiều mưa qua đã nhoè hết chữ.

Ngày 24 tháng 12, mưa rơi không ngớt trong suốt đêm Giáng sinh. Cô ở lì trong nhà vì sợ sẽ bỏ lỡ một cuộc điện thoại từ…

Anh chằm chằm nhìn nét chữ số nhoè nhoẹt mờ mịt, với những cuộc gọi nhầm số bất tận…

Tình yêu đang ở đâu, ơi nỗi cô đơn?

Ngày 31 tháng 12, trời lạnh như cắt, giá rét quẩn quanh trong căn phòng, mưa vẫn tiếp tục rơi rả rích…. Anh và cô đều thao thức đến rã rời trong những căn phòng… Từ trong ra-đi-ô vọng tới tiếng nói cười náo nức của đám đông tụ tập trên quảng trường trước toà nhà thị chính, đếm ngược theo từng giây còn lại của năm cũ, thế là một năm lại đã qua đi.

Ngày 5 tháng 1, buổi chiều đưa tới từng cơn gió lạnh như châm vào da thịt, giá rét lại tràn về quanh đây…

Ngày 12 tháng 1, rồi cuối cùng trời cũng hửng lên, ánh mặt trời lấp ló, nhưng nhiệt độ lại hạ xuống thấp… Thành phố thay đổi quá nhanh khiến con người phải kinh ngạc. Bồn phun nước trong công viên đã biến thành công trường xây dựng cầu vượt cao tốc.

Ngày 1 tháng 2, trời ấm lên, dù còn đầy hơi giá. Anh đầy hy vọng, nhủ thầm có lẽ giống như một tình huống trong phim, tại một góc ngoặt đầu phố, hay trong quán cà phê ngoài công viên kia, anh sẽ gặp lại được cô.

Ngày 14 tháng 2, đêm của Lễ tình nhân Valentine, những ngôi sao thưa thớt sáng trên trời đêm. Trên con phố lạnh lùng cô đơn, khi những bóng đèn nhiều màu mắc quanh vòm cây khô cuối phố vui vẻ sáng lên, cô đã không kìm được lòng mình bật khóc.

Ngày 25 tháng 2, những lớp mây mỏng tang bao phủ bầu trời một màu xám, mông lung như khói. Cô vẫn quen chân rẽ trái, anh vẫn quen chân rẽ phải.

Ngày 28 tháng 2, hoa Đỗ Quyên bên đường nở rộ, nghe nói trong núi, hoa anh đào cũng đã mở cánh rồi. Ngày nối ngày lặng lẽ, họ chưa từng gặp lại nhau.

Ngày 9 tháng 3, không khí tràn ngập hương thơm cỏ non, mùa xuân đến thật rồi. Họ vẫn đi về giữa dòng người lặng lẽ, nhớ vô cùng buổi chiều gặp gỡ ngắn ngủi song tràn ngập hạnh phúc ấy.

Ngày 23 tháng 3, cuối ngày trời ấm hơn, buổi tối, trăng lên trong veo giữa đám sao lấp lánh. Giữa thành phố vừa quen vừa lạ, anh và cô tìm kiếm vô vọng hình bóng vừa xa xôi vừa gần gũi của nhau.

Ngày 30 tháng 3, mùa mưa đã đến. Những cơn mưa làm cô nhớ tới anh.

“Sao cô ấy có thể biến mất không dấu vết trong thành phố như thế?”

Ngày 13 tháng 4, mưa ngớt. Xa xa, chim bồ câu lượn vòng bay trên bầu trời thành phố. Anh cũng muốn bay được như đàn chim kia để tìm tới bên cô.

Ngày 9 tháng 5, bầu trời hoàng hôn ửng màu cánh hoa hồng, chuyển dần thành màu xanh thăm thẳm của ngọc bích. Cô thích ngồi một mình trầm tư, ở một góc thành phố trên cao.

Ngày 18 tháng 5, chiều tối, gió nam thổi tới nhè nhè, mặt trời đỏ lừ chậm rãi trôi xuống chân trời, mùa hạ đến gần. Sao những ngọn lửa nến chấp chới trong đêm cứ khiến người ta hoài nhớ một cách trống trải và cô đơn?

Ngày 9 tháng 6, từng đám mây lớn nặng nề chất đống, bất động giữa không trung. Trong lòng có nỗi niềm gì vô cớ, cô buồn bã ngoái nhìn nỗi cô đơn của mình.

Ngày 20 tháng 7, đêm sau cơn giông, ánh trăng vô cùng rạng rỡ.

Thành phố như một mê cung khổng lồ, không nghe được tiếng gọi, không tìm ra phương hướng.

Ngày 19 tháng 8, đêm trước cơn giông, những tầng mây trôi vùn vụt. Họ oán trách thành phố với bầu không khí ngầu đục, những ngả đường vỡ vụn, những ngã tư đèn đỏ quá lâu, những chuyến xe bus hay bỏ bến.

Ngày 31 tháng 8, chính ngọ, một chú ong mật bay lạc vào phòng anh, đập cánh mù quáng trước lớp cửa kính trong veo.

“Anh vẫn còn trong thành phố này chứ? Hay anh đã rời đi từ rất lâu?”

Ngày 5 tháng 9, trời ngột ngạt hơi nóng, trong người khó chịu. Họ cùng trêu chọc một con mèo con lông vàng, cho cùng một con chó hoang ăn, cùng nghe một chú chim hót trong ánh lê minh mới rạng.

Ngày 24 tháng 9, buổi sáng có thêm một lớp sương mỏng, nghe nói lá phong trong núi đã đỏ rồi. Họ nhìn ra cùng một khung trời ngoài cửa sổ chung cư, cùng ngửi một làn hương, cùng nghe thấy người hàng xóm tập chơi hoài một bản nhạc của Trai-cốp-xki.

Ngày 5 tháng 10, không khí mát dịu, lá trong công viên dần nhuộm màu vàng rực. Anh và cô dạo qua cùng một con đường nhỏ trong công viên, cùng dẫm lên một lớp lá vàng khô giòn.

Ngày 15 tháng 10, trời mùa thu vô cùng dịu mát, một quả bóng bay màu vàng trôi ngang song cửa. Họ cùng thơm một đứa trẻ. Cùng nhìn thấy chiếc mũ bông màu xanh của đứa trẻ có gắn đôi tai thỏ dài rất đáng yêu.

Ngày 26 tháng 10, gió thổi, lá rụng tơi bời.

Trong ký ức của anh và cô chỉ còn đọng lại hình ảnh mẩu giấy ướt nhẹp của buổi chiều mưa ấy và số điện thoại nhoè ướt.

Ngày 8 tháng 11, ngày có nắng. Nến cô đơn trên chiếc bánh sinh nhật trong phòng cô in lên tường một cái bóng màu tím chậm rãi đung đưa. Cô nghe thấy bên hàng xóm vẳng tới tiếng vĩ cầm, đang chơi một bản nhạc rất buồn.

Anh nhớ ra hình như hôm nay là sinh nhật cô. Cây vĩ cầm trên vai anh nức nở khe khẽ. Ngoài cửa sổ là ánh trăng. Không biết giờ em đang ở nơi nào?

Ngày 19 tháng 11, hơi thở mùa đông ngày càng gần.

Nỗi nhớ ngày càng mơ hồ, dường như tình yêu ấy chưa từng đến trong đời anh?

Ngày 30 tháng 11, nửa khuya, ánh trăng xanh xao lạnh lẽo soi một góc sân thượng chung cư.

Họ đều nhận được từ tay cùng một ông bưu tá, tờ thư của bạn thân nơi phương xa.

Ngày 6 tháng 12, trời rét căm căm.

Họ ở gần nhau đến thế, mà sao lại xa nhau vời vợi?

Ngày 17 tháng 12, lại một ngày không thấy ánh mặt trời, không thấy trăng, không thấy tinh tú. Thành phố giống một nhà tù khổng lồ không tường bao quanh, làm con người cảm thấy ngạt thở, rời rã…

Ngày 22 tháng 12, mưa phùn rơi như vĩnh viễn không ngưng nữa. Cô quyết định chia tay thành phố hoang vu này.

Anh quyết định du lịch đến một thành phố đầy nắng ấm.

Ngày 23 tháng 12, tuyết bắt đầu rơi, thành phố đã bao nhiêu năm nay không hề có tuyết rơi. Anh, theo thói quen, ra khỏi cửa là rẽ phải.

Cô, theo thói quen, ra khỏi cửa là lập tức rẽ trái.

Tuyết rơi lẳng lặng trên phố.

Ở bến xe bus trên quảng trường trước khu chung cư, anh bất chợt nhìn thấy…

Ở bến xe bus trên quảng trường trước khu chung cư, cô cũng bất chợt nhìn thấy…

———-

Ngày 24 tháng 12, tuyết rơi dày đặc, chuyến xe bus đi về phía tiếng hát Giáng sinh an lành đang vọng tới. Nhưng hai hành khách ở lại.

Ngày 31 tháng 12, tuyết ngừng rơi, trời ấm. Trên quảng trường trước toà thị chính, người ta chen chúc trong biển người điên cuồng vui sướng, hò reo đếm theo từng giây đổ ngược của năm cũ cho đến 0 giờ 0 phút 0 giây. Người ta ôm chặt nhau trong giây phút hạnh phúc của một mùa xuân mới.

Ngày 6 tháng 3, trời hanh nắng, mây lơ đãng trên tầng không. Hai căn phòng cô đơn trên khu chung cư cũ kỹ ở ngoại ô được mở sang nhau, mây bay trên những bức tường hoa.

Và cuối cùng, mùa xuân rồi cũng sang…

Trang Hạ dịch

 

 

http://www.youtube.com/watch?v=tHizEjsc_6k


1. Nghe mùa đông ra đi ngoài cửa sổ
Tôi tỉnh giấc trong một ngày tháng nào đó
Tôi nhớ, tôi chờ, tôi mong mỏi thiết tha
Tương lai nào có định đoạt gì trước cho đôi ta?

2. Chiều buông tối sẫm ngoài khung cửa
Còn một người đứng đợi tôi ở tương lai phía trước
Nhìn trái nhìn phải, nhìn trước sau,
Tình yêu phải rẽ qua bao góc phố nữa mới đến với tôi?

ĐK1: Người tôi gặp sẽ nói cùng nhau điều gì?
Người tôi đợi vẫn còn ở xa lắc nơi nao?
Tôi nghe gió về từ chuyến tàu điện ngầm, từ những biển người trên phố.
Tôi sẽ xếp hàng chờ một số báo danh cho cuộc tình mình!

ĐK2: Tôi bay về phía trước qua một biển thời gian
Chúng tôi đã từng cùng đau đớn vì tình yêu
Tôi biết đường vào giấc mơ tình yêu của tôi rất chật
Song gặp được anh đã là sự bất ngờ đẹp nhất trên đời này.

(Gặp gỡ – Tôn Yến Tư, Trang Hạ dịch)

Đàn bà đích thực