Yêu – không sợ lệch

            1. Phải lòng trai trẻ:

Một buổi tối rời thư viện yên ắng, tôi băng qua sân trường quay về khu ký túc xá dành cho giảng viên đại học. Tôi nhớ nguyên vẹn cảm giác nôn nao lúc dừng lại trước đám đông sinh viên sôi nổi hướng lên sân khấu chăng một rừng đèn giữa sân trường, tôi nhớ khúc nhạc chơi rộn rã giữa đám đông, tôi nhớ nét mặt say mê và hạnh phúc của cậu bé chơi ghi ta điện hát giữa ban nhạc sinh viên. Và tôi lẳng lặng đi tiếp, mặt đầy nước mắt, vì phát hiện ra mình đã ngay lập tức phải lòng cậu sinh viên của mình vào lúc đó, khi cậu chưa hát hết câu cuối cùng.

Tôi tin nếu tôi mới hai mươi, tôi sẽ đứng lại trong đêm đó, ngắm lâu hơn gương mặt làm tôi yêu thương bất chợt, mở cửa đời mình cho một lần yêu thương, dù được đáp hay không cũng vô cùng đẹp đẽ hạnh phúc. Bởi lúc đó hai mươi, ta có quyền theo đuổi, có quyền cởi lòng ra trước tình yêu.

Nhưng có phải tình yêu, sự phải lòng là đặc quyền của thanh xuân, và nó quá xa xỉ với những người phụ nữ đã quá ba mươi như tôi? Nếu lúc đó tôi dừng lại, hoà vào đám đông, ở lại với say mê đấy, cuộc đời tôi rồi sẽ ra sao?

2.Yêu người mình yêu:

Anh bạn thân – rất thân của tôi bi thảm hơn, anh dám yêu vượt tuổi tác, nhưng người thất tình lại là anh. Cô bạn gái lớn hơn anh mười sáu tuổi vào một ngày đẹp trời đã bỏ anh bạn tôi để đi lấy chồng ở tuổi ba mươi chín.

Bạn tôi học hết cấp ba, thi trượt đại học nên xin vào làm tại một hãng tàu trong thành phố, sau đó đi lính. Hết lính nghĩa vụ trở về, chàng trai hai mươi hai tuổi xin vào làm lái xe tại một hãng taxi trong thành phố. Chỉ vài tuần lễ, và bằng một vài câu tán tỉnh bâng quơ, không ngờ bạn tôi có người yêu, là một cô gái làm chung hãng, phụ trách tiếp nhận điện thoại, điều phối xe ca trực buổi tối.

Cô ấy gầy, nhỏ, ba mươi tám tuổi, đã một lần li hôn và chưa có con cái. Bạn tôi rất cao lớn và nặng gần gấp đôi cô ấy, tính chân thật hiền lành, lại chưa yêu lần nào. Rất nhanh chóng, chỉ sau vài ngày, cô ấy dọn đồ về sống cùng bạn tôi trong căn phòng trọ. Họ sống với nhau hơn một năm, cho tới khi cô ấy đi… lấy chồng!

Thì ra trong lúc người con trai sẵn sàng đón nhận tình yêu, không mấy so kè tuổi tác, thì chính phụ nữ lại là người rất khó chấp nhận cuộc tình “phi công trẻ lái máy bay bà già”. Người phụ nữ luôn canh cánh bên mình nỗi lo lắng đến từ năm tháng, hoặc có thể, người phụ nữ hơn tuổi tất đã nhiều trải nghiệm và mất mát. Họ thừa mẫn cảm để nhìn thấy giờ phút chia tay cuộc tình “lệch tuổi” đang đếm ngược, bắt đầu từ giây phút tỏ tình.

Bạn tôi, một người đàn ông cao lớn gần một mét tám lăm, vóc dáng dềnh dàng như một con gấu trẻ măng, gục đầu khóc lóc không làm lay chuyển được quyết định của người tình. Cô ấy từ chối lời cầu hôn của bạn tôi. Cô ấy nói, cô ấy đã ba mươi chín tuổi rồi, cuộc đời không dành nhiều cơ hội cho phụ nữ nữa, cô ấy phải đi lấy chồng, lấy một người “xứng đáng là chồng trong mắt xã hội”, tức là nhiều tuổi hơn cô ấy.

Trai trẻ thì chỉ có thể yêu, không thể cưới.

3. Không sợ lệch:

Tôi cho rằng cuộc đời một người đàn bà gọi là hoàn hảo nếu có được ba người đàn ông. Lúc đôi mươi yêu người đàn ông ba mươi, được yêu, được bảo bọc, được chiều, được khám phá cuộc sống. Lúc ba mươi tốt nhất là có được người con trai hai mươi. Đàn bà học lại cách theo đuổi, cách chinh phục, và cách hưởng thụ cuộc sống với tình yêu. Và khi đàn bà năm mươi, tốt nhất có được người đàn ông năm mươi, để cùng bầu bạn sớm chiều, đến đầu bạc răng long.

Tôi từng gặp một chàng trai, tốt nghiệp đại học Kinh tế xong đang làm nhân viên kinh doanh cho một hãng máy văn phòng. Người yêu của cậu thoạt nhìn tưởng là… bà chủ trọ của cậu. Họ hầu như không bao giờ dám công khai tình yêu cho bạn bè người quen biết. Nhưng thỉnh thoảng chở nhau đi ngoài phố, họ vẫn lén lút nắm tay nhau.

Nhưng một cuộc hôn nhân làm tôi cảm động nhất lại không phải là đám cưới của hoàng tử nước Anh lấy một cô con gái nhà thường dân nào, hoặc của một minh tinh Hollywood cưới một chàng trai vô danh v.v… Năm ngoái trong một cuộc gặp mặt, chúng tôi được làm quen một đôi vợ chồng Việt Nam – Đài Loan. Người vợ già hơn chồng, xấu xí hơn chồng, chị lại còn phải nhiều năm vượt qua mối mặc cảm và kỳ thị của chính người Đài Loan, để yêu một người con trai Việt Nam trẻ hơn nhiều tuổi, rồi theo chồng sang Việt Nam làm vợ, làm dâu.

Chị nói, tôi luôn may mắn vì được một người chồng trẻ yêu thương, giúp tôi, chỉ dẫn tôi từ những gì nhỏ nhặt nhất trong đời thường, cho tới những lúc mất cân bằng nhất trong cuộc sống tình cảm. Chúng tôi khác biệt nhau, “lệch nhau” trong mắt xã hội, chỉ có chung đúng một điểm, là cùng yêu nhau.

Đã yêu, tại sao phải hy sinh tình yêu để làm hài lòng thế gian?

ảnh trong bài: Stephantwl (ĐL)

Xử lý khủng hoảng

Lavazza cà phê

Trong những trang phục của mình, tôi tốn nhiều nhất là tiền dành để mua đồ lót. Tất nhiên, về số lượng thì phụ nữ luôn phải tốn tiền gấp đôi đàn ông để đảm bảo nội y của mình tạm đủ dùng. Song về giá tiền, thì nội y luôn là thứ đắt tiền hơn quần áo đang mặc ngoài nó. Đó là sự lựa chọn của tôi từ gần hai mươi năm nay, từ ngày tôi chưa có người yêu, cho tới ngày tôi làm mẹ của ba con.

Còn một lý do riêng tư khác nữa, là bởi khi béo lên hoặc gầy đi chỉ 1kg thôi, quần áo vẫn còn giữ nguyên size, thì vòng ngực tôi đã thay đổi. Và size áo lót sẽ phải điều chỉnh ngay lập tức, không phải để tôi đẹp hơn, mà để tôi thấy dễ chịu hơn.

Nhưng bài viết này tôi không định quảng cáo đồ lót hoặc khoe số đo cơ thể mình, tôi chỉ muốn nói về việc xử lý khủng hoảng. Đôi khi, phụ nữ nghĩ rằng, khủng hoảng của phụ nữ là phát phì, cơ thể trở nên phì nộn, hoặc bị mất trinh (với người nàng không được hứa hẹn cầu hôn) v.v… đại loại là những nguy cơ nhìn thấy được. Còn bản thân tôi lại nghĩ, ngay cả khi bạn là một phụ nữ thành đạt và xinh đẹp, hay chỉ là một bà nội trợ gói gọn hành trình một ngày trên đường từ nhà tới chợ, mọi phụ nữ đều đối diện các nguy cơ của cuộc sống y như nhau. Mà đôi khi, một phụ nữ hoàn hảo sẽ dễ bị sụp đổ hơn, nhanh chóng bị đánh gục hơn.

Ví dụ bạn tôi, cô ấy rất xinh và nhạy cảm, tới mức một ngày, khi đang nói chuyện với một chàng mới được mai mối, trong quán cà phê, cô ấy gây tiếng ồn bởi… vô tình xì hơi. Chàng kia rất lịch thiệp không tỏ vẻ nhận ra, nhưng cô bạn tôi từ đó vừa hổ thẹn vừa ngại ngùng nên đã tự làm cho mình biến mất trong cuộc đời chàng kia, dù đáng lẽ, hạnh phúc từ đó có thể đi theo cô ấy…

Nếu cô bạn ấy kém hoàn hảo hơn, giả như cô xuề xòa dễ tính, bộc tuệch hoặc tự nhiên chủ nghĩa hơn, kém chỉn chu nghiêm túc hơn, chắc cô sẽ biết nói một câu dí dỏm chữa thẹn, biết tự tha thứ cho bản thân, hoặc biết cách hài hước để đánh trống lảng.

Thế nhưng, cho đến tận giờ và chắc chắn cả sau này, mỗi khi nghĩ đến anh chàng được… nghe tiếng ồn cơ thể kia, cô vẫn ngượng chín mặt.

Tôi thì nghĩ, việc gì phải khốn khổ và tự ti như thế. Bạn biết vì sao không?

1. Chiếc khuy không có lỗi:

Một buổi chiều đang đi mua sắm tại trung tâm thành phố, tôi bỗng thấy mấy người nhìn mình kỳ lạ và chằm chằm. Sau một giây định thần thì tôi phát hiện, mấy hôm nay mới chỉ tăng cân một chút thôi, cái áo sơ mi của tôi ở ngay “điểm chết” giữa ngực đã căng và giờ đây tự dưng tuột khuy. Toàn bộ người đi trong Plaza có thể ngắm áo lót của tôi mà từ dùng quen thuộc bây giờ là “lộ hàng”. Trong giây lát ngừng thở vì ngượng và sợ, tôi phát hiện ra sự thể không đáng sợ như mình nghĩ.

Một – Bất cứ ai trong đời cũng sẽ gặp phải tình huống khó xử như thế. Mọi người như bạn, và bạn cũng như mọi người mà thôi. Vậy bạn hãy nghĩ như tôi là, đã hàng triệu người trên đời này bị bật khuy áo ngực giống ta, bị quên kéo khóa quần, tất bị dính vào chân váy, mũ bị sờn, tóc bị cắt hỏng, bị rơi xuống cống trên đường đi dự tiệc v.v… Những sự cố nhỏ nhoi này chẳng thể biến ta thành quái vật được. Và ngược lại, hàng tỷ người cài khuy đàng hoàng, không bị rủi ro nhưng điều đó cũng chẳng làm cho họ trở thành một người hoàn hảo. Vậy tại sao ta không đường hoàng và từ tốn cài lại khuy áo, sửa chữa sai lầm một cách bình thản? Bạn có biết rằng, người ta không nhớ lâu việc bạn bị hở ngực hở quần lót, nhưng sẽ nhớ và bật cười thú vị vì hình ảnh bạn rối rít và thảm hại, cuống quít chỉnh đốn bản thân. Một tin được đưa sai trên radio không được ghi nhớ lâu bằng bản tin cải chính sau đó. Vậy, đừng sửa chữa chi tiết sai sót bằng một thái độ sai lầm.

Hai – Phải nhanh chóng lấy lại tự tin cho bản thân, ví dụ như có thể tự nhủ rằng, thật may mắn đồ lót của mình trông không đến nỗi nào, vậy người xấu hổ là ai đó đang âm thầm mặc một chiếc áo ngực cũ và xấu. Nếu bạn bị bắt gặp đang… quên cài khóa quần, bạn hãy tin rằng bản thân bạn không phải là sứ thần ngoại giao đang trên đường đi trình quốc thư tới cho một vị thủ tướng nào đó, cho nên một lần quên kéo khóa quần chỉ chứng tỏ bạn hơi đãng trí, đầu óc hơi lão hóa như vài trăm triệu người khác trên đời chứ không ảnh hưởng tới phẩm cách hoặc giá trị con người bạn, càng không thể hủy hoại tiền đồ của bạn.

Tôi nhớ ngày còn là thiếu nữ, trong một buổi hò hẹn, tôi đã phát âm sai tên tiếng Anh của lon nước ngọt 7up trước mặt người phục vụ và anh bạn trai mới quen. Hai mươi năm đã trôi qua, tôi tha thiết muốn gặp lại người con trai ngày ấy biết bao, để nói với cậu ta rằng:

“Anh ạ, em đã tránh mặt anh hai mươi năm nay chỉ vì một từ phát âm sai, em thấy thế là đủ rồi! Em vẫn dốt tiếng Anh như ngày xưa, nhưng giờ đây em đã biết, điều gì thực sự quan trọng với em, và điều gì chỉ là những vụn vặt không đáng bận tâm trong cuộc sống!”

Đúng thế. Vì bạn là phụ nữ, bạn không thể bị đánh gục bởi những thứ không xứng đáng với bạn.

2. Nhưng tự bạn đánh gục bản thân bạn:

Bằng sự day dứt, sự hối hận, sự xấu hổ, sự sợ hãi, sự lo sợ. Phụ nữ thường rộng lượng với đàn ông trong khi lại khe khắt với bản thân và phụ nữ khác. Trong khi đàn ông thì ngược lại, họ có thể tự tha thứ cho bản thân nhưng đòi hỏi rất nhiều tiêu chuẩn ở phụ nữ. Ví dụ như, đàn ông họ chẳng sợ mất trinh, họ chỉ sợ bạn gái mất trinh thôi.

Tôi đã nhiều lần được bạn bè, những cô gái trẻ, những bạn quen qua mạng v.v… thổ lộ điều tương tự. Họ đã mất nhiều hơn thế, bị lợi dụng hoặc bị lạm dụng tình dục, bị bạn trai bỏ rơi, bị từ hôn, bị chồng ngoại tình và bỏ. Thậm chí có một lần, một chàng trai cầu cứu tôi tư vấn khi bạn gái của chàng bị người lạ cưỡng hiếp.

Những cơn khủng hoảng này sâu sắc hơn tất thảy những tai nạn nhỏ nhoi tôi vừa kể. Bởi nó lấy đi những giá trị quan trọng, thậm chí chúng ta cho là quan trọng nhất đời: Trinh tiết, tự trọng, tình yêu, gia đình, hạnh phúc, thể diện, sự thiêng liêng của cảm xúc v.v… Tôi tin rằng chúng ta không thể dùng phép thắng lợi tinh thần, hay bất kỳ lời biện hộ nào để lừa dối bản thân vượt qua những khủng hoảng lớn như thế.

Nhưng chúng ta có quyền đứng lùi xa, nhìn vào tổng thể của cả một cuộc đời, một số phận, một con người để tìm cách hóa giải khủng hoảng. Bạn hãy tự hỏi xem, bạn thực sự cần gì, điều gì mới thực sự có giá trị với bạn?

Một cô gái bị chụp ảnh khỏa thân tống tiền đã thổ lộ với tôi rằng, cô ấy muốn chết.

Chàng trai có người yêu bị cưỡng hiếp nói với tôi rằng, anh sẽ mang dao đi giết chết kẻ khốn nạn kia.

Tôi nói, vậy thì kẻ tung ảnh khỏa thân không cầm dao giết bạn, mà chính cô gái nhẹ dạ đã tự giết mình đó thôi. Và kẻ hiếp dâm kia đáng lẽ chỉ cướp được thân thể cô gái một giờ, thì từ đây hắn đã cướp được tương lai của hai bạn cả đời. Thậm chí còn tống được chàng trai vào tù với tội sát nhân.

Bởi các bạn phải hiểu rằng, nếu bạn đã sống tốt, tích cực, thì bạn xứng đáng có một tương lai tốt đẹp. Bị hãm hiếp, bị bỏ rơi, bị lừa dối, bị phá sản v.v… thực tế nó giống như một tai nạn giao thông. Bạn không muốn nó, nhưng một ngày bất ngờ nó xảy ra, bạn sẽ không thể thay đổi nó được nữa. Tai nạn ấy sẽ cướp mất của bạn một cánh tay, một tình yêu, gia sản, một gia đình v.v… Bạn buộc phải chấp nhận và chung sống với khuyết tật ấy cả đời. Nhưng bạn muốn chặn đứng tai họa lại, hay bạn muốn tiếp tục tự vơ vào bản thân vô số tai họa nữa, bằng cách tự tử, bằng cách giết kẻ đã hãm hiếp (mà không tố cáo hắn), bằng cách phạm pháp, bằng cách lo sợ cả đời, tự khép mọi cánh cửa của cuộc đời mình?

Tôi nhớ những bài báo viết về nữ hoàng talk-show Mỹ Oprah Winfrey  đã vượt qua việc bị hãm hiếp lúc còn tuổi thiếu nhi và mang thai khi mới 14, để sống và thành đạt như hôm nay. Chắc còn nhiều người nhớ đệ nhất phu nhân Evita Peroni của Argentina cũng từng mang một quá khứ đầy gánh nặng. Chúng ta không vượt qua khủng hoảng để đạt được giàu sang, nổi danh hay bất cứ sự lộng lẫy nào. Cũng không có một kịch bản nào soạn sẵn, một giải pháp nào chung cho mọi số phận. Nhưng nếu không hóa giải được khủng hoảng, bạn sẽ không có cơ hội nào khác để thoát khỏi nó.

Hãy thử nghĩ rằng, tình yêu quan trọng hơn hay màng trinh quan trọng hơn? Nếu người yêu bạn nói màng trinh quan trọng hơn, bạn hãy tránh xa anh ta cùng những tay đàn ông chỉ yêu màng trinh của bạn chứ không hề yêu con người bạn với những giá trị sống của bạn.

Nếu sự hận thù hoặc cơn sụp đổ làm bạn hoa mắt, hãy nghĩ rằng bạn luôn có cơ hội sống khác, bạn luôn có những lựa chọn tử tế hơn. Đừng làm nô lệ cho những sai lầm trong quá khứ.

Tôi rất muốn nói với người phụ nữ đang đau khổ vì bị chồng phản bội rồi li dị chị, rằng, thực ra chị không mất gì cả, không mất tình yêu hay mất gia đình, không mất người đàn ông của chị. Chị chỉ mất đi thứ mà chị chưa từng có mà thôi. (Hoặc mất đi thứ mà chị tưởng chị có thôi). Chị chỉ chưa tìm ra người đàn ông của chị mà thôi, đó đâu phải lỗi của chị, một người đã yêu và đã hết mình, chân thành?

Cha mẹ sinh ra ta, nuôi ta lớn, đâu phải là để cho kẻ khác chà đạp?

Đôi khi, tôi cũng rơi vào những cơn khủng hoảng, khi cuộc sống chẳng được như mình mong muốn, những thất bại liên tiếp, những sức ép quá lớn, hoặc gặp những chỉ trích quá nặng nề. Tôi thường thở sâu, ngồi yên suy nghĩ, và tự hỏi, mình có đang sai lầm không? Cách mình giải quyết sắp tới liệu có phải sai lầm không? Nếu mình là người khác, mình sẽ làm gì?

Và quan trọng hơn, tôi luôn tự nhủ: Nếu không từng sai sót, không từng mất mát hay lầm lẫn như thế, hẳn tôi đã không ở vị trí của tôi ngày hôm nay.

Vậy, có điều gì xứng đáng để đánh gục và hủy hoại ta hôm nay nữa?

Trang Hạ

Mời bạn đón đọc bài viết này cùng các bài khác của Trang Hạ trên Lửa Ấm số ra hôm nay, thứ Hai 4/4/2011

Hôn nhân sorry

Cô bé và cậu bé thường ra ao chơi đùa, câu cá, xúc tôm. Thường cậu bé mang về nhiều chiến lợi phẩm, vẻ đắc thắng. Còn cô bé về tay trắng, mắt rưng rưng.

Rồi trước bữa cơm tối, cậu bé chạy qua đập cửa nhà cô bé, cô bé nhìn thấy cậu bạn, hất đầu ngoảnh mặt đi. Cậu đùa cười: “Xin lỗi nhé, tớ toàn cướp hết tôm với cá của ấy, thôi để tớ nuôi nó trong lu, rồi tớ tặng đằng ấy!”.

Câu xin lỗi rất trong sáng.

Cậu trai thường quen ghẹo cô bạn gái, trêu tới mức cô bạn bật khóc, xong rồi cậu phải chạy theo dỗ dành, dỗ từ lúc cô còn tóc đuôi gà cho đến khi cô tóc xõa ngang bờ vai. Cậu thích lén lút xì hết hơi lốp xe đạp của cô bạn, rồi nấp xem cô bạn chạy quanh xe rối rít tức tưởi. Cậu thích cô bạn gọi điện thoại la mắng, rồi mới xuất hiện, tỏ vẻ biết lỗi, dắt chiếc xe xịt lốp đi như thể chuộc lỗi, nhưng lại như ngầm đắc thắng, trong khi cô bạn gái cằn nhằn đi bên cạnh. Như thế, đường về nhà sau buổi tan học dài hơn nhưng cũng tuyệt thú hơn. Và cậu sẽ nói, xin lỗi nhé, tớ biết lỗi rồi mà, đừng trách tớ nữa. Lời xin lỗi chả có tí ăn năn nào.

Sau khi tốt nghiệp đại học, chàng trai bận rộn vì công việc, có khi liên tục một tháng không được nghỉ ngày nào. Cô gái quen dần những ngày cuối tuần cô đơn, có bạn trai mà như không có ai ở bên. Họ có lần cãi cọ đầu tiên, giọt nước mắt đầu tiên, kỳ chiến tranh lạnh đầu tiên, cái cớ công việc bận rộn đầu tiên, sự làm lành đầu tiên. Sinh nhật cô gái năm ấy, chàng trai hứa một món quà lãng mạn bất ngờ trong tối sinh nhật làm cô gái mong đợi lắm. Món quà bất ngờ đó là anh mất tích cho tới tận hôm sau, và đêm sinh nhật của cô chưa bắt đầu đã kết thúc, cô gái ngủ thiếp đi trong bộ váy mới, với gương mặt trang điểm đẹp nhưng giàn giụa nước mắt.

Sáng sớm ngày hôm sau chàng trai mới về tới, anh ôm khuôn mặt người yêu trong tay nói, xin lỗi, em lấy anh được không?

Lồng chiếc nhẫn vào ngón tay cô, lời xin lỗi trở thành một lời hẹn ước.

Sau đám cưới, công việc của chàng thăng tiến tốt đẹp, thời gian không ở nhà càng dài hơn, còn nàng trở thành một bà nội trợ chuyên nghiệp, ở nhà lo chợ búa cơm nước và ngồi đợi chồng về. Nàng thường ra chợ, tần ngần trước những con tôm sông, cá ao nho nhỏ, và mua chúng về thả vào chiếc bể kính trong căn nhà nhỏ bé sạch bóng. Nàng ngắm chúng ngây thơ bơi qua bơi lại, và mỉm cười yêu kiều.

Dần dà, những bữa tiệc giao đãi khách hàng của chàng dày đặc hơn, những mùi hương chàng mang về nhà cũng ngày càng phức tạp hơn. Mùi quán xá, mùi rượu, mùi tiệc, mùi nước hoa, mùi tiền mới lĩnh từ nhà băng, có khi có cả mùi của những cảm giác mà nàng ngờ ngợ không đoán được tên gì. Nàng lặng lẽ dần, kiệm lời, không vui vẻ như xưa. Nàng không vui buồn vì yêu chồng và đợi chồng nữa. Giờ nàng vui theo phim hài, buồn khóc theo phim truyền hình Hàn Quốc, và ôm gối ngủ vùi trước màn hình tivi, lấy chuyện đời trên màn ảnh để giải khuây chuyện lòng mình.

Chàng thường lay vợ dậy với lời thanh minh, xin lỗi, tối nay vừa phải tiếp khách quan trọng. Lời xin lỗi ấy không cần ai nói, nàng cũng biết đó chỉ là thanh minh. Và thanh minh là dấu hiệu khởi đầu của dối trá.

Anh chồng bắt đầu có những đêm không về, hoặc phải đi công tác tỉnh ngoài, hoặc lo việc khẩn cấp. Công việc càng hanh thông, bên anh chồng càng nhiều người khen nịnh, tán tỉnh. Anh chồng thường cười tự hào. Cô vợ ngày càng ít đi ra khỏi cửa. Những bữa cơm một mình cô vợ chỉ ăn mì gói cho tiện. Và không ra chợ mua rau tươi, chỉ tới siêu thị mua ít vật dụng sinh hoạt thiết yếu. Cuộc sống lứa đôi trở thành cuộc sống riêng hai khoảng trời, chỉ chung nhau phòng ngủ. Anh chồng thường an ủi vợ, xin lỗi vợ nhé, tại anh bận rộn quá. Cho tới một ngày, cô vợ cũng không buồn gọi điện hỏi xem mấy giờ chồng về nhà nữa, vì cô không muốn nghe đầu dây kia điện thoại nói xin lỗi, khách sáo như thể đó không phải là chồng mình.

Bởi câu xin lỗi là một câu nói đãi bôi.

Bà vợ sếp bắt đầu học cách tivi dạy dỗ, rằng chồng không thích về nhà ngắm vợ là bởi vợ đã trở nên cũ kỹ. Tivi dạy rất nhiều kỹ năng làm vợ. Bà vợ quyết không chịu thua, quyết tự mình giành lấy hạnh phúc của mình chứ không chịu đầu hàng cuộc sống. Bà vợ sếp đi spa, làm đẹp, đổi kiểu tóc, thay đồ hiệu thời trang. Và rời tiệm trang điểm, bà vợ sếp tự tin tới công ty chồng để chuẩn bị cho sự ra đời của một “sếp bà” chính hiệu, đẹp và quyền lực.

Công ty chồng đẹp hơn mấy năm trước thời chàng và nàng còn hò hẹn. Vợ sếp đi qua cửa kính, qua các cô lễ tân trẻ măng, qua thang máy xịn, qua hành lang thiết kế đẹp để tới phòng làm việc của sếp. Và khi đẩy cửa…

Bà vợ không nhìn thấy ông chồng hay thanh minh xin lỗi của mình. Nàng không thấy chàng đã cầu hôn mình. Cô gái không bắt gặp cậu bạn học đã xịt lốp xe đạp của mình. Cô bé không gặp được cậu hàng xóm đã cướp tôm của mình mang về thả lu nước ngày xưa. Chỉ nhìn thấy một người đàn ông đang làm tình với một người đàn bà trên bàn làm việc.

Đêm ấy giông gió trên khắp thành phố lớn. Người chồng đội mưa chạy theo vợ về nhà, hổn hển nói, anh xin lỗi, anh vẫn còn rất yêu em. Nhưng người vợ dường như không nghe thấy gì cả. Bởi lời xin lỗi đã trở thành mũi dao đâm xuyên thấu trái tim cô.

Người đàn bà mất tích khỏi cuộc đời người đàn ông từ đó. Căn nhà trống, chỉ toàn đồ vật không hơi ấm. Điện thoại của người đàn bà bỏ lại chỉ có một số điện thoại của người đàn ông lưu trong đó. Chồng là người quen duy nhất, người bạn duy nhất, người thân duy nhất mà người đàn bà cần lưu giữ. Khi tình yêu ấy chết đi, người đàn bà cô đơn và trắng tay đi vào cuộc đời. Chị mang theo lũ cá tôm bé bỏng ở góc nhà, nhưng người đàn ông vốn không bận tâm điều đó. Ông ta vội vã và mong muốn đi tìm vợ, thời gian đâu tìm lũ cá tôm vô danh bỗng dưng đã biến mất.

Người vợ đã biến mất y như quá khứ.

Một ngày, bưu điện chuyển tới nhà người chồng một bưu phẩm. Trong đó là những tiêu bản tôm, cá đã khô kèm một bức thư:

“Em không còn đủ dũng cảm để tìm gặp lại anh một lần nào nữa, bởi em quá yếu đuối, hoặc bởi em không còn muốn gặp lại anh thêm, em nghĩ anh chắc vẫn là anh, anh vẫn không có gì thay đổi đâu. Bởi thế, nên giờ đây em sống khá dễ chịu, em đã học được cách yêu bản thân, em học được cách kiếm tiền nuôi bản thân, em biết sử dụng thời gian để sống chứ không phải để chờ đợi anh về nhà, chờ những mâm cơm nguội đi, với cái máy điện thoại mở suốt 24 giờ chờ anh gọi về.

Đơn li hôn đã ký sẵn em để dưới chậu cá góc phòng, anh ký rồi gửi ra tòa là xong. Xin lỗi anh, em thực sự mệt mỏi rồi.”

Một ngày sau, tivi đưa tin một phụ nữ nhảy lầu tự sát, từ một chung cư cũ.

Có người chỉ nói “Xin lỗi” một lần trong đời, nhưng xin lỗi như một câu nói kết thúc.

Nếu bạn yêu ai, hãy thương lấy người đó. Hãy ít nói “xin lỗi” đi, bởi yêu và thương quý giá hơn mọi lý do khác.

(Trang Hạ dịch – Theo huayuworld.org)

Vui mà nhảm đầu năm

Bài khai bút mình chả post lên, hơ hơ còn để kiếm tiền xài đã. ( he he)

Thường vào lúc bận rộn nhất là mình thèm tán nhảm nhất, đó là lý do vì sao 1h sáng ngồi type linh tinh ở đây.

Hồi xưa, mình khổ vì đàn ông lắm.

Một ngày, muốn cải tà quy chính, mình rắp tâm sửa sang đời mình, bằng cách lôi cổ một ông (một chàng) đi theo hộ tống để tầm sư bói bài xem ánh sáng của đời mình nó nằm ở phía nào.

Bài Tarrot vốn gắn liền với những hình dung về người đàn bà Digan lắm chiêu và bí ẩn. Về những suy đoán mang thương hiệu Ai Cập hiểm hóc khó ngờ. Nhưng mà nói chung mình bị quyến rũ bởi trông những lá bài lớn đầy gợi cảm, chứ bà bói cho dù chưng ra chứng chỉ “bói thuật” thì mình cũng chỉ coi nó tầm phào y như chứng chỉ múa bụng mà thôi, hi hi.

Thế mà cái ông đi cạnh mình thì không, ông vô cùng nghiêm túc và nghiêm trang, như xưa nay ông này luôn như vậy.

Những lá bài Tarrot thông qua mồm bà “bói sư” thì lại bảo, mình khổ vì đàn ông là đúng, ác giả ác báo, hi hi. Ông thứ nhất chân tình tha thiết nhưng mờ mình chả có tí tình cảm nào với ông, mình chỉ nhạo ổng. Ông thứ hai là cứu tinh, có cả chức quyền lẫn năng lực bảo bọc, hỗ trợ mình trên đường đời thì ổng chỉ định… giúp mình đường đời thôi chứ không giúp mình đường tình, nên mình vô phương cứu chữa, chả trông mong gì được. Còn ông thứ ba chỉ nên làm bạn, bạn rất tốt chứ mình muốn tiến tới lắm cũng chả xơ múi gì được. Thế có buồn không.

Tức là định chọn một ông thì giờ hóa ra chả nên chọn ông nào. Mình cười buồn bã gạt cả xấp bài bảo, cái này người ta gọi là lắm mối tối nằm không đây mà, hu hu.

Ông trang nghiêm lại nghiêm trang lái xe chở mình về. Thì ra ông đăm chiêu suy nghĩ, và cuối cùng, vào phút cuối cùng trước khi chia tay, ông đủ dũng khí để hỏi mình một câu: Thế anh là ông số mấy của em?

Theo các bạn, ông ta là số mấy, hí hí.

Son phấn lên ngôi, nhan sắc tháo chạy

Gương mặt thật của đàn ông, phải ly hôn rồi mới thấy. Còn muốn nhìn gương mặt thật của đàn bà, chỉ cần chờ đêm xuống, đợi họ xóa lớp phấn son trên mặt.

Ngày càng có nhiều người nghĩ rằng, không thể ra khỏi nhà được nếu thiếu cây son, thiếu lớp phấn phủ, thiếu kem lót chống tia UV hoặc nước hoa hồng làm se lỗ chân lông. Thậm chí, gia tài làm đẹp khiêm tốn của một phụ nữ cũng không ít hơn hai chục loại mỹ phẩm. Mỹ phẩm được ưu ái tới mức, không một phụ nữ công sở (Office Lady – OL) nào đi làm với mặt mộc. Rất nhiều người đều tin rằng trang điểm dù ít dù nhiều cũng làm họ đẹp hơn và tự tin hơn.  Nhưng có thật mỹ phẩm làm phụ nữ tăng thêm giá trị như chúng ta vẫn tưởng không?

1. Phụ nữ không nhầm đâu!

Chỉ bằng mắt thường, tất thảy mọi phụ nữ đều nhận ra bản thân mình xinh đẹp hơn khi được trang điểm. Kem lót che được làn da kém hoàn hảo, mascara giúp mi dày hơn và cong lên gợi cảm, son bóng giúp môi đầy sức sống. Một chút phấn che khéo sẽ cải thiện rõ ràng góc cạnh khuôn mặt. Và đôi khi ít người để ý tác dụng quan trọng của nét lông mày, lông mày rườm rà khiến người đối diện cảm thấy ta có tính khí tùy tiện, thiếu chu đáo, lông mày thanh mảnh làm sang khuôn mặt, lông mày dày gợi lên ham muốn và đầy sức sống, của một người có năng lực và táo bạo.

Khi mới gặp một phụ nữ, tôi thường nhìn vào lông mày và móng tay của cô ta để nhận biết cô ta là ai, có biết chăm sóc bản thân không, thậm chí để thầm đánh giá khiếu thẩm mỹ cũng như cá tính của họ.

Chắc chúng ta không thể quên những dư vị ngọt ngào khi ta trang điểm kỹ và khéo, được khen xinh đẹp nổi bật, được tán thưởng. Những phụ nữ công sở thường coi trọng màu son để hợp với trang phục và địa vị. Tất cả những điều đó nói lên rằng, trang điểm làm ta đẹp lên không chỉ ở vẻ bề ngoài, còn làm đẹp cho tác phong của phụ nữ, cũng như gây thiện cảm ở người đối diện.

2. Thế nhưng phía sau lớp son phấn là gì?

Tất nhiên phía sau son phấn cũng vẫn là người phụ nữ. Chỉ có điều, đó là một người phụ nữ bắt đầu tin vào quyền lực của mỹ phẩm, tín nhiệm sức hút của gương mặt được trang điểm, thậm chí, từ sau khi được khen đẹp lần đầu tiên, chúng ta sẽ không cưỡng lại được ham muốn sẽ được khen nữa, được xuất hiện với gương mặt đẹp nhất nhờ son phấn.

Chúng ta sẽ tiếp tục trang điểm, hàng ngày, giống như người có mắt một mí một ngày bỗng đẹp lên nhờ gắn lông mi giả, sẽ bắt đầu gắn đời mình với mi giả. Hoặc một phụ nữ ngoài ba mươi tự cho rằng mình có nếp nhăn, sẽ cảm thấy bối rối nếu một ngày quên lớp kem lót che phủ vết rạn li ti trên da. Hay giống như thể một bé gái được khen mặc váy hoa đẹp, sẽ mặc váy hoa suốt ngày, suốt nhiều ngày.

Điều đó tốt cho nhan sắc và thị giác người đối diện, nhưng không tốt cho sâu thẳm tâm hồn bạn.

Bởi càng trang điểm, ta càng thấm thía điểm khiếm khuyết của ta. Mỗi lúc đẹp lên, ta càng hiểu sâu sắc rằng ta lại xấu đi nếu không có thứ kem này, không có màu son này. Và cảm giác sợ xấu, cảm giác tự ti nếu không đẹp hơn, là thứ a-xít ăn mòn. Ta đang đẹp hơn nhờ son phấn nhưng ta lại đang mất đi một chút sự tự tin vào bản thân mình và những giá trị mình đang có. Mặt mộc là một biểu trưng chân thật nhất về những gì người phụ nữ đang có, và giấu mình sau lớp phấn son có thể là cách chứng tỏ gu thẩm mỹ tốt của phụ nữ, cũng có thể lại là cách chứng tỏ sự lệ thuộc của người phụ nữ.

Số lượng phụ nữ bị phụ thuộc vào mỹ phẩm, hoặc để mỹ phẩm sai khiến, ngày càng nhiều lên. Dễ thấy nhất là cảm giác xem quảng cáo mỹ phẩm nào, bạn lại thấy bạn nhất định phải có được loại mỹ phẩm đó, và sau đó bạn đi mua thật, sắm về xong bạn cảm thấy rất thỏa mãn, như thể có thứ mỹ phẩm đó, bạn đã giải quyết được một nửa vấn đề của mình, nửa còn lại là việc sử dụng nó ra sao cho có thẩm mỹ, cho bạn đẹp lên.

Thực tế, mỹ phẩm mang cho bạn thêm thứ dễ thấy này thì đã lấy bớt đi của bạn thứ vô hình khác. Đôi khi, nó là sợi dây ràng buộc bạn một cách vô hình.

3. Tình yêu ngại son môi?

Ràng buộc của mỹ phẩm rất tinh tế. Làm cho bản thân đẹp lên là một mong ước chính đáng, nên giữ cho mascara khỏi lem, phấn khỏi bung, son khỏi lem vào ly nước hay cổ áo người yêu cũng là một thách thức của phụ nữ.

Có những phụ nữ làm điều đó rất khéo, nên ngày nào ra đường cũng trang điểm duyên dáng, lúc nào đi với người yêu cũng giữ khuôn mặt trang điểm kỹ và đẹp nhất. Thực sự, phụ nữ tin rằng nếu mình đẹp hơn, người yêu mình, chồng mình sẽ yêu mình hơn. Bởi còn gì ngọt ngào hơn khi được nghe người mình yêu thốt lên: “Em đẹp quá!”. Trang điểm, làm đẹp nói cho cùng cũng là chỉ bởi muốn được yêu thương hơn, được tôn trọng hơn.

Nhưng tôi có một anh bạn họa sĩ, con nhà giàu, có tài, có ngoại hình, lại sùng bái cái đẹp một cách cực đoan, tất nhiên anh thích gái đẹp. Một ngày, tôi giới thiệu “mai mối” cho anh một cô phóng viên tập sự ở cơ quan tôi, xinh đẹp trẻ trung và khéo léo duyên dáng hơn tôi rất nhiều.

Anh bạn tôi không thiếu gái chạy theo, nhưng tôi cho rằng, cô phóng viên tập sự mới đến cơ quan tôi sẽ đánh bại đám gái đẹp khác, bởi cô không chỉ có ngoại hình, còn có cả tài năng, bằng cấp, lẫn sự hiểu biết của một phụ nữ trẻ thành phố rất sành điệu.

Cuộc gặp gỡ tại quán cà phê sang trọng diễn ra vô cùng dễ chịu, anh khen ngợi cô ấy một cách vừa lịch thiệp vừa tán thưởng, và cô phóng viên cũng rất có cảm tình với anh bạn tôi, hai người đã hẹn nhau gặp cuối tuần đi xem tranh của anh.

Nhưng cô vừa đi khỏi cửa quán cà phê, anh họa sĩ đã nhìn tôi cười và bảo: “Em có biết anh nghĩ gì không?”

Nghĩ gì về cô gái xinh đẹp và sành điệu duyên dáng kia?

“Anh chỉ nghĩ trong đầu rằng, không hiểu phấn thế kia, son bóng đến thế kia, thì mình mà hôn nó, mình phải… đặt môi vào đâu?”

Ha ha, thì ra đàn ông khác gì phụ nữ, đều sợ một nụ hôn phải đặt lên dăm bảy lọ son phấn. Có thể ngắm nàng rất đẹp, nhưng đơn thuần chỉ coi như bình hoa trang trí thì được. Còn trong đầu họ vẫn tự hỏi, cái gương mặt kia mà tẩy lớp phấn son đi thì nom sẽ ra sao?

Đôi khi tôi cảm nhận bằng trực giác, đàn ông thấy thiện cảm nhất không phải là với một cô gái trang điểm kỹ như đang đi dự tiệc buổi tối, mà là với một cô gái trang điểm sơ sài y như… họ. Tức là một chút gel trên tóc, một chút kem giữ ẩm trên làn da sạch sẽ, một chút son đủ để tươi tắn, như họ dùng một chút mỹ phẩm mà thôi.

Một anh bạn tôi đã than phiền hài hước về vợ thế này: “Vợ anh mà trang điểm xong, chó cũng phải sủa vì… không nhận ra bà chủ!”

Trang điểm có thể tạo nên một phụ nữ hoàn hảo, nhưng đó là hoàn hảo vẻ bề ngoài, còn khiếm khuyết bên trong, cô ấy có thể che giấu mọi người chứ không thể che giấu chính bản thân cô ấy. Tôi muốn gọi đúng tên mỹ phẩm là sự tự ti của nữ giới. Vậy bạn nghĩ cái đẹp bền vững là bởi tự tin vào bản thân hay nhờ tự ti?

(Đăng trong chuyên mục thường kỳ “Phụ nữ hoàn hảo” của Trang Hạ trên Lửa Ấm tháng 12/2010

Ảnh trong bài của BW’s Photography – Đài Loan)

Nhà càng rộng, đầu óc càng trì trệ

Đây không phải là câu nói của Trang Hạ, đây là một câu nhận định hài hước của một môi giới bất động sản trong lớp tập huấn tại Đài Bắc đầu năm 2010. Trong xu thế kinh tế toàn cầu vẫn vật vã từ năm ngoái sang tới 2010 mà vẫn chẳng khả quan, bất động sản chỉ “đắt” khách đầu tư buôn bán chứ không “đắt” người mua ở thật, thì đổ tiền mua nhà để ở chẳng khác gì việc chôn tiền ôm lỗ.

Trong bối cảnh giá nhà đất ngày càng tăng, nhất là căn hộ, chung cư cao cấp hoặc đất nền biệt thự, giờ đổ một đống tiền để chọn nhà xịn chả khác nào ném tiền qua cửa sổ. Tôi nói, người Việt Nam còn một thói quen tiêu dùng kỳ quặc là ôm một đống tiền vàng đi mua nhà, trả sạch một lần hoặc một thời gian ngắn. Cho dù mua xe máy hay mua cả cái biệt thự thì cũng không mấy ai có khái niệm trả góp hay vay tín dụng ngân hàng hai mươi năm. Sĩ diện của người Việt Nam lớn tới nỗi, sẵn sàng… “có thì ăn, không có thì nhịn!”.

Chẳng thế, hãng xe máy S. ngày xưa của Đài Loan hồi mới sang Việt Nam đầu tư kinh doanh đã chả vỡ mặt vì chiến dịch bán xe máy Angel trả góp, xe trả góp phải đeo biển xanh. Chủ mua xe trả góp khác gì bị bỉ mặt là không đủ tiền mà cũng học đòi, nên nhất loạt trả xe, bán xe Angel đó thôi.

“Cò đất” người nước ngoài cười nói, tiêu tiền văn minh tức là tiêu được tiền của kẻ khác, như là ngân hàng chẳng hạn, mà mang lại lợi ích cho mình, chứ đâu phải lấy tiền trong túi. Chứ tiêu tiền túi, có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, thì một thằng mù chữ, thằng đần nào cũng làm được, mà còn rút tiền trong ví ra nhanh hơn mình ấy chứ!

Tôi nói rằng, khi tôi đưa ra quan điểm “mua nhà chứ không nên thuê nhà” (đã đăng trên Lửa Ấm số 3), nhiều bạn trẻ đã ớ người ra trước bài toán đầu tư quá giản đơn, mà xưa nay chúng ta chi tiêu theo thói quen liệu cơm gắp mắm đã không đếm xỉa tới. Chúng ta có rất nhiều cách tính toán cho tương lai, cách nào tiêu tiền tốt hơn, không chỉ nhìn vào khía cạnh đắt – rẻ hoặc ta có đủ tiền – ta không đủ tiền, mà nên nhìn nhận vào bản chất của việc chi tiêu.

Người bạn môi giới Đài Loan của tôi nói, vậy nếu được, hãy trả học phí để tôi thuyết trình một quan điểm mới mẻ về bất động sản tại châu Á, được không? Bạn xui người ta nên mua nhà là rất sáng suốt (trong hoàn cảnh của thanh niên, gia đình trẻ), còn tôi, tôi sẽ xui bạn nên bán nhà. Nhà càng đẹp càng xịn, chủ nhân càng nên bán gấp. Nói một cách khác, nhà càng rộng đầu óc chủ nhân càng trì trệ! Nhất là khi căn nhà đó đang đặt tại châu Á, tại Việt Nam, hay tại những nước kinh tế kém ổn định.

Tại sao? Có mâu thuẫn không khi hôm trước xui người ta phải tìm cách mà mua nhà, hôm sau lại xui người ta có nhà rồi thì bán gấp?

Anh bạn tôi nói, cả đối tượng “mua” và “bán” cũng như “thuê” nhà mà ta đang nói tới là đều ở thành phố, đúng không? Đều có gia đình rồi, và thu nhập đến phần lớn từ các khoản thu định kỳ như lương thưởng, lãi suất, lợi nhuận kinh doanh v.v… đúng không? Vậy ta cùng làm bài toán tiêu tiền tại thành phố nhé.

Anh bạn hỏi, không cần các con số cụ thể, chị chỉ cần trả lời tôi xem, giá nhà đất tại Việt Nam tăng nhanh hơn hay giá thuê nhà tại Việt Nam tăng nhanh hơn? Câu trả lời tất nhiên là ai cũng biết, giá nhà đất tại đô thị Việt Nam tăng chóng mặt. Giá thuê nhà hầu như không tăng, ví dụ, căn hộ cao cấp tại Phú Mỹ Hưng đã bốn năm nay vẫn đứng giá cho thuê tại mức 700 USD/tháng, hầu như không tăng. Căn hộ nhỏ cho thuê tại nội thành Hà Nội từ 2007 tới giờ tăng thêm hơn năm trăm nghìn/ tháng, tính ra chỉ tăng giá thuê lên có hai chục nghìn đồng/ 1 mét vuông, chẳng đáng kể!

Bạn tôi hỏi tiếp, vậy rõ ràng mua nhà sẽ bất lợi hơn thuê, đúng không? Được rồi giờ cho tôi biết, lãi suất tiền gửi tại ngân hàng của Việt Nam thời điểm này ra sao, và mấy năm qua là tăng hay giảm?

Tôi bảo, tăng chứ, nhưng thôi khỏi hỏi, tôi hiểu ý anh rồi!

Bài toán chi tiêu vậy là đã rõ ràng: Khi bạn mua nhà, để ở chứ không phải để đầu cơ bán trao tay nhé, thì đồng tiền của bạn không sinh lợi nhuận. Đồng tiền đó “dậm chân tại chỗ” và chỉ làm bạn an tâm, thỏa mãn giá trị tinh thần, nhà càng rộng và cao cấp, đồng tiền đầu tư đổ vào đó càng phải nhiều. Trong khi nếu bán nhà đi, đồng tiền ấy đơn giản là chỉ gửi vào ngân hàng thôi, cũng sinh lãi khá lớn.

Làm phép toán đơn giản, ở nhà ba tỷ thì mỗi tháng bạn đã lỗ trắng tiền chục triệu so với việc bán nhà gửi tiền vào ngân hàng nhận lãi, ví dụ lãi suất gửi có kỳ hạn 24 tháng tại ngân hàng V. hiện vẫn cao hơn 10%. Trong thời điểm đó, tiền thuê nhà ở cho gia đình nhỏ rẻ hơn nhiều, và khoản lợi nhuận nếu dùng số vốn đó đầu tư vào các lĩnh vực khác chắc chắn sẽ cao hơn cả việc gửi tiền vào ngân hàng.

Tôi hiểu chữ “trì trệ” mà người bạn môi giới dùng, đó là một đầu óc “ăn chắc mặc bền” và không chịu xoay xở theo xu hướng thị trường.

Vậy có gì mâu thuẫn không khi xui người này mua nhà, xui kẻ khác có nhà rồi thì… mang bán? Thực ra là không, bởi bạn sẽ ở vào các giai đoạn khác nhau của cuộc đời, bạn nên mua khi bạn ở điểm xuất phát tay trắng, cần gom góp để có được tài sản lớn. Nhưng khi đến giai đoạn bạn đã có căn hộ, tức là sở hữu được một khoản tài sản, đừng yên tâm cố thủ trong chiếc vỏ ốc căn hộ an toàn đó, hãy để đồng tiền tiếp tục trở thành tiền đầu tư tương lai, như bạn tôi nói, chính đồng tiền mới chứng tỏ đầu óc của chủ nhân (chứ không phải chứng tỏ… sự tốt số may mắn của chủ nhân).

Tôi hỏi bạn tôi, bài giảng này bạn lấy học phí bao nhiêu?

Bạn tôi nói, một tách cà phê Đài Bắc nhé, hãy bay sang đây vào cuối tuần, tôi dẫn bạn đi xem căn hộ tôi mới thuê.

Thế căn nhà của bạn ở chung cư mới xây ven sông thì đâu rồi, tôi sửng sốt, không lẽ bán đi rồi?

Bạn tôi cười trên YIM, nói, tôi cho thuê giá cao chứ. Tôi vừa là chủ nhà trọ tôi vừa là khách thuê trọ, có gì đâu, tôi lựa cái cách nào kiếm được lợi nhuận thôi mà. Chính tôi không có lợi nhuận, liệu tôi thuyết phục được khách hàng nào?

Phía sau những ngày đẹp trời

Tôi có thói quen giữ lấy những tin tức báo chí, những hình ảnh sự kiện xảy ra vào đúng ngày các con tôi chào đời, tôi nghĩ khi các con tôi lớn lên, chúng sẽ hình dung được cuộc sống này ra sao ngày chúng được sinh ra. Tôi không dạy các con tôi ngoái lại quá khứ, tôi chỉ tặng chúng một món quà với hy vọng chúng không thờ ơ với cuộc đời này. Chúng sẽ nhìn cuộc sống như một dòng chảy không ngừng nghỉ mà có hôm qua mới có ngày hôm nay, xâu chuỗi những sự kiện và những con người để hiểu vì sao con người gắn bó với cộng đồng đến thế, bởi bao mối dây liên kết.

Thật buồn, hai đứa con trai của tôi khi nào biết đọc, sẽ chỉ đọc được những tin buồn thảm về xã hội. Một đứa chào đời ngay giữa cơn lụt lịch sử của Hà Nội năm 2008, phố biến thành sông, vó câu giăng dọc vỉa hè, người ngồi chậu nhựa để bơi đi chợ bằng đôi dép tổ ong. File mang tên con trong máy tính chứa đựng vô số câu hỏi về một thành phố người sống ở đây đã ngót nghìn năm mà vẫn còn long đong. Một đứa được sinh ra với những tin lũ lụt miền Trung 2010, và bức ảnh lưu niệm là hai cánh tay trẻ em đội ngói giơ lên cầu cứu đăng trên báo Tuổi Trẻ. File mang tên con chắc cũng gần giống một phóng sự thiên tai, và ngay cả những bức ảnh Đại lễ nghìn năm còn giữ, đông thì đông thật đấy, nhưng nhìn nét mặt người dân vẫn chỉ thấy vẻ nhớn nhác, thấp thỏm.

Hẳn chúng sẽ hỏi tôi, mẹ ơi sao mẹ toàn sinh chúng con vào giữa những đận thiên tai?

Tôi đã nghĩ câu trả lời từ bây giờ, tôi sẽ nói, không phải, chỉ là vào sau những ngày đẹp trời mà thôi. Có những cái giá phải trả cho ngày đẹp trời chứ, cuộc đời này điều gì mà không phải trả giá?

Nhưng tôi muốn nói để các con trai của tôi hiểu rằng, trong những bản tin thiên tai, người dân chết không phải là do ông trời giết, ông trời không phải là kẻ sát nhân hàng loạt như trong mọi báo cáo thiệt hại các ban ngành thường kết tội trời.

Em bé đâu phải đói và sợ dưới mái ngói nếu lũ không lên quá nhanh tới mức kinh hoàng, chỉ bởi công trình thủy điện nào đó chậm xả lũ tràn, chỉ bởi những kẻ nào đó vác cưa máy sang tận Lào để tận diệt rừng đầu nguồn chở về bán gỗ lậu? Người đàn ông đâu phải chết đuối giữa đường nhựa cho dù trời mưa to nước tràn kín mặt đường, nếu nắp cống ga không mất? Người mẹ đèo con gái đâu phải chết cho dù đi giữa cơn bão, nếu nắp cống hộp không cao so với mặt đường trơn đã lật bánh xe? Hay cô nữ sinh đâu phải mất xác nếu Bộ giáo dục có thông báo kịp thời cho các trường nghỉ học bởi thiên tai? Và bao giờ mới có bản tin thiên tai cập nhật rằng, mưa bao nhiêu mm thì công chức không nên tới công sở để đảm bảo an toàn, ngập bao nhiêu cm thì radio và tivi thông báo hướng dẫn người đi đường tránh hướng đi nguy hiểm, như ở các nước khác đang làm?

Rõ ràng ông trời không giết họ, nắp cống, nước ngập, dây điện đứt cũng không thể giết họ, nếu…

Trong một xã hội rộng lớn, không có điều gì là ngẫu nhiên, kể cả trúng độc đắc. Bởi nếu không mua vé số thì có may mắn đến mấy cũng chẳng có sự ngẫu nhiên tiền tỉ rơi xuống đầu theo cách trúng độc đắc. Một thời lẽ Nhân – Quả chỉ được nói đến như một niềm mê tín tâm linh, chứ chưa bao giờ nó hiển hiện sững sờ như thời thiên tai được mùa. Thậm chí, nó sòng phẳng một cách tàn nhẫn. Anh không đốn rừng, nhưng vì anh không trồng cây, anh vẫn phải gặt lũ lụt. Anh không ác, nhưng bởi anh không bảo vệ những điều thiện, anh sẽ vẫn phải trả giá.

Hẳn cách một người mẹ như tôi nghĩ về thiên tai sẽ có đôi phần lo xa, sống bây giờ sao cho sau con mình khỏi bão.

http://chuyentrang.tuoitre.vn/Vieclam/Index.aspx?ArticleID=405978&ChannelID=119

Đăng trên Tuổi Trẻ 17/10/2010

Anh xe ôm đất Sài Gòn

(đăng trên Văn Nghệ Quân Đội số tháng 7/2011)

Từ trên chung cư cao nhìn xuống, anh xe ôm nhỏ bằng một cái hạt chôm chôm. Khi có khách, cái xe máy cũ đi từ từ dưới chiếc mũ bảo hiểm cũ. Thường anh đầu trần chờ khách đầu đường nội bộ, lạc lõng cạnh mấy bác tài xế taxi ăn mặc bảnh bao. Chung cư này có mấy người đi xe ôm.

Chủ nhà nào chả có ô tô, có khi không chỉ một chiếc, phải mua thêm chỗ đỗ trong tầng hầm của khối nhà bên. Nghèo nhất là những người thuê nhà, thì người thuê nhà sát vách tôi cũng chẳng bao giờ đi xe ôm. Cô có tài xế riêng, người đàn ông bao cô đã bao thêm cả khoản tài xế lẫn ô tô.

Tôi thường tránh giáp mặt cô, vì cô nhìn tôi với cái nhìn đồng lõa và dửng dưng.

Anh xe ôm dưới đường biết trước tôi sẽ ra cửa giờ nào, đi đâu, làm gì. Tôi chỉ rời nhà để đi tới Hồ Con Rùa từ sáng rất sớm và từ đó quay về mà thôi, khi đã xong việc. Ở quán cà phê Hồ Con Rùa, tôi cũng hầu như chỉ ngồi một chiếc ghế, và những người lần lượt đúng giờ hẹn sẽ tới ngồi đối diện, đạo diễn, diễn viên, biên kịch, nhà báo, người có tài, người vừa tài vừa có tiền, người vừa có tài vừa có tiền vừa đẹp trai, nói xong, dạy tôi xong, thương lượng với tôi xong, bật mí với tôi xong, tán phét với tôi xong, rồi đi. Anh xe ôm thì thuộc cả lịch khám thai định kỳ của tôi, vì tháng nào anh cũng nhắc tôi thời gian. Anh vô cùng ân cần và thân thiện, anh làm cả những việc mà không được trả tiền. Ví dụ như, đi book vé máy bay liên tục cho tôi bay đi bay về. Ví dụ như, chờ tôi trước cửa phòng khám, ngồi với những ông chồng đang chờ vợ ôm bụng lặc lè đợi siêu âm trong phòng khám sản khoa, ngồi và tán phét như thể được tôi trả tiền cho những giờ chờ đợi ấy.

Ví dụ như, đề nghị để anh mua đồ ăn mang lên phòng cho, khỏi xuống. Anh nói, anh ở một mình nên anh biết, ai cũng ngại nấu nướng. Và anh đoán nhiều bữa tôi nhịn đói khi không ra khỏi phòng. Những hôm tôi không đi ra đường, tức là tôi rất buồn.

Anh cũng chiều khách để lượn vòng vòng tìm quán cà phê nào đẹp, quán ăn Ý nào dễ thương, tôi mới xuống. Anh luôn bảo tôi là, cho bao nhiêu thì cho, nên tôi thường cho anh khoảng thù lao gấp rưỡi so với đi xe ôm như thế tại Hà Nội.

Tôi chỉ có Hà Nội làm chỗ bấu víu, cái gì cũng phải lấy Hà Nội ra làm chuẩn mực, hoặc lấy chính mình ra làm chuẩn mực. Đấy là thói xấu của một người táo tợn nhưng tự ti.

Sự chờ đợi của anh xe ôm xa lạ đất Sài Gòn là thứ để lại ấn tượng sâu sắc cho tôi nhất khi tôi rời thành phố này. Nếu nói về quần áo ăn mặc và hình thức chiếc xe, thì anh thua xa đồng nghiệp Hà Nội, nhưng nói về thái độ phục vụ cũng như sự thân thiện với khách hàng, anh xe ôm ăn đứt những người tôi từng quen.

Ăn đứt cả những người ban đầu tôi tưởng quen thuộc, thân thiết. Nhất là người mà vì họ, tôi đã quyết vào Sài Gòn. Để rồi thất vọng sâu sắc.

Một ngày, tôi nói với anh xe ôm dưới chiếc mũ bảo hiểm cũ kỹ, anh biết quanh đây có nhà nào cho thuê không, mách giúp, tôi muốn chuyển đi, vì nhiều lý do.

Nhưng tôi muốn thuê ở gần đây, vì tôi vẫn muốn đi xe ôm của anh.

Anh nói, không sao, nếu cô đi thuê nơi khác, cần cứ gọi điện, tôi chạy tới đón.

Tôi đã xóa số máy của anh xe ôm, vì sợ mình nhỡ tay gọi từ Hà Nội.

Chiếc remote và người đàn bà

Trong những phim nhựa từ Âu sang Á, xem tại rạp hay trên HBO, tôi ít khi thấy chiếc điều khiển tivi (remote) xuất hiện, điều trái ngược hẳn lại với những bộ phim truyền hình dài tập hoặc hình ảnh trong đời sống thường nhật quanh ta. Có lẽ vì thế, càng hiếm có cơ hội quan sát xem, chiếc remote đó nằm trong tay đàn ông hay đàn bà.

Nhưng chiếc remote – một thứ đơn giản chỉ để chuyển kênh tivi – nằm trong tay ai, thì nào có nghĩa lý gì?

1. Remote cho thấy phụ nữ gia đình nhún nhường, phụ nữ độc thân mạnh mẽ?

Thực tế phim ảnh chỉ là một phản chiếu chủ quan về đời sống, trong đó, phim nhựa – với khá nhiều đạo diễn là đàn ông – đã để cho người phụ nữ xuất hiện ở những nơi nằm ngoài căn bếp, phòng khách, phòng ngủ, những bối cảnh quen thuộc của phim truyền hình dài tập. Vì thế, việc người phụ nữ cầm hay không cầm remote trong các tác phẩm nghệ thuật hình ảnh ấy chẳng nói lên được điều gì cả.

Đời sống không như phim ảnh! Trong đời sống, tivi là vật dụng không thể thiếu trong gia đình, và remote là thứ không thể thiếu của tivi. Kể từ khi nó lặng lẽ chiếm lĩnh một vị trí trong gia đình, nó nói lên nhiều hơn về thế giới mà chúng ta đang sống, một thế giới mà đàn bà xoay quanh đàn ông, hoặc ít nhiều chịu chi phối từ quyền lực của người đàn ông.

Bởi quyền lực ấy đâu cần phải cường điệu hóa bằng cách chồng bắt vợ phải đẻ con trai nối dõi, chồng hạn chế giao thiệp của vợ, can thiệp vào quyết định mua sắm của vợ, hay chồng đánh vợ? Cái cách mà người đàn ông bộc lộ quyền lực đôi khi tế nhị và vô hình như khi họ cầm chiếc remote điều khiển tivi, quyết định việc chọn kênh thông tin, chuyển kênh giải trí của cả người khác. Có ý kiến cho rằng, đàn ông gia đình cầm remote càng lâu, sử dụng càng nhiều sẽ tỉ lệ thuận với sự gia trưởng (đối với các gia đình châu Á) hoặc ham muốn khống chế, làm chủ (trong các gia đình Âu Mỹ), chứ chẳng phải là vì họ có bản năng ham hiểu biết, vì họ cả thèm chóng chán, hay vì họ thích sử dụng máy móc kỹ thuật gì cả.

Thật sự như vậy, bởi rất đơn giản rằng, trong một gia đình có vợ và chồng, dù họ còn son hay họ đùm đề cả con cái lẫn cha mẹ già nữa, thì cũng làm gì có gia đình nào phân công trách nhiệm cho một ai đó nhận nghĩa vụ sử dụng remote, đảm bảo việc chuyển kênh tivi cho cả gia đình xem hàng ngày? Người ta chỉ phân công người lái ô tô, người sửa xe, người lo giặt giũ cơm nước, hoặc thậm chí phân công ngầm người chi tiền cho gia đình, cho con cái, chứ có ai bận tâm tới hoạt động của một chiếc remote chạy pin chỉ nằm lọt trong lòng bàn tay?

Cho nên, bạn có tin rằng, trên thực tế bản chất của chúng ta, quan hệ giữa chúng ta lại bộc lộ ra một cách chính xác hơn, ngay tại những biểu hiện bé nhỏ và vô tình như vậy không?

Chiếc remote nằm trong tay ai, người đó quyền lực nhất trong gia đình.

Có một nghiên cứu của giáo sư David Morley từng đưa ra con số thống kê đầy hàm ý như sau: Phụ nữ, nếu ta coi họ như một khán giả bình đẳng trước tivi như mọi thành viên trong gia đình, cùng với chồng, với người già, với anh chị em ruột và con cái họ, thì khi họ ở vào lứa tuổi 24-39, hoặc cụ thể hơn là với những bà nội trợ, phụ nữ trong gia đình, thì khi tất cả các nghiên cứu viên bất ngờ bước vào các gia đình ấy, họ chưa từng bắt gặp bất kỳ một bà vợ nào đang sử dụng remote. Chiếc remote sẽ nằm trong tay ông bố của họ, ông chồng của họ, thằng con trai của họ, nằm ở trên tay ghế gần người đàn ông nhất, nằm ở trên mặt bàn gần nam giới nhất, cho dù trên tivi đang chiếu bất kỳ kênh gì, hay trong nhà có bao nhiêu cái màn hình ti vi. Còn nếu dựa vào bảng trả lời điều tra của các nghiên cứu viên, thì các bà nội trợ ấy đều nói rằng mình có sử dụng remote để chọn kênh cho mình, nhưng tỉ lệ sử dụng cũng chỉ nằm ở mức 36%, tức là chưa bằng một nửa so với giai đoạn họ chưa kết hôn.

Chỉ số ấy nói gì về sự tự chủ và quyền lựa chọn của một người phụ nữ gia đình? Hay cũng thật “tình cờ”, những nghiên cứu của ngành truyền thông đã phát hiện rằng, chiếc remote âm thầm tượng trưng cho quyền lực trong các gia đình. Và quyền lực đó không thuộc về phụ nữ.

Tôi nhớ, khi trao đổi tới đây, tôi từng tranh cãi với các giáo sư rằng, phụ nữ kết hôn rồi không nhu nhược đi, họ chỉ nhún nhường đi mà thôi. Và hiện tượng “quyền lực remote” không phải là việc phụ nữ bị cướp đoạt quyền, mà thực chất là một cách phụ nữ tự nguyện vứt bỏ quyền của mình. Chúng ta từng hi sinh rất nhiều cho gia đình, đúng không, ví dụ nhan sắc và tuổi trẻ, vóc dáng và cơ hội nghề nghiệp khi chúng ta mang bầu sinh con. Chúng ta cũng đã hi sinh một số thứ vô hình khác để chấp nhận một tư thế làm tình, một quan điểm trang trí nội thất, một thói quen của đàn ông, một áp lực v.v… Và phụ nữ biết chấp nhận, biết thu xếp vẫn là người phụ nữ mạnh mẽ như thường. Không thể nói rằng một cô nàng chỉ thích làm người tình, không thích làm vợ thì sẽ mạnh mẽ hơn một bà nội trợ đẻ ba con. Cũng như không thể nói đàn bà thu nhập cao thì mạnh mẽ và giỏi giang hơn một bà vợ bỏ việc ở nhà cơm nước cho chồng con. Vì thế, càng không thể nói đàn bà từ bỏ một quyền lựa chọn nhỏ nhoi như dùng remote, bỏ kệ cho người khác điều khiển tivi, chấp nhận các kênh mình không thật ưa, thì sẽ là người đàn bà nhu nhược. Nhu nhược đi vì hôn nhân.

Giáo sư cười to và nói, cô đã lấy chồng chưa, tôi hỏi cô, vậy tại sao đàn ông không từ bỏ “quyền lực remote”, trong khi cơ hội hoặc áp lực cho cả hai giới là như nhau, trong môi trường truyền thông và thông tin trong khoảng không nhỏ bé của gia đình? Tại sao lại là phụ nữ, cho dù ai cũng dễ dãi thừa nhận rằng có vẻ đàn bà gia đình xem tivi nhiều hơn, các vệt giờ vàng phim truyền hình vẫn liên tục tăng và rating của chúng vẫn cao? Hay chúng ta chấp nhận một mâu thuẫn hiển nhiên là khá nhiều bà nội trợ ở nhà nên có thời gian điền… form điều tra của các công ty quảng cáo, hoặc một lý do nữa là nhiều phụ nữ đã quá lạc quan khi ở giữa hôn nhân, lờ đi những khó khăn của bản thân mình?

Ví dụ như, các bà vẫn nói rằng họ xem tivi nhiều giờ nhất trong nhà, điều đó cũng đúng, nhưng trong thực tế, họ xem thụ động bởi bị người khác lựa chọn nội dung, họ không được xem thứ mà họ muốn xem.

Một nghiên cứu khác của khoa Nghệ thuật, Đại học Bắc Kinh cũng chỉ ra rằng, phụ nữ độc thân có thu nhập cao chiếm lĩnh cái remote với tỉ lệ khá cao, xấp xỉ 70%. Khi phụ nữ cầm bánh lái của chiếc ô tô, cầm cái remote của tivi, cũng như cầm nắm những quyền lực tài chính lớn, thì dù họ ở trong hay ngoài hôn nhân, họ vẫn có nhiều lựa chọn hơn. Mà lựa chọn, nói thẳng ra chính là một thứ quyền lực của một cá nhân. Không phải là phụ nữ độc thân có nhiều quyền lực và lựa chọn cho bản thân mình hơn hay sao?

Tôi giật mình nghĩ, hóa ra bản thân mình cũng đã từng tự nguyện từ bỏ những điều gì khác trước ngưỡng cửa hôn nhân, mà tôi đã không nhận ra?

2. Từ chiếc remote tới chuyện nhận thức của một phụ nữ

Vợ chồng ít khi tranh nhau cầm remote, hoặc cãi cọ nhau vì chuyển kênh, bởi sẽ tìm được một thỏa thuận chung, nhưng ngay cả trong thỏa thuận đó, phụ nữ nằm ở thế mạnh hay thế yếu?

Nhận thức của một người phụ nữ được hình thành bởi trình độ học vấn, hoàn cảnh sống, xuất thân gia đình. Những tiêu chuẩn ấy thuộc về “kỹ năng mềm” và khó có tiêu chí tới mức, có thể cùng một ứng xử, như hiện tượng chậm chồng, người này (hoặc nhóm phụ nữ này) cho đó là kiêu hãnh và tiến bộ, người khác cho đó là kiêu căng, chảnh, ế. Cùng một hiện tượng sinh con thứ ba (tại Việt Nam), nhóm phụ nữ này gọi đó là sự hi sinh hoặc hạnh phúc làm mẹ, nhóm khác gọi đó là sự ngu muội bất lực của một cái máy đẻ.

Thực chất, nhận thức của một người phụ nữ về các vấn đề của cuộc sống đã khác biệt như thế, nhận thức của họ về bản thân mình càng nhiều chênh lệch hơn, bao gồm nhìn nhận về quyền của mình, trách nhiệm của mình, lý do của mình, và những gì mình cần. Trong thế giới của phụ nữ đã kết hôn, chúng ta đã đánh mất những điều gì mà chúng ta cứ tưởng đang được nhận?

Có một câu chuyện vui nhưng có thật trên một mạng tư vấn chứng khoán của Mỹ như sau, một chân dài cứ băn khoăn đi hỏi rằng, làm cách nào cưới được một đại gia, vì tôi chỉ xứng đáng với họ, làm vợ họ, trở thành mệnh phụ phu nhân. Nhan sắc của tôi xứng đáng với tài sản của đại gia, và trong hôn nhân chúng ta sẽ xứng với nhau.

Đại gia bèn reply (hồi âm trên forum) rằng, nhan sắc của chân dài đúng là một tài sản lớn, nhưng không xứng đáng với tiền của tôi. Bởi nếu coi nhan sắc của cô là một tài sản, thì nó đang ngày càng mất giá, mất giá trầm trọng, mà không hề sinh lời chút nào. Cô chỉ già đi theo thời gian thôi, chứ đâu có xinh đẹp hơn? Trong khi tiền của tôi luôn luôn sinh lời, càng ngày càng có lãi khi tôi đầu tư. Vậy, cô chỉ xứng làm gái bao, làm tình nhân một thời gian ngắn mà thôi, cho đến khi nhan sắc của cô… hết khấu hao tài sản!

Số đông các bà nội trợ chúng ta còn ảo tưởng hơn chân dài ấy. Chúng ta tưởng được nhận quá nhiều từ hôn nhân, được nhận tình yêu hạnh phúc và một người đàn ông cùng một gia đình, mà không nhận ra phần vốn góp của mình luôn lớn hơn “đối tác”, đâu phải chỉ là tình yêu, là cuộc sống, mà đôi khi còn tự từ bỏ những quyền lực vô hình mà chúng ta xứng đáng được hưởng.

Tôi có một người bạn, sau khi li hôn cay đắng thú nhận, đàn bà chỉ lãi được đứa con. Đó là sau khi đã giành giật chán chê, đấu võ mồm lẫn giở thủ đoạn mà ông chồng cũ gọi là “thủ đoạn hèn hạ, đòn tâm lý chiến, khổ nhục kế”.

Tôi nói, dẫu sao lần lựa chọn này, chị đã thành công, bởi chị không nhường nhịn chồng. Tôi định buột mồm nói rõ là “không nhường nhịn chồng như khi cầm tới cái remote điều khiển ti vi trước đây”, nhưng lại sợ nói thế, người đàn bà sau hôn nhân sẽ không thể hiểu. So sánh đứa con với cái remote thực là khập khiễng, nhất là khi đâu phải ai cũng xem xét mọi khía cạnh cuộc sống từ góc độ quyền lợi của một phụ nữ? Phụ nữ, nhất là phụ nữ Việt Nam thì ai thèm quan tâm họ mất gì được gì khi vẫn còn sống cạnh chồng, giữa gia đình? Thậm chí báo chí trong nước vẫn còn đang tán dương và nêu gương những người “ba đảm đang, hi sinh vì chồng con” cơ mà, trong khi nực cười là một mặt khác, báo chí vẫn đúng hẹn 20/10 hàng năm kêu gào đòi bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ Việt?

Quay lại câu chuyện phụ nữ “quên” dùng remote, khi ở cạnh chồng con.

Phụ nữ cứ cho là kẻ mạnh trong gia đình đi, bạn nhé, cứ cho là họ không hề nhường nhịn, họ chỉ không thèm cầm cái remote lên mà thôi, thì cũng chỉ bởi lúc đó tay họ đang… bận rộn với bát đĩa, khăn lau (phục vụ gia đình), hay kem dưỡng da (bởi nguyên nhân sâu xa từ yêu cầu thẩm mỹ của giới đàn ông) nên tay họ chẳng để không, như chồng, mà cầm remote. Và như thế, thì dù họ ở thế mạnh, họ chẳng cần cầm remote, họ chỉ cần dùng lời nói ra lệnh cho đức ông chồng thừa hành, thì họ vẫn vô tình bị cuốn vào một thế giới mà giá trị quan của người đàn ông làm chủ đạo, họ đang bị bất công bởi ít thời gian rảnh hơn ông chồng. Và một lô những lý lẽ khác mà chúng ta có thể giải thích bằng lý thuyết của lĩnh vực truyền thông, bằng lý lẽ bình đẳng giới, nhưng chúng ta lại chẳng thể biện minh trong cuộc sống gia đình.

Tiêu tiền cũng phải học

Khôn ngoan mới biết vung tay quá trán

Nghèo như vợ chồng bạn tôi, lấy nhau xong hai năm trời vẫn đi ở nhà thuê, cơm nước lọ mọ trong hai mét vuông bếp, điện nước chung với chủ nhà, chưa dám có con vì sợ chủ nhà hơi tí thì đuổi. Và lương tăng không bằng thị trường đang tăng giá gạo nước điện xăng vù vù. Giấc mơ căn nhà riêng xa tít tắp… Lương tiền triệu, làm sao để mua căn nhà tiền tỷ?

 

Câu chuyện vợ chồng bạn tôi không phải ngoại lệ, có hàng ngàn hàng vạn cặp vợ chồng mới cưới đã tần ngần đứng giữa thành phố lớn, tần ngần trước giấc mơ một chốn riêng để đi về và ấm cúng.

Tiêu nhiều hơn số tiền có trong ví là cách chắc chắn nhất để… nghèo, chẳng thế, các cụ vẫn chê con cháu “bóc ngắn cắn dài” hoặc nhẹ nhàng hơn thì trách yêu “vung tay quá trán” để chỉ loại người tiêu hoang, mua sắm tràn lan vượt quá khả năng bản thân, tóm lại là người không biết cách giữ tiền.

Tôi lại nghĩ người biết vung tay quá trán mới là người khôn ngoan, hiểu về tiền. Nhất là với một phụ nữ nắm giữ ví tiền chung của cả đại gia đình, buộc phải toan tính về tương lai lâu dài của cả nhà, chứ không chỉ hài lòng với nồi cơm đầy, buổi chợ no của hiện tại. Cô ấy buộc phải tính xem, trong cái ví tiền mà mình đang nắm, tờ tiền nào dành để nuôi mình, tờ tiền nào dành để nuôi con, và tờ tiền nào dành để mua sắm. Nếu không vung tay quá trán, họ khó lòng làm việc lớn.

Thế nhưng, tôi vừa đọc một lời khuyên của chuyên gia tài chính trên một trang báo phụ nữ, khuyên các nhà đầu tư nữ chỉ nên “vung tay” trong khoảng 10% thu nhập. Thực chất, đó là việc chỉ dành ra 10% thu nhập để đầu tư vào chứng khoán, kinh doanh, tránh rủi ro, vỡ nợ. Lời khuyên có vẻ hợp lý khi vô số bà nội trợ đã tích lũy của cải bằng cách vay tiền ngân hàng đổ vào chứng khoán, những khoản đầu tư lớn hơn tổng tài sản và thu nhập của họ nhiều lần.

Ở các nước phát triển, tôi thấy “tỉ lệ vàng” trong chi tiêu của phụ nữ – bất kể đã có chồng con hay còn độc thân – lý tưởng ở mức tích lũy (hoặc đầu tư kinh doanh sinh lời) 30% thu nhập, chi tiêu ăn ở sinh hoạt phí 30% thu nhập, và 40% để mua sắm, làm đẹp.

Rõ ràng, phụ nữ Việt Nam nghèo hơn và thiệt thòi hơn nhiều so với phụ nữ nước khác.

Nhưng phụ nữ Việt Nam cũng vẫn cần mua nhà, mua xe, thậm chí rất nhiều ông chồng Việt Nam không tự lo được việc mua sắm tài sản lớn ấy, mà bắt vợ phải chia sẻ gánh nặng tích lũy tương lai, bắt vợ hy sinh những phần trăm chi tiêu chăm sóc bản thân để chuyển thành… tiền nuôi gia đình.

Chứng tỏ đàn ông Việt Nam cũng nghèo.

Nghèo như vợ chồng bạn tôi, lấy nhau xong hai năm trời vẫn đi ở nhà thuê, cơm nước lọ mọ trong hai mét vuông bếp, điện nước chung với chủ nhà, chưa dám có con vì sợ chủ nhà hơi tí thì đuổi. Và lương tăng không bằng thị trường đang tăng giá gạo nước điện xăng vù vù. Tổng cộng lương hai vợ chồng hơn mười triệu, thì đã mất ba triệu rưỡi cho căn nhà nhỏ, mang tiếng là quận nội đô nhưng đường xa sát bìa ngoại thành, cứ mưa là ngập, nắng lại tắc đường. Giấc mơ căn nhà riêng xa tít tắp.

Tôi xui, các cậu phải mua nhà. Hai bạn trợn mắt lên nhìn tôi, nói, tiền ăn chỉ tạm đủ, tiền mua nhà lấy đâu ra, một núi tiền, mảnh đất bé xíu giấy tờ trao tay cũng vài trăm triệu, căn hộ chung cư vừa cũ vừa chật cũng ngót nửa tỷ, mà xem chừng giá bất động sản chỉ có lên chứ không có xuống.

Tôi làm một phép tính đơn giản, nói, càng nghèo càng phải tính toán để dám vung tay quá trán. Bây giờ các cậu thuê nhà một năm đã mất đứt bốn mươi hai triệu đồng, đúng không? Vậy các cậu xem trong vòng mười năm nữa, liệu thu nhập của các cậu có đủ để tự dưng có tiền tỷ đi mua nhà không? Chắc chắn là không chứ gì! Mà mười năm nữa, tiền thuê nhà của các cậu đã mất trắng bốn trăm hai mươi triệu đồng. Nếu cậu vay tiền mua đất, thì sau mười năm, cậu sở hữu miếng đất nửa tỷ, chỉ cách đây có năm trăm mét, dù mang tiếng ở ngoại ô. Còn nếu cậu không chịu đi vay tiền, không chịu đi thêm năm trăm mét đường ra ngoại thành nữa, cậu cứ “liệu cơm gắp mắm” kiểu này, bám lấy nội đô bằng mọi giá, thì sau mười năm nữa, bốn trăm hai mươi triệu đồng ấy chỉ rót vào túi bà chủ trọ thôi, chứ hai vợ chồng cậu vẫn trắng tay không tấc đất cắm dùi. Căn nhà này vẫn là căn nhà của người khác. Các cậu không hiểu sao?

Hai vợ chồng ngồi thừ ra, nhìn nhau.

Tôi nói, quan trọng hơn là lúc đó, cậu đã sở hữu mảnh đất hoặc căn hộ cũ được mười năm rồi, trong mười năm ấy, cậu đã yên tâm ổn định làm việc, yên tâm sinh con, yên tâm đặt những kế hoạch phát triển lâu dài cho sự nghiệp, chắc chắn công việc và thu nhập phải tốt hơn là các cậu cứ sống nhấp nhổm trong nhà người khác như hiện tại!

Thực chất, các cậu đã biến khoản tiền thuê nhà – với tính chất là một khoản tiền phải chi tiêu, trở thành tiền mua nhà – tức là biến thành khoản tiền đầu tư cho tương lai. Và bản chất của tài chính trong gia đình là, khi ta chi tiêu thì  tiền mất đi, còn khi ta đầu tư thì tức là tiền đang quay vòng, đang tích lũy,  hoặc đang sinh lời. Các cậu thử tìm hiểu sự hỗ trợ từ các chương trình tín dụng cho vay để mua nhà ở các ngân hàng xem, đi vay tiền ngân hàng để mua bất động sản là giải pháp khá phù hợp với các gia đình trẻ.

Hai vợ chồng bạn tôi nhìn tôi, rồi lại nhìn nhau. Như thể sau khi trò chuyện, họ cảm thấy căn phòng riêng, căn nhà riêng đã gần tầm tay hơn rất nhiều. Hoặc giả một con tính nhỏ làm họ can đảm mạnh mẽ hẳn lên, cảm thấy tự tin khi nghĩ đến việc phải thu xếp tương lai theo một cách khác.

Đó là cách vung tay quá trán, hoặc nói khó nghe hơn là cách “bóc ngắn cắn dài”.

Nhưng người khôn ngoan sẽ biết, lúc nào họ có thể biến những nguy cơ ấy thành cơ hội của bản thân. Dù tôi không phải chuyên gia kinh tế, tôi chỉ đơn giản là làm một phép tính nhân giúp bạn bè, mà thôi.

Bài đăng trên Lửa Ấm số 3, phát hành hôm nay 6/9/2010

Đàn bà đích thực